.

Tết về, thao thức nhớ Hoàng Sa…

.

Các ông Tạ Hồng Tấn, Ngô Tấn Phát, Võ Như Dân, hiện đang sống tại thành phố Đà Nẵng, là những chuyên viên kỹ thuật từng phục vụ trong ngành khí tượng từ những năm 1956 đến tháng 1-1974 ở Trạm Quan trắc Khí tượng Hoàng Sa và sau ngày thống nhất đất nước có người còn tiếp tục công tác tại Đài Khí tượng Thủy văn miền Trung (Đà Nẵng). Với ông Võ Như Dân (Kiệt số 8 Hoàng Diệu, TP. Đà Nẵng) – nhân viên bơm bóng thám không khí tượng, kiêm phục vụ hậu cần trên đảo, được coi là người nhiều lần ra đảo Hoàng Sa nhất. Mỗi dịp Tết về, ông lại thao thức, nằm mộng về hòn đảo, về tuổi thanh xuân nơi khơi xa ấy…

Nhớ thiên đường khơi xa

Trạm quan trắc khí tượng đảo Hoàng Sa.
Huyện đảo Hoàng Sa của thành phố Đà Nẵng với diện tích 305 km2, cách bờ biển 170 hải lý (315 km) về phía đông – nằm giữa khơi xa, muôn trùng sóng cả. Song, với những ngưòi dân thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, Hoàng Sa thật gần bởi đấy là một phần thân thể của mảnh đất cong cong hình chữ S - Việt Nam. Còn với những người đã từng sống một thời trai trẻ ở Hoàng Sa như ông Phát, ông Dân, ông Tấn... thì Hoàng Sa thật gần gũi với những ký ức ngọt ngào và đau đáu. Ở đó, thời ông công tác đã có Trạm Quan trắc; Ngọn hải đăng, Đài Vô tuyến điện; có bia chủ quyền của Việt Nam dựng từ thời Pháp thuộc, trong đó có bia gần ở khu vực Miếu Bà, nơi có hơn 40 ngôi mộ của các vong nhân đi biển; có khu hành chính để làm việc, có giếng nước, nhà ăn, khu nhà nghỉ...

Năm 1956, ngay sau khi Pháp giao lại chủ quyền Hoàng Sa cho chính quyền Sài Gòn, lúc đó ông Võ Như Dân mới 19 tuổi (sinh năm 1937, nhưng trên giấy tờ khai dối là 22 tuổi), Nha Khí tượng Sài Gòn cử ông ra Hoàng Sa làm việc ở Trạm quan trắc khí tượng. Ông Dân kể: 5 giờ chiều, tại Cảng Đà Nẵng, 4 chuyên viên quan trắc khí tượng, 1 kỹ sư vô tuyến điện và tôi là nhân viên bơm bóng thám không khí tượng kiêm phục vụ hậu cần, lên tàu ra đảo.

Tàu chạy suốt đêm, bị sóng nhồi dữ dội, n
gười say sóng nằm liệt sau một đêm dài, đến 6 giờ sáng thì cập đảo Hoàng Sa. Đảo Hoàng Sa nơi chúng tôi ở là một hòn đảo nhỏ, cây cối lúp xúp, nổi bật là ngôi nhà bê-tông 4 gian kiên cố mà chúng tôi sẽ ở đó trong 3 tháng. Chúng tôi xới đất trồng rau muống, cải, ớt, đu đủ… Đất trên đảo có nhiều bùn, phân chim tích lũy lâu đời nên cây gì từ đất liền mang ra trồng cũng xanh mướt, trái to lạ thường. Những anh chàng Robinson trên đảo xa chúng tôi sau những giờ làm việc (ghi các thông số như: sức gió, lượng mưa, nhiệt độ biển, áp suất, ẩm độ... chuyển vào đất liền bằng tín hiệu morse) cũng dành thời gian chăm sóc trang trại lý thú này.

Ở với chúng tôi trên đảo, cũng có một bộ phận của trung đội địa phương quân (ngụy) đóng, khoảng 10 người, bộ phận còn lại đóng ở một hòn đảo cách đảo Hoàng Sa khoảng 4km. “Sáng sáng, lính đảo họ đi dọc bờ biển đâm bạch tuộc để về nấu ăn sáng. Tôi qua họ xin một khúc tua bạch tuộc dài khoảng 4cm, to bằng ngón tay út, về đem cắt ra làm 4 khúc, móc mồi vào lưỡi câu, đeo kính lặn vào, lặn xuống và thả câu ngoài miệng các hốc đá. Hễ chú cá mú nào vừa đớp mồi là giật ngay, mỗi sáng câu một chút là có được 4-5 con mú to bằng cổ tay mà vẫn chưa hết một khúc mồi.

Chính nhờ đi câu thú vui như thế nên thường xuyên có việc để làm, quên đi nỗi nhớ nhà và sự cô độc.” – ông Dân say mê kể. Ông làm nhiệm vụ bơm hơi bóng thám không khí tượng, công việc nhàn rỗi nên ông kiêm luôn làm hậu cần cho trạm quan trắc. Từ năm 1956 đến mùa xuân năm 1974, ông có khoảng 15 chuyến ra Hoàng Sa. Mỗi “nhiệm kỳ” công tác của mỗi nhân viên khí tượng là 3 tháng, nhưng thường là 3 tháng rưỡi, nhiều khi 4-5 tháng tàu mới ra.

Tính ra, ông có hơn 1.600 ngày sinh sống trên đảo. Ông Dân kể tiếp: “Ngoài đủ ăn trong 3 tháng, số lương thực thực phẩm của mỗi chuyến tàu đem ra còn đủ để ăn 1 tháng sau đó. Nhưng khoảng 15-20 ngày sau khi tàu ra là hết thức ăn và không dám ăn đồ hộp, sợ ăn phải đồ hư sẽ sinh bệnh. Rau quả từ trang trại và cá bắt được là thức ăn đáng kể đủ cho anh em khí tượng và còn đem cho trại lính bên cạnh”.

Nhớ những ngày Tết trên đảo…

Các cựu chuyên viên khí tượng của Nha Khí tượng Sài Gòn (từ trái sang): Võ Như Dân, Ngô Tấn Phát và Tạ Hồng Tấn.

Ông Dân cùng với anh em khí tượng đón 5 cái Tết cổ truyền trên đảo. Thường thì không có chuyến tàu nào ra cận Tết, mà trước đó hơn 1 tháng, có khi sớm hơn nhiều, nên ngày Tết ngoài hương, đèn, giấy áo và tiền, đỗ xanh, gạo, đường, có khi có gà, vịt là “sản vật” từ đất liền gởi ra, còn lại là do anh em tự kiếm trên đảo. Ông Dân kể: Những ngày cuối năm, cũng ren rét, anh em bâng khuâng nhớ nhà, nhớ quê hương da diết. Mọi người chia nhau dọn dẹp vệ sinh vườn tược; lau chùi nhà cửa, bàn ghế, tủ giường; quét, trang trí bàn thờ và Miếu Bà tươm tất.

Ai cũng cố gắng làm thật nhiều việc giống như ở nhà và tất cả đều lặng lẽ… Chúng tôi còn đi ra rừng kiếm một cành cây gì đó, có điểm một ít bông hoa để chưng giữa trạm; ít hoa rừng đủ loại để cắm vào bình; một ít trái cây rừng và thêm mấy trái đu đủ to trong vườn để đặt lên bàn thờ. Chiều 30 Tết, ai cũng tắm rửa sạch sẽ, nấu một mâm gồm các sản vật trên đảo và xôi chè để cúng tất niên. Anh em trại lính bên cạnh cũng như vậy. Không có rượu, thuốc lá và họ bắn mấy phát súng để thay pháo Tết. Đêm 30 buồn da diết, anh em ngồi lặng lẽ bên nhau.

Giao thừa, thắp mấy nén nhang lên bàn thờ rồi nằm nghe gió rít sàn sạt, sóng biển rì rào. Sáng mồng một, sau khi chuyển các thông số khí tượng vào đất liền, nghe cơ quan chúc Tết... Sau đó, ra Miếu Bà thắp hương, rồi sang bên trại lính chúc Tết. Anh em bên trại lính họ cũng buồn lắm, suốt sáng mồng một Tết cứ xả súng bắn lên trời liên tục cho đến hết đạn, và cũng là hết Tết trên đảo…

Mong được một lần ra thắp nén nhang thơm trong Miếu Bà

Mùa xuân này, mùa xuân thứ 35 những người làm khí tượng xa mãi Hoàng Sa. Hơn 30 năm qua, nhiều người khí tượng hồi ấy đã đi xa, còn lại 3 người giờ tóc cũng đã bạc. Nhưng nhờ trời, nhờ những tháng năm trên đảo đã quen với nhiều sóng gió mãnh liệt nên họ vẫn khỏe và đêm ngày thao thức một lần ra thăm đảo, thăm lại tuổi thanh xuân của mình.

Ông Dân trầm ngâm: “Miếu Bà ở trên đảo thiêng lắm. Trong miếu, các đồ thờ đều quý và đắt tiền, trong đó có một thanh kiếm rất tốt và đẹp. Sợ bị nước biển làm hư, nên một lần anh em đem kiếm vào trạm cất, nhưng đến đêm thì nhiều “người” vào đòi lại. Họ bảo, để họ chống bọn cướp, giữ đảo. Ai bước chân lên đảo hay rời xa đảo đều phải bưng mâm lễ xắn quần lội nước ra Miếu để cúng.
 
Tôi và anh em cũng thường xuyên lội ra miếu quét dọn, lau chùi sạch sẽ, thắp nén nhang thơm cho ấm và lau thanh kiếm cho sắc rồi trang trọng để lại chỗ cũ. Không biết 34 năm qua có ai thắp nhang trong Miếu Bà không? Mỗi đêm về, khi nằm mộng về hòn đảo xa xăm ấy, tôi ngồi dậy thắp nén nhang lên bàn thờ và ứa nước mắt. Ước mong có một chuyến tàu đi ra thăm đảo và thắp nén nhang thơm trong Miếu Bà...”.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.