Khoảnh khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới thường nhắc đến sự đoàn tụ. Với gia đình bình thường, dịp đoàn tụ nào cũng quý giá, huống gì những gia đình vốn thường xuyên sóng gió. Thế nên, cuối năm 2010, nhìn vào con số 113 ông chồng được ghi nhận tiến bộ sau bạo lực, đồng nghĩa với việc có 113 ngôi nhà tìm lại bình yên để ngồi bên nhau đón năm mới, cảm giác hạnh phúc như không gì sánh bằng.
Bình yên lại về
Công tác phòng, chống bạo lực gia đình của Đà Nẵng nhận được sự đánh giá rất cao của các tổ chức, địa phương khác.
Trở lại câu chuyện gia đình anh Đỗ Ngọc Đình và chị Ngô Thị Hậu (tổ 3, Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cách đây 2 năm, tức trước khi có cuộc gặp mặt 130 ông chồng đánh vợ với Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Những hành động thiếu kiềm chế của anh Đình lúc bấy giờ không chỉ ảnh hưởng đến hạnh phúc vợ chồng mà còn khiến cậu con trai mới học hết lớp 6 buồn chán, bỏ học đi bụi đời. Có thể nói, gia đình anh là điển hình cho những tổn thất do bạo lực gây ra.
Giờ đây, khi gặp lại những con người từng đau khổ này lại thấy rạng ngời nụ cười mãn nguyện. Ngôi nhà xập xệ của anh chị vẫn còn đó, nhưng như là kỷ vật của một thời. Họ đã có căn nhà mới, kiên cố, khang trang bằng tiền ủng hộ của chị em Hội Phụ nữ. Chính quyền thành phố, địa phương và các hội, đoàn thể khác đã chung tay giúp gia đình anh chị có phương tiện làm ăn, sinh sống. Đặc biệt, cậu con trai Đỗ Ngọc Sơn từng bị coi là lêu lổng cũng có chuyến “tham quan” đặc biệt với lãnh đạo thành phố trong năm nay. Có thể dùng từ “lột xác” để nói về Sơn lúc này. Em đã được một công ty nhận vào làm công nhân với mức lương 1,5 triệu đồng/tháng. Mỗi chiều, Sơn có nhiệm vụ đến nhà trẻ đón em út về để bố mẹ yên tâm làm việc. Khác với hình ảnh một cậu bé mới lớn đầy ương bướng, Sơn đã trở thành niềm vui và tự hào của cả nhà.
Cú hích
Gia đình anh Đình, chị Hậu và các con quây quần bên nhau. |
Anh Sơn, chị Hậu là một gia đình thay đổi rõ rệt sau bạo lực, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất trong hàng trăm hộ đã được thành phố, cụ thể là Hội LHPN hỗ trợ. Mỗi nhà mỗi cảnh, sự thay đổi vì thế có mức độ khác nhau. Nhưng một hoàn cảnh nào đó tiến triển, dù là nhỏ hay chỉ mới bước đầu, cũng là niềm hy vọng trong cuộc chiến với bạo lực gia đình (BLGĐ). Nhìn lại, nhiều người trong số đó đã thay đổi qua hành động hoặc âm thầm trong nhận thức. Một phụ nữ bị chồng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay nhiều năm đến mức phải vào bệnh viện, nhưng giờ đây chị đã có thể sống yên ổn mà không còn nơm nớp sợ bị đòn, dù anh chưa thật sự trở thành người chồng, người cha lý tưởng.
Để có sự chuyển biến của hàng trăm con người hay sự bình yên nhỏ nhoi của người phụ nữ trên là những nỗ lực của nhiều người với nhiều giải pháp. Hàng loạt những hội thảo chia sẻ phòng, chống BLGĐ diễn ra trong năm 2010 đã thu nhận nhiều kinh nghiệm từ các địa phương, cá nhân, tổ chức không chỉ trong nước mà cả ở một số nước tiên tiến. Đà Nẵng còn xây dựng được 4 địa chỉ tin cậy tại phường Thanh Khê Tây, Chính Gián (quận Thanh Khê), phường Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Tại đây có các thiết bị sơ cấp cứu và vật dụng cho các nạn nhân bị bạo hành tạm thời lánh nạn. Ở những địa phương khác, như phường Bình Hiên (quận Hải Châu), người dân lại được cung cấp số điện thoại của đường dây nóng phòng, chống BLGĐ. Đây cũng là địa phương thành lập được Ban chỉ đạo nhằm giải quyết các vụ xung đột gia đình trên địa bàn.
Về phía cấp thành phố, cuối năm 2010, Công an Đà Nẵng đã có công văn quyết định phân công cán bộ chuyên trách phòng, chống bạo lực theo từng địa bàn. So với cả nước, Đà Nẵng là thành phố duy nhất có lực lượng công an chuyên trách lĩnh vực này. Thêm vào đó, để động viên nhân dân cùng chung tay lên tiếng đẩy lùi bạo lực, từ đầu năm, UBND thành phố đã có quyết định khen thưởng 300.000 đồng cho người tố giác hành vi BLGĐ.
Bằng những gì đã và sẽ làm để phòng, chống BLGĐ, Đà Nẵng luôn nhận được sự đánh giá rất cao của các tổ chức và địa phương khác trên cả nước. Quan trọng hơn, trên tất cả, việc làm của Đà Nẵng đã như một “cú hích” vào một vấn đề tồn tại bao lâu nay, nguy hại và âm ĩ.
TOÀN VÂN