South Africa 2010 đã mang lại cái kết có hậu cho bóng đá thế giới. Bởi ở đó, quá ít “đất diễn” cho những “ông già” - mà Diego Forlan chỉ là ngoại lệ - cũng như lục địa Đen đã chứng kiến sự giẫy chết của thứ bóng đá toan tính, phi nghệ thuật, nhường chỗ cho bóng đá duy mỹ lên ngôi.
Tây Ban Nha đã lên ngôi vẫn với bóng đá đẹp… |
* Espana 82 từng bóp nát trái tim của rất nhiều fan bóng đá khi “đội bóng ngoài hành tinh” Brazil bị loại ngay từ vòng 2 dù trong tay Tele Santana có “3 chàng ngự lâm” Zico, Falcao, Socrates. Tương tự, “bộ tứ huyền ảo” Platini, Tigana, Giresse và Fernandez không thể giúp đội tuyển Pháp tinh tế vượt qua sự lạnh lùng của người Đức ngay tại vòng bán kết.
Và rất nhiều World Cup khác, Brazil, Hà Lan, Pháp từng khiến những tín đồ bóng đá duy mỹ phải thổn thức bởi những nét nghệ thuật siêu hạng, song tất cả đều gục chết trước cửa thiên đàng. Từ Italia 1990, những nhà vô địch đều không ghi được một dấu ấn đáng kể để bổ sung vào nét đẹp của nghệ thuật bóng đá thế giới, dù đó là Brazil 1994 và 2002 hay “Những chú gà trống Gauloise” 1998…
* Khi thành tích (kèm theo lợi nhuận) luôn là hấp lực khá lớn, dường như chủ nghĩa lãng mạn, nét đẹp và tính nghệ thuật của bóng đá tinh tế mất dần chỗ đứng. Bởi trong bóng đá, “chỉ có người chiến thắng mới được nhắc đến”. Chủ nghĩa thực dụng từng bước chiếm lĩnh khi phần lớn các nhà cầm quân đều coi trọng “cách chiến thắng”. Điều đó biện minh cho tất cả một khi cái đẹp không đủ biện minh cho thất bại.
Có mâu thuẫn hay không khi Pele, Eusebio, Raymond Kopa, Beckenbauer, Cruyff, Maradona, Platini, Ronaldo, Zidane… luôn được xem là những biểu tượng của túc cầu thế giới? Đồng thời, cái đẹp trong lối chơi của Hungary 1954, Hà Lan 1974 và 1978, Brazil 1982, Pháp 1982 và 1986 mặc nhiên được đưa vào “giáo khoa thư bóng đá”. Oái oăm thay khi tất cả những đội tuyển này đều là bại tướng!
Ngay cả người Đức cũng xóa đi tính bảo thủ để chấp nhận một cuộc cách mạng và đã thành công rực rỡ. |
* Tưởng chừng mục tiêu thắng lợi của bóng đá nghệ thuật vẫn chỉ mang một giá trị phù phiếm thì Tây Ban Nha đã làm thay đổi tất cả.
Vào lúc ngay cả những “vũ công Samba” hay “những người Hà Lan bay” sẵn sàng từ bỏ những giá trị truyền thống để giành chiến thắng bằng một lối chơi thực dụng đến khó chịu, Tây Ban Nha lẫn Mannschaft như những “kẻ lạc loài” tại World Cup 2010.
Chiến thắng của Tây Ban Nha, bằng lối chơi tiqui-taca đẹp mắt, giàu tính cống hiến, càng có ý nghĩa và giá trị hơn một chiếc Cup khi các học trò của Del Bosque đã đánh bại Hà Lan đầy toan tính trong trận chung kết. Đó là sự lên ngôi của một lối chơi hay cao hơn, đó là giá trị của một sự lựa chọn, một lý tưởng mà La Furia Roja - Cơn cuồng nộ Đỏ chấp nhận đánh đổi. Từng gục ngã trước Thụy Sĩ ở vòng bảng nhưng Tây Ban Nha không bao giờ từ bỏ bản sắc của mình để giành chiến thắng bằng mọi giá.
* Tại South Africa 2010, Tây Ban Nha giành World Cup nhưng đội trẻ thành công nhất là Đức. Với T.Mueller (20 tuổi), M.Oezil (21 tuổi), J.Boateng (21 tuổi), S.Khedira (23 tuổi), T.Kroos (20 tuổi)…, Mannschaft xuất sắc giành hạng ba chung cuộc.
Không ngẫu nhiên để thủ quân Tây Ban Nha Iker Casillas tuyên bố với FIFA.com: “Đội duy nhất mà tôi e ngại và tôn trọng là Đức. Tôi rất thích đội bóng này khi họ còn rất trẻ và có những cầu thủ tuyệt vời. Tôi nghĩ rằng, họ sẽ xác lập một biểu tượng mới của bóng đá quốc tế trong tương lai”.
Bằng đội hình trẻ nhất trong lịch sử của cả 76 năm World Cup với độ tuổi bình quân 24,9, Đức đã giành được nhiều sự tôn trọng, khi duy trì và phát triển sự tiến bộ kể từ Germany 2006.
Thậm chí, Mannschaft cũng chấp nhận một cuộc cách mạng để hướng đến thứ bóng đá tấn công đẹp mắt, thay cho lối chơi xù xì, thận trọng cố hữu của mình. Tất cả mang lại niềm tin rất lớn cho Loew: “Có cảm giác, chúng tôi sẽ giành được một danh hiệu vào năm 2012 hoặc 2014”.
Với thành công của thứ bóng đá duy mỹ mang tên Tây Ban Nha cùng việc trẻ hóa đem lại cho bóng đá Đức những kết quả rực rỡ, sẽ là tiền đề để người hâm mộ hy vọng, tại Brazil 2014, sức trẻ và cái đẹp lại tiếp tục làm nên sự tươi mới cho ngày hội bóng đá của hành tinh…
BẢO AN