.

Tự hào là công dân huyện đảo Trường Sa

.

(Đà Nẵng Xuân 2010) - Dù ở nơi biển khơi xa xôi, Trường Sa - mảnh đất thân thương vẫn luôn ở trong tim mỗi người con đất Việt. Nơi đây có những chiến sĩ kiên trung, luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước, có những người dân chất phác, thật thà, xung phong tình nguyện an cư trên các vùng đảo. Tất cả họ đều hướng về đất liền với niềm tin và lòng quyết tâm giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam mến yêu.

Tự hào là công dân đầu tiên của đảo

Đối với những người dân sinh sống trên huyện đảo Trường Sa, những khó khăn, trở ngại, nỗi buồn xa quê hương, gia đình đã phai dần theo thời gian. Bây giờ, họ đã bắt nhịp với nếp sống và sinh hoạt trên đảo, cùng gắn bó và đoàn kết với nhau, chung lòng với những chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Anh Võ Văn Trường đưa gia đình ra đảo Trường Sa Lớn được gần 2 năm nay. Hiện tại, cuộc sống của anh và vợ con thật bình yên, hạnh phúc. Anh tâm sự: “Tôi tự hào vì gia đình mình là những công dân đầu tiên sinh sống trên vùng biển, đảo Trường Sa. Đó cũng là điều thôi thúc tôi quyết định ra đây. Tôi cũng nói với vợ: Nếu đi thì tự nguyện đi với anh chứ anh không ép buộc. Vợ tôi cũng đồng tình theo chồng ra sinh sống ở đảo. Tôi xác định, ra đảo nếu có sự cố cũng sẵn sàng chiến đấu và chấp nhận hy sinh như các anh bộ đội”.

Những người lính ở xã đảo Sinh Tồn luôn cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biển, đảo để người dân đón Tết trong an bình.  


Gia đình anh Bùi Đình Khải và chị Trần Thị Nữ là hộ trẻ tuổi nhất trên xã đảo Sinh Tồn. Sinh năm 1983, vốn là một cán bộ công tác tại thành phố Nha Trang, nhưng khi biết chủ trương của Nhà nước về việc động viên người dân ra Trường Sa sinh sống, Bùi Đình Khải đã thuyết phục vợ và gia đình hai bên bằng quyết tâm của chính mình. Anh cho biết: “Bây giờ ở đảo, hai vợ chồng anh tự tăng gia, tự mình nuôi mình, vừa trồng rau, vừa nuôi gà vịt. Cuộc sống ở đảo thật yên bình, khí hậu thì trong lành”. Cô giáo Bùi Thị Nhung, nữ giáo viên duy nhất ở huyện đảo Trường Sa, kiêm luôn vị trí Tổ trưởng Tổ phụ nữ đảo Trường Sa Lớn tâm sự: “Mấy chị em ở đây coi nhau như một gia đình lớn, chúng tôi hay tổ chức ăn uống chung giữa các gia đình với nhau, rồi nói chuyện, cùng trao đổi việc giáo dục và chăm sóc con cái... Chị em phụ nữ ở đảo gắn bó với nhau lắm, chuyện gì cũng chia sẻ để giúp đỡ nhau và cũng vơi đi nỗi nhớ đất liền”.

Những người dân huyện đảo Trường Sa giờ đây đã không còn lạ lẫm với cảnh xa đất liền. Ở đảo, họ được chăm lo đầy đủ về vật chất, có lớp học cho con trẻ, có bác sĩ khám chữa bệnh. Mỗi gia đình còn được chính quyền địa phương tạo điều kiện về việc làm để tăng thêm thu nhập. Thiếu úy Trần Văn Học, trợ lý hậu cần ở xã đảo Sinh Tồn cho biết: “Ở đây, bộ đội như thế nào thì dân như thế, đầy đủ hết, không thiếu thứ gì cả. Chúng tôi còn cung cấp ngư lưới cụ, thúng chèo, để người dân đánh bắt thêm hải sản, trước mắt là để cải thiện đời sống”. Không ít người phấn khởi nói rằng: Ở đảo chẳng tốn nhiều chi phí, không phải tiêu nhiều tiền, Nhà nước lo cho mình đầy đủ, chẳng thiếu thốn gì, thật khác xa với trí tưởng tượng lúc chưa ra đảo. Không chỉ có nhà cửa khang trang với tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, mỗi gia đình còn tự tăng gia để bảo đảm nhu cầu sinh hoạt. Đến nhà nào cũng thấy vườn rau, giàn bầu, bí, đàn gà, đàn vịt. Mùa biển êm, họ đánh bắt cá, cải thiện bữa ăn cho gia đình. So với trước đây, tàu thuyền từ trong đất liền ra đảo cũng nhiều hơn, những gì thiếu thốn thì người nhà trong đất liền gửi ra. Phương tiện liên lạc cũng thuận tiện khiến cho khoảng cách giữa đảo và đất liền như ngắn lại. Có chăng, điều khiến người dân trên các đảo của Trường Sa mong ngóng là hơi ấm, là tình cảm của người thân, bè bạn ở đất liền.

Nhớ Tết ở đất liền

Nhiều gia đình đang sinh sống ở huyện đảo Trường Sa nói vui: Tết ở ngoài đảo chẳng sợ tai nạn giao thông, không sợ rượu bia, say xỉn. Chị Nguyễn Thị Kim Huệ, sống cùng gia đình tại đảo Trường Sa Lớn vui vẻ kể chuyện: “Tết ở đảo vui hơn ở đất liền. Tối 30 Tết, tất cả các gia đình và bộ đội tập trung lên hội trường lớn đón giao thừa, xem cầu truyền hình trực tiếp về cảnh đón Tết ở khắp nơi trong nước. Ngày mồng 1 Tết thì tập hợp nhau lại chung vui. Mỗi gia đình cứ tiếp khách cả ngày vì các đơn vị bộ đội ở đảo thay phiên đến chúc Tết liên tục, không khí ấm cúng và rất thân tình”. Chị Huệ cho biết thêm, gần Tết có tàu ra đảo, nhà nào cần gì thì nói người thân ở đất liền gửi ra. Ngoài đảo không có hoa tươi nên chúng tôi cắt giấy làm hoa, hái trái tra, trái bàng vuông để thờ cúng. Khi đến nhà chị Bùi Thị Nhung, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên với bình hoa giấy để trang trọng trên bàn thờ tổ tiên của gia đình. Chị Nhung tâm sự: “Ở đảo không có hoa tươi nên tôi lấy giấy màu (là dụng cụ học tập của mấy em nhỏ) để gấp thành những bông hoa đủ màu sắc, trưng bày lên bàn thờ”. Không chỉ cho gia đình nhỏ của mình mà chị còn giúp những hộ khác làm hoa giấy để thờ trong dịp lễ, Tết.

Đồng chí Trương Quang Nghĩa, Phó Bí thư Thành ủy cùng Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Trung và chị Lương Thị Tình tại đảo Trường Sa Lớn  


Lương thực cho ngày Tết ở đảo chẳng thiếu thứ gì vì ngoài vật phẩm người nhà gửi từ đất liền ra thì quân đội và chính quyền địa phương cũng cung cấp đầy đủ mọi thứ như bánh mứt, thịt, sữa, gạo nếp, lá dong để gói bánh chưng, bánh tét… Anh Võ Văn Trường kể lại cái Tết đầu tiên ở đảo: “Lần đầu tiên đón Tết ở đảo mình cũng thấy buồn và thiếu vắng người thân. Nhưng vợ chồng cũng tự an ủi vì dù gì mình cũng có gia đình, có con cái bên cạnh, trong khi mấy anh bộ đội lại không có người thân nào cả”. Chính trong những lúc cồn cào nhớ đất liền, nhớ không khí Tết chộn rộn ở quê, nhớ cảnh ồn ào, náo nhiệt của chợ Tết, những người dân trên đảo càng thêm thấu hiểu và chia sẻ nỗi nhớ nhà của những người lính đảo. Gặp gỡ các anh, cùng chia vui không khí ngày Tết ở đảo cũng là cách để họ giúp những người lính Cụ Hồ vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình mỗi khi Tết đến, xuân về.

Đối với những người lính đang công tác trên huyện đảo Trường Sa, Tết gắn liền với nỗi nhớ da diết về người thân, quê nhà. Trung úy Thái Đàm Hiển, công tác tại đảo Nam Yết tâm sự: “Gần Tết là lúc thấy nhớ nhà nhất, đêm thì nghĩ về gia đình nhưng ban ngày chúng tôi vẫn tập trung tất cả cho công việc”. Tết ở Trường Sa, bộ đội không còn thiếu thốn như những năm trước. Những chuyến hàng từ đất liền gửi ra đảo bao gồm thực phẩm tươi, bánh mứt mang hương vị ngày Tết và có cả những lá thư thấm đẫm tình yêu thương và hơi ấm của người thân từ đất liền. Chính điều đó đã giúp các anh có thêm sức mạnh, niềm tin, tiếp tục canh giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Với những người dân của huyện đảo Trường Sa lại thêm cái Tết thứ hai sắp đến. Nơi biển, đảo xa xôi của Tổ quốc, sâu thẳm trong tim, họ luôn hướng về đất liền, nhớ thương người thân, bè bạn, nhớ không khí chuẩn bị đón Tết ở quê nhà. Nói Tết ở đảo vui hơn đất liền chứ thực tâm, những gia đình và người lính sinh sống ở Trường Sa vẫn thấy thiếu thốn tình cảm quê hương, ruột thịt. Về vật chất, Đảng, chính quyền và nhân dân cả nước luôn dành cho họ sự quan tâm, chia sẻ nhưng có những niềm thương, nỗi nhớ khó san sẻ cùng. Đó là khung cảnh ấm cúng của những buổi tất niên cuối năm cùng bà con, dòng tộc, bè bạn, là những món ăn mang hương vị Tết chỉ có ở đất liền, là không khí vui xuân rộn ràng trên khắp phố phường…

Cái Tết thứ hai ở đảo, không có bà con, bè bạn là một sự thiếu thốn khó bù đắp nhưng ngược lại, người dân nơi đây có sự quan tâm của chính quyền địa phương, có tình cảm yêu thương của những người lính Cụ Hồ, có sự đồng lòng, sẻ chia, gắn bó của những người hàng xóm mới. Và hơn hết, nhân dân cả nước luôn hướng về họ, hướng về Trường Sa với niềm tự hào, tin tưởng. Ở đất liền, trong lúc nhà nhà quây quần bên nhau vui Tết thì ở nơi biển, đảo xa xôi, những người lính, những người dân Trường Sa vẫn giữ vững quyết tâm, sẵn sàng chấp nhận mọi gian khổ để người dân đảo và triệu triệu người dân Việt đón một năm mới trong an bình, hạnh phúc.

Mỹ Hạnh

;
.
.
.
.
.