.

Đền Văn

.

Tết qua, có dịp về một làng gần Hà Nội, thăm lại một người bạn đã lâu không gặp. Tại đó phát hiện có ngôi miếu nhỏ nhưng nom kiến trúc rất cổ kính rêu phong. Bên ngoài miếu đặt một con hổ đá, chứ không phải chó đá như thường gặp ở các làng Bắc Bộ. Thấy tôi chú ý tới ngôi miếu, bạn tôi mời về một người chưa già, chẳng trẻ. Rượu xuân vui tới nửa đêm, người kia rỉ rả kể thông một mạch chuyện này, tôi ghi lại đây. Cũng chả biết hư thực ra sao, nếu ai thấy có sách nào ghi lại việc kể sau, có sai sót gì xin chỉ để hiệu đính sửa chữa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Làng này xưa tên gọi là Mỗ Tương. Trải qua nhiều thăng trầm, thay tên mới, nay tên cũ không ai nhắc tới.

Thời Tây Sơn, không nhớ năm nào, trong làng có Nguyễn Bổi nổi tiếng ham học, thấy ai hơn mình đều tìm đến thụ huấn, kết giao. Khi quân Thanh kéo vào xâm chiếm nước ta, Bổi bỏ bút, cầm gươm vào Đàng Trong theo vua Quang Trung.

Sinh ra không phải để cầm gươm múa giáo, nên với các ban võ nghệ giữa đám sĩ tốt, Bổi đều bị xếp thứ bét, bù lại biết kể chuyện cười dân gian, đọc thơ vui, làm quân sĩ thường quên cả nặng nhọc. Có người mách việc ấy với Nguyễn Huệ. Huệ cho gọi lên, hỏi: “Nhà ngươi biết làm cho quân sĩ vui. Có biết làm cho ta vui không?”. Bổi ngay thẳng hỏi lại: “Đấng quân vương thấy binh sĩ vui, lòng có vui không?”. Huệ khó chịu, vẫn trả lời: “Vui!”. Bổi bèn nói tiếp: “Thói thường, vua chúa hay tìm vui chốn cung nữ, khuê đài, nhã nhạc...

Nay bệ hạ ra trận, nên như các vương giả đời xưa, lấy chiến thắng làm nguồn vui lớn. Thần xin có kế nhỏ dâng lên bệ hạ làm nguồn vui nhỏ!”. Huệ là bậc anh hùng kiệt hiệt, trăm trận trăm thắng, lần này đối địch với quân Thanh, biết phải thận trọng, đang bày mưu kế chưa xong, nay thấy giữa đám tốt đen có đứa nói cứng, nghi ngờ lắm, hỏi gấp, kế gì? Bổi vẫn nhẩn nha, hỏi lại, quân Thanh có nhiều hơn quân ta không? Huệ chau mày: “Quân Thanh hai chục vạn”. Bổi hỏi tiếp, quân Thanh có tinh nhuệ không? Huệ trừng mắt! Bổi cúi đầu, mỉm cười, bệ hạ đừng vội nóng giận. Huệ nghiêm sắc mặt, dân Bắc Hà ăn nói vòng vo quá. Quân sắp ra trận. Thành bại của tướng là sống chết cả vạn người. Đâu phải chuyện để đùa vui. Nói ngay, trúng ta thưởng, hồ đồ, chém làm lễ tế thần linh, an lòng binh sĩ. Bổi vẫn bình tĩnh, không tỏ ra run sợ, biết là lúc Huệ lắng nghe mình, bèn nói một hơi không nghỉ:

- Nói về thế, quân Thanh trong đồn lũy, một người có thể chọi năm, địch mười. Bệ hạ tiến binh ra đất mà đa phần sĩ phu ham vui, nhu nhược, dân chúng rặt vốn tham lợi nhỏ, danh hão... chỉ khi bị nhục thì lập tức bất cần, trở nên khí phách, can trường, mạng sống chết coi như rơm rác. Xin bệ hạ hãy làm cho nhà nhà biết cái nhục nước Nam, khi quân giặc lấy Thăng Long như đi vào chỗ không người, coi người Nam ta như chó ngựa...

Lại đem cái lợi sau khi chiến thắng mà tuyên truyền, hẳn muôn người ở Bắc Hà này sẽ liều chết theo bệ hạ. Được vậy, hai chục vạn quân Thanh chắc không đông bằng dân cả nước Nam. Quân Thanh đã tinh nhuệ, so với tiền quân bên bệ hạ chẳng thua kém gì, lại trong đồn lũy, là thế mèo nằm đợi chuột. Ta tiến vào Thăng Long, thế nào cũng qua Ngọc Hồi. Xin bệ hạ, chọn một ngàn tay đao ngắn, voi trăm thớt. Thần xin có mẹo nhỏ biến họ thành dũng sĩ, không sợ súng to đạn lớn, đồn cao lũy dày của Hứa Thế Danh.

Quang Trung nghe. Sắc mặt chuyển từ căng thẳng sang bình thường. Thấy Bổi dừng lại, bèn giục, nói tiếp, nói tiếp! Nguyễn Bổi bèn tiến sát Quang Trung, ghé tai nói thầm chỉ hai người nghe thấy. Kết bằng câu, cứ thế, cứ thế!

Huệ nghe xong, cười lớn, nói, được lắm, hợp ý ta!

Từ bữa đó, Huệ giữ Bổi ở bên mình.

Bên Huệ, Bổi tỏ ra người lắm cơ mưu, lại biết lựa lời nói với dân chúng, nên quân sĩ dọc đường ra Bắc theo Huệ rất đông. Trận Ngọc Hồi, Bổi sai lính kiếm rặt thứ sẵn ở nơi thôn dã, chặt tre pheo làm xương, lấy rơm rạ, kết bùn ao đắp lên, làm tấm mộc lớn cho quân sĩ; lại kêu gọi dân chúng quanh vùng, bất kể ai, miễn có lòng, trong đêm tối đốt lửa, gõ mõ, thanh la, chiêng, trống. Quân Thanh trong đồn tưởng quân ta có ức vạn. Hứa Thế Danh tuy là danh tướng, có đạn to, súng lớn, lại ở trong Ngọc Hồi hào sâu, lũy cao, nhưng vào trận, trong tiếng động dậy đất, thấy quân ta cứ ào ạt xông lên nên lòng người hoảng loạn, dũng khí tan biến. Ngọc Hồi nửa đêm bị san phẳng. Ngọc Hồi mất, Thăng Long như ngôi nhà không cửa. Quang Trung đánh mấy trận nữa, toàn thắng.

Sau khi quét sạch quân Thanh, một đêm Bổi dẫn quân sĩ đi tuần, tới đoạn Chương Dương. Bến vắng, sông sâu. Chợt thấy mặt nước vẳng lên tiếng đàn thống thiết như mời gọi. Lắng nghe, tâm dạ chao động, bồn chồn. Bèn sai lính chèo thuyền ra, tịnh không thấy bóng người. Bên bờ có một thuyền câu, bắt lái thuyền lại hỏi, mới hay trước khi đại phá quân Thanh, đây là chỗ có người con gái tên Huyền Cầm vì nước xả thân rồi hóa ở khúc sông này (2). Thất kinh, đêm ấy Bổi sai quân sĩ sắm lễ, tự mình dâng hương rồi cắm thuyền nghỉ tại đó. Nửa đêm vừa chợp mắt, bỗng nghe trong tiếng nước chảy có tiếng đàn Thất Huyền Cầm như đưa đẩy con thuyền.

Nhỏm dậy, thấy trong sương bay khói nước có người con gái, tóc mây mượt mà, làn da, khuôn mặt tỏa sáng, tươi tốt như hoa cỏ mùa xuân, ôm đàn tủm tỉm cười. Bổi hỏi, người từ đâu tới? Cô gái cất tiếng, đất này của người Nam, sông này của nước Nam, hỏi vậy có vô duyên không? Bổi bối rối, tỏ vẻ biết lỗi, lại xin mỹ nhân đàn nữa. Mỹ nhân nâng đàn, tay mềm lả lướt, ngón ngọc nhẩn nháy cung phím, rung vang trên mặt nước theo gió bay khắp thứ âm nhạc. Bổi chưa khi nào từng nghe; cung bổng như tia nắng ban mai, cung trầm như sóng biển thì thầm vỗ, xuyên thẳng tâm can, thấm sâu cả vào lục phủ ngũ tạng Bổi.

Cảm động, muốn nắm tay mỹ nhân. Nhưng cứ đưa tay ra là cô gái biến mất, lẫn vào sương khói. Với mãi, lỡ chân rơi xuống. Không thấy sông đâu, mắt nhìn vực sâu thăm thẳm. Hoảng sợ cố vùng vẫy, chợt tỉnh giấc mà không rõ hư hay thực. Cảm rõ tiếng đàn lưu luyến ở tâm thức, hương xạ mỹ nhân còn vương vấn đâu đây.

Sau đêm ấy, Bổi thấy bồi hồi, chợt nỗi nhớ quê dâng đầy, da diết. Thân xác như nhẹ không, mọi ham muốn đều thấy tầm thường. Vài ngày sau, Bổi từ chối việc ban thưởng của Quang Trung dành cho, nằng nặc xin lui về làng cũ, lại làm thứ dân.

Sau này có người hỏi: “Ông khó nhọc với nhà Tây Sơn, được yêu thế, là lúc hưởng phú quý, sao lại về?”. Bổi đáp: “Sinh ra ở Mỗ Tương, gốc là nông dân. Người ta, gốc gác nông phu, trong ly loạn, đa phần thường là liều chết hạng nhất, song thời bình nếu có quyền chức, dù to hay nhỏ, đều tìm cái vui thú, hưởng lạc làm đầu.

Tìm mọi sự thỏa mãn tới cùng cực mọi dục vọng không chỉ riêng mình đứng bên vực thẳm, mà còn dẫn quốc gia tới bại vong, đổ nát. Từ khi ta nghe tiếng đàn bên sông, tự giác ngộ, thấy trên đời này, điều khó nhất, không phải là khám phá, chinh phục thiên hạ, khó nhất, cần thiết nhất là tự khám phá bản thân. Biết được vậy, tất bao lo lắng, ưu phiền tự tan biến mà vui sống. Việc quan trường vốn cần nhiều thủ đoạn, luôn phải đối phó, ham hố nó, tức tự chuốc lấy bất an. Người ta ở đời cần vui sống và bình an. Việc lớn nhất, nặng nhọc nhất của một đời người, ta đã trả xong rồi, vinh hoa phú quý vốn là phù vân, lại tựa vào kẻ khác, ắt như loài tầm gửi. Tựa người khác mà sống, muốn là mình cũng khó được là mình. Rốt ráo, cây đổ thì loài sống nhờ tất chết”.

Quả thực, Bổi sống như đã định. Vải chọn thứ mộc, ăn thường dùng thức quê mùa, gặp việc gì, dẫu buồn vui thế nào cũng bình thản ứng xử nên khuôn mặt khi nào cũng an nhiên.

Về làng, ông mở lớp dạy học. Cũng không nhiều trò. Có điều là, ai tới xin học đều xem tướng rồi mới nhận. Có người tò mò lại hỏi vì sao, Nguyễn Bổi nói: “Ác thiện đều hiện ra bản mặt, người thiện đọc mười cuốn sách may sáng thêm ra một điều; kẻ ác đọc một cuốn sách làm thêm mười điều xấu”. Khách hỏi: “Sách vở không thay đổi được số phần ư?”. Đáp: “Không! Người vô duyên, chữ nghĩa đầy mình càng thâm hiểm sâu ác. Có duyên, tự giác ngộ, hình tướng sẽ thay đổi, nên nói tướng cao hơn số!”.

Bổi về già vẫn ham trau đồi kiến thức. Ông không chỉ ham đọc mà còn thăm thú nhiều nơi, học nhiều điều hay ở thiên hạ về khuyến dụ cho dân làng. Mỗ Tương biết nghề làm giấy, nay thêm nghề thêu, khảm nên nhiều người no đủ.

Việc dạy trò, cuối đời ông có thuật dùng tay sờ bài của trò mà biết hay hoặc dở. Có khách, xưa nay vẫn mến mộ ông tới hỏi, đọc bằng mắt, sao lại dùng tay sờ? Nguyễn Bổi đáp: “Văn người ta, hay dở là từ khí chất nội tâm. Khí tạo độ đậm nhạt của dòng chữ trên mặt giấy. Kẻ tiểu khí, nông cạn, khi viết không làm chủ được mình, buồn vui bất thường, chữ nghĩa lên xuống, gợn cả trong ngón tay ta”.

Lại hỏi, thế nào là hay dở?

Bổi vuốt râu, thản nhiên:

- Văn chương, đọc mãi, viết mãi cũng thành trơn tru. Đấy mới chỉ như vỏ cây, nước sơn bên ngoài.

Khách lại hỏi: “Có trước thì có sau?”. Bổi tiên sinh rót đầy chén rượu cho khách, khen biết vấn đáp. Nói tiếp: “Viết văn giống đóng thuyền. Đóng thuyền phải nổi trên nước, chở được mới là thuyền. Vậy trước hết cần đạt! Thuyền cũng có dăm bảy loại. Thứ chỉ để chuyên chở vật nặng, thứ chở người, loại chở trâu bò, chó, ngựa... lại phải theo thế nước, lòng sông nên dài ngắn to nhỏ tất đều khác nhau. Thợ giỏi là kẻ đóng được nhiều loại thuyền. Loại ấy hiếm. Đa phần thiên hạ chỉ giỏi sơn phết, văn thơ tràng giang cũng chỉ một bài, khác chi đóng thuyền một kiểu thì không thể đi cùng khắp sông nước”. Khách cãi: “Thăng Long có nữ sĩ dòng Tân kỳ nhân nức tiếng làm thơ chỉ vài người hiểu. Cao Lương mỹ vị đâu có cho kẻ tầm thường?”. Bổi cười: “Ngụy văn thường lộng ngôn. Thứ văn xảo chữ lộng ngôn cũng là dạng quê mùa biến tướng. Cũng là loại “cùng tắc biến” mà thôi. Bây giờ khối kẻ ở Thăng Long tự nhận là Cây Văn nhưng mấy kẻ biết. Cây Văn hình dáng ra sao? Người làm ra văn khác chi người làm ra thóc, gạo, rau cỏ... Văn chương nên lấy gốc vì người, rễ bám vào đất, nước tất có hồn cốt phong hóa; cành lá sum suê, tán rộng, bao dung được nhiều tầng lớp”.

Khách hỏi: “Xin nói rõ hơn đường văn thế nào?”. Bổi đáp: “Đường văn như đường cày trên mặt ruộng. Nông phu làm ra thóc gạo, nuôi dưỡng con người. Người văn là người dùng chữ mà lay động, nuôi dưỡng tâm hồn kẻ khác. Đấy là hay. Muốn thế phải biết đau nỗi đau của đời, vui với hạnh phúc của người, giãi bày ngay thẳng tấm lòng, tôi mà hạp với ta, san sẻ được với ta. Chữ nghĩa muốn người tin, nên tự nhiên, êm ả chảy. Uốn éo tưởng kỳ khu, dụng công là hỏng. Xảo ngôn, mưu mẹo chỉ như anh thợ khéo. Lạm dụng đại ngôn, là cái thùng rỗng.

Văn chương suy cho cùng, không phải là bao nhiêu chữ, biết bao nhiêu việc. Có khi kiệm lời, nói hết được tâm ý của vài người, vài việc đã là tài. Hay phải như gió lớn, sóng cả, lay động, nuôi dưỡng, an ủi, khích động... được tâm hồn người. Văn bậc thượng thừa cổ, kim đều làm hết thảy mọi tầng lớp cảm động!”. Lại nói, văn chương có ba loại, loại nói tới mà không tới là vất, loại nói tới mà tới là đạt, loại không nói tới mà tới là siêu thặng, tuyệt chiêu trong thiên hạ. Đấy không phải là lời ta.

Khách lại hỏi, sách thiên hạ vô kể, tiên sinh học thế nào? Nguyễn Bổi bảo: “Khách có cuốn gì không?”. Khách đưa ra cuốn sách mới mang từ Trung Hoa về. Nguyễn tiên sinh điềm nhiên đốt, hòa tro vào rượu đầu be uống cạn. Xong, vuốt bụng ba cái, rồi lựa bút viết ngay một bài thơ, khách thấy toàn là đầu chữ của mỗi chương sách mình mang về. Đọc, thấy rõ lời lẽ dung dị, tao nhã thần tiên, ý tứ gói gọn cả bộ sách vạn chữ nói trên mà không thấy bóng dáng của người ở đâu nữa.

Khách phục lắm. Lui ngay. Không hỏi nữa.

Học trò theo ông tới khi ông mất cộng lại chỉ chưa đầy trăm người. Ông thường tùy theo tính khí từng người mà khuyên nhủ sự tiến thân. Có người học dăm năm đi thi nghe ông ra làm quan, có kẻ nghe ông về cày ruộng, có kẻ vâng lời về đánh xe ngựa. Tuy chức phận khác nhau nhưng ai ai cũng đủ ăn. Và, quan trọng hơn là tất cả, tự họ đều thấy vui sống và bình an.

Sau Bổi mất. Có người bảo, gần sớm nghe tiếng sênh nhạc xa gần rồi tắt. Không biết có vậy không, nhưng Bổi viên tịch sạch sẽ, hương sạ quấn quýt thơm hai ba ngày mới tan. Yên lặng lắm. Mộ chẳng xây đắp gì, một đêm mối đùn thành gò. Thiêng! Ai có việc gì khó khăn tới cầu, ông cũng ứng mộng, chỉ lối thoát. Trong làng, khách văn dần quên ông, nhưng những phường thợ vẫn nhớ, đóng tiền của, lập miếu thờ, gọi nôm na là Miếu Ông Bổi. Hằng năm, các phường giấy, thêu, khảm đều có lễ. Lễ to hay nhỏ tùy thời, nhưng bao giờ cũng không thiếu sách mới của thiên hạ để dâng. Những bộ sách được dâng, nếu thực hay, sau lễ hội đều đổ sắc thắm vàng như qua lửa. Sách dở, ba ngày tự mục, mủn, tan vụn thành cát bụi...

NGUYỄN VĂN THỌ

;
.
.
.
.
.