.

Giữ hương cho Tết

1. Về đây nghe em. Về đây nghe em. Về đây mặc áo the đi guốc mộc. Kể chuyện tình bằng lời ca dao. Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai. Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới... Nghe câu thơ của Anh Khuê được Trần Quang Lộc phổ nhạc, bỗng dưng nhớ ông tôi một thời áo dài khăn đóng, lấy cán dù làm cái cù ngoéo kéo theo thằng bé là tôi lên nhà thờ tộc đi lễ Tết. Mỗi lần như thế, ông không quên bảo tôi ôm theo đôi guốc đẽo bằng gỗ thầu đâu, tới cái ao trước nhà thờ, ông xuống rửa chân và xỏ guốc vào, sửa lại cái khăn đóng rồi trịnh trọng cất bước.

Tôi lúc đó còn i tờ với người thầy đầu tiên là ba tôi, hương vị ngày Tết chỉ loáng thoáng những câu chuyện mà trí lực chưa đủ tường minh để xâu chuỗi thành những hoài niệm lấp lánh sắc xuân. Nhớ nhất có một cái Tết, ba đưa tôi xuôi sông Cổ Cò xuống Hội An. Sau khi sắm xong mấy thứ, ba tôi đi lùng mua cho được đôi guốc thầu đâu có quai bằng da bò chính hiệu để làm quà Tết cho nội.

Quai da bò thấm nước, nở ra ôm mấy ngón chân quá khổ và đầy sẹo của nội. Nội nhón chân bước đi, không biết vì sợ quai tuột mất hay vì chân trần ra ruộng không quen đi guốc? Theo lời nội kể thì cái nghề guốc mộc này do một thanh niên vùng đất Thần kinh mang từ ngoài Huế vào, mang theo cái vẻ đài các kinh kỳ. Thế mà hay, chứ mặc áo the mà không có guốc mộc đi kèm thì còn ra thể thống gì nữa!

2. Câu thơ của Anh Khuê còn nhắc tới những chuyện tình được kể bằng chất liệu đơn sơ, dân dã. Câu ca dao đẫm vị phù sa, mẹ à ơi thành lời ru nuôi con khôn lớn. Nồi ngô khoai vừa nhắc ra khỏi bếp than hồng, sực nức hương quê giữa ngày đông giá lạnh. Nhưng điều tôi khó có thể nguôi quên là những mùa mừng lúa mới, bao giờ cũng dành những hạt nếp mẩy vàng cho ngày Tết.

Theo lời bà tôi kể thì ngày đó làng tôi nhiều người trồng lúa nhe, giống lúa thân cao, cho hạt to và tròn. Nấu cơm mới, giở nắp vung ra là người đi ngoài ngõ cũng nghe thơm đến nứt mũi. Lúa nhe mà làm mì thì đúng là Quảng chính hiệu. 

Nhưng đến Tết thì nếp mới là “nhân vật” chính. Ngày đó làng tôi mua giống nếp ngon từ các nơi về. Nếp mèo có vỏ rằn rằn, nếp tây hột tròn bụ bẫm, dẻo và thơm. Cả hai loại đều thích nghi với ruộng bùn, tháng tám âm lịch cấy, tháng mười một gặt. Các nơi người ta cấy nhiều để bán, làng tôi ruộng hẹp, mỗi người làm một sào vừa đủ cho cả nhà ăn Tết.

Tết xưa không cầu kỳ, không màu mè, nó hiện ra trong mắt cậu bé ngày ấy là tôi rất thực, vẹn nguyên thể hình và hương sắc. Các loại bánh trái không áo xanh áo hồng nhưng bao giờ cũng phảng phất hương vị của đất trời và lòng người.

3. Tôi theo ba mẹ ra phố từ lâu, quê nhà còn lại người dì với lệ làm bánh tổ mỗi Tết. Dì bảo, bánh tổ mua chừ dễ bị mốc vì họ thắng không tới đường và thêm bột vào nếp cho lợi. Bánh dì làm thắng tới đường, phơi đến khô kiệt nên để cả tháng vẫn không hề chi. Cận Tết, tôi ghé thăm, dì kêu tới cho mấy ổ bánh tổ. Không nhận thì sợ dì buồn, mà nhận về thì cả nhà đâu có ai đụng tới, rồi phải tìm người cho lại, chứ bỏ thì mang tội.

Cái hương Tết vậy mà vơi dần, vơi dần. Mẹ tôi mấy năm trước còn cất công đêm hôm nấu bánh tét. Mấy đứa nhỏ thương bà, bảo thôi, nội ưng cái chi thì ra ngoài chợ mua trớt, làm chi cho mệt. Mà đúng thế thật, bánh trái bây giờ chủ yếu để cúng, không phải để cấp như trước. Có năm bánh tét để ra rằm tháng giêng cũng không ai ăn, cứng ngắc như khúc củi.

Ba tôi cũng bị tụi nhỏ “tước” đi cái thú viết thư pháp ngày xuân. Cái phòng khách của những năm đầu thế kỷ XXI xem ra không còn thích hợp với nét bút chân phương trên tờ giấy hồng đơn chân quê. Ngoài phố, đã thấy xuất hiện đâu đó bóng dáng các cụ đồ thời a còng “bày mực tàu giấy đỏ” như trong thơ Vũ Đình Liên ngày nào.

4. Hàng xóm của tôi có một người là Việt kiều. Lần về quê ăn Tết mấy năm trước, anh bỗng dưng lọt vào trang bìa của báo Đà Nẵng Xuân sau một lần dạo chợ Hoa Xuân. Bạn bè phát hiện, a-lô tới tấp. Qua trang báo năm đó, anh cảm thấy thành phố đẹp hơn, không phải vì như người ta nói - dù có đi năm châu bốn biển thì bao giờ cũng thấy quê nhà đẹp nhất, mà chính là tự thân nó đẹp.

Bạn bè nói đùa anh chừ như cô gái trong bài thơ “Chân quê” của Nguyễn Bính, quay về quê nhà thì “hương đồng cỏ nội bay đi ít nhiều”. Anh cười, bảo phải nói ngược lại, vì “hương đồng cỏ nội” mà anh quay về ăn Tết ở nơi mình sinh ra và khôn lớn. Anh tìm đến những hội làng, những cuộc đua ghe, nghe hát Tuồng... hòa mình cùng bọn trẻ chơi vài ván “bầu cua” bên lề đường hay trịnh trọng cùng các cụ làm mấy hội bài tới trong phòng khách.

Xa quê, anh nghiệm ra rằng, khi có cái gì đó mất đi thì ta mới thấy giá trị của cái không còn.

5. Những giống lúa, nếp xưa chừ chẳng biết đi đâu về đâu, để cho bánh trái ngày xuân phai nhạt ít nhiều hương vị. Vẻ đẹp Tết cổ truyền giờ cũng không còn nguyên vẹn như xưa giữa cuộc sống tất bật đương đại.

Tết, mỗi người có riêng một cảm nhận. Tôi, mỗi lần nghe câu hát của Trần Quang Lộc, lại cảm thấy Nàng Xuân chừng như đang níu giữ hương mùa đâu đó. Và tôi khẽ hát, riêng tặng Nàng: Về đây nghe em. Về đây nghe em...

VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.