.

Hoài cảm

.

Âm nhạc, như xác nhận của nhiều nhà lý luận, có sức gợi nhắc, hoài cảm lớn lao và vì thế, không ít người trên thực tế thường thưởng thức các ca khúc bằng ký ức và lòng hồi tưởng nhiều hơn là qua việc cảm nhận cái hay cái đẹp của giai điệu, ca từ. Những hồi ức lãng mạn, trữ tình của bản thân từng người trong thời niên thiếu hoặc tuổi thanh xuân thường gắn bó với một giai điệu nào đó bất chợt vang lên trong ngày đời.

Giai điệu, từ đó, như chiếc đinh đóng chặt vào cảm xúc và đời sống, ở đó mỗi người- không phân biệt trình độ văn hóa, đẳng cấp và tầng lớp xã hội - có thể móc vào chúng những chiếc áo kỷ niệm đủ kích cỡ, màu sắc, kiểu dáng của riêng mình. Vì là vật kỷ niệm nên chẳng có cái nào giống cái nào, có cái thích hợp với người này nhưng khó chịu với người khác. Vì vậy, đừng ngạc nhiên đặt những thắc mắc hoặc chê bai đại loại: bài hát đó “sến” đến thế mà cô nàng cứ hát mãi, giai điệu kia tầm thường quá vậy mà chàng kia cứ nhai đi nhai lại mãi…

Chiếc áo kỷ niệm thường chỉ thích hợp với từng cá nhân và không phải lúc nào người ta cũng mang ra mặc vào người, đôi khi chỉ cần nâng niu nó trên tay hoặc ướm thử vào người để cảm nhận mùi hương cũ. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trong một bút ký viết về các ca khúc của Trịnh Công Sơn, có kể chuyện các cô gái giang hồ trong lúc chờ khách vẫn ngân nga một giai điệu của nhạc Trịnh và rồi ngay cả con chim sáo ở một quán cóc ven đường tận miệt biên giới cũng biết lặp đi lặp lại một đoạn ca từ quen thuộc mà cô chủ quán yêu nhạc Trịnh vẫn thường hay hát mỗi khi thấy lòng trống vắng.

Nhà văn muốn minh chứng mức độ phổ quát của các ca khúc được viết từ một tâm hồn thao thức với tình yêu và thân phận con người. Và từ câu chuyện của nhà văn, có thể hiểu thêm một khía cạnh khác trong thưởng thức âm nhạc, rằng không phải chiếc áo kỷ niệm nào cũng đẹp. Nhưng dù đẹp hay xấu thì chúng đều là kỷ niệm của riêng mình, mà kỷ niệm thì không thể quên, chừng nào con người vẫn còn khả năng… nhớ.

Có lần trên phố Hùng Vương-Đà Nẵng thời còn đông đúc các tiệm bán máy thâu băng sau năm 1975, tôi chứng kiến một anh bộ đội dừng bước trên lề đường để nghe say sưa giai điệu của bài “Xuân này con không về” đang phát ra từ một cửa tiệm. Đó là bài hát nói về nỗi buồn nhớ của một đứa con đi lính Sài Gòn khi phải xa mẹ, không được về bên mái ấm gia đình trong những ngày Tết.

Nhưng có hề gì! Không có giới tuyến nào trong cảm thụ âm nhạc và xa hơn là trong các xúc cảm nhân văn. Anh bộ đội của chúng ta đang nhớ nhà vì anh cũng xa mẹ, xa đàn em thơ dại ở quê nhà. Bài hát đang làm anh rưng rưng nhớ mẹ, nhớ em và cảm nhận được giá trị rất thật của chiến thắng và hòa bình mà anh và đồng đội đã góp mồ hôi, xương máu làm nên, giúp anh sớm được sum họp với gia đình.

Với tôi, hình ảnh anh bộ đội kia trong một chiều xuân cách đây gần 30 năm như một bức tranh đẹp, bức tranh phác họa chân dung và sứ mạng của âm nhạc nói riêng, nghệ thuật nói chung kèm theo một nhắc nhở. Rằng khi thưởng thức âm nhạc, chớ quá câu nệ hay phân biệt mức độ cao sang hay tầm thường của một ca khúc, để rồi bỏ qua một cách oan uổng những xúc cảm đời thường hoặc vô tình xóa đi vết tích nồng nàn của kỷ niệm.

NGUYỄN ĐÌNH XÊ

;
.
.
.
.
.