F. HUYỆN HÒA VANG
Hạ tầng kỹ thuật gồm: Hệ thống cấp, thoát nước, cáp ngầm, điện hạ thế, đèn cao áp của các sơ đồ trên toàn huyện đầy đủ.
I. KHU DÂN CƯ NAM CẦU CẨM LỆ - XÃ HÒA CHÂU (Sơ đồ số 34): có 21 đường.
1. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Huy Oánh, điểm cuối là đường Trần Tử Bình (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 160m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tiếp tên đường: NGUYỄN HUY OÁNH
2. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 510m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN KHẢ TRẠC
NGUYỄN KHẢ TRẠC (1598 - 1672)
Ông có tên thật là Nguyễn Văn Trạc, quê ở xã Mai Dịch, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây (nay thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội); chữ Khả (đệm) là do vua Lê Thần Tông ban tặng.
Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ khoa Tân Mùi (1631), được bổ nhiệm làm Quản đạo Hải Dương. Năm 1634, ông lại được bổ nhiệm làm Mậu lâm lang đẳng xứ Nghệ An, Hiến sát phó sứ Nghệ An. Ông còn được cử giữ nhiều chức quan trọng như Đề hình giám sát ngự sử, Hữu thị lang bộ Hộ, tước Diễn Thọ bá, Tả thị lang bộ Lại, Thị lang bộ Binh.
Khi về nghỉ hưu, ông làm nhiều việc công đức như mở chợ, dựng bia và được dân làng quý trọng. Khi mất, ông được phong Hộ Bộ Thượng thư, tước Liêm quận công, được xã Mai Dịch tôn làm thần; phối thờ với Thượng đẳng thần Lý Phật Tử. Tại phường Mai Dịch hiện nay còn nhà thờ ông và đã được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia (1995).
* Tài liệu tham khảo chính: Giang Quân, Từ điển đường phố Hà Nội, NXB Thời đại, 2010.
3. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Khả Trạc (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 560m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: ĐÀO TRINH NHẤT
ĐÀO TRINH NHẤT (1900 - 1951)
Ông có tên tự là Quán Chi, bút hiệu Lan Đình, Tinh Vệ, Võ Nhị…; quê ở làng Thượng Phán, huyện Quỳnh Côi, tỉnh Thái Bình. Ông là con của Đình nguyên Đào Nguyên Phổ, con rễ nhà yêu nước Lương Văn Can.
Ông là nhà văn, nhà báo Việt Nam giữa thế kỷ XX. Ông được người trong giới cầm bút đánh giá là người có cách làm việc nghiêm túc, thận trọng và là người biết dùng ngòi bút nghệ thuật làm sống lại nhiều tư liệu đã mai một trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Khoảng năm 1925-1926, ông sang Pháp du học, đến năm 1929, ông trở về Sài Gòn làm việc với tư cách là ký giả, nhà văn.
Ông có tham gia kháng chiến sau năm 1945, nhưng lại chuyển vào Hà Nội, rồi viết các báo ở Sài Gòn cho đến khi mất.
Ông tham gia làng báo rất sớm, hơn 30 năm cầm bút, ông từng viết báo, làm Chủ bút cho các tờ, như: Hữu Thanh, Thực nghiệp dân báo, Trung hòa nhật báo, Trung Bắc chủ nhật (Hà Nội), Phụ nữ tân văn, Thần chung, Đuốc nhà Nam, Mai, Cải tạo (Sài Gòn)...
Ông có khuynh hướng viết thiên về lịch sử và soạn nhiều cuốn sách, như: Việt Nam Tây thuộc sử (1937), Việt sử giai thoại (1943), Đông Kinh nghĩa thục (1937), Đời cách mạng của Phan Bội Châu (1938), Cô Tư Hồng (1942), Phan Đình Phùng (1937).
Một số tác phẩm thuộc thể loại nghiên cứu của ông, như: Vương An Thạch (1943), Vương Dương Minh (1943). Ngoài ra, ông còn viết một vài tài liệu gắn với thời sự: Thế lực khách trú và vấn đề di dân Nam Kỳ (1924), Cái án cao đài (1929), Nước Nhật Bản 30 năm duy tân (1936)…
* Tài liệu tham khảo chính:
- Vũ Ngọc Khánh, Từ điển Văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 1993.
- Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004.
4. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Phan Văn Đáng (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1.825m, rộng 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 5m.
- Đề nghị đặt tên đường: TRẦN TỬ BÌNH
TRẦN TỬ BÌNH (1907 - 1967)
Ông có tên thật là Phan Văn Phu, quê ở xã Đông Thượng, huyện Bình Lục, tỉnh Nam Hà.
Ông tham gia Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội (1929). Năm 1930, ông lãnh đạo phong trào công nhân cao su Phú Riềng (Phú Riềng đỏ) - một phong trào đã gây tiếng vang lớn trong lịch sử và là mốc mở đầu cho các phong trào công nhân khác của Việt Nam chống lại thực dân Pháp trong thập niên 1930. Sau đó, ông bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo, đến năm 1936, chúng thả ông về đất liền và quản thúc ông ở quê nhà, tại đây ông làm thầy ký ở phố huyện Bình Lục, nhưng vẫn tiếp tục bí mật hoạt động cách mạng. Thời kỳ này, ông đã lần lượt giữ các chức vụ khác nhau trong Đảng bộ tỉnh Hà Nam như: Bí thư Chi bộ, Bí thư Huyện ủy Bình Lục, rồi Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam.
Năm 1940, ông được bầu vào Xứ ủy Bắc Kỳ và trực tiếp phụ trách Liên tỉnh C (Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình), sau đó là Bí thư Khu D, rồi Bí thư Khu B.
Năm 1943, ông bị bắt ở Thái Bình, rồi bị chuyển lên nhà tù Hỏa Lò. Năm 1945, ông vượt ngục Hỏa Lò, sau đó làm Ủy viên Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, rồi Chính ủy Thường vụ Quân chính Việt Nam.
Năm 1947, ông là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương phụ trách công tác cán bộ và kiểm tra Đảng; năm 1948, ông được phong hàm Thiếu tướng - trở thành một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1950, là Chính ủy Trường Lục quân Việt Nam, kiêm Phó tổng Thanh tra Quân đội; năm 1957, làm Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Đại biểu Quốc hội các khóa II, III.
Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất. Năm 2001, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2008, ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Báo điện tử Công An nhân dân, 25-12-2006.
- Cổng thông tin điện tử tỉnh Hà Nam.
5. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Lê Trực (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 930m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.
- Đề nghị đặt tên đường: KHA VẠNG CÂN
KHA VẠNG CÂN (1908 - 1982)
Ông quê ở Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay thuộc quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
Ông là một nhân sĩ trí thức nổi tiếng của Nam Bộ, hoạt động cách mạng từ trước năm 1945, từng là Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thuở nhỏ, ông học ở Sài Gòn, sau đó đi du học Pháp và tốt nghiệp Trường Des Art et Métiers (1933) và Trung tâm cơ khí quốc gia D’Aix-en-Provence, làm Chuyên viên kỹ thuật, Kỹ sư tại hãng xe hơi Renault ở Billancourt đến năm 1938.
Năm 1939, Bộ Thuộc địa Pháp mời ông về Việt Nam nghiên cứu hệ thống đường sắt Đông Dương. Từ năm 1940, ông ở lại Sài Gòn làm Giám đốc hãng Luyện thép cơ học, rồi mở hãng luyện thép tư nhân Cân et Văn ở Chợ Quán - một hãng lớn nhất ở Đông Dương trước Đại chiến thế giới lần thứ 2. Thời gian này, ông là thành viên Hội đồng Quản hạt Sài Gòn - Chợ Lớn và là Ủy viên Hội thủ công nghiệp Nam Kỳ.
Năm 1945, ông được vua Bảo Đại mời tham gia Hội đồng Cải cách Giáo dục ở Huế. Tại Sài Gòn, ông là thành viên sáng lập Thanh niên Tiền phong, làm thủ lĩnh Thanh niên Tiền phong tỉnh Chợ Lớn.
Trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến (1945), ông làm Chủ tịch Ban Hậu cần của các lực lượng kháng chiến, Ủy viên Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, phụ trách kinh tế từ năm 1946-1954.
Năm 1946, ông là cố vấn chuyên môn của phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Đà Lạt thương thuyết với Pháp về các vấn đề về chủ quyền, độc lập của Việt Nam. Hội nghị thất bại, ông trở về Sài Gòn tham gia kháng chiến cho đến năm 1954 rồi tập kết ra Bắc. Vào khoảng thời gian năm 1960, ông được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ một thời gian.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.
- Tạp chí điện tử Hồn Việt (Tổng Biên tập - GS.TS Mai Quốc Liên).
6. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Trần Tử Bình (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 380m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: MAI AN TIÊM
MAI AN TIÊM
Truyền thuyết Mai An Tiêm có nguồn gốc từ vùng đất ven biển thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Đây là vùng đất thuộc bộ Cửu Chân - một trong 15 bộ của nước Văn Lang. Các dị bản của truyền thuyết này đã phổ biến tên địa bàn của nước Văn Lang và đã được các thế hệ lưu truyền, để lại dấu ấn trong các tài liệu cổ và đến nay vẫn còn được tái hiện trong lễ hội Mai An Tiêm trên vùng đất hoang đảo xưa.
Tương truyền, vì làm phật ý vua, An Tiêm bị đày ra đảo hoang, tại đây, ông cùng vợ chăm chỉ làm ăn, một hôm, An Tiêm thấy trên đảo có một miếng quả do chim tha tới và ông đã nếm thử, thấy quả mát, có vị ngọt nên đã ăn và sau đó đã gieo những hạt còn lại với hy vọng hạt sẽ nảy mầm thành cây cho quả mới - loại quả mới này chính là giống dưa hấu (Sự tích quả dưa hấu).
Ông còn có công khai phá, mở mang bờ cõi, thủy tổ của nghề Canh nông cho dân trong vùng. Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu là sức sống mãnh liệt của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước.
* Tài liệu tham khảo chính: Báo Thanh Hóa online, thứ 6 ngày 24-8-2012.
7. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Quốc lộ 1A: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1.050m, rộng có đoạn 2x7,5m, có đoạn 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2x4m và 2x5m.
- Đề nghị đặt tên đường: ÂU DƯƠNG LÂN
ÂU DƯƠNG LÂN (? - 1875)
Ông quê ở thôn Phú Kiết, huyện Kiến Hòa, tỉnh Định Tường, nay là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang.
Năm 1858, ông đỗ Cử nhân, sau đó ông được cử ra làm quan và làm đến chức Tri huyện Kiến Xương.
Khi giặc Pháp xâm chiếm Nam Bộ, với tinh thần yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc, ông đã sớm đứng trong hàng ngũ của những người kháng chiến. Ông tham gia phong trào kháng chiến do Võ Duy Dương và Nguyễn Hữu Huân (tức Thủ Khoa Huân) lãnh đạo. Ông đã tổ chức và phối hợp với những lãnh tụ nổi tiếng kháng Pháp lúc bấy giờ như Nguyễn Văn Chắt, Lê Công Thành, Phạm Văn Đổng nổi dậy khởi nghĩa đánh Pháp ở Vĩnh Long, Cần Thơ, Long Xuyên.
Năm 1872, dân chúng các vùng lân cận tham gia khởi nghĩa ngày càng đông, các cuộc kháng chiến, phá đồn bốt giặc khắp vùng Cần Thơ, An Giang và Vĩnh Long... phong trào khởi nghĩa của ông thực sự lớn mạnh và gây tiếng vang lớn sau khi kết hợp được với Nguyễn Hữu Huân vừa được Pháp thả về. Ông đã cùng Nguyễn Hữu Huân xây dựng lực lượng vững mạnh và tiếp tục kháng chiến tại vùng Định Tường suốt từ năm 1872 đến 1874 và được giao giữ chức Phó tướng cuộc khởi nghĩa.
Đến giữa năm 1874 do thiếu thốn vũ khí, lương thực, nên lực lượng suy yếu dần. Cũng trong năm 1874, ông cùng nghĩa quân tiến công thành Mỹ Tho và đã thất bại. Nhiều người hy sinh và bị bắt, trong nhóm bị bắt có Nguyễn Hữu Huân. Mấy tháng sau, ông cũng bị thực dân Pháp bắt được và đem xử chém bên bờ sông Mỹ Tho.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Báo Ấp Bắc online, Chủ Nhật, 21-07-2013.
- Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1992.
8. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Phan Văn Đáng (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 790m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: PHAN THÚC TRỰC
PHAN THÚC TRỰC (1808 - 1852)
Ông còn có tên gọi là Phan Dưỡng Hạo, biệt hiệu Cẩm Đình; quê ở làng Phú Ninh, xã Vân Tụ, nay là xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
Khoa thi năm Đinh Mùi (1847), ông đậu Đình nguyên Thám hoa. Năm 1848, ông được vua Tự Đức bổ nhiệm vào Tòa Nội các (tức là Tòa Văn thư của nhà vua), sau đó lại được sung chức Kinh Diên khởi cư trú (là chức quan luôn bên cạnh nhà vua).
Năm 1851, vua Tự Đức giao ông đi ra Bắc Hà cầu di thư (tìm sách vở cũ còn sót lại). Năm 1852, hoàn thành nhiệm vụ, trên đường về kinh đô Huế thì lâm bệnh nặng, mất đột ngột. Vua Tự Đức rất thương tiếc, điếu 4 chữ “Học cao, hạnh thuần” (học vấn cao, đức hạnh thuần hậu).
Ông là bậc đại khoa, đồng thời là một sử gia uyên bác. Tác phẩm tiêu biểu của ông có: Cẩm Đình thi tập, Cẩm Đình văn tập.
Ông đã biên soạn được sách địa chí về quê hương mình, cuốn Diễn Châu huyện thông chí, Đông thành huyện thông chí.
Ngoài ra, bộ Quốc sử di biên của ông được đánh giá là một bộ “tín sử” (bộ sử đáng tin cậy), bổ sung nhiều sự kiện quan trọng và giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu, tham khảo lịch sử triều Nguyễn nửa đầu thế kỷ 19.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện tiền biên, NXB Khoa học Xã hội, 1995.
- Vũ Ngọc Khánh, Từ điển Văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 1993.
- Báo Nghệ An online, Chủ Nhật, 18-12-2011.
9. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Trần Tử Bình (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 375m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: ĐẶNG VĂN KIỀU
ĐẶNG VĂN KIỀU (1824 - 1881)
Ông còn có tên là Đặng Duy Kiệu, hiệu Nghiêu Đình tiên sinh; quê ở Phất Nạo, huyện Thạch Hà, nay xã Thạch Bình, thành phố Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là danh thần đời Tự Đức; là nhà văn và rất giỏi về khoa lý số.
Khoa Quý Mão (1843), ông đi thi Hương lần đầu và đỗ Tú tài. Chính trong khoa thi này, ông đã được quan trường đổi tên Duy Kiệu thành Văn Kiều. Khoa thi Bính Ngọ (1846), ông lại đỗ Tú tài lần thứ hai. Đến khoa Nhâm Tý (1852), ông đỗ Hương tiến, sơ bổ Biên tu Viện Hàn lâm, rồi làm Đốc học tỉnh Bình Định.
Năm 1865, ông đỗ Thám hoa (lúc 41 tuổi) và được thưởng một tấm kim khánh Hiển dương, sau làm Đốc học tỉnh Quảng Nam, Hàm Thị giảng. Rồi được thăng Án sát Quảng Bình, Hàm Thị giảng học sĩ. Năm Đinh Mão (1867), ông được cử đi làm Phó chủ khảo trường Thừa Thiên.
Năm 1870, ông về kinh giữ chức Chưởng giáo tôn học đường, nơi chuyên dạy con cháu những người trong Tôn thất. Năm Quý Dậu (1873), ông làm Toản tu Quốc sử quán, kiêm Biện lý bộ Lễ và tham dự việc hợp soạn Khâm định Việt sử. Ông còn tham dự soạn Bộ Đại Nam thực lục chính biên.
Năm 1874, cả nước đang sôi sục phản đối việc triều đình Huế ký Hòa ước Giáp Tuất (1874) nhường hẳn 6 tỉnh Nam Kỳ cho Pháp. Cuộc khởi nghĩa “Cờ vàng” do Tú Tấn (tức Trần Tấn), Tú Mai (tức Đặng Như Mai) ở Nghệ An, Đội Lựu (tức Trần Quang Cán), Tú Khanh (tức Nguyễn Huy Điển) ở Hà Tĩnh, cầm đầu đánh hạ đạo thành Hà Tĩnh, làm chấn động triều đình Huế. Theo truyền ngôn ở vùng Kỳ Anh thì ông được cử ra dẹp cuộc nổi dậy của Lân Biểu (một tướng cờ vàng dưới quyền Tú Khanh) đóng quân ở Hòa Hiệu. Nhưng ông cáo ốm, không có mặt trong cuộc hành quân này.
Sau sự việc này, ông trở lại kinh đô, giữ chức cũ. Năm 1881, ông mất, được triều đình cấp 300 quan tiền tuất và đưa quan tài về an táng tại quê nhà.
Con ông là Đặng Văn Bá là một chí sĩ nổi tiếng trong phong trào Duy Tân.
* Tài liệu tham khảo chính: Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1992.
10. Đoạn đường có điểm đầu là đường Phan Văn Đáng, điểm cuối là đường Huỳnh Tịnh Của (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1.710m, rộng có đoạn 10,5m, có đoạn 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2x5m và 2x4m.
- Đề nghị đặt tên đường: TỰ ĐỨC
TỰ ĐỨC (1829 - 1883)
Ông có tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, ngoài ra còn có tên khác là Nguyễn Phúc Thì. Ông là vị Hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn và là con trai thứ hai của Hoàng đế Thiệu Trị.
Tháng 10, năm Ðinh Mùi (1847), ông lên ngôi Hoàng đế, lấy năm Mậu Thân (1848) làm năm niên hiệu Tự Ðức thứ nhất.
Sau khi lên ngôi, ông đã chủ trương ổn định đất nước, năm Canh Tuất (1850), ông sai Nguyễn Tri Phương làm Kinh lược đại sứ 6 tỉnh Nam Kỳ; Phan Thanh Giản làm Kinh lược đại sứ Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận; Nguyễn Đăng Giai làm Kinh lược đại sứ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa. Các đại thần này đi khám xét công việc các quan lại và sự làm ăn trong dân gian, có điều gì hay dở phải dâng sớ tâu về kinh đô cho vua biết.
Thực dân Pháp xâm lược nước ta đúng vào thời gian ông trị vì. Ông là người lập kế hoạch tổ chức phòng thủ cửa biển Đà Nẵng với quy mô lớn hơn bất cứ cửa biển nào khác ở nước ta. Hệ thống phòng thủ này gồm các đồn, đài, bảo được xây dựng liên hoàn như các đồn Trấn Dương, Hóa Khê, Mỹ Thị, Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, Chơn Sảng, Hải Vân Quan…; các thành như An Hải, Điện Hải; cùng với hệ thống phòng thủ này là lực lượng quân đội, tàu chiến, đại bác và các phương tiện thông tin, quan sát.
Năm 1858, Liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công vào cửa biển Đà Nẵng, mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Dưới sự chỉ đạo của vua Tự Đức, các tướng tài như Đô thống Lê Đình Lý, Tham tri Phan Khắc Thận, Hồng Lô Tự Khanh Nguyễn Duy, Thống Chế Chu Phước Minh, Nguyễn Tri Phương… đã tổ chức nhân dân, nghĩa binh đẩy lui quân giặc. Không chiếm được Đà Nẵng quân Pháp liền quay vào đánh chiếm Gia Định (1859), chiếm luôn các tỉnh Biên Hòa, Định Tường thuộc miền Đông Nam Kỳ (1861) buộc triều đình Tự Đức phải ký Hòa ước Nhâm Tuất (1862). Có thể nói, trong cuộc kháng Pháp lần đầu tiên, trên mặt trận Đà Nẵng, ông là người có nhiều công lao trong việc lập các hệ thống phòng thủ và cử các tướng chỉ huy lực lượng nghĩa binh và nhân dân chăm lo tổ chức kháng Pháp và dành được thắng lợi.
Ông đề cao Nho học, chăm về việc khoa bảng, sửa sang việc thi cử và đặt ra các kỳ thi Nhã Sĩ và Cát Sĩ để chọn người có tài văn học ra làm quan. Ông làm nhiều thơ bằng chữ Hán, trong đó có bộ Ngự Chế Việt sử tổng vịnh, vịnh hàng trăm nhân vật trong lịch sử Việt Nam. Ngoài ra, ông còn làm cả sách bằng chữ Nôm để dạy cho dân dễ hiểu, điển hình như: Luận Ngữ diễn ca, Thập điều diễn ca, Tự học diễn ca...
Ông cũng là người giỏi về lịch sử, ông đã đặt Tập Hiền Viên và Khai Kinh Diên để ông ngự ra cùng với các quan bàn sách vở, thơ phú hoặc nói chuyện chính trị. Ông còn chỉ đạo cho Quốc sử quán soạn bộ sử lớn Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, ghi chép từ đời thượng cổ cho tới hết thời nhà Hậu Lê, trong đó ông tự phê nhiều lời bình luận. Ông cũng rất yêu nghệ thuật, đã tập trung nhiều người soạn kịch bản tuồng về kinh thành Huế và lệnh cho soạn những vở tuồng lớn Vạn bửu trình tường, Quần phương hiến thụy.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Đinh Xuân Lâm - Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Việt Nam các nhân vật lịch sử-văn hóa, NXB Văn hóa Thông tin, 2008.
- Các Tham luận tại Hội thảo Khoa học nhân kỷ niệm 150 năm Ngày Đà Nẵng kháng Pháp do Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức ngày 28-9-2013.
11. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Huỳnh Tịnh Của (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1.455m, rộng 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 4m.
- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN VĂN VĨNH
NGUYỄN VĂN VĨNH (1882 - 1936)
Ông là nhà tân học, nhà báo, nhà văn, nhà phiên dịch và là nhà chính trị Việt Nam nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Ông có tên hiệu là Tân Nam Tử, Tông Gia, Quan Thành...; quê ở xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Ông học ở Trường Thông ngôn, đến năm 14 tuổi ông làm Thông ngôn ở Tòa Công sứ Lào Cai; Năm 1902 - 1905, ông chuyển về Tòa sứ Hải Phòng và Bắc Giang. Thời gian này, ông làm cộng tác viên cho tờ Courrier d’Hai Phong (Thư tín Hải Phòng) và tờ Tribune Indochinoise (Diễn đàn Đông Dương); sau đó, ông trở thành người sáng lập Hội Trí tri, Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Năm 1906, ông được cử đi dự Hội chợ ở Marseille, trở về với quyết tâm truyền bá Quốc ngữ, ông xin thôi việc, mở nhà in, làm Chủ bút nhiều tờ báo: Đại Nam đăng cổ tùng báo (1907), Lục tỉnh tân văn (1910), Đông Dương tạp chí (1913), Trung Bắc tân văn (1914)… và một số tờ báo tiếng Pháp Notre Journal (Nhật báo của chúng ta), Notre Revue (Tạp chí của chúng ta), l’Annam nouveau (An Nam mới).
Ông đã đóng góp rất nhiều trong việc truyền bá tiếng Việt qua tờ Đăng Cổ Tùng Báo (1907), tờ báo đầu tiên viết bằng chữ Quốc Ngữ tại miền Bắc. Đáng kể nhất là việc khuyến khích dùng chữ Quốc ngữ qua tờ Đông Dương tạp chí (1913). Ngoài ra, ông còn nhiều công trình dịch thuật văn học như dịch thơ ngụ ngôn La Fontaine, truyện cổ tích Perrault, kịch Molière từ tiếng Pháp sang tiếng Việt. Bản dịch Truyện Kiều sang Pháp văn của ông rất đặc sắc. Ngoài việc là bản dịch đầu tiên, tất cả những điển tích, điển cố vay mượn của Trung Hoa đều được ông chú thích đầy đủ bằng tiếng Pháp.
Ông đã để lại nhiều tác phẩm có tiếng vang lớn, như: Xét tật mình (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 6); Phận làm dân (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 48); Chỉnh đốn lại cách cai trị dân xã (khởi đăng trên Đông Dương tạp chí từ số 61)… Ngoài ra còn nhiều tác phẩm dịch từ tiếng Pháp sang tiếng Việt, như: Thơ ngụ ngôn của La Fontaine (Fables de La Fontaine); Truyện trẻ con của Perrault (Les contes de Charles Perrault); Mai nương Lệ cốt (Manon Lescaut)-tiểu thuyết của Abbé Prévost; Ba người ngự lâm pháo thủ (Les trois mouquetaires), tiểu thuyết của Alexandre Dumas; Những người khốn khổ (Les Misérables) - tiểu thuyết của Victor Hugo; Miếng da lừa (La peau de chagrin) - tiểu thuyết của Honoré de Balzac…
* Tài liệu tham khảo chính:
- Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004.
- Tạp chí Văn hóa Nghệ An, thứ Hai, 13-9-2010.
12. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Lê Trực (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 510m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: BÙI HUY ĐÁP
BÙI HUY ĐÁP (1919 - 2004)
Ông quê ở xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Năm 1940, sau khi tốt nghiệp đại học, ông đã được mời giảng dạy và sau đó làm Hiệu trưởng Trường Canh nông Huế (1945).
Tháng 8-1945, ông được trao chức Tổng Thư ký Bộ Canh nông, Phó Giám đốc Nha nông chính. Sau đó, ông lần lượt đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau trong Chính phủ kháng chiến như: Phó Giám đốc kiêm Trưởng Nha nông chính Khu IV; Hiệu trưởng Trường Trung học Canh nông; Viện trưởng Viện Trồng trọt (1952); Viện trưởng Viện Khảo cứu Nông lâm (1955); Giám đốc đầu tiên của Trường Đại học Nông lâm (1956); Phó Giám đốc Học viện Nông lâm (1959); Viện trưởng Viện Khoa học Nông nghiệp (1961), kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp (1963) và Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật - Bộ Nông nghiệp (1972); Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước (1977).
Ông đã nghiên cứu nhiều vấn đề về khoa học nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa (phát triển lúa xuân tăng vụ Đông ở miền Bắc, phát triển lúa Đông Xuân - Hè Thu ở miền Nam). Tác phẩm chính của ông, như: “Cây lúa miền Bắc Việt Nam” (1964); “Cây lúa Việt Nam” (1981); “Văn minh lúa nước và kỹ thuật trồng lúa Việt Nam” (1985). Ngoài ra, ông còn biên soạn một số tác phẩm sinh vật học và triết học sinh vật.
Ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ đợt I, năm 1996.
* Tài liệu tham khảo chính: Cổng thông tin điện tử Di sản các nhà khoa học Việt Nam.
13. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Nguyễn Văn Vĩnh (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 850m, rộng có đoạn 5,5m, có đoạn 7,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2x3m và 2x4m.
- Đề nghị đặt tên đường: LÊ TRỰC
LÊ TRỰC (1828 - 1919)
Ông còn gọi là Lê Văn Trực, quê ở làng Thanh Thủy, phủ Quảng Trạch, nay là xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Năm 1882, ông làm Đề đốc ở Hà Nội, bị Pháp vây đánh thành, ông không giữ được Cửa Tây, phải rút quân lên Sơn Tây và bị triệu hồi.
Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần Vương, ông cùng với Tri phủ Nguyễn Phạm Tuân, Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp tổ chức nghĩa binh chống Pháp ở một vùng rộng lớn từ Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa (Quảng Bình) ra đến Hà Tĩnh. Năm 1886, khi Tôn Thất Thuyết và Trần Xuân Soạn sang Trung Quốc cầu viện, triều đình trao cho Nguyễn Phạm Tuân chức Thượng tướng và ông cùng hai người con của Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi kháng Pháp. Tháng 5-1886, ông đã bao vây thành Đồng Hới giết tên Bố chánh gian ác Nguyễn Đình Dương, cắt đứt giao thông từ Ba Đồn vào Đồng Hới gần hai tháng, sau đó, quân của ông tiếp tục phục kích và bẻ gãy cuộc hành quân của thực dân Pháp ra Hà Tĩnh trên sông Ròn. Ông đã sát cánh cùng Mai Lượng đánh thắng những trận lớn tại Biểu Lệ, Diên Trường, Lâm Xuân (Quảng Trạch), Hạ Trang (Lệ Sơn, Văn Hóa, Tuyên Hóa). Đáng chú ý nhất là trận đánh ở chùa Sãi Mẹo.
Cuối năm 1886, giặc Pháp có tên cố đạo ở nhà thờ Hướng Phương dẫn đường bao vây nghĩa quân ở chùa, quân của ông từ trên núi đánh xuống. Bằng vũ khí thô sơ như súng kíp, mã tấu và một số súng trường cướp được của giặc, nghĩa quân đã đánh cho chúng một trận tơi bời phải tháo chạy xuống thuyền.
Sau khi vua Hàm Nghi bị bắt (1888), ông cho quân sĩ theo Đoàn Chí Tuân (hiệu Bạch Xĩ - là một thủ lĩnh một cuộc khởi nghĩa trong Phong trào Cần Vương) vượt vòng vây sang Lào, ra Hà Tĩnh phối hợp với nghĩa quân Phan Đình Phùng tiếp tục phong trào kháng chiến, còn mình ở lại trong rừng và sống ẩn ở quê nhà.
Ông mất năm 1919, thọ 91 tuổi. Ông xứng đáng là một danh tướng xuất sắc của Phong trào Cần Vương và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.
Năm 1993, mộ và nhà thờ Đề đốc Lê Trực được xếp hạng Di tích Lịch sử cấp quốc gia.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Nguyễn Văn Thảo, Đường phố Hà Nội mang tên danh nhân Việt Nam, NXB Lao động, 2010.
- Tạp chí Nhật Lệ và Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình.
14. Đoạn đường có điểm đầu là đường 10,5m chưa đặt tên, điểm cuối là đường Quốc lộ 1A: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1.395m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: HUỲNH TỊNH CỦA
HUỲNH TỊNH CỦA (1834 - 1897)
Ông còn có tên là Paulus Của, hiệu là Tịnh Trai; quê ở làng Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa, nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Năm 1861, ông được bổ Đốc phủ sứ, rồi làm Giám đốc Ty phiên dịch Văn án cho soái phủ Nam Kỳ thời ấy. Năm 1865, ông làm Chủ bút Gia định báo - tờ báo Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam, thay cho Trương Vĩnh Ký.
Cùng với Trương Vĩnh Ký, ông tham gia viết ở Gia Định báo, cổ súy phong trào phổ thông chữ Quốc ngữ, truyền bá học thuật, chấn hưng cổ học.
Ông mất năm 1897, để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu, như: Chuyện giải buồn Quyển I (1880); Chuyện giải buồn Quyển II (1885); Gia lễ (1886); Sách Quan chế (1888); Đại Nam quốc âm tự vị Quyển I (1895), Quyển II (1896); Câu hát góp (1904); Ca trù thể cách (1907)…
Ngoài ra, ông còn phiên âm những tác phẩm Nôm xưa và xuất bản để phổ biến như: Quan Âm diễn ca (1903), Trần Sanh diễn ca (1905), Long Châu toàn truyện bổn cư sử (1905), Văn Doan diễn ca (1906), Bạch Viên Tôn Các (1906), Thoại Khanh Châu Tuấn (1906) Thơ mẹ dạy con (1907)...
Ông tuy là một người ra làm việc với Pháp sớm, nhưng không xu phụ như các bọn đội lốt tôn giáo và tay sai khác như Trần Bá Lộc, Tổng đốc Phương…
Ông là người có nhiều đóng góp làm cho chữ Quốc ngữ phát triển mạnh trên các phương diện sinh hoạt văn hóa vào những năm cuối thế kỷ XIX ở miền Nam.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004.
- Cổng thông tin điện tử Bảo tàng Bà Rịa - Vũng Tàu.
15. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường Nguyễn Bảo, điểm cuối là đường Cao Bá Đạt (đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 720m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: TRỊNH QUANG XUÂN
TRỊNH QUANG XUÂN (1908 - 1985)
Ông quê ở làng Phong Nhị, xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Năm 1926, ông tham gia hoạt động bí mật trong tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội với nhiệm vụ liên lạc và phụ trách cơ quan in báo và tài liệu cho tổ chức. Ông cũng là một trong những người đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Xứ ủy Trung Kỳ.
Năm 1931, ông bị giặc bắt và đày đi ra Vinh, sau lại đày đi Kon Tum, rồi lại bị đày đi nhà lao Buôn Mê Thuột. Năm 1935, ông ra tù và tiếp tục móc nối với Xứ ủy Trung Kỳ rồi được phân công phụ trách nhóm đấu tranh nghị trường, công tác tài chính của Xứ ủy Trung Kỳ. Năm 1936, ông được cử vào Ban Chấp hành Xử ủy Trung Kỳ.
Năm 1940, ông bị thực dân Pháp bắt giam lần thứ hai tại Quảng Nam rồi chúng đưa về quản thúc tại địa phương. Đầu năm 1945, ông vận động quần chúng thành lập tổ chức Việt Minh ở các xã trong huyện Điện Bàn để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông được giao trách nhiệm làm Phó ty Trinh sát tỉnh Quảng Nam. Năm 1948, ông là Tỉnh ủy viên - Phó ty Công an tỉnh Quảng Nam, rồi Quyền Giám đốc Sở Công an Liên khu V. Năm 1951, ông là Tỉnh ủy viên - Trưởng ty Công an tỉnh Bình Định. Năm 1955, ông tập kết ra Bắc và công tác ở Tổng cục Đường sắt và làm Bí thư Đảng ủy - Trưởng ty Y tế. Đến năm 1967, ông làm Giám đốc Trường Đảng của Tổng cục Đường sắt.
Ông được Đảng và Nhà nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Chiến thắng và nhiều Huân, Huy chương khác.
* Tài liệu tham khảo chính: Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 2, NXB Đà Nẵng, 2010
16. Đoạn đường có hình U, có điểm đầu là đường Mai An Tiêm, điểm cuối là đường Kha Vạng Cân (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 590m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: CAO BÁ ĐẠT
CAO BÁ ĐẠT (1809 - 1854)
Ông có tên hiệu là Văn Ngu, anh sinh đôi với Cao Bá Quát, quê ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, nay thuộc xã Quyết Chiến, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội. Ông là anh sinh đôi với Cao Bá Quát, thân phụ của Cao Bá Nhạ.
Năm Giáp ngọ 1834, ông đỗ Cử nhân, sau đó được bổ làm Tri huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, là viên quan thanh liêm, mẫn cán và được dân chúng yêu mến.
Sau khi Cao Bá Quát phò Lê Duy Cự khởi nghĩa chống nhà Nguyễn (Giáp Dần, 1854) ở Mỹ Lương, rồi bị giết, ông đang giữ chức Tri huyện cũng bị bắt giải về kinh. Dọc đường ông làm một tờ trần tình rồi dùng dao đâm cổ tự vẫn. Dân chúng vùng Nông Cống thương xót, lập đền thờ ghi nhớ công lao đức độ của vị quan thanh cần.
Con của ông là Cao Bá Nhạ trốn thoát, nhưng 8 năm sau bị người tố cáo nên bị giết luôn.
* Tài liệu tham khảo chính :
- Tên đường thành phố Huế, Cổng thông tin điện tử thành phố Huế.
- Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB Khoa học Xã hội, 1992.
17. Đoạn đường có điểm đầu là đường Nguyễn Bảo, điểm cuối là đường 10,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1.000m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: TRẦN VĂN GIÀU
TRẦN VĂN GIÀU (1911 - 2010)
Ông quê ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An, nay là tỉnh Long An.
Năm 1928, sau khi tốt nghiệp Tú tài, ông được gia đình cho sang Pháp du học tại Đại học Toulouse. Tháng 3-1929, ông xin gia nhập, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Pháp. Do ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân và du học sinh ở Pháp, ông bị cảnh sát bắt giam tại và sau đó bị Chính phủ Pháp trục xuất về nước. Ông trở lại Sài Gòn, dạy học tại Trường Tư thục Huỳnh Công Phát, đồng thời tham gia hoạt động cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Trong thời gian này, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được tổ chức phân công cùng Hải Triều phụ trách Ban Học sinh và Ban Phản đế của Xứ ủy Nam Kỳ. Sau cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, giữa năm 1931, ông được tổ chức đưa sang Liên Xô học tại Trường Đại học Đông Phương Matxcơva. Học xong trở về Sài Gòn, ông tham gia tổ chức Xứ ủy Nam Kỳ, tham gia xuất bản tờ báo Cờ đỏ và bộ sách Cộng sản Tùng thư. Năm 1935, ông bị Tòa án Pháp tại Sài Gòn kết án 5 năm tù và 10 năm quản thúc vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Sau khi ra tù, ông tiếp tục hoạt động cách mạng và đến năm 1943, ông được phân công làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.
Trong Tổng khởi nghĩa Tháng 8-1945, ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ. Năm 1945, ông được cử làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Đầu năm 1947, ông được điều về Việt Bắc để đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc Nha Thông tin. Tháng 11-1954, Trường Đại học Sư phạm Văn khoa và Đại học Sư phạm Khoa học được thành lập, ông trở thành Bí thư Đảng ủy đầu tiên của Đảng bộ trường, kiêm giảng dạy các môn Khoa học Chính trị, Triết học, Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam (ông được coi là người sáng lập những ngành khoa học này của nền Khoa học Sư phạm Việt Nam hiện đại).
Năm học 1955-1956, ông được Nhà nước phong học hàm Giáo sư đợt đầu tiên. Giữa năm 1956, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng vẫn tham gia đào tạo ở Đại học Sư phạm Hà Nội. Những năm 1962-1975, ông công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam (nay là Viện Khoa học Xã hội Việt Nam).
Ông để lại nhiều tác phẩm tiêu biểu như: Triết học phổ thông; Biện chứng pháp (1955); Vũ trụ quan (1956); Duy vật lịch sử (1957); Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam thế kỷ 19 đến Cách mạng tháng Tám (1993); Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam (1993); Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858; Chống xâm lăng (3 tập, 1956-1957); Giai cấp công nhân Việt Nam (Tập 1: Sự hình thành và phát triển của nó từ giai cấp “tự mình” đến giai cấp “cho mình” - 1961; Tập 2,3,4: Từ Đảng Cộng sản thành lập đến Cách mạng thành công - 1962,1963); Lịch sử cận đại Việt Nam (4 tập, 1960-1963), Miền Nam giữ vững thành đồng (1964-1978); Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (4 tập - 1987, tái bản bổ sung và chỉnh lý 1998)… và nhiều tác phẩm khác.
Với những cống hiến to lớn cho cách mạng, cho đất nước, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng; Huân chương Hồ Chí Minh; Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2002); Nhà giáo Nhân dân (1992); Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ đợt I (1996); Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. Những năm cuối đời, ông đứng ra sáng lập và tặng 1.000 lượng vàng của mình để làm quỹ ban đầu cho Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu.
* Tài liệu tham khảo chính :
- Báo điện tử Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004.
18. Đoạn đường có hình chữ L, có điểm đầu là đường Phạm Hùng, điểm cuối là đường Quốc lộ 1A: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 1.590m, rộng có đoạn 7,5m, có đoạn 10,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 2x4m và 2x5m.
- Đề nghị đặt tên đường: PHAN VĂN ĐÁNG
PHAN VĂN ĐÁNG (1918 - 1997)
Ông có bí danh là Hai Văn, quê ở Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Năm 1930, ông tham gia làm liên lạc, rải truyền đơn, ở quận Tam Bình. Năm 1931, tham gia trong các tổ chức thanh niên cách mạng tỉnh Vĩnh Long. Năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, ông là thành viên của ban lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền tại Tam Bình; tháng 12-1940, ông bị Pháp bắt kết án 20 năm khổ sai và biệt xứ đày ra Côn Đảo.
Năm 1945, ra tù, ông trở về tham gia xây dựng chính quyền cách mạng tỉnh Vĩnh Long. Năm 1945-1954, ông là Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà. Từ năm 1954-1959, ông là Xứ ủy viên rồi Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Từ năm 1961-1965, ông làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Trưởng Ban Tổ chức và Trưởng ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Đồng thời là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Công đoàn Giải phóng. Năm 1975, ông là Ủy viên Thường trực Ban đại diện Đảng và Chính phủ tại miền Nam, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban Bảo vệ Đảng Trung ương. Năm 1976, ông giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, IV; Đại biểu Quốc hội khóa VI.
Ông được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh; năm 2008, ông được truy tặng Huân chương Sao Vàng và nhiều Huân, Huy chương cao quý khác.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Báo Vĩnh Long online, 6-5-2012.
- Phan Văn Đáng, cuộc đời và sự nghiệp, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, 2006.
19. Đoạn đường có điểm đầu là đường Lê Trực (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là khu dân cư: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 515m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: NGUYỄN HÀM NINH
NGUYỄN HÀM NINH (1808 - 1867)
Ông có tên tự là Thuận Chi, hiệu là Tĩnh Trai và Nhâm Sơn; quê ở làng Phù Ninh, sau dời đến làng Trung Ái, phủ Quảng Trạch, nay là xã Quảng Lưu, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Ông sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, được người cô nuôi cho ăn học. Năm Kỷ Sửu (1829), ông đỗ Tú tài; đến năm Tân Mão (1831), ông đỗ Thủ khoa kỳ thi Hương và được bổ Tri huyện Lục Ngạn (Bắc Giang). Năm 23 tuổi, ông quen thân với Cao Bá Quát. Ông là người nhiều lần bị thăng giáng, đang làm Quốc học độc thư bị gièm pha phải thôi việc; đang làm Chủ sự phủ Tôn nhân bị cách chức; đang làm Án sát Khánh Hòa, bị thuyền buôn bắt chở sang Trung Quốc nên khi về lại bị triều đình cách chức, rồi bị đưa vào Đà Nẵng. Sau đó, ông được phục chức cũ, được cử làm trước tác ở Viện Hàn lâm, nhưng một lần nữa lại bị cách chức.
Ông là người nổi tiếng hay chữ và là bạn xướng họa của Cao Bá Quát. Ông là tác giả của các tập thơ chữ Hán, như: Nhâm Sơn thi tập (Tập thơ Nhâm Sơn), Tĩnh Trai thi sao (Bản sao thơ Tĩnh Trai), Dược sư ngẫu đề (Đề vịnh ngẫu hứng khi đi làm thuốc); một bài văn tứ lục Phản thúc ước và một số bài thơ, ca trù (chữ Nôm). Bài văn Nôm Phản thúc ước là bài văn được đọc trong lễ tế thần theo tục lệ hằng năm ở nông thôn. Thông thường các văn tế thường khuyên dân làng sống an phận, nhẫn nhục chịu đựng những bất công trong xã hội, còn Phản thúc ước chống lại điều đó, công kích rất mạnh bọn cường hào, vạch trần những ung nhọt của xã hội.
* Tài liệu tham khảo chính :
- Đỗ Đức Hiểu (Chủ biên), Từ điển Văn học bộ mới, NXB Thế giới, 2004.
- Tên đường thành phố Huế, Cổng thông tin điện tử thành phố Huế.
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình.
20. Đoạn đường có điểm đầu là Lê Trực (đường dự kiến đặt tên đợt này), điểm cuối là đường 5,5m chưa đặt tên: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 750m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: HÀ KỲ NGỘ
HÀ KỲ NGỘ (1921 - 2008)
Ông còn có tên là Triết Minh, Lê Thành; quê ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
Ông là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương vào năm 1945.
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1936. Năm 1945, ông làm Đại đội trưởng Tự vệ cứu quốc và Thư ký Hội Công nhân cứu quốc Hỏa xa Đà Nẵng. Năm 1946, ông làm Bí thư Chi bộ Hỏa xa Đà Nẵng, đồng thời là Ủy viên Liên hiệp Công đoàn thành phố Đà Nẵng. Năm 1947, ông là cán bộ Ban Chính trị Ủy ban Quân sự Quảng Nam - Đà Nẵng, rồi nhận nhiệm vụ Phó Ban Công vận liên tỉnh kiêm Trưởng ban Công vận Quảng Nam - Đà Nẵng.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông làm Trưởng Ban Cán sự Điện Biên, Trưởng đoàn kiểm tra đảm bảo giao thông trung tuyến của Trung ương. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông về làm Phó Trưởng Ban Thanh tra Bộ Giao thông - Bưu điện. Năm 1960, ông làm Bí thư Đảng ủy Công ty Tàu cuốc Trung ương tại Hải Phòng.
Năm 1964, ông đuợc điều động về làm Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông được cử làm Ủy viên Ban Thuờng vụ Đặc khu ủy 5 phụ trách công tác chính trị và dân vận. Cũng trong năm này, ông bị địch bắt và bị đưa đi khắp các nhà tù miền Nam như Thanh Bình - Kho đạn Đà Nẵng, khám Chí Hòa Sài Gòn và Côn Đảo.
Năm 1977, sức khỏe hồi phục, ông được giao giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Ông được Đảng và Nhà nuớc tặng thưởng: Huy hiệu 50, 60 tuổi Đảng; Huân chuơng Độc lập hạng nhất; Huân chuơng Kháng chiến hạng nhì, hạng ba; Huân chương Giải phóng hạng nhất, hạng nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Quyết thắng hạng nhất.
* Tài liệu tham khảo chính : Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản, tập 3, NXB Đà Nẵng, 2010.
21. Đoạn đường có điểm đầu là đường Kha Vạng Cân, điểm cuối là đường Tự Đức (02 đường dự kiến đặt tên đợt này): Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 490m, rộng 5,5m; vỉa hè mỗi bên rộng 3m.
- Đề nghị đặt tên đường: BÙI CẦM HỔ
BÙI CẦM HỔ (1390 - 1483)
Ông quê ở làng Đậu Liêu, huyện Thiên Lộc, nay thuộc thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ năm 1434-1442, ông làm quan Ngự sử dưới triều Lê Thái Tông. Năm 1443-1459, ông làm Tham tri chính sự dưới triều Lê Nhân Tông. Ông nổi tiếng là người cương trực, không sợ quyền thế. Ông đã chỉ trích sự chuyên quyền của Lê Sát khiến người này phải hạ chức rồi cuối cùng bị tội. Ông lại cùng với Nguyễn Trãi phê phán cách chế định âm nhạc của Lương Đăng. Ông cũng thẳng thắn vạch những thiếu sót của Lê Thái Tông, can ngăn những việc làm không thích hợp.
Ông cũng có nhiều thành tích về mặt ngoại giao: năm 1438, được sung chức Phó sứ sang nhà Minh để thảo luận về vấn đề biên giới. Ông là người ngay thẳng, nghiêm khắc, luôn công minh và có lòng nhân ái. Khi chỉ trích Lê Sát, mặc dù luận tội gắt gao, nhưng ông vẫn yêu cầu nhà vua xử tội có lý có tình.
Khi nghỉ hưu về quê, ông vẫn chăm lo đồng điền và cùng dân làng xây một con đập bằng đá chặn dòng khe Vẹt dẫn nước từ núi xuống đủ tưới hàng trăm mẫu ruộng của làng xưa nay vốn bị hạn hán. Ông được dân làng xem như một vị “tổ sư” ở vùng Nghệ Tĩnh về đắp đào kênh dẫn nước tưới ruộng. Khi ông mất, triều đình ghi công và phong Bỉnh quân đại vương, Thượng đẳng phúc thần, đền thờ ông được xây cất ở Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, ngay bên hữu ngạn ngọn khe Vẹt trước chân núi Bạch Tỵ trong dãy núi Hồng, nhân dân cả vùng quen gọi là đền Đô Đài: “Tháng Giêng Đô Đài, tháng hai Hương Tích”. Đền thờ hiện nay đã được xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
* Tài liệu tham khảo chính:
- Vũ Ngọc Khánh, Từ điển Văn hóa Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, 1993.
- Cổng Thông tin điện tử thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).