.

Có một tấm lòng...

.

Giữa chốn xa lạ, nhưng không đơn độc, bởi cái chất xông xáo, không ngại khó khăn đã đẩy chị bươn lên bục diễn thuyết và hùng hồn hô vang khẩu hiệu: “Không chiến tranh, không vũ khí hạt nhân, không vũ khí hóa học! (No war, no nuclear weapon, no chemical weapon!) bằng cái tiếng Anh tập tọng đầy chất “bồi” ngọng nghịu của mình.

 

Mô tả ảnh.
Bà Nguyễn Thị Hiền đang kêu gọi đấu tranh chống vũ khí hạt nhân, vũ khí hóa học tại Quảng trường Thời đại (New York - Mỹ).

1- Chập tối Ngày Quốc tế Lao động 1-5-2010. Quảng trường Thời đại ở thành phố New York (Mỹ) trở nên náo loạn do lệnh sơ tán và phong tỏa suốt 10 giờ bởi nhà chức trách Mỹ nhận tin báo về một vụ đánh bom xe. Chiếc SUV sẫm màu đang bốc khói, trong chiếc xe này chứa đến hơn 100kg chất nổ là phân bón hóa học, thùng khí propan cùng với dây dẫn. Một phen hú vía đối với người dân Mỹ cũng như khách du lịch, bởi vị trí của chiếc xe nằm gần sân khấu kịch nghệ Broadway và nhiều nhà hàng với đông đúc người qua lại.

Bất chấp những mối đe dọa luôn ngấm ngầm trong lòng nước Mỹ ngay tại New York vào đúng thời điểm nóng bỏng ấy, có một người đàn bà Việt vẫn hòa vào dòng người đang tổ chức một cuộc biểu tình rầm rộ gồm hơn 15 nghìn người tại Quảng trường Thời đại để phản đối chiến tranh, phản đối cách hành xử nhuốm màu bạo lực vẫn đang diễn ra hằng ngày trên thế giới. Người đàn bà đó không xa lạ, nhất là đối với những ai quan tâm về cuộc đấu tranh không mệt mỏi cho công lý của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Chị là Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng, Việt Nam. Giữa chốn xa lạ, nhưng không đơn độc, bởi cái chất xông xáo, không ngại khó khăn đã đẩy chị bươn lên bục diễn thuyết và hùng hồn hô vang khẩu hiệu: “Không chiến tranh, không vũ khí hạt nhân, không vũ khí hóa học! (No war, no nuclear weapon, no chemical weapon!) bằng cái tiếng Anh tập tọng đầy chất “bồi” ngọng nghịu của mình.

“Không hiểu sao lúc đó mình chẳng biết sợ là gì. Không sợ khủng bố, không sợ người ta cười mình chẳng biết tiếng Anh tiếng em, không sợ biển người lạ hoắc lạ huơ tràn ngập cả Quảng trường Thời đại. Bởi mình nghĩ, ngay tại nước Mỹ nhiều người cũng yêu hòa bình, người ta cũng bảo vệ người dân, không muốn xảy ra đánh bom liều chết” - Nhớ lại cái khoảnh khắc trên diễn đàn nơi nước Mỹ xa lạ, chị không khỏi bật cười cho cái phút giây xông xáo ấy của mình.

Nhưng cũng có một điều, mà mấy ngày đặt chân lên đất Mỹ, chị cảm thấy như sự thôi thúc ghê gớm trong lòng để mình vượt qua những khó khăn, cản ngại khi thực hiện sứ mệnh là Trưởng đoàn tuyên truyền về nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam trong chuỗi hành trình vận động cho vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ, theo lời mời của Ban Vận động cứu trợ và Trách nhiệm với nạn nhân chất độc da cam và Hội Cựu chiến binh vì Hòa bình (Mỹ) vào giữa năm 2010 vừa qua. Đó chính là chị tận mắt thấy những tình cảm đặc biệt, thiêng liêng mà những người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình dành cho Việt Nam, dành cho Bác Hồ.

Trong suốt hành trình 33 ngày qua 7 thành phố trên đất Mỹ xa lạ với đầy ắp công việc, đầy ắp sự kiện… ở đâu chị cũng thấy ấm lòng khi bắt gặp tình cảm không thể lay chuyển đó hiện diện trong những người dân Mỹ. Chị kể, trước hôm diễn ra sự kiện biểu tình chống chiến tranh hóa học, chiến tranh hạt nhân, trước hôm xảy ra sự kiện đánh bom hụt ở Quảng trường Thời đại ấy, khi biết những người khách trên xe mình là người Việt Nam, anh lái taxi ồ lên thán phục: “Các bạn là người Việt Nam, hôm nay là ngày thống nhất đất nước của các bạn đấy. Ô, Việt Nam, Hồ Chí Minh. Bác Hồ là người hùng của tôi đấy!”. Rồi anh bật màn hình điện thoại di động, trên ấy hiện lên hình ảnh Bác Hồ, rồi hình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang tươi cười. “Lúc đó, tôi vui nhưng cũng không cầm được nước mắt, xin chụp cùng anh một bức hình đầy kỷ niệm đẹp ấy” - Chị tâm sự.

Cũng ngay tại New York, khi nghỉ lại trong căn nhà của chị Susan Schnall, chị có cảm giác như được sống trong một căn nhà nào đó ở Việt Nam. Ở đó, như một bảo tàng thu nhỏ về đất nước hình chữ S, tràn ngập những hình ảnh về Bác Hồ, về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, những hình ảnh đất nước Việt Nam trên đường phát triển hôm nay… Bởi chị Susan Schnall chính là nữ y tá trong lực lượng hải quân Mỹ đã từng dũng cảm lái máy bay rải truyền đơn tại căn cứ quân sự vùng Vịnh San Francisco, tàu sân bay USS Enterprise và bệnh viện Hải quân Oak Knoll, đã trở thành một biểu tượng trong cuộc đấu tranh phản chiến đầy quả cảm của người con gái Mỹ hơn 40 năm trước.

Tình cảm đặc biệt của những người bạn Mỹ ấy như thắp bừng lên ngọn lửa nghị lực trong người đàn bà vốn đã miệng nói tay làm, thoăn thoắt như con thoi mỗi khi có việc gì liên quan đến nạn nhân chất độc da cam/dioxin ấy. Nó thôi thúc chị guồng chân nhanh hơn trong hành trình đấu tranh công lý của mình, để sau khi rời New York đến Thủ đô Washington, chị đã nỗ lực không ngưng nghỉ; chỉ trong vỏn vẹn một ngày dừng chân nơi đây, với sự giúp đỡ nhiệt thành của nghững người bạn Mỹ, chị đã có 11 cuộc tiếp xúc với các nghị sĩ Mỹ, trong đó trực tiếp gặp 3 nghị sĩ Mỹ và 7 trợ lý để vận động cho các cuộc điều trần về nạn nhân chất độc da cam…

2- Phòng khách Quốc tế, Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng. Chiều ngày 26-8, chỉ sau khi kết thúc hành trình đến Mỹ vừa hơn 3 tháng. Người phụ nữ tất bật trên đất nước cách Việt Nam nửa vòng Trái đất hôm nào tất tả cùng lãnh đạo thành phố tiếp Hạ nghị sĩ Hoa Kỳ Eni F. H. Faleomavaega, Chủ tịch Tiểu ban Châu Á - Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ. “Nè em, hế-lô là xin chào phải không? Còn “Ông có khỏe không?” là nói răng, chị quên mất rồi?” - Chị tất bật hỏi những nhân viên lễ tân của Sở Ngoại vụ, để ít nhất cũng tự mình chào hỏi bằng tiếng Anh nhằm “lấy lòng” khi vị Hạ nghị sĩ Mỹ đến. Bởi ông là người nổi tiếng trong Hạ viện Mỹ với việc tổ chức 3 cuộc điều trần về chất độc da cam, tích cực vận động Quốc hội Mỹ tăng ngân sách khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin cũng như đã cùng 8 nghị sĩ Mỹ khác ký thư gửi Quốc hội Mỹ đề nghị chi 26 triệu USD cho tẩy độc ở Sân bay Đà Nẵng. Bởi chị cũng đã đến văn phòng của ông trên đất Mỹ để vận động ông tiếp tục ủng hộ cho cuộc đấu tranh công lý đầy tính nhân văn này của hơn 3 triệu nạn nhân dioxin Việt Nam, cũng như cho những nạn nhân người Mỹ…

Cũng vì thế, với thứ tiếng Anh “bồi” ngày nào đã dùng trên đất Mỹ, chị  mạnh dạn xin phép được tặng cho ông Hạ nghị sĩ Mỹ một món quà thật ý nghĩa là chiếc khăn thêu do chính tay những em bé bị nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Trung tâm của chị thêu tặng; cũng là cái cách mời mọc nhiệt tình để vị Hạ nghị sĩ dành chút ít thì giờ trong quỹ thời gian nhỏ nhoi của mình ở Việt Nam đến tham quan, tận mắt chứng kiến và thu thập những hình ảnh sinh động, đầy sức thuyết phục về hậu quả chất độc da cam/dioxin. Nhắc lại cái tất bật ấy, chị nói: Mình phải tận dụng từng phút, từng giây để tiếp cận với những nhà hảo tâm, những nhà tài trợ, với bất kỳ ai quan tâm đến nạn nhân chất độc da cam. Bởi chỉ cần buông ra một cái, là mất đi cơ hội kêu gọi những người ủng hộ, giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm vì chất độc da cam! Thế nên nhiều bữa làm quên ăn quên ngủ luôn, về đến nhà thấy mệt phờ người ra, nhưng vẫn gắng sức làm.

Với tâm niệm như thế, chỉ 5 năm trong vai trò Phó Chủ tịch Thường trực, rồi Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố kiêm Giám đốc Quỹ Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh Đà Nẵng, chị cùng các cộng sự vượt qua những khó khăn tưởng chừng không thể vượt nổi để hoàn thành nhiệm vụ được giao với những con số đầy ấn tượng. Không chỉ vận động giúp đỡ, chăm sóc nạn nhân da cam, Hội của chị đã góp tiếng nói quan trọng vào việc tuyên truyền, đấu tranh đòi công lý cho họ - mà chuyến đi Mỹ hơn một tháng của chị cũng là để hoàn thành nhiệm vụ đó. Nhờ những nỗ lực không mệt mỏi, trong vòng 5 năm chị đã huy động được đến 25 tỷ đồng tài trợ; tổ chức nhiều hoạt động nhằm liên kết những nhà hảo tâm trên toàn thế giới quan tâm và ủng hộ cho cuộc đấu tranh vì nạn nhân chất độc da cam; trong đó ấn tượng nhất là sự góp mặt của 30 hội viên người nước ngoài trong Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Đà Nẵng.

Họ là những nhà hoạt động xã hội, nhà báo, nhà giáo, sinh viên… trong đó có đến 13 người Mỹ. Chính chị cũng là người đã đưa Nhà nhiếp ảnh Mỹ Ed Kashi đến với gia đình bé Nguyễn Thị Ly ở Ngũ Hành Sơn để có những bức ảnh ấn tượng về nạn nhân chất độc da cam vô tội và bé bỏng, góp thêm tiếng nói đầy thuyết phục với bức ảnh đoạt giải “Ảnh của năm 2010” do tổ chức UNICEF trao tặng vừa qua.

Dường như, với người đàn bà vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về 4 năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” này, có một dòng máu luôn chảy tràn tình thương yêu theo nhịp đập mong manh nhưng mãnh liệt của trái tim những mảnh đời bất hạnh, của những nạn nhân chất độc da cam/dioxin, vì một khát vọng và chân lý cho hòa bình…

NGUYỄN THÀNH

;
.
.
.
.
.