Nhớ ngày xưa khi còn sống chung với cha mẹ ở quê nhà, không khí của những ngày Tết Nguyên đán thật lạ, vừa ấm cúng vừa thiêng liêng. Ấm cúng vì những ngày ấy, những người ruột thịt trong nhà dù làm ăn nơi xa đâu cũng cố tề tựu đông đủ. Thiêng liêng vì những ngày ấy, ngoài những người sống vui vẻ quây quần bên nhau, trong nhà còn có hình bóng “Ông bà” cùng về ăn Tết với con cháu.
Thường thì ba mươi tháng chạp, cả nhà tôi dưới sự chỉ huy nghiêm khắc của ba tôi, làm một mâm cỗ khá trịnh trọng để cúng lễ “Rước Ông bà”. Mâm cỗ thường có những món ngon ngày Tết, có các thứ bánh để lâu được trên bàn thờ, hoa quả đầy đủ, và đặc biệt luôn có đồ vàng mã xanh đỏ đủ màu… Trước giờ hành lễ, nhà cửa phải được quét dọn sạch sẽ tinh tươm, bởi ba bốn ngày sau không được quét nhà.
Ba tôi vốn ít nói, trịnh trọng trong bộ áo dài the đen, đầu đội khăn đóng càng trở nên nghiêm trang bí ẩn khác thường. Đúng giờ, thường là giờ ngọ, ông nghiêm cẩn trước bàn thờ tổ tiên với nắm hương cháy đỏ đưa ngang trán, lâm râm khấn nguyện. Phía sau là “đoàn tùy tùng” 6 anh em trai bọn tôi đứng thành hai hàng ngang, hàng đầu là 3 anh tôi, hàng sau là tôi và hai đứa em nhỏ, chắp tay lên ngực, tất cả như nín thở theo những âm thanh lầm rầm của ba. Ba tôi khấn nguyện rất lâu, chừng đến gần một phần tư nén hương mới dứt, vái ba cái xong, ông bước tới cắm hương lên các lọ hương trên bàn thờ.
Tiếp theo là bốn lạy đứng lên quỳ mọp xuống đất, từ từ chậm rãi và rất trang nghiêm. Đàng trước ba làm thế nào, phía sau anh em chúng tôi cũng diễn động tác đúng hệt như thế. Má và hai chị gái tôi lấp ló ở cửa nhà sau chiêm ngưỡng lễ với tất cả sự ngưỡng mộ chân thành. Hành lễ xong, mọi người được tự do. Nhưng kể từ giây phút đó, không khí trong nhà khác hẳn bình thường, mọi người không được nói lớn tiếng, mỗi lần qua lại bàn thờ là phải cúi đầu im lặng… Kể từ giây phút ấy, khói hương trên bàn thờ không lúc nào ngưng. Ban ngày thì đốt nhang thẻ, nén nhang này gần tàn, phải có ngay nén khác đốt nối theo.
Anh Hai tôi chịu trách nhiệm việc đó. Đêm đến, trước khi cả nhà đi ngủ, ở mỗi bát nhang, anh Hai tôi phải thắp lên một khoanh nhang vòng đủ cháy đến sáng hôm sau. Và đặc biệt, sau giây phút hành lễ “rước Ông bà” ấy, trước mỗi bữa ăn trong gia đình, ba tôi đều có lễ cúng cơm mời Ông bà ăn trước. Lễ gọn nhẹ, chỉ mình ba vái lạy, nhưng không hề thiếu phần trang nghiêm kính cẩn. Trong những ngày “Ông bà” về ở trong nhà, với tâm tưởng của một đứa trẻ 8, 9 tuổi, tôi thật sự cảm nhận có một cái gì đó rất linh thiêng từ hương khói trên bàn thờ tổ tiên thấm đượm trong từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ hành động của mỗi người, nhất là ở ba tôi. Ba thường ngồi trầm ngâm bên mấy quyển sách chữ nho ở bộ trường kỷ kê xéo bên góc phải bàn thờ, thỉnh thoảng đăm chiêu nhìn khói hương nghi ngút như đang nói chuyện với những người đã khuất.
Đến trưa mồng ba Tết, một mâm cỗ khá thịnh soạn như mâm cỗ bữa “Đưa Ông bà”. Lễ “Đưa Ông bà” cũng từa tựa như lễ “rước”, chỉ có thêm phần đốt đồ vàng mã sau khi cúng. Đồ vàng mã để trên bàn thờ mấy ngày Tết được đem ra giữa sân, ở một điểm cố định do ba tôi chỉ rõ, và được châm lửa trịnh trọng. Anh Hai tôi làm nhiệm vụ cầm một thanh mây dài hơn thước đứng canh, lật xới sao cho những miếng giấy xanh đỏ phải cháy sạch thành tro than và được gió cuốn bay lên trời… Ba tôi đứng ở ngạch cửa cái lặng lẽ dõi mắt nhìn theo những tàn tro của giấy lượn lờ trên không trung, vẻ mặt như đang trong một nỗi buồn chia biệt. Kể từ giây phút đó, sinh hoạt ở trong nhà mới được phép trở lại bình thường…
Bây giờ ba tôi đã đi xa lâu lắm rồi, tôi đã trở thành một người đàn ông tuổi gần tuổi ba tôi thuở đó, và đang làm chủ một gia đình nhỏ ở nơi phố thành. Trong nhà cũng có một chỗ trang trọng nhất dành để làm bàn thờ nhỏ với một vò nhang và một lọ hoa. Ngày Tết, tôi chưng thêm một mâm trái cây nhiều màu sắc và cũng thường đốt nhang mỗi sớm chiều. Trong huyền ảo của khói hương, tôi vẫn mường tượng được không khí ngày xưa ông bà đã có lúc về với cháu con trong những ngày thiêng liêng và ấm áp của Tết âm lịch. Tự nhiên tôi nhớ lại lúc sinh thời ba thường nói với chúng tôi: “Người ta sống mà không có tổ tiên chẳng khác cành mai cắm trong chậu nước, chỉ tươi được vài ngày xuân mà thôi!”…
… Từ những làn hương khói mơ hồ trên bàn thờ ngày Tết, bỗng nhớ da diết những kỷ niệm ấu thơ ở gia đình và nghĩ miên man đến những điều lớn lao của văn hóa dân tộc.
Chợt nhớ đến một ý kiến rất tâm đắc của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, xin được trích ra đây để kết luận bài viết này: “Còn nói tôn giáo là sự thờ cúng, thì mỗi người đều thờ cúng ông bà, mỗi họ đều thờ cúng tổ tiên, làng thì thờ thành hoàng và các bậc anh hùng cứu nước, các tổ phụ của các nghề, các danh nhân văn hóa. Từ góc độ văn hóa, đây là một đặc trưng đáng trọng của người Việt Nam, ở chỗ nó tưởng nhớ những người có công trạng trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay của mọi gia đình, làng xóm”. (Phạm Văn Đồng - “Văn hóa và đổi mới” - NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 1994, Trang 75).
HUỲNH KIM TÍN