(Đà Nẵng Xuân 2011) - Trong nghệ thuật tạo hình, hình tượng con mèo ít được nhắc đến như những con giáp khác như: hổ, trâu, dê, ngựa, gà, lợn... Thế nhưng, trên thực tế, mèo không những là một đề tài khá gắn bó, mà còn để lại những dấu ấn rất quan trọng với lịch sử mỹ thuật của nhiều nước trên thế giới.
Ở Trung Quốc, thường có truyền thống tặng mừng nhau những bức tranh thủy mặc vẽ mèo. Loại tranh các họa sĩ vẽ một hay nhiều con mèo kèm thêm cỏ cây, hoa lá diễn tả một lời cầu chúc tốt lành, tương tự như vào ngày Tết, người Việt bày đĩa trái cây gồm mảng cầu, dừa xiêm, đu đủ và xoài, là muốn cầu vừa đủ xài. Đặc biệt, tranh vẽ mèo bên khóm trúc gồm cả đàn mèo, mèo mẹ mèo con quây quần là ngụ ý chúc trường thọ, vui cảnh con đàn cháu đống đề huề. Tranh mèo rình bắt cá, mèo “ngắm” cá lội là ngụ ý chúc được trường thọ trong cảnh sung túc, dư dã...
Ở phương Tây, điển hình là bức tranh Olympia của Éduard Manet - danh họa nước Pháp thế kỷ XIX, miêu tả cô gái khỏa thân nằm bên cạnh một chú mèo đen đã để lại những giai thoại lạ lùng (!).
Chuyện xảy ra vào năm 1863. Giữa đêm khuya, trong khi Manet đang phác họa những nét chính cô người mẫu nằm trên đivăng, bỗng một con mèo lớn chui vào xướng vẽ, nhảy lên đivăng. Cô người mẫu kêu lên kinh hãi, nhưng É. Manet nói: “Màu đen của con mèo làm nổi bật màu da trắng của cô. Tôi sẽ vẽ nó thêm vào bức tranh này”.
Cô người mẫu giễu cợt: “Sao không vẽ luôn vào đó một chị da đen cho càng nổi bật?”. Không ngờ, É. Manet đã tán thưởng ngay: “Ừ! Trên bức tranh của Titien cũng có mấy cô hầu gái. Tôi sẽ vẽ một cô hầu gái da đen mang hoa đến cho cô…”. Bức tranh đó, É. Manet đã phải vẽ miệt mài nhiều tuần lễ. Khi hoàn thành Baudelaire rủ theo một nhà phê bình nghệ thuật và nói: “Chưa có họa sĩ nào trước đây đã nói được nhiều về sự khỏa thân như tác phẩm này!”. Còn nhà phê bình nghệ thuật tiếp lời: “Phải đặt tên cho bức tranh này. Hiện nay đang có trào lưu hướng về Hy Lạp… Tôi đề nghị đặt tên cho bức tranh là Olympia…”. Tuy nhiên, bức tranh đó, khi đưa ra công chúng đã bị giới phê bình phản ứng kịch liệt, làm Manet suy nhược, cạn kiệt đến tận lúc ông qua đời.
Sang thế kỷ XX, người ta bắt đầu nhìn Olympia bằng ánh mắt khác trước, nhận ra É. Manet là một họa sĩ lớn của nước Pháp và của thế giới, đồng thời cũng ra hiểu Olympia là một sáng tạo kỳ lạ của họa sĩ.
Với dòng tranh dân gian Việt Nam, hình tượng mèo trong bức tranh “Đám cưới chuột” được phổ biến rất rộng rãi. Bởi con mèo nơi đây ngụ ý đồng hóa với tên quan tham đang nhận lễ vật được nhà chuột cống nạp như một thứ tiền «mãi lộ», nhắc nhớ mọi người phải phê phán mọi lúc mọi nơi. Hình tượng “Mèo trèo cây cau” từ trong ca dao sau này cũng được các họa sĩ đương đại đưa vào tranh với nhiều lối diễn đạt phong phú.
Đáng lưu ý, họa sĩ Lê Bá Đảng trong những ngày đầu đến đất Pháp, sống cảnh cơ hàn ở phố Con Mèo Câu Cá, đã nhờ những bức tranh vẽ mèo mà nhanh chóng hòa nhập vào làng hội họa thế giới. Với Lê Bá Ðảng, mèo còn là chữ ký của tác giả. Ông dùng mèo như một ký hiệu thuần túy tự họa. Nét vẽ mèo của ông là một thứ ngôn ngữ hội họa đầy thư pháp và thi pháp Ðông phương, nhưng lại hiện ra như một thứ ngôn ngữ trừu tượng, siêu hình, rất Tây phương. Theo nhà phê bình nghệ thuật Thụy Khê: “Ở Lê Bá Ðảng, mèo thể hiện cả chim lẫn rắn.
Bay như chim. Bò như rắn. Vũ trụ mèo do ông tạo ra là vũ trụ người, bám sát đất mà luôn luôn tìm cách vươn cao, ấp mộng bay bổng không gian, tìm kiếm trên thượng tầng không khí một bầu quyển mới. Hỏi có gì? Nơi đó? Mèo thể hiện tính chất mâu thuẫn trong con người. Mèo là chữ ký của nhân sinh. Ký hiệu của cái biết và cái không biết. Ký hiệu của những không tưởng và ảo tưởng, nhưng cũng là ký hiệu của sinh loại: “đầu đội trời - chân đạp đất”, vừa thực tiễn, vừa lắt léo trong lòng. Sau cùng và trên hết, những nét Mèo trong Lê Bá Ðảng, biểu thể nghệ thuật tạo hình đơn sơ nhất, mộc mạc nhất, không phấn son, không màu sắc, như thể nghệ thuật khởi đi và cũng tìm đến một cõi nguyên khai tuy không mà có”.
Mới đây, hồi giữa năm 2010, nhạc sĩ Andrey Makarevich – linh hồn của ban nhạc rock Nga nổi tiếng “Cỗ máy thời gian” đã khai mạc triển lãm bán tranh từ thiện tại Bảo tàng M.A.Bulgakov ở Moskva với tên gọi “Mèo Vasia trong căn hộ 50”. Triển lãm diễn ra trong vòng một tháng, ngay trong “Căn hộ tồi tệ” - địa điểm đã trở nên nổi tiếng trong tiểu thuyết “Nghệ nhân và Margarita” của nhà văn Mikhail Bulgakov, hiện thuộc Bảo tàng về nhà văn.
Qua cuộc triển lãm từ thiện này, nhạc sĩ Makarevich bán các bức tranh vẽ mèo của mình, trong đó có những chú mèo đã trở thành nhân vật quen thuộc trong các truyện cổ tích của Nga hoặc gắn liền với tên tuổi các nhà văn nổi tiếng và tác phẩm của họ như con mèo Murr của Ernst Theodor Hoffmann, mèo Bayun trong truyện cổ tích dân gian Nga, mèo Murlyk trong những câu chuyện của nhà văn Nikolai Vagner, Chú mèo đi hia của Charles Perrault và cả chú mèo Begemot của chính nhà văn Bulgakov...
Số tiền thu được từ việc bán tranh, nhạc sĩ Makarevich dành để giúp bảo tàng Bulgakov, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng do không có kinh phí tu bổ. Trước đó, vào năm 2007, nhạc sĩ Makarevich cũng đã tổ chức một triển lãm tranh mèo của mình tại phòng tranh Alla Bulyanskaya, bán những bức tranh vẽ ở “Abbey Road” khi thực hiện album nhạc “Time Machine”.
TRẦN TRUNG SÁNG