Nơi xóm chài ven sông này, con cái các gia đình thường chỉ học hết tiểu học, THCS, nhà khá giả thì theo đến hết THPT. Họa hoằn lắm mới có một vài em đậu vào đại học. Ấy vậy mà gia đình ông Tăng Văn Phước và bà Phạm Thị Hồng đã phấn đấu nuôi 4 người con của mình đều vào đại học.
Bà nội các em chỉ cho chúng tôi những bằng khen, giấy khen mà các con ông Phước đạt được. |
Trong đó, hai con đầu là Tăng Văn Lộc và Tăng Thị Vy hiện đang học năm thứ 5 và năm thứ 4 Đại học Bách khoa và Đại học Sư phạm Đà Nẵng, người con gái giữa là Tăng Thị Tươi cũng đang theo học năm thứ 2 tại Đại học Sư phạm Đà Nẵng, người con út đang là sinh viên xuất sắc của Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm Đà Nẵng. Đặc biệt, em Tăng Thị Tươi từng 3 năm liền đạt giải học sinh giỏi cấp thành phố, và từng đi thi học sinh giỏi Olympic khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Năm 2009 em cũng được trao giải thưởng Hoa Trạng nguyên cho học sinh xuất sắc nhất các trường phổ thông trung học.
Giữa tấp nập của phố phường Đà Nẵng, khó khăn lắm, tôi mới tìm ra căn nhà của gia đình ông Tăng Văn Phước nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở tổ 4, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà. Giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt của một buổi chiều cuối đông, dẫu lọt thỏm trong hẻm, nhưng căn nhà vẫn rung lên bần bật mỗi khi có gió lớn. Những mái tôn đã rách nát qua thời gian, những vách dựng tạm bợ bằng những tấm bê-tông cũ và sắt gỉ đang oằn mình dưới gió mưa. Đâu đó trong căn nhà, thật ra là một túp lều, tuềnh toàng, cũ nát, chưa đến 15m2, từng giọt mưa tí tách rơi xuống các thau, nồi… đang hứng nước mưa dột trong nhà nghe như một điệp khúc buồn…
Rời vùng quê nghèo ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đến định cư ở xóm vạn đò dưới chân cầu Sông Hàn hơn 20 năm trước, cái nghèo vẫn luôn đeo bám gia đình ông. Để có thu nhập cho sinh hoạt và nuôi con ăn học, hằng ngày, vợ chồng ông làm đủ nghề như: Cửu vạn, lao công, chài lưới, chở cá thuê... Thấy được nỗi cực nhọc, vất vả của ba mẹ, các con của ông đều chăm ngoan, học giỏi. Trong những năm học THCS và THPT, bốn người con của ông liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Vy, Lộc, Thắm, Tươi là những cái tên ông Phước đặt cho các con với tất cả niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng, một sự đổi đời. Và có lẽ, sự kỳ vọng đó đã thôi thúc vợ chồng ông Phước quên đi nỗi nhọc nhằn của cuộc sống thường nhật. Ông Phước tâm sự: “Gia đình nghèo chẳng có gì cho các con, thôi thì mình dành tất cả những gì có thể để nuôi con ăn học”.
Ý chí vượt lên số phận từ vợ chồng ông đã truyền sang cho các con. Bữa đói bữa no, song cả 4 người con của ông đều quyết chí đi học và học rất giỏi. Trong căn nhà ọp ẹp, thứ có giá trị nhất là tủ sách cũ và hàng chục giấy khen, giấy chứng nhận về thành tích học tập của các con từ các bậc học phổ thông cho đến đại học…
Góc học tập của các con ông Phước, đây cũng là nơi các em dạy kèm thêm. |
Năm 2006, Vy tốt nghiệp phổ thông. Bao hy vọng gieo mầm đã cho quả khi em đỗ vào Đại học Sư phạm Đà Nẵng với số điểm khá cao. Song điều kiện gia đình lúc đó, đến cái ăn còn lo không đủ, Vy đành gác lại ước mơ. Nhưng trong lòng cô học trò nghèo này vẫn không nguôi khát vọng cháy bỏng một ngày nào đó sẽ bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Ngay thời điểm Lộc vào đại học cũng là lúc bà Hồng ngã bệnh. Song nhìn cảnh các con ham học, bà Hồng phải gắng gượng cùng chồng tiếp tục sáng bám biển, chiều chạy chợ kiếm tiền. Niềm hy vọng một lần nữa lại được thắp lên với Vy khi em tiếp tục thi đỗ Đại học Sư phạm năm sau đó.
Lần này, với sự động viên của ba mẹ, Vy vừa đi học, vừa phụ giúp ba mẹ việc gia đình và tìm việc làm thêm. Rồi cái khó, cái nghèo càng đè nặng khi hai em Thắm và Tươi tiếp tục đỗ đại học. Những chuyến giã cào của ông Phước ngày càng khó khăn, những buổi chợ của bà Hồng thêm vất vả… Có những lúc quá khó khăn, trong nhà không còn hột gạo, tưởng chừng như không thể vượt qua được, những người con của ông đã có ý định nghỉ học, tìm việc làm giúp đỡ bố mẹ. Nhưng tất cả đều nghĩ: “Chỉ có cái chữ mới giúp gia đình thoát nghèo được”, nên rồi lại tìm mọi cách đến với sách vở. Với các em, đó là con đường duy nhất để thoát nghèo.
Nghĩ vậy nên Vy cũng như các em của mình đã làm tất cả để được đến trường. Bên con hẻm nhỏ cạnh nhà, ba mẹ em dựng tạm túp lều để các em dạy học. Ngoài thời gian dạy kèm, Vy cùng các em tranh thủ học thêm, tích lũy kiến thức để tiếp tục theo đuổi giấc mơ đại học. Rồi năm kế tiếp, đứa em trai của Vy là Tăng Văn Lộc thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng ở thứ hạng đầu. Lần này thì ông bà Phước quyết chí cho con đi học. Không phụ sự kỳ vọng của ba mẹ, Lộc đã trở thành sinh viên giỏi của trường nhiều năm liền. Mặc dù có những bữa, em phải đạp xe hơn 20 cây số đi, về với cái bụng trống không, nhưng cũng phải guồng cho thật nhanh để kịp về cho em đi học, vì 4 chị em chỉ có 2 chiếc xe đạp đã cũ…
Cuộc sống gia đình có 4 người con hiếu học này vẫn đang gặp muôn vàn khó khăn vất vả, họ vẫn loay hoay với nỗi lo cơm áo từng ngày. Chiếc ghe tạm cũ nát, là phương tiện duy nhất để làm ăn của gia đình ông không thể vươn xa ra biển, nhưng cũng có những lúc ông đánh liều tính mạng vì các con. Với chiếc ghe cũ, nỗ lực vượt qua khốn khó của ông Phước còn quá mong manh. Nhưng gia đình họ vẫn luôn tràn đầy niềm tin, những đứa con thông minh, hiếu học sẽ một mai vươn ra biển trời rộng lớn trên con tàu tri thức, vững vàng đi tới trong tương lai…
THÀNH LÂN