.

Mẹ Ánh và 72 người con

.

Chị là mẹ của 72 người con bị câm, điếc, đao, bại liệt. Chị 40 tuổi, nhưng “con cả” đã bước qua tuổi… 48, con út vừa tròn 6 tháng. Tất cả đã thốt lên tiếng “Mẹ!” trong nỗi lòng sắt se của chị. Chị còn là Giám đốc của một công ty đặc biệt. Ở đó, không có sự phân biệt chủ - nhân viên. Chỉ có Mẹ và Con tựa nương nhau trong một cơ sở ván, tôn chắp vá.

Cột mốc quan trọng trong đời

Chị ngồi tẩn mẩn chỉnh từng đường kim dưới đôi tay cong quẹo của một cô bé dị tật, rồi thoăn thoắt bế gọn tưng con gái bị liệt lên xe ra chợ mua rau chuẩn bị bữa cơm trưa. Xong việc, chị lao ra đường với cả núi quần áo lỉnh kỉnh kiếm mối bỏ hàng. Chỉ khi để ý chiếc xe vẫn bon bon bên chị có đến 3 bánh, người ta mới giật mình: chị cũng là một người khuyết tật.

“Mẹ Ánh” còn là một vận động viên rất “cừ” với nhiều HCV, HCB Paragame

Đặng Thị Ngọc Ánh, hay còn gọi là “mẹ Ánh” bị liệt chi dưới bẩm sinh. Gia đình có 7 anh chị em, nhưng chỉ mình Ánh mang tật. Không muốn trở thành gánh nặng cho người khác, cô bé Ánh quyết chí ra đi tự nuôi sống bản thân. 16 tuổi, Ánh âm thầm “ăn cắp” chiếc máy may của mẹ rồi đón xe vào Sài Gòn. Miền Nam trong mắt một cô bé mới lớn là một vùng đất lành “hoành tráng”. Với đôi chân rất yếu, Ánh không thể đạp nổi bàn máy may, nhưng cô vẫn tin, bằng một cách nào đó có thể làm được. “Tôi bán đồng hồ đeo tay, tài sản duy nhất để có tiền mua vé xe. 3 giờ sáng, vùng đất mơ ước đã hiện ra trước mắt nhưng… biết đi về đâu bây giờ? Tôi ngủ tạm Công viên Thống Nhất cầu trời mau sáng để đi kiếm việc làm. Người khó lại gặp kẻ khó hơn. Tôi gối đầu một đôi dép và hai gói mì tôm, vừa chợp mắt đã bị người ta bợ đầu lấy mất”, chị tâm sự.

Thời điểm năm 1985, để học ra nghề may phải cần chừng 4 chỉ vàng. Ánh đành ôm bàn may đi làm… ôsin. Chị kể: “Tôi “chọn” nhà làm nghề may xin vào giúp việc. Ban đầu họ không nhận vì sợ tôi liệt thế này làm sao bế em, thậm chí bưng bê chén bát còn bể lên rớt xuống. Có được công việc đầu tiên, tôi cố để ông bà chủ thật sự hài lòng. Mỗi lần rửa chén buổi trưa, tôi rửa từng cái nhẹ nhàng sợ chúng va vào nhau làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của mọi người.

Những lúc bưng nước lên nhà, tôi tranh thủ học lén. Một năm giúp việc, tôi đã đủ tiền xin vào lớp học may. Nói là học nhưng thực tế chỉ được phụ việc cho các thợ khác mà thôi. Buổi trưa, học viên về hết, nhưng vì thấy tôi không nhà cửa, bà chủ cho ngủ tạm ngoài mái hiên. Tôi xin không ngủ mà dành thời gian giúp bà dọn dẹp và ngồi lấy giấy báo thiết kế thời trang. Một vài lần, bà chủ thử xem tôi có thật thà không bằng cách thỉnh thoảng lại “để quên” tiền ở đâu đó.

Tôi nhặt và gửi lại đúng số tiền. Trong một dịp thợ làm hư đồ, tôi xin sửa và sửa được. Đó có thể xem là cột mốc quan trọng trong đời tôi khi ngày hôm ấy bà chủ đã chính thức cho con bé tật nguyền ngồi vào bàn máy may. Tôi đã khóc mấy ngày trời vì ước mơ của mình sau hai năm với bao đắng cay đã có ngày thành sự thật. Không những không lấy tiền học, bà chủ còn cho thêm mỗi tháng 70.000 đồng”.

Mẹ của 72 người con

Cơ sở Công ty TNHH Tâm Thiện (54B Bùi Thị Xuân, phường An Hải Tây-Sơn Trà), nơi làm việc của 72 con người khuyết tật là những tấm tôn được che tạm bợ.

Trong Công ty TNHH Thiện Tâm (54B Bùi Thị Xuân, phường An Hải Tây), Giám đốc Đặng Thị Ngọc Ánh vẫn bước khập khiễng nhưng nhanh nhẹn và mạnh mẽ khác thường. Hiện tại, công ty chuyên sản xuất hàng may mặc, thêu, in… do chính các con của chị làm. Nói là công ty nghe có vẻ “to to”, nhưng thực tế, nó chỉ được dựng tạm bợ bằng các loại tôn cũ, mới chằng chịt.
 
Vách tường là những mảnh ván ép mỏng manh. Công ty không thiếu lao động, nhưng chỉ có hai người đủ khả năng đi lại, giao dịch với bên ngoài. Vì thế, mỗi ngày, một mình chị Ánh tất bật chạy ngược chạy xuôi tìm đầu ra cho sản phẩm để lo từng bữa cho chừng ấy con người. 2 giờ sáng, chị trở về gọi cửa: “Mở cửa cho mẹ, con ơi!” đã là chuyện bình thường.

Ban đầu (1998), chị trở về Đà Nẵng lập nghiệp với một tiệm may nhỏ. Những ngày lang thang trên phố cho vơi nỗi buồn, chị bắt gặp người đánh giày khuyết tật lầm lũi kéo thùng đồ nghề đi trong mưa. Hình ảnh những con người thiếu may mắn phải vật lộn giữa đời để mưu sinh trở thành một nỗi ám ảnh không nguôi trong chị. Chị lần lượt “gom” những mảnh đời về chung một mái nhà. Cái tiệm may be bé 15 mét vuông của chị trở thành chỗ ăn, ở, sinh hoạt cho 11 con người. Giờ chị đã có 72 người con và 7 cháu nội, ngoại. Nhiều cặp nên vợ, nên chồng từ ngôi nhà này.

Kể về lần đầu tiên được gọi bằng “Mẹ”, nước mắt chị tuôn rơi: “Một ngày buồn, tôi muốn rời xa thành phố về miền quê Quảng Nam tìm chút thanh thản. Đêm tối, khi vừa dừng chân trước một ngôi chợ vắng, bỗng nhiên có một người nằm trên sạp chồm dậy. Tôi hốt hoảng bỏ chạy, cái bóng bé nhỏ ấy cũng chạy theo, gọi với: “Chị ơi, có chi chị cứ vô đi, đừng sợ”. Đó là cô bé 12 tuổi Trương Thị Hậu, bị mất cả hai tay, hai chân.
 

 
Chắc nhiều người khuyết tật mơ ước nhiều hơn tôi:

“Thời tuổi trẻ, tôi ước ao có một người lành lặn đến thật gần và lắng nghe tôi tâm sự. Nhưng ngay cả một đứa trẻ cũng giả dạng chọc ghẹo tôi. Tôi mong được mọi người chung quanh trao cho mình một cơ hội.
 
Cơ hội gần nhau một chút, cơ hội có việc làm, cơ hội được nhìn nhận như bao con người bình thường khác. Điều đó sẽ thắp lên trong tôi niềm tin về cuộc đời này. Chắc rằng, nhiều người khuyết tật cũng có mơ ước như tôi và còn mơ nhiều hơn thế nữa”.

 
Em phụ quét chợ buổi tối rồi ngủ luôn trong chợ chứ không về nhà. Thương em, tôi “nhặt” về. Trên đường, tôi mua cho Hậu hộp cơm bụi giá 3.500 đồng. Lúc ấy, trong túi hai chúng tôi chỉ có vỏn vẹn 6.000 đồng. Cầm hộp cơm, em thốt lên tiếng: “Mẹ! Mẹ đừng bỏ con”. Tôi run rẩy: “Đừng, chị còn trẻ, cứ gọi là chị em nghe”. “Không, xin cho em gọi bằng “Mẹ”. Từ lâu lắm rồi em ước ao có người quan tâm xem em có đói không, em ngủ ngoài chợ có lạnh không. Đừng bỏ con mẹ ơi”. Tôi ôm Hậu vào lòng nức nở. Vài ngày sau, tôi đưa em về quê xin phép gia đình vì sợ người nhà đang tìm kiếm. Bước vào nhà Hậu, tôi mới hiểu rõ hơn vì sao em chấp nhận ngủ nơi xó chợ. Nhà em là những khối đá được đắp cao dần, trên nóc che một tấm bạt. Gia đình có 5 anh em nhưng đều cùng mẹ nhưng khác… cha”.

Nói về bản thân, chị tỏ ra bản lĩnh chừng nào thì nhắc đến những đứa con yêu quý của mình chị mềm yếu và dễ tủi thân chừng nấy. Chị lại khóc: “Hậu chết rồi. Em chết năm 2007. Ở với tôi được vài năm. Tôi chỉ có thể cho em ăn, dạy em học nghề. Nhưng khi em bệnh nặng tôi không đủ điều kiện chạy chữa. Giá như những người khuyết tật như em được một tấm bảo hiểm xã hội…”.

 

 
“Ánh cầu bò”

Từ một đứa trẻ chỉ biết ngồi một chỗ nhìn ra thế giới bên ngoài với đôi mắt khắc khoải, Ánh đã tự tập luyện bằng cách mỗi ngày ra biển ngâm chân, vật lộn với cát và sóng để tập đi suốt…10 năm ròng. Chân khỏe lên đôi chút, chị bỏ xe lăn chuyển sang đi nạng, 4 năm sau, Ánh tích cực bơi lội, chơi các môn thể thao và đã bỏ nạng để đi nẹp. Cho đến hôm nay, chị đã tự bước đi trên đôi chân bằng da bằng thịt của mình mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào.

Đặng Thị Ngọc Ánh bắt đầu đến với thể thao chuyên nghiệp từ năm 2002. Cho đến nay, chị là vận động viên khuyết tật từng đạt nhiều HCV, HCB môn cầu lông, bơi lội các kỳ Paragame và giải toàn quốc. Những “cú” lật ngược tình thế tranh HCV tại các giải cầu lông trong nước và quốc tế với chiếc đầu gối bết máu khiến chị có biệt danh “Ánh cầu bò”. “Tôi đã bò trên sân để đỡ cầu. Vết tích vẫn còn đây”, chị khoe cái đầu gối đầy sẹo. Những đợt tập huấn xa, dài ngày, chị vẫn lén đi làm thêm vào giờ nghỉ để kiếm tiền gửi về nuôi các con.

 

THU HOA

 

 

;
.
.
.
.
.