.

DỰ THẢO ĐỀ ÁN ĐẶT, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG NĂM 2014

G. ĐƯỜNG VÀNH ĐAI PHÍA NAM

1. Đoạn đường có điểm đầu là đường An Nông, điểm cuối là đường Quốc lộ 1A: Mặt đường bằng bê-tông nhựa, chiều dài 6.680m, rộng có đoạn 21m, có đoạn 15m; vỉa hè mỗi bên rộng 2x6m và 2x5m.

- Đề nghị đặt tên đường: NAM KỲ KHỞI NGHĨA

NAM KỲ KHỞI NGHĨA

Năm 1939, chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Qua năm sau, nước Pháp bại trận, bị Đức Quốc xã chiếm đóng. Thực dân Pháp ở Đông Dương mất liên lạc với chính quốc, lại phải đối phó với Phát xít Nhật đang lăm le muốn lật đổ chúng. Trước những khó khăn ấy của thực dân Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định chọn ngày 23-11-1940 để khởi nghĩa cướp chính quyền. Chủ trương đó không được Trung ương tán thành nhưng lệnh hoãn khởi nghĩa chuyển vào không kịp. Đúng ngày giờ đã định, khắp các nơi tự động vũ trang nổi dậy.

Ngày 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ trên diện rộng ở nhiều nơi, khắp 18 tỉnh thành Nam Bộ: Hóc Môn, Bà Điểm (Gia Định), Cần Đước, Cần Giuộc (Chợ Lớn), Long Hưng - Chợ Gạo (Mỹ Tho), Vũng Liêm (Vĩnh Long), Hòa Tú (Sóc Trăng), Rạch Gốc - Hòn Khoai (Cà Mau)… Sài Gòn - Chợ Lớn là trọng điểm của cuộc khởi nghĩa nhưng không nổ ra được vì kế hoạch bị lộ; địch đã tước vũ khí và cấm trại thành lính tập, đưa lính Âu - Phi ra trấn giữ các ngã đường, các công sở… Ở những nơi đã nổ ra khởi nghĩa, nhân dân đã giành được chính quyền ở một số làng xã. Ở Long Hưng còn lập ra tòa án nhân dân để xử bọn tề gian ác. Cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên xuất hiện ở Long Hưng, Phước Vĩnh Tây (Cần Giuộc - Chợ Lớn). Có nơi cướp được chính quyền như ở Vũng Liêm (Vĩnh Long) nhưng có nơi bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, nhiều cán bộ và quần chúng hy sinh hoặc bị tù đày.

Cuộc khởi nghĩa tuy không thành công, bị kẻ thù dìm trong biển máu nhưng đã để lại nhiều kinh nghiệm cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công và nhiều giá trị lịch sử cho sự nghiệp cách mạng lâu dài của Đảng và nhân dân ta. Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đã chứng minh chân lý là muốn lật đổ ách thống trị của thực dân đế quốc để giành độc lập tự do cho dân tộc, nhất thiết phải bằng bạo lực cách mạng, bạo lực vũ trang của toàn dân, chứ không chỉ bằng đấu tranh chính trị đơn thuần.

* Tài liệu tham khảo chính:

- Báo Sài Gòn Giải phóng online, ngày 21-11-2010: Giá trị lịch sử của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Đình Tư, Đường phố thành phố Hồ Chí Minh, NXB Văn hóa Thông tin, 2001.

;
.
.
.
.
.