.

DỰ THẢO ĐỀ ÁN ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2014

B. QUẬN THANH KHÊ

Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.

I. KHU DÂN CƯ SƯ Đoàn 372 VÀ NHÀ MÁY A32 (Sơ đồ số 11): 10 đường.

1. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường Tân Hòa 1 (đường dự kiến đặt đợt này), điểm cuối là tường rào quân đội : Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 465m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: ĐỖ ĐỨC DỤC

ĐỖ ĐỨC DỤC (1915 - 1993)

Ông còn có bút danh Trọng Đức, Tảo Hoài, Như Hà; quê ở xóm Trung, làng Xuân Tảo, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông, nay thuộc phường Xuân Đỉnh, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Xuất thân trong một gia đình Nho học, sau khi đỗ Tú tài, ông trở thành sinh viên Trường Luật Đông Dương (khóa 1935-1838). Tốt nghiệp Luật khoa, ông lần lượt giảng dạy tại các Trường Trung học Gia Long (Hà Nội), Thuận An (Vinh). Năm 1942, ông cộng tác với Tạp chí Thanh Nghị (do Vũ Đình Hòe làm Chủ nhiệm) và chính thức bắt đầu sự nghiệp báo chí. Ông phụ trách chuyên mục “Việc quốc tế” và sau đó với vai trò là Chủ bút.

Từ một trí thức có tư tưởng cấp tiến, ông đã đến với cách mạng. Ông tham gia viết bài cho báo Độc lập (do Dương Đức Hiền làm Chủ nhiệm). Sau năm 1945, ông giữ chức Phó Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Việt Nam. Tháng 4-1945, ông được cử vào Đoàn Đại biểu của Đảng Dân chủ Việt Nam đi dự Đại hội quốc dân tại Tân Trào.

Năm 1946, ông được bầu làm Đại biểu Quốc hội khóa I và cũng trong thời gian này ông được cử giữ chức Thứ trưởng Bộ Giáo dục và là thành viên của Đoàn Đại biểu Quốc hội nước ta thăm Cộng hòa Pháp. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ, ông cùng tổ chức lên chiến khu và tiếp tục đảm nhiệm các trọng trách: Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Liên Việt (1950-1955); Giám đốc Trường viết báo Huỳnh Thúc Kháng (1949); Chủ nhiệm báo Độc lập (1950-1958).

Sau năm 1954, ông về công tác tại Hà Nội và lần lượt đảm nhiệm các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Văn hóa; Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Xô. Năm 1960, ông trở thành chuyên viên nghiên cứu văn học phương Tây tại Viện Văn học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội (nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam).

Ông là một nhà trí thức cách mạng, nhà báo, nhà lý luận, nhà dịch thuật xuất sắc, nhà nghiên cứu văn học Việt Nam và văn học Pháp tiêu biểu.

Những tác phẩm tiêu biểu của ông, như: H.Balzac - một bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực (1966); Chủ nghĩa hiện thực phê phán trong văn học phương Tây (1981); Trước ngôi nhà sàn của Bác Hồ (1985); Về chủ nghĩa hiện thực thời đại Nguyễn Du (1989); Hành trình văn học (tái bản 2003); Truyện ngắn chọn lọc (G.Mopatxăng, dịch, 1960); Vỡ mộng (bút danh Trọng Đức, dịch của Balzac, 1964, tái bản 2001); Miếng da lừa (bút danh Trọng Đức, dịch của Balzac, 1973, tái bản 1985, 2001)… Một số bài báo có tiếng vang lớn, như: Giải thích bản Hiệp định sơ bộ Việt - Pháp (Độc lập, số 94 đến 99, 102 đến 104, năm 1946); Ba năm dân chủ (Độc lập, số 2, 1948); Quan hệ giữa chính trị và chuyên môn (Độc lập, số 11-12, 1949); Mặt trận nhân dân trong cách mạng dân chủ mới Việt Nam (Độc lập, số 14, 1949); Nhiệm vụ và triển vọng của Mặt trận Dân tộc thống nhất (Độc lập, số 19-20, 1950); Đảng Dân chủ Việt Nam phải làm gì trong giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công (Độc lập, số 23, 1950); Người trí thức trong cuộc thống nhất văn hóa tư tưởng giữa hai miền (Độc lập, số 1088, 1976); Thanh niên trí thức Việt Nam đi vào cuộc Cách mạng tháng Tám như thế nào (Hồi ký, Tạp chí Xưa và Nay, số 9, 1995)…

Ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2001.

* Tài liệu tham khảo chính: Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004.

2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Tân Hòa 1, điểm cuối là đường Tân Hòa 4 (02 đường dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 385m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2m.

- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN HỮU THẬN

NGUYỄN HỮU THẬN (1757 - 1831)

Ông có tên tự là Chân Nguyên, quê ở làng Đại Hòa, huyện Hải Lăng, phủ Triệu Phong, nay thuộc xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Khoảng năm 1786, ông ra giúp nhà Tây Sơn và được thăng đến chức Hữu Thị lang Bộ Hộ. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, năm 1802, ông phải ra làm việc dưới triều vua Gia Long. Buổi đầu, ông làm Chế cáo ở Viện Hàn lâm, rồi làm Thiêm sự ở Bộ Lại, ít lâu sau ra làm Cai bạ ở Quảng Nghĩa (Quảng Ngãi ngày nay). Năm 1809, ông về triều nhậm chức Hữu Tham tri Bộ Lại, vài tháng sau được cử làm Chánh sứ cùng với hai Phó sứ Lê Đắc Tần và Ngô Thì Vị sang Trung Quốc. Thời gian ở Bắc Kinh, ông lưu tâm tìm mua được nhiều sách quý về lịch số và toán học.

Năm 1811, sau khi đi sứ về, ông chuyển qua làm Hữu Tham tri Bộ Hộ. Năm 1812, ông làm Phó quản lý Khâm Thiên giám, sau đó triều đình điều ông ra làm Hộ tào Bắc Thành (1816), ít lâu sau lại trở về triều làm Thượng thư Bộ Lại, nên được người dân gọi là “ông Thượng Đại Hòa”.

Năm Canh Thìn (1820), Minh Mạng lên ngôi, ông được bổ làm Thượng thư Bộ Hộ, trông coi việc ở Khâm Thiên giám và gia công biên soạn các sách về lịch số và toán học.

Các tác phẩm chính của ông, gồm: Tam thiên tự lịch đại văn chú (Ba nghìn chữ chú giải văn chương các đời - dịch sách Trung Quốc), Bách ti chức chế (Nói về nhiệm vụ và thể chế các ti các sở của triều Nguyễn) biên tập chung với nhiều người…

* Tài liệu tham khảo chính:

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

- Tên đường thành phố Huế, Cổng thông tin điện tử thành phố Huế.

3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Tân Hòa 1 (đường dự kiến đặt đợt này), điểm cuối là đường nội bộ khu quân đội A32: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 830m, có đoạn 7,5m và 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng có đoạn 6m +3m; 4,5m + 3m và 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHẠM NGỌC MẬU

PHẠM NGỌC MẬU (1919 - 1993)

Ông có tên thật Phạm Ngọc Quyết, quê ở xã Thượng Hiền, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Ông tham gia cách mạng từ năm 1938; nhập ngũ năm 1945 và là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1939.

Tháng 9-1940, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù khổ sai và đày đi Sơn La. Tháng 3-1945, ông trốn tù về hoạt động ở tỉnh Sơn Tây, được chỉ định vào Ban Cán sự tỉnh. Tháng 8-1945, ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa ở Sơn Tây, rồi làm Phó Chủ tịch kiêm Ủy viên Quân sự tỉnh Sơn Tây. Tháng 12-1945, ông làm Khu phó Khu II; sang năm 1946, ông làm Chính ủy Khu I, đến năm 1948, ông là Chính ủy Trung đoàn 121.  

Năm 1949, ông làm Chính ủy Trung đoàn 246 bảo vệ căn cứ địa Trung ương. Năm 1951-1953, ông làm Phó Chính ủy rồi Chính ủy Đại đoàn 351. Năm 19 54, ông là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn 305. Sau đó, làm Chủ nhiệm Chính trị rồi Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Pháo binh (1955). Năm 1957, ông là Cục trưởng Cục điều động đề bạt Tổng cục cán bộ. Năm 1959, là Cục trưởng Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị.

Từ năm 1961-1988, ông là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và được phong quân hàm Thượng tướng năm 1986; Đại biểu Quốc hội khóa III.

Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Hồ Chí Minh, ba Huân chương Quân công (2 hạng Nhất, 1 hạng Ba), Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...

* Tài liệu tham khảo chính: Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam, NXB Quân đội nhân dân, 1996.

4. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phạm Ngọc Mậu (đường dự kiến đặt đợt này), điểm cuối là đường nội bộ khu quân đội A32: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 445m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.

- Đề nghị đặt tên đường: PHAN XÍCH LONG

PHAN XÍCH LONG (1893 - 1916)

Ông tên thật là Phan Phát Sanh, quê ở ở Chợ Lớn, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Vào khoảng năm 1911, lúc mới 18 tuổi, ông được các chí sĩ, như: Nguyễn Hữu Trí, Trương Phước, Nguyễn Màng, Huỳnh Văn Khanh, Nguyễn Văn Hiệp… tôn làm lãnh tụ tổ chức Hội kín, ủng hộ Cường Để, hô hào khởi nghĩa chống Pháp. Để thu hút được đông đảo hội viên, kế tục phong trào yêu nước Cần Vương, ông chủ trương lấy danh nghĩa con vua Hàm Nghi, tự phong mình là “Đông cung”, rồi tôn là “Phan Xích Long hoàng đế”, về vùng Thất Sơn ở biên giới Tây Nam lập căn cứ địa, in truyền đơn rải khắp các chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định… kêu gọi nhân dân đứng lên chống thực dân Pháp. Công việc bị bại lộ, ông bị giặc Pháp bắt tại Phan Thiết rồi đưa ra tòa kết án cùng với các chí sĩ là Nguyễn Tri, Nguyễn Hiệp, Nguyễn Màng, Nguyễn Ngọ, Trương Phước.  

Năm 1916, nhân vụ Pháp bại trận trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các tổ chức yêu nước tìm cách phá ngục cứu ông. Nhưng bị thực dân Pháp thẳng tay khủng bố và giết chết nhiều chí sĩ và thường dân. Sau khi đưa ra tòa, ông bị kết tội tử hình và bị xử bắn tại Đồng Tập Trận.  

Biến cố này được các sử gia gọi là “Quái kịch xích long ở Nam Kỳ” và cũng là một trang sử hào hùng trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

- Cổng thông tin điện tử Văn chương Việt.

5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đỗ Đức Dục, điểm cuối là đường Phạm Ngọc Mậu (02 đường dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 80m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÂN HÒA 1

Địa danh Tân Hòa hình thành từ khá sớm, cùng với làng An Khê cách đây khoảng 300 năm. Cuối thế kỷ 19, xóm Tân Hòa cùng với Tân An của làng Phước Tường thuộc tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang hợp thành xã Hòa Thắng, sau đổi thành Hòa An. Năm 1997 sau khi chia tách địa giới hành chính, Tân Hòa được nhập từ Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) về phường An Khê (quận Thanh Khê).

6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đỗ Đức Dục, điểm cuối là đường Phạm Ngọc Mậu (02 đường dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 80m, rộng có đoạn 15m và có đoạn 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng có đoạn 1m và có đoạn 2m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÂN HÒA 2

7. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đỗ Đức Dục, điểm cuối là đường Phạm Ngọc Mậu (02 đường dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 80m, rộng có đoạn 15m và có đoạn 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng có đoạn 1m và có đoạn 2m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÂN HÒA 3

8. Đoạn đường có điểm đầu là đường Đỗ Đức Dục, điểm cuối là đường Phạm Ngọc Mậu (02 đường dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 80m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m+2m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÂN HÒA 4

9. Đoạn đường có điểm đầu là tường rào quân đội, điểm cuối là đường Phạm Ngọc Mậu (đường dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 110m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường:  TÂN HÒA 5

10. Đoạn đường có điểm đầu là tường rào quân đội, điểm cuối là đường Phạm Ngọc Mậu (đường dự kiến đặt đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 90m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.

- Đề nghị đặt tên đường: TÂN HÒA 4

;
.
.
.
.
.