Những chàng trai da ngăm đen, được mệnh danh là “ăn sóng, nói gió” của tàu hải quân HQ 628 Vùng 3 Hải quân tất bật chuẩn bị cho chuyến biển lên đường làm nhiệm vụ. Ngoài số vũ khí, quân trang đã được chăm chút từ trước bởi tư thế sẵn sàng của người lính, thì lương thực là một trong những thứ được quan tâm đặc biệt, cần kiểm tra kỹ trước khi sẵn sàng ra khơi...
Giữ yên vùng biển Tổ quốc .( Ảnh chụp tại đảo Cồn Cỏ). |
Nhưng bù lại, các anh có nhau, tay trong tay cùng nhìn về một hướng: bảo vệ Tổ quốc thân yêu từ vùng biển tiền tiêu. Gió, biển hào phóng với các anh là thế, nhưng cũng nghiệt ngã với người lính biển khi biển động, các anh ăn lương khô hàng tuần lễ, và rau xanh trở thành món “xa xỉ” giữa mênh mông trời, đất...
Muôn trùng biển ơi
Trước giờ tàu xuất bến, các anh trên tàu HQ 628 đặt tất cả bình nước uống xuống sàn tàu, lấy dây thừng buộc chúng cẩn thận vào chân bàn, ly tách thủy tinh trên bàn cũng được cất đi, chỉ dùng ly nhựa. Chuyến đi biển giữa mùa biển động, con tàu phải di chuyển giữa những con sóng cao lừng lững, bọt tung trắng xóa đập vào mạn tàu, cùng với mưa như trút. Dù có nằm im trên giường, chúng tôi vẫn bị những cú nảy xóc rất mạnh khi tàu cưỡi sóng lướt tới. Và khi say sóng, say biển, bỗng thấy nhớ nôn nao đất liền bình yên.
Đêm đầu tiên của chuyến đi, bữa ăn đêm bồi dưỡng cho chiến sĩ là món “đặc sản” mì gói. Với người lính biển, mì được pha chế đã là một điều may mắn, vì có những ngày mỗi người chia nhau thứ lương khô đóng gói này, cùng với ly nước lọc cầm tay, khi không thể nấu được cơm. Sóng lớn ngăn những bữa cơm, có khi kéo dài cả tuần lễ. Cơm, canh đôi khi nấu được, nhưng chuyện ăn lại cực kỳ vất vả do sóng quá lớn, mỗi người đành chia nhau người bưng cơm, người bưng canh và phải lựa thế đặt xuống lúc nào có thể mới và cơm được.
Đây gọi là phương pháp “tay giữ tay ăn”. Thương nhất là những chiến sĩ mới, đôi khi sơ ý bị cả chén nước mắm hắt vào người... Những lúc như thế nhớ bữa cơm gia đình đến quay quắt. Trung sĩ Lê Đình Nhân bộc bạch: “Em mới rời ghế trường phổ thông, đầu quân ngay làm lính hải quân, ngày đầu mới đi biển có những cái bất ngờ không tưởng được, như chuyện say sóng, chuyện bữa ăn đứng, hay nhai lương khô triền miên. Mấy ngày đầu nhớ nhà lắm, nhưng rồi quen dần.
Ai đi biển cũng phải có ý chí, cố gắng phấn đấu mới mong trưởng thành được”. Và Nhân đã trưởng thành lên rất nhiều. Lần về phép năm ngoái thăm gia đình ở Hà Tĩnh, ba mẹ Nhân khi thấy cậu con trai chững chạc, đã khuyên Nhân làm đơn xin ở lại phục vụ lâu dài trong quân ngũ. Có thể ước mơ của cậu sẽ không còn xa, khi không đầy một tháng nữa Nhân hết thời hạn nghĩa vụ.
Những khi sóng cấp 7-8, nước tràn qua cả mạn tàu, để tránh bị gãy tàu, các anh phải đè sóng mà đi. Giữa muôn trùng biển khơi, giữa nắng, gió và bao nhiêu điều khắc nghiệt của thời tiết, sự gian khổ khi huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, những người lính hải quân hẳn là yêu biển lắm, khi trên môi luôn hát bài ca của sự lạc quan.....
Món rau, nước ngọt: “xa xỉ phẩm”
| |
Chuẩn bị rau xanh trước giờ lên đường làm nhiệm vụ ở tàu HQ 628. |
Ngoài suất ăn bình thường, buổi tối các anh có thêm món mì nấu suông; nếu trời yên biển lặng, các cần câu sẽ được thả xuống biển câu cá, và món cháo cá bồi dưỡng có lẽ là điều tuyệt vời nhất. Thế nhưng nếu hỏi bất kỳ người lính hải quân nào với câu “khi đi biển anh nhớ món ăn nào nhất?”, câu trả lời nhận được ở bất cứ đội tàu nào là “rau xanh”.
Định lượng rau quy định cho các chiến sĩ ở Vùng 3 Hải quân là 500g/người/ngày. Khi ra khơi, các anh được phép chuẩn bị lượng rau trong vòng 1 tháng, và phải quy món rau xanh thành củ, quả để có thể bảo quản được lâu. Món rau cải muối nén; còn rau muống sẽ được chế biến một cách đặc biệt, mà có lẽ chỉ lính hải quân mới có: rau được chần qua nước sôi, cho vào bao và bảo quản lạnh, có thể dùng trong vòng 15 ngày.
Bữa ăn của chúng tôi những ngày lênh đênh trên biển, món rau được sử dụng nhiều nhất là củ và quả. Hết bí xanh đến bí đỏ, chuyển sang món khổ qua, sang hơn nữa là dưa leo. Mới đây “du nhập” thêm món rau mầm lên tàu, khi ra khơi các anh tự chế biến lấy, chắc bữa ăn của lính sẽ ngon hơn, đậm đà hơn và vơi bớt nỗi nhớ đất liền phía sau lưng.
Đảo Cồn Cỏ, một cửa ngõ ra biển Đông đã nhiều lần làm công việc tiếp tế rau xanh cho những tàu hải quân ghé đảo. Đại úy Lê Văn Hưng, Thuyền trưởng tàu HQ 629 kể, năm 2005, giữa mùa biển động, anh đã cho tàu ghé đảo xin gốc cây chuối mang lên tàu kho um với cá. Câu chuyện ghé Cồn Cỏ xin rau đã tiếp diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Cách đây gần 20 năm, Đại tá Vũ Đình Hiểu, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 161-Vùng 3 Hải quân, khi còn là sĩ quan mới ra trường cũng đã lên đảo xin chuối xanh. Chuối được chế biến một món duy nhất là xắt ra chấm muối, mỗi bữa dùng một quả. Vị còn chát đến giờ. Và chúng tôi, những người đi theo các anh tàu HQ 628 phản ánh tình hình, cũng đã lên đảo Cồn Cỏ xin rau xanh trong chuyến đi biển đầu năm 2008. Mục đích của chúng tôi là xin rau mang xuống tàu cho các anh nấu cùng món mì “bồi dưỡng” ban đêm, nhưng hơn 5 ký rau hôm đó đã được chế biến hết trong bữa ăn tối.
| |
Trung sĩ Lê Đình Nhân: “Đi biển phải có ý chí, cố gắng phấn đấu...”. |
Khi nước đầy thì tàu đi êm hơn. Và với những lần ở trên biển cả tháng, tàu phải bảo đảm có 60-70 khối nước để dằn tàu, tránh tàu bị lắc mạnh. Muốn dùng nước ngọt lúc đó cũng phải để lắng lại, bởi nước đục ngầu khi tàu lắc lư trên sóng.
Nhưng dù khó khăn, thiếu thốn, ý chí quyết tâm của những người lính hải quân đã được kế thừa từ cha ông, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ bình yên biển, trời Tổ quốc. Đại tá Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chính ủy-Bộ Chỉ huy Vùng 3 Hải quân tâm sự: “Khi các tàu làm nhiệm vụ trên biển, dù chuẩn bị đầy đủ nhất vẫn thiếu rau xanh, vật chất cũng cạn dần.
Sợi dây liên lạc với đất liền chỉ còn là mệnh lệnh, nhưng tình đoàn kết, tình đồng chí đồng đội vẫn trăm người như một. Đứng trước nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền vùng biển rất phức tạp hiện nay thì tinh thần quyết tâm của người chiến sĩ hải quân là một điều đáng quý và đáng trân trọng. Bên cạnh đó là sự biến đổi khí hậu, thời tiết không còn theo quy luật; cộng với việc giúp đỡ ngư dân, tìm kiếm cứu nạn... những trọng trách đó đè nặng trên vai chiến sĩ hải quân, nên ai cũng nhận thấy đây là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài và phức tạp”.
Với người lính, ở đất liền thiếu rau còn có thể hái rau rừng, nhưng ở biển chỉ có biển và trời, và sự cô độc, nhưng những chiến sĩ hải quân vẫn cố gắng vượt qua, vì bên họ là đồng đội, sau lưng họ là tình cảm thân thương của người thân và đồng bào cùng hướng về những người lính đang ngày đêm lênh đênh trên biển.
|
Ký của HOÀNG NHUNG