Khi ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ký quyết định hợp đồng với ông Joe Ghazzal, đại diện Công ty Global 2000 Sdn.Bhd, Malaysia về sản xuất pháo hoa và quản lý Cuộc thi bắn pháo hoa Quốc tế năm 2009 tại Đà Nẵng (DIFC 2009), xung quanh sự kiện này đã có một số ý kiến phản đối nhưng đó chỉ là một bộ phận nhỏ do không hiểu thế nào là nhu cầu về đời sống tinh thần và sự hiểu biết rất hạn hẹp về quảng bá thương hiệu du lịch của một thành phố.
Những ý kiến đó chủ yếu vào dựa vào những nhận định, lý lẽ sau: Số tiền chi cho nhà sản xuất và công ty quản lý là quá lớn (502.000 USD tương đương 8 tỷ VND). Trong tình kinh tế đất nước đang gặp khó khăn, lạm phát, đời sống nhân dân còn thiếu thốn, nên lễ hội pháo hoa là một hoạt động xa xỉ, nặng về hình thức. Tại sao UBND thành phố không dùng nguồn vốn lớn huy động được vào hoạt động ý nghĩa, thiết thực như hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, thực hiện các chính sách an sinh xã hội...
Quan điểm trên không phải là không hợp lý vì nó thể hiển tính nhân đạo trong tình hình xã hội hiện nay. Tuy nhiên, nó xuất phát từ kiểu tư duy nhìn nhận vấn đề trên diện rộng chứ không đặt trong hoàn cảnh cụ thể từng trường hợp, từng địa phương trong việc hướng đến sự phát triển lâu dài dựa trên lợi ích chung.
Thực tế trong nhiều năm qua, rất nhiều địa phương thi nhau tổ chức lễ hội, vô cùng tốn kém tiền của nhưng hiệu quả thì rất thấp, có nơi còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của mình, làm hạ thấp uy tín và thương hiệu du lịch của địa phương. Bởi những lễ hội đã không đưa ra một sản phẩm du lịch ấn tượng, hấp dẫn để níu chân du khách. Còn với Đà Nẵng, Lễ hội pháo hoa Quốc tế là một sự kiện vô cùng độc đáo, từ xưa đến nay chưa có nên đã trở thành một địa chỉ uy tín trong danh mục lễ hội Việt Nam.
Hình ảnh Đà Nẵng đã gắn chặt với Lễ hội pháo hoa Quốc tế, không thể tách rời. Người Đà Nẵng rất tự hào về sản phẩm du lịch của mình. Vì thế, đây là một cơ hội mà người Đà Nẵng đã thành công trong việc quảng bá thương hiệu, là điểm đến hấp dẫn trong mùa lễ hội và tham quan du lịch. Hiệu quả của việc tổ chức này thể hiện rất rõ trên các kênh thông tin, báo chí, trên những trang webs du lịch trong và ngoài nước. Hễ nhắc đến pháo hoa mọi người phải nhắc đến Đà Nẵng và ngược lại. Như thế sao gọi là xa xỉ, là hình thức khi chúng ta chỉ đầu tư chi phí một nguồn vốn không lớn đã mang lại một giá trị thương hiệu hết sức uy tín. Chưa kể, nếu tính theo hiệu quả kinh tế trước mắt, với hơn 30.000 khách du lịch tham dự (theo số liệu của Sở Du lịch Đà Nẵng) thì kinh tế địa phương đã thu về hơn 15 tỷ đồng (30.000 x 3 ngày lưu trú x 500.000 đồng/khách/ngày =15 tỷ).
Trong khi đó, nguồn chi cho lễ hội không lấy từ ngân sách thành phố mà dựa vào sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Ý kiến, quan điểm cho rằng lấy nguồn vốn hỗ trợ thay vì chi cho tổ chức lễ hội bằng cách chi vào nguồn hỗ trợ an sinh xã hội của địa phương càng không hợp lý vì, với các doanh nghiệp khi hỗ trợ, họ nhằm vào mục đích chính là lễ hội. Hơn nữa, sự hỗ trợ, đầu tư nguồn vốn đối với doanh nghiệp phải đặt vấn đề hiệu quả. Qua đó, là cơ hội quảng bá thương hiệu chính công ty của họ. Lễ hội pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng phải lôi cuốn, hấp dẫn thu hút đông đủ khách du lịch và người dân thành phố như thế nào đó, doanh nghiệp mới nhiệt tình hỗ trợ chứ đâu dễ gì. Chúng tôi rất đồng ý với sự so sánh của một bạn đồng nghiệp trên báo Thanh niên, nếu lấy số tiền 8 tỷ đồng mà đem chia cho hơn 70 vạn dân thành phố, thì mỗi người chưa hưởng được bao nhiêu, đổi lại người dân thành phố được hưởng trọn vẹn niềm vui khi được ngắm thỏa thích đêm pháo hoa tưng bừng, lạ mắt, huyền ảo, hoành tráng và cả những lợi ích vật chất lớn hơn nhiều mang lại sau này.
Chúng tôi từng tham dự nhiều lễ hội du lịch ở các nơi nhưng thông thường, người dân rất ơ hờ, ít quan tâm đến lễ hội được tổ chức ngay tại địa phương bởi nội dung hoạt động trong chương trình lễ hội thường rất nghèo nàn, nhàm chán, lặp lại. Nhưng trái lại với người dân Đà Nẵng, thì Lễ hội pháo hoa Quốc tế là một sự kiện đáng tự hào, được mọi người nao nức chờ đợi, bởi đó là cơ hội mà người dân thành phố được chiêm ngưỡng bầu trời quê hương huyền hoặc của đêm hội pháo hoa nhộn nhịp, một đại yến tiệc của muôn vẻ sắc màu.
Hơn nữa, việc tổ chức nói trên còn đi đúng hướng tinh thần nội dung Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng trong thời kỳ CNH-HĐH, Đà Nẵng trở thành một thành phố trọng điểm của khu vực miền Trung trên các lĩnh vực kinh tế, công nghiệp, văn hóa, giáo dục, du lịch... Với chủ trương, Đà Nẵng phải “đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, góp phần nâng cao được hình ảnh và vị trí của Đà Nẵng trong mắt bạn bè quốc tế”, nên việc tổ chức Lễ hội pháo hoa Quốc tế phải được coi là bước đột phá cung cấp một sản phẩm du lịch chất lượng cao, quảng bá hiệu quả một hình ảnh Đà Nẵng ấn tượng tốt đẹp trong mắt mọi người. Bên cạnh đó, Đà Nẵng đã được Chính phủ Quyết định cho phép tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế thường niên.
Một lễ hội được sự ủng hộ và đồng thuận cao từ chính quyền cho đến nhân dân, tại sao có người lại phản đối?!
Theo Tạp chí Đô thị & Phát triển
.
.
Sản phẩm du lịch ấn tượng
Thứ Ba, 17/02/2009, 10:35 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.