D. QUẬN NGŨ HÀNH SƠN
Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn quận đầy đủ.
I. KHU TÁI ĐỊNH CƯ XƯỞNG 38 VÀ 387 (Sơ đồ số 18): 01 đường.
1. Đoạn đường có điểm đầu là đường An Thượng 29, điểm cuối là khu dân cư: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 175m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.
- Đề nghị đặt tiếp tên đường: AN THƯỢNG 29
II. KHU TÁI ĐỊNH CƯ DBC (Sơ đồ số 19): 02 đường.
1. Đoạn đường có điểm đầu là khu dân cư, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 1: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 140m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 5
2. Đoạn đường có điểm đầu là khu dân cư, điểm cuối là đường Khuê Mỹ Đông 1: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 140m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ MỸ ĐÔNG 6
III. KHU DÂN CƯ NAM TIÊN SƠN MỞ RỘNG (Sơ đồ số 20): 01 đường
1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Văn Hiến, điểm cuối là đường Chương Dương: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 640m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng có đoạn 10m và có đoạn 4,5m.
- Đề nghị đặt tên đường: ĐẢO ĐÁ BẮC
Đảo Đá Bắc là một rạn san hô vòng thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa. Đá Bắc nằm cách đảo Hoàng Sa thuộc khu trung tâm nhóm Lưỡi Liềm khoảng 34 hải lý, cách đảo Phú Lâm thuộc khu trung tâm nhóm An Vĩnh khoảng 50 hải lý và là điểm cực Bắc của cả quần đảo.
* Tài liệu tham khảo chính: “Kỷ yếu Hoàng Sa” do UBND huyện Hoàng Sa biên soạn, NXB Thông tin và Truyền thông, 2014.
IV. KHU DÂN CƯ TTHC QUẬN NGŨ HÀNH SƠN VÀ PHÂN KHU X1, X2, X4 (Sơ đồ số 21): 04 đường.
1. Đoạn đường có điểm đầu là đường An Bắc 2, điểm cuối là đường An Bắc 3: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 145m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: AN BẮC 4
2. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường 11,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Khuê Bắc 3 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 175m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ BẮC 1
Trước kia Khuê Bắc là một ấp của làng Hóa Quê Đông (Hóa Quê Đông gồm 5 ấp: Hóa Quê Bắc, Hóa Quê Nam, Hóa Quê Trung Lương, Hóa Quê Bình Thuận và Hóa Quê Trung Tây). Đến thời Bảo Đại, Hóa Khuê Bắc được gọi tắt là Khuê Bắc, gồm 3 ấp Sơn Thủy, Nước Mặn, Bà Đa. Nay, Khuê Bắc thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn.
3. Đoạn đường có điểm đầu là đường 11,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Khuê Bắc 1 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 80m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ BẮC 2
4. Đoạn đường có điểm đầu là đường 11,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Khuê Bắc 1 (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 80m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: KHUÊ BẮC 3
V. KHU DÂN CƯ CÁN BỘ, CÔNG CHỨC (Sơ đồ số 22): 01 đường.
1. Đoạn đường có hình chữ U, có điểm đầu và điểm cuối là đường Sơn Thủy 1: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 170m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: SƠN THỦY 12
VI. KHU ĐÔ THỊ HÒA HẢI H1-3 (Sơ đồ số 23): 02 đường.
1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Trường Sa, điểm cuối là đường Lê Văn Hiến: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 600m, rộng 15m; vỉa hè mỗi bên rộng 9m.
- Đề nghị đặt tên đường: ĐẢO PHÚ LÂM
Đảo Phú Lâm là một trong hai đảo lớn nhất thuộc nhóm đảo An Vĩnh, là đảo quan trọng nhất của nhóm đảo An Vĩnh và quần đảo Hoàng Sa, là đảo duy nhất từ xa có thể nhìn thấy được. Đảo có chiều dài 1,7km, chiều ngang 1,2km.
* Tài liệu tham khảo chính: “Kỷ yếu Hoàng Sa” do UBND huyện Hoàng Sa biên soạn, NXB Thông tin và Truyền thông, 2014.
2. Đoạn đường có điểm đầu là đường 15m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 320m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: ĐẢO HỮU NHẬT
Đảo Hữu Nhật là một đảo san hô thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa. Đảo mang tên Đội trưởng của một suất đội Thủy quân triều Nguyễn được vua Minh Mạng phái ra Hoàng Sa đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, dựng bia chủ quyền của Việt Nam. Đảo Hữu Nhật nằm về phía Nam và cách đảo Hoàng Sa 3 hải lý, dáng đảo hình tròn, đường kính 800m, độ cao 8m, diện tích 0,6km2, có vành đai san hô bao ngoài, giữa là vùng biển lặng.
* Tài liệu tham khảo chính: “Kỷ yếu Hoàng Sa” do UBND huyện Hoàng Sa biên soạn, NXB Thông tin và Truyền thông, 2014.
VII. KHU ĐÔ THỊ TÂY NAM SÔNG CỔ CÒ (Sơ đồ số 24): 07 đường.
1. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 315m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: VŨ HỮU LỢI
VŨ HỮU LỢI (1836 – 1887)
Ông còn có tên là Võ Hữu Lợi, tên thật là Vũ Ngọc Tuân, quê ở xã Giao Cù, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.
Năm 1870, ông đỗ Cử nhân, đến năm 1875, ông đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, tục gọi là ông Nghè Giao Cù (vì quê ông ở làng Giao Cù), sau đó được bổ chức Quang lộc tự Thiếu khanh rồi thăng Tả lý bộ Binh. Năm 1881, ông được bổ làm Thương biện tỉnh Nam Định. Sau khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông bỏ quan về tham gia khởi nghĩa cùng Nguyễn Quang Bích và các sĩ phu yêu nước trong phong trào Cần Vương chống Pháp.
Năm 1883, giặc Pháp đánh thành Nam Định lần thứ hai, ông lĩnh một đội quân đóng ở phía Nam bến Đò Quan, trực tiếp cản giặc và làm tiêu hao sức chiến đấu của chúng. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, các văn thân yêu nước đã liên tục tổ chức chiến đấu chống Pháp. Ngay tại quê nhà, ông chiêu mộ được gần 2.000 binh sĩ, mở nhiều xưởng rèn, đúc vũ khí suốt ngày đêm. Ba gian nhà người cậu ruột Bùi Văn Đức trở thành cơ quan đầu não. Các sĩ phu yêu nước quanh vùng tự nguyện đến tham gia rất đông. Nghĩa quân chủ động tổ chức đánh địch nhiều trận. Ít lâu sau, ông bị Tổng đốc Nam Định và là bạn học của ông là Võ Văn Báo lừa bắt đem nộp cho giặc Pháp và đem ra xử bắn tại chợ Nam Định.
Các học trò cũ của ông có Đinh Quang Nhường tiếp tục chỉ huy nghĩa quân, sau bắt được Võ Văn Báo đem đốt sống để trả thù cho ông.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Từ điển Bách khoa Việt Nam, tập 4, trang 931, NXB Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2005.
- Cổng thông tin điện tử Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Nam Định.
2. Đoạn đường có điểm đầu là đường 7,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 250m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: VÙNG TRUNG 6
3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vùng Trung 6, điểm cuối là đường Vũ Hữu Lợi (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 100m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: VÙNG TRUNG 7
4. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vùng Trung 6, điểm cuối là đường Vũ Hữu Lợi (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 110m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: VÙNG TRUNG 8
5. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vùng Trung 11 (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 140m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: VÙNG TRUNG 9
6. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vùng Trung 11 (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 140m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m + 5m.
- Đề nghị đặt tên đường: VÙNG TRUNG 10
7. Đoạn đường có điểm đầu là đường Vũ Hữu Lợi (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 175m, bề rộng có đoạn 7,5m và có đoạn 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng có đoạn 4m + 3m và có đoạn 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: VÙNG TRUNG 11
VIII. KHU DÂN CƯ THU NHẬP THẤP ĐÔNG TRÀ (Sơ đồ số 25): 07 đường.
1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ Văn Đặng, điểm cuối là đường Lưu Đình Chất (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 175m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.
- Đề nghị đặt tiếp tên đường: VÕ VĂN ĐẶNG
2. Đoạn đường có điểm đầu là đường Võ Chí Công, điểm cuối là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 580m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.
- Đề nghị đặt tên đường: HUỲNH LẮM
HUỲNH LẮM (1912 – 2002)
Ông còn có bí danh là Bách, quê ở thị xã Hội An (nay là thành phố Hội An), tỉnh Quảng Nam.
Năm 1929, ông tham gia vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1930, ông là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam và được bổ sung vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, trực tiếp phụ trách Hội An.
Năm 1940, ông bị địch bắt đưa đi “an trí” tại Trà Khê (tỉnh Kon Tum). Năm 1945, ông ra tù và về lại Hội An tiếp tục vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ Mặt trận Việt Minh, chuẩn bị điều kiện cho khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.
Năm 1947-1948, ông được phân công làm Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nam. Năm 1949-1950, ông được điều động vào làm Trưởng ty Công an tỉnh Bình Định. Năm 1951, ông là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Liên khu 5 kiêm Công tố Ủy viên Tòa án nhân dân Liên khu 5; đến năm 1955, ông là Ủy viên Thường trực Ban quan hệ Bắc Nam (sau này là Ban Thống nhất Trung ương).
Từ năm 1958-1959, ông là Ủy viên Đảng đoàn, Công tố Ủy viên Viện Công tố Trung ương. Năm 1960-1973, ông là Kiểm sát viên cao cấp, Ủy viên Ủy ban Kiểm sát, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát điều tra, rồi Vụ Kiểm sát hình sự Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; sau đó là Ủy viên Đảng đoàn, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huy hiệu 60, 50, 40 năm tuổi Đảng.
* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 1, NXB Đà Nẵng, 2010.
3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Huỳnh Lắm (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 380m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.
- Đề nghị điều chỉnh và đặt tên đường: THÍCH PHƯỚC HUỆ
Đường Thích Phước Huệ đã được đặt tại quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 107-2010-NQ-HĐND ngày 3-12-2010 của Hội đồng nhân dân thành phố khóa VIII, kỳ họp thứ 17, tháng 12 năm 2010.
4. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 430m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.
- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN TRỌNG HỢP
NGUYỄN TRỌNG HỢP (1834 - 1902)
Ông còn có tên là Nguyễn Huyên, tự là Trọng Hợp, hiệu là Kim Giang, biệt hiệu Quế Bình; quê ở làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Đại Kim, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Năm Mậu Ngọ (1858), ông đi thi Hương và đậu Cử nhân. Đến khoa thi Ất Sửu (1865), ông thi đậu Tiến sĩ, được bổ làm Tu soạn ở Viện tập hiền, rồi chuyển ra làm Tri phủ Xuân Trường. Một thời gian sau lại được triệu vào kinh làm Thị độc ở nội các. Có những năm ông làm Quyền lãnh phủ Doãn phủ Thừa Thiên.
Năm Quý Dậu (1873), ông được điều ra làm Tuần phủ Hà Nội cùng với Trần Đình Túc lo việc điều đình với quân Pháp về vấn đề Bắc Kỳ. Năm Quý Mùi (1883), ông được điều vào triều giữ chức Thự lại bộ Thượng thư. Năm Mậu Tý (1888), được thăng Thự văn minh điện Đại học sĩ, Cơ mật viện đại thần, Bắc Kỳ kinh lược sứ…
Ông có thời gian làm Tổng tài Quốc sử quán kiêm Quản Khâm thiên giám. Năm Giáp Ngọ (1894), ông đi sứ sang Paris. Năm 1896, ông viện cớ và xin trí sĩ. Vua Thành Thái muốn giữ nhưng ông quyết xin về nghỉ và được tặng hàm Thái tử Thái bảo, tước Vĩnh Trung tử.
Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực, nhưng cống hiến đáng trân trọng nhất của ông là về mặt văn hóa. Ngoài những bộ Chính sử của triều đình nhà Nguyễn mà ông làm Tổng tài như: Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam thực lục chính biên (đệ tứ kỷ), Đại Nam chính biên liệt truyện sơ tập; ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm như: Thanh Trì Nguyễn Thị thế phả, Kim Giang thi văn tập, Kim Giang thi tập, Tây Sà thi tập, Nhật lịch ước biên, Kim Giang Nguyễn tướng công nhật lịch tùy ký, và ông cũng còn viết lời đề tựa các sách Đại Việt địa dư toàn biên, Giá Viên thi văn tập...
* Tài liệu tham khảo chính: Bách khoa toàn thư Hà Nội, tập 1-Lịch sử, NXB Văn hóa Thông tin và VNCVPBKTBK, 2009.
5. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Nguyễn Trọng Hợp (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 365m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN TUYỂN
NGUYỄN TUYỂN (? - ?)
Ông quê ở làng Ninh Xá, phủ Nam Sách, nay là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Không rõ năm sinh, năm mất. Là một trong những thủ lĩnh của phong trào nông dân chống Lê - Trịnh.
Khi chúa Trịnh Giang chuyên quyền, ông cùng em là Nguyễn Cừ, cháu là Nguyễn Diên và Võ Trác Oanh khởi nghĩa ở Ninh Xá, chống lại họ Trịnh (cùng thời này ở vùng Sơn Nam cũng nổ ra cuộc khởi nghĩa của nông dân do Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu lãnh đạo; ở Sơn Tây có cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương). Ông tự xưng là Minh chúa, Võ Trác Oanh xưng Minh công.
Năm 1739, chúa Trịnh sai Nguyễn Trọng Uông cùng các thuộc tướng đem quân đi đánh ông ở Bình Ngô. Ông phá vỡ được quân Trịnh, giết Nguyễn Trọng Uông. Đến tháng 5 năm ấy, ông bị quân Trịnh đánh bại, lui về đóng ở núi Pháo Sơn, huyện Chí Linh để lập căn cứ chống quân Trịnh lâu dài. Năm 1740, ông đem quân tiến đánh huyện Đường An. Quân Trịnh thua to, đến tháng 10 năm ấy, nghe tin Trịnh Doanh đàn áp cuộc khởi nghĩa Ngân Già ở Sơn Nam, ông phải rút về Cao Bằng. Sau đó, do bị các Đô đốc Đặng Đình Trí, Đặng Đình Đông bao vây chặt, ông đã chết trong chiến khu. Em ông là Nguyễn Cừ sau bị Phạm Đình Trọng giết hại.
Từ đó cuộc khởi nghĩa của ông bị chúa Trịnh dập tắt.
* Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.
6. Đoạn đường có hình chữ U, có điểm đầu là đường Võ Văn Đặng, điểm cuối là khu vực chưa thi công: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 380m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: LƯU ĐÌNH CHẤT
LƯU ĐÌNH CHẤT (1566 - 1627)
Ông quê ở làng Đông Khê, nay là xã Quỳ Chử, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
Ông là danh thần đời Lê Kính Tông.
Năm Đinh Mùi (1607), ông đỗ Nhị giáp Tiến sĩ đình nguyên (lúc 41 tuổi), làm chức Đô cấp sự trung. Năm Quý Sửu (1613), ông được thăng Tự Khanh, tước Nhân Linh Bá và được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh, khi về được thăng Tả Thị lang bộ Lại, tước Hầu.
Ông là người đã cùng Lê Bật Tứ từng can ngăn vua chúa trong những việc sai trái. Ông có nhiều công lao với nước, được vua tin dùng, từng được thăng Đô ngự sử, tiến phong Tá lý công thần, Tham tụng ở phủ chúa. Rồi thăng đến Thượng thư bộ Hộ, Thiếu bảo, tước Phúc Quận Công.
Sau khi mất, ông được truy tặng Thiếu sư.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Công thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa.
- Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1992.
7. Đoạn đường có điểm đầu và điểm cuối là đường Lưu Đình Chất (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 175m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: KHÁI ĐÔNG 4
IX. KHU TÁI ĐỊNH CƯ BÁ TÙNG (Sơ đồ số 26): 02 đường
1. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 7,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 165m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: BÁ GIÁNG 12
2. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Bá Giáng 11: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 110m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3,5m.
- Đề nghị đặt tên đường: BÁ GIÁNG 14
X. KHU DÂN CƯ BÌNH KỲ (Sơ đồ số 27): 01 đường
1. Đoạn đường có điểm đầu là đường giáp với khu quy hoạch dự án đô thị Hòa Quý, điểm cuối là đường Bình Kỳ: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 570m, rộng 5m; không có vỉa hè.
- Đề nghị đặt tiếp tên đường: BÌNH KỲ