Dưới ánh nắng nhạt và tiết trời se lạnh những ngày cuối năm, thôn Tà Lang (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đắm chìm trong không gian xanh êm đềm và thanh bình của núi rừng. Đâu đó là hình ảnh những đứa trẻ đang chơi đùa trước sân nhà, các cô, các chị thì tụm năm tụm bảy bên những “cửa hàng tạp hóa” di động do những tiểu thương từ dưới phố mang lên bán.
Từ khi tái lập làng tại nơi ở mới gần với phố hơn, không còn ẩn sâu trong lòng núi rừng nữa thì người dân thôn Tà Lang cũng bắt đầu quen dần với cách sinh hoạt của lối sống đô thị. An cư trong những ngôi nhà xây bằng gạch đỏ, thoát khỏi cảnh sống quanh năm ở những nếp nhà gỗ đơn sơ, thấp bé, tạm bợ, cuộc sống của bà con Cơtu từng bước chuyển biến theo thời gian.
Nhưng dù cho lối sống đô thị hiện đại đã len lỏi vào trong từng nếp nhà của mỗi hộ gia đình nơi đây nhưng cách sống, nếp nghĩ của họ vẫn mang đậm chất văn hóa của đồng bào dân tộc Cơtu. Chàng trai 8X Trần Văn Vân, Trưởng thôn Tà Lang kiêm Phó Bí thư Chi bộ thôn nhớ lại: “Trước đây ở làng cũ, mỗi lần có việc gì thì phải đi quãng đường xa mới xuống dưới phố được. Có lần, một người trong thôn bị đau mà mấy thanh niên phải khiêng từ 10 giờ tối đến 4 giờ sáng mới đến trạm y tế của xã. Bây giờ, đường sá đi lại thuận tiện, lại có chiếc cầu mới nữa nên đời sống của bà con cũng đỡ vất vả nhiều”.
Bên căn nhà đang xây dở dang để đón Tết, ánh mắt chị Hồ Thị Thanh Tỏa chan chứa niềm vui, niềm hạnh phúc. Nhờ có sự hỗ trợ, giúp đỡ của Đảng, chính quyền địa phương, gia đình chị năm nay sẽ không còn sống tạm trong căn nhà gỗ chật chội nữa. Hai đứa con líu ríu bên chân chị, thỉnh thoảng mấy mẹ con lại ngắm nhìn căn nhà mới đang dần hình thành. “Tết này vui vì có nhà mới để ở, căn nhà cũ thì mình dùng làm bếp, một số đồ bằng gỗ có thể tận dụng lại. Nhưng chắc là Tết này không có nhiều tiền để sắm sửa, dù sao có nhà mới là vui rồi”, chị Tỏa mỉm cười. Với kinh phí hỗ trợ 30 triệu đồng/căn nhà, Tết này sẽ có thêm một số hộ dân ở thôn Tà Lang đón năm mới trong những căn nhà khang trang, sạch đẹp.
Cuộc sống với những tập quán lao động vẫn theo kiểu cũ nên chuyện tích lũy hàng chục triệu đồng để xây nhà đối với bà con không phải dễ. Chính vì thế, trong thâm tâm, bà con nơi đây cảm ơn Đảng, chính quyền đã quan tâm, tạo điều kiện để họ an cư trong những nếp nhà khang trang, con trẻ được đến trường học tập những điều hay, điều mới để hướng đến một tương lai sung túc, đủ đầy hơn cho từng gia đình người Cơtu. “Mấy em đi học để thay đổi đời sống, cái gì thuộc về phong tục tập quán cần lưu giữ thì giữ lại nhưng cũng cần phải tiếp thu cái mới của đời sống hiện đại. Vì bây giờ, ở nơi mới, không phải cứ lao động theo kiểu cũ là được, bà con phải học cách trồng cây, nuôi con giống đúng kỹ thuật thì mới hiệu quả. Hiện nay, trình độ và nhận thức của bà con cũng chưa đáp ứng yêu cầu nên mong cho mấy em đi học để mang kiến thức về giúp cho đời sống bà con nâng lên”, anh Trần Văn Vân tâm sự.
Về gần với phố, cuộc sống của bà con thôn Tà Lang dần hòa nhập với lối sống hiện đại và cách người dân chuẩn bị đón Tết cũng không khác dưới phố thị là mấy. Thường thì trước Tết, đại diện Đảng và chính quyền ở thôn tổ chức họp dân để nhắc nhở bà con chuẩn bị Tết cho hợp lý, làm sao vừa vui, vừa an toàn. Để làm buổi tiệc tất niên tiễn năm cũ, bà con trong thôn người góp tiền, người góp đồ ăn, cùng san sẻ những chuyện vui buồn trong một năm cũ sắp qua đi. Đêm giao thừa, cả thôn hân hoan tập trung tại nhà Gươl vui đón thời khắc chuyển giao năm cũ, mừng một năm mới với nhiều niềm vui, may mắn và hạnh phúc.
Ông Phạm Tấn Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bắc cho biết: “Năm nào, tối 30 Tết tôi đều xuống thôn vui với bà con. Người dân tập trung ở nhà Gươl đông lắm, khoảng hơn 9 giờ là mỗi nhà mang đến 1 chai rượu hoặc đồ ăn góp với thôn để cùng chung vui đón giao thừa”. Ngày đầu năm mới, bà con thôn Tà Lang vẫn giữ tập tục con cái đến thăm gia đình nội, ngoại hai bên. “Sáng mồng một, mình đem theo thịt, gạo và rượu đến thăm nhà cha mình, rồi sang bên nhà ba mẹ vợ. Mồng một trong thôn ai cũng qua thăm hỏi gia đình hai bên nên vui lắm, bước ra khỏi nhà là thấy mọi người đi lại chộn rộn”, trưởng thôn Vân nói.
Tết Tân Mão năm nay, bà con thôn Tà Lang không còn phải lội suối thăm hỏi làng bên nữa, thay vào đó, chiếc cầu Tà Lang - Giàn Bí và hệ thống đường liên thôn thuận lợi đã ghép nhịp nối những bờ vui, tạo nên những đổi thay mới trong đời sống của bà con, đưa họ đến gần hơn với cuộc sống phố thị. Nhưng trong niềm vui của đồng bào Cơtu thôn Tà Lang hôm nay vẫn còn chất chứa sau đó những nỗi lo chuyện cơm áo gạo tiền.
Làm sao để sang năm mới có thu nhập ổn định hơn, có việc làm và lao động hiệu quả, năng suất hơn là điều mà mỗi gia đình nơi đây còn bận lòng. Một mùa xuân mới sắp đến, thêm một cái Tết đang về, đối với đồng bào dân tộc Cơtu thôn Tà Lang, cuộc sống của họ vẫn còn lắm bộn bề, lo toan nhưng phía trước, tương lai với bao hy vọng, niềm tin đều đặt vào thế hệ trẻ, những người sẽ bằng kiến thức, bằng những kỹ năng học tập trên ghế nhà trường để tạo nên cuộc sống mới tốt đẹp hơn cho đồng bào Cơtu nơi đây.
Mỹ Hạnh