(ĐNĐT) - Đêm 29-4. Bầu trời thành phố Đà Nẵng đẹp lộng lẫy bởi những màn pháo hoa của các đội. Người xem pháo hoa từ mọi nơi, mọi hướng, ở trên bờ, dưới dòng sông, trên nhà cao tầng... nhưng đều có một điểm chung: trái tim đều thổn thức trước "đại tiệc pháo hoa".
Trên bến xôn xao
20 giờ, mọi người đổ về hai bên bờ sông Hàn. Ngoài các khán đài đã kín chỗ, tại các điểm ngắm trên đường phố cũng đông kín người. Ai cũng chọn cho mình một chỗ để chiêm ngưỡng pháo hoa. Anh Ngô Việt Phương (34 tuổi, đến từ Hà Nội), cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi cùng các bạn vào Đà Nẵng trong dịp diễn ra lễ hội pháo hoa quốc tế. Thành phố rất đẹp, dù lễ hội khá đông nhưng không có tình trạng lộn xộn. Đến Đà Nẵng, tôi cũng thấy yên tâm vì không sợ cướp giật hay những người ăn xin chèo kéo”.
Cha và con cùng xem pháo hoa. T.Tân |
Đứng trên vỉa hè đường Bạch Đằng, đoạn trước UBND thành phố, một trong những địa điểm lý tưởng để xem pháo hoa, anh Huỳnh Anh Minh (32 tuổi), người KonTum cho biết, anh đã đến Đà Nẵng nhiều lần, nhưng đây là lần đầu tiên trực tiếp chiêm ngưỡng những màn trình diễn đẹp mắt của các đội pháo hoa đẳng cấp thế giới tại thành phố biển. “Cảm xúc thật khó tả, mỗi đội mỗi vẻ, thật tuyệt vời”, anh Minh tâm đắc. Và điều khiến anh Minh thật sự ngạc nhiên là đường vào các điểm xem pháo hoa rất trật tự, không có cảnh chen lấn, xô đẩy.
Giữa hàng ngàn người dân và du khách đang say sưa chiêm ngưỡng những màn pháo hoa rực rỡ trên cầu sông Hàn, chị Nguyễn Thị Uyên (35 tuổi), bị liệt hai chân, làm nghề bán vé số cũng tìm được cho mình một vị trí thuận lợi - giữa cầu sông Hàn - để có thể chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối các màn trình diễn của các đội. 3 năm liên tiếp kể từ ngày chị Uyên bắt đầu mưu sinh tại thành phố Đà Nẵng, chưa năm nào người phụ nữ quê ở Nghệ An này “lỡ hẹn” với pháo hoa.
Trên cầu sông Hàn, nhiều du khách nước ngoài cũng đến từ rất sớm. Armado Farias Quintana (34 tuổi, kỹ sư cầu đường người Cu ba), bộc bạch: “Chúng tôi thường đến Sài Gòn, Hà Nội, Pleiku vào các ngày lễ nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi đến Đà Nẵng xem bắn pháo hoa. Không khí rất vui và ai cũng cảm thấy hồi hộp, chờ đợi”.
Tại khu vực khán đài, đến khoảng 6h chiều, tất cả các chỗ đã chật kín. Cô Nguyễn Thị Trâm (quê Nam Định) đã đến khá sớm để chọn cho mình một chỗ ngồi. “Đây là lần đầu tiên tôi đến với lễ hội pháo hoa tại Đà Nẵng. Không khí quả thật rất nhộn nhịp, vui vẻ khiến tôi quên đi cái mệt khi vừa đến Đà Nẵng trong chiều nay”-Chị Trâm chia sẻ.
Một số gia đình lại chọn những quán cà phê gần núi Sơn Trà để vừa dùng bữa tối, cà phê vừa ngắm pháo hoa từ xa. Anh Nguyễn Văn Sơn (28 tuổi, ở Quận Hải Châu) bày tỏ: “Năm nào gia đình tôi cũng chọn chỗ hơi xa trung tâm. Ngắm pháo hoa ở xa dù không nghe được âm thanh rộn ràng, nhìn không rõ nhưng có cái hay là lại thấy lung linh, huyền diệu hơn”.
Gần 21 giờ, nền trời đêm chợt rực sáng, phát pháo đầu tiên của đội vô địch DIFC 2008 Canada khiến đám đông vỡ òa, hàng vạn cặp mắt cùng hướng về một phía và đăm đắm theo dõi…
Đội Canada đã thắp sáng màn đêm bằng âm nhạc và những màn trình diễn khá ấn tượng. Với từng phân đoạn, đội Canada đã mang lại những màn pháo hoa lung linh huyền ảo kết hợp với nền nhạc lúc thì êm đềm, lúc rất sôi động, tái hiện vẻ đẹp của sông Hàn và sự năng động của thành phố trẻ. Ngay sau đó, đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam đã làm khán giả ngạc nhiên bởi những màn pháo hoa lộng lẫy trên nền nhạc vừa trầm lắng, vừa rộn ràng…
Chị Võ Thị Hay (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) đang vừa bế con vừa hồ hởi: “Mình đi xem pháo hoa 4 năm nhưng chưa có năm nào thấy “đã” như năm nay. Đội nào cũng có những màn trình diễn với những cái đẹp riêng. Song, tôi thấy đội Việt Nam năm nay thật tuyệt vời. Đội chủ nhà đã trình diễn rất xuất sắc gây bất ngờ”.
Cuối cùng, với câu chuyện về thung lũng hoa đào, đội Trung Quốc đưa khán giả đến với cuộc sống hòa bình, hạnh phúc, an lành thông qua những màn trình diễn pháo hoa về truyền thuyết đào hoa nguyên. Đội Trung Quốc là đội thi thứ ba và cũng là đội khép lại đêm thi thứ nhất.
Mặc dù các phần thi đã hết nhưng khán giả vẫn dường như chưa muốn về. Trong lòng họ vẫn còn nôn nao, rạo rực bao cảm giác và ngất ngây trong dạ tiệc pháo hoa.Ông Richsard - Bellingham (45 tuổi, đến từ Mỹ) nói: “Tôi thường đến Việt Nam vào tháng 3 hoặc tháng 4, nhưng đây là lần đầu tiên xem trình diễn pháo hoa ở Đà Nẵng. Thật ấn tượng và đẹp mắt”.
Dưới thuyền nhộn nhịp
Xem pháo hoa "trên bến" đã như vậy, không khí "dưới thuyền" không khí cũng nhộn nhịp không kém. Tại khu vực đón khách lên tàu được bố trí cạnh chân cầu Rồng (phía đường Trần Hưng Đạo), khoảng 17 giờ chiều khách đã bắt đầu xuống tàu rất đông. Sau khi đã ổn định chỗ ngồi, du khách được tham gia chương trình văn nghệ được tổ chức rất sôi động ngay trên tàu.
Du khách người Pháp Lavac Macr đang chờ xem pháo hoa trên thuyền. |
Sau đó khoảng hơn 30 phút, tàu bắt đầu xuất phát chở khách đi dạo và ngắm cảnh trên sông Hàn. Đến gần 20 giờ các tàu tập trung tại khu vực cho phéo để xem pháo hoa. Trong thời gian chờ đợi, các tiết mục văn nghệ của chính những du khách góp vui càng làm cho không khí trên tàu trở nên sôi động.
Du khách Lavac Marc (quốc tịch Pháp) ngồi xem pháo hoa trên tàu du lịch Tiên Sa 2 hào hứng cho biết, đây là lần đầu tiên đi xem lễ hội pháo hoa nên ông rất vui và chộn rộn. “Ngồi xem trên tàu thấy thoải mái và rất mát mẻ, lại được xem nhiều màn trình diễn rất gần trước mắt mình nữa, thật thú vị”, ông chia sẻ.
Ông Lavac Marc cùng bạn bè ở Hà Nội vào Đà Nẵng từ ngày 28-4 để xem lễ hội pháo hoa. Anh Hoàng, bạn ông Marc, cho biết: “Nghe bạn bè nói xem pháo hoa trên tàu thú vị nên tôi cũng muốn thử cảm giác ngồi lênh đênh trên thuyền xem sao. Kết quả thật là thú vị, khoảng cách từ chỗ xem tới vị trí bắn cũng khá gần nên xem được rất rõ, như ngay trước mắt vậy”.
Còn với ông Võ Hùng (quê Đô Lương, Nghệ An), đây là lần thứ hai ông cùng gia đình (4 người) vào Đà Nẵng xem pháo hoa. Năm trước ông mua vé ngồi trên khán đài, nhưng năm nay ông quyết định chọn xem trên tàu du lịch để “thử cảm giác khác lạ hơn”.
Tuy nhiên sau khi lên tàu, ông nhận ra một điều thú vị rằng, bên cạnh việc xem pháo hoa trên tàu có chỗ ngồi thoải mái, thì có điều khác làm cho ông thấy vui hơn, đó là ông thấy mọi người ngồi trên tàu đều nhanh chóng quen thân và trò chuyện rất tự nhiên, cởi mở như đã quen từ lâu lắm. Đó là điều mà theo ông Hùng, nếu cùng mất số tiền đó để ngồi trên khán đài sẽ không có được như vậy.
Ông Đặng Hòa, chủ quản lý của 3 chiếc hai tàu du lịch Hàn Giang và Tiên Sa cho hay, giá vé trên thuyền được công ty bán theo giá quy định, và ngay cả số lượng chỗ ngồi, số lượng áo phao…cũng đảm bảo đầy đủ và làm đúng theo quy định. “Mình xác định là tàu du lịch có uy tín và làm ăn lâu dài năm nên từ việc lấy giá vé, cách phục vụ cũng phải chuyên nghiệp thì mới mong khách đã đi tàu còn muốn quay lại vào những dịp sau”, ông Hòa bộc bạch.
Trà-Mạnh-Tân-Tình