.

Hướng ra nơi đầu sóng ngọn gió

.

Tự hào về quá khứ để thấy trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo yêu thương. Nhiều bạn trẻ ở Đà Nẵng, trong đó có những chiến sĩ Biên phòng thành phố, đã chia sẻ cảm xúc khi tham dự cuộc thi “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức từ tháng 8 đến tháng 11-2011.

* Thượng úy Nguyễn Chí Thanh, Biên phòng Cửa khẩu Cảng

Bảo vệ chủ quyền biển đảo theo đường lối hòa bình, hữu nghị của Đảng, Nhà nước và căn cứ vào luật pháp quốc tế là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam cũng như của những người chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ ở nơi đầu sóng ngọn gió. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: “Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là thiêng liêng, phải quyết tâm bảo vệ, giữ vững. Chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước ta là giữ vững hòa bình, ổn định để phát triển, khai thác tiềm năng, phát triển mạnh kinh tế biển làm giàu cho đất nước; thực hiện phương châm đa dạng hóa, đa phương hóa các quan hệ quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

Cuộc thi “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển” giúp tôi có dịp hiểu sâu sắc về một chặng đường đấu tranh gian khổ, về truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và Hải quân Nhân dân Việt Nam nói riêng. Đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành bản anh hùng ca bất tử, một sáng tạo độc đáo chỉ có ở Việt Nam mà đối phương không bao giờ hiểu hết, và là một bộ phận quan trọng trong hệ thống vận tải quân sự góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sự hy sinh của những người chiến sĩ trên các đoàn tàu không số mãi mãi là những tấm gương sáng, nhắn nhủ thế hệ trẻ hôm nay về nghĩa vụ, trách nhiệm, về tình yêu quê hương, đất nước và biển đảo.

* Trung úy Cao Văn Ngọc, Hải đội 2

Con đường Hồ Chí Minh trên biển ngày ấy bây giờ là ký ức đối với những người còn sống và là huyền thoại trong lòng người dân Việt Nam. Hiểu về lịch sử, về quá khứ hào hùng và gian khổ để thắp sáng niềm tự hào dân tộc, để trân trọng, gìn giữ và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Hiểu để thấy trách nhiệm của những người đang sống hôm nay. Trong trường ca “Mặt đường khát vọng”, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã viết: “Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình/ Phải biết gắn bó san sẻ/ Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở/ Làm nên Đất Nước muôn đời…”.

Đất nước của ngày nay là đất nước của những người đang sống và có máu xương của những người đã nằm xuống cho cây đời xanh tươi, cho cuộc sống cơm no, áo ấm, cho những nụ cười rạng rỡ. Trong đó có biết bao người con với “những cái chết hóa thân thành bất tử” đã nằm lại trên đất mẹ và cả những người lính trên các con tàu không số nằm lại trên sóng nước mênh mông. Có những người không để lại gì cả ngoài một cái tên. Có những người thậm chí không để lại cả cái tên của mình. “Họ đã sống và chết/ Giản dị và bình tâm/ Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước”.

Tổ quốc không bao giờ quên các anh. Chúng tôi, những người chiến sĩ Biên phòng đang làm nhiệm vụ trên tuyến biển, xin nghiêng mình trước những con người đã làm nên dáng hình Đất Nước. Những người lính trong chiến tranh khi ra đi là phải cảm tử. Còn những người lính trong thời bình cũng vững chắc tay súng, trang bị bản lĩnh chính trị vững vàng, không ngừng học tập, nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất đạo đức để tiếp nối truyền thống cha ông gìn giữ chủ quyền và bình yên cho đất Việt.

* Bùi Thị Bích Thủy, giáo viên Trường THCS Chu Văn An

Vẫn còn đó dấu vết một con đường - không phải trên mặt biển xanh thẳm mà sâu trong lòng biển, sâu trong lòng người. Đó chính là đường mòn Hồ Chí Minh trên biển. Biển xóa đi con đường di chuyển, nhưng không thể xóa nhòa lịch sử in dấu những con tàu không số đáp lời, rẽ sóng vào Nam chi viện.

Đường mòn trên biển là mạo hiểm, là tử địa. Ra đi là xác định cảm tử. Nhưng vì miền Nam ruột thịt, thủy thủ tàu không số đã không ngại hy sinh thân mình… Mỗi chuyến đi là một cuộc đấu trí căng thẳng, quyết liệt với kẻ thù, với thiên nhiên, với khó khăn, thử thách. Khi ra đi còn đòi hỏi sự thông minh, quyết đoán, táo bạo; khi gặp hiểm nguy sẵn sàng lao thẳng vào tàu địch, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ vũ khí, trang bị, giữ bí mật về con đường, chuyến tàu, bến bãi.

Hàng của “tàu không số” cũng thật đặc biệt. Đó là tình thương của Đảng, Bác Hồ, quân dân miền Bắc dành cho quân dân miền Nam. Không chỉ chở vũ khí, tàu không số còn chở cả niềm tin thắng lợi mà Đảng gửi gắm, chở cả ánh mắt lo âu, suy nghĩ của Bác và Bộ Chính trị, chở cả một trái tim lớn của hàng vạn đồng bào miền Bắc.

Gắn biển tên đường Hoàng Sa.  Ảnh: TRIỆU TÙNG
Gắn biển tên đường Hoàng Sa. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Đường mòn trên biển là tình đồng đội, đồng chí, tình yêu thương như anh em ruột thịt. Biển đã ghi nhận tình cảm đó và lịch sử đã lưu lại những minh chứng hùng hồn cho sự đồng cam cộng khổ, sẵn sàng nhận hy sinh về mình, giành thuận lợi, sự sống cho đồng đội… Đã có 117 cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên biển. Thân xác các anh vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển bao la, sâu thẳm. Những cái tên như Nguyễn Phan Vinh, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Chánh Tâm, Huỳnh Ngọc Trạch… và cả những thủy thủ không tên - không ai còn nhớ mặt… Đó là huyền thoại được dệt bằng tuổi thanh xuân, nhiệt huyết của tuổi trẻ cho ngày toàn thắng.

* Thiếu úy Phạm Minh Tuấn, Đồn Biên phòng 248

Là người chiến sĩ Biên phòng đang công tác tại tuyến biển, bản thân tôi thật sự cảm phục và tự hào trước tinh thần quả cảm, sự thông minh, sáng tạo và tinh thần chiến đấu hết mình của các cán bộ, chiến sĩ trên những đoàn tàu không số. Họ đã chi viện hàng trăm nghìn tấn vũ khí cho chiến trường, vượt qua những cơn bão lớn và hàng trăm cuộc vây ráp…

Trong những người có mặt trên các đoàn tàu không số ngày ấy vẫn có những người đang sống bình lặng ở quê nhà, cũng có người phải đối mặt với những cơn đau vì vết thương hành hạ, nhưng cũng có biết bao người vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Các anh đã ra đi mãi mãi nhưng tôi tin rằng, huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển và sự hy sinh thầm lặng sẽ sống mãi trong lòng những người đang sống, trong bao thế hệ nối tiếp.

Bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo là trách nhiệm của mỗi công dân Việt Nam, nhất là với những người chiến sĩ Hải quân hay Biên phòng. Vấn đề Biển Đông thời gian qua làm chúng ta cảm thấy lo lắng, bất bình trước những tuyên bố vô căn cứ của Trung Quốc về “đường lưỡi bò”. Song, tôi tin vào đường lối, chủ trương và cách giải quyết hòa bình, hữu nghị, kiên quyết và không lùi bước của Đảng, Nhà nước, dựa trên luật pháp quốc tế, để khẳng định chủ quyền trong phạm vi 200 hải lý thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Luật Biển năm 1982; để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của dải đất hình chữ S với “Nguyễn Trãi làm thơ và đánh giặc/ Nguyễn Du viết Kiều, đất nước hóa thành văn/ Khi Nguyễn Huệ cưỡi voi vào cửa Bắc/ Hưng Đạo diệt quân Nguyên trên sóng Bạch Đằng…” (Chế Lan Viên).

* Nguyễn Phương Nam, lớp 08SLS Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng

50 năm trước, ít ai biết rằng ngoài biển khơi đã hình thành một con đường vận tải đặc biệt mang tên vị lãnh tụ kính yêu, Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính con đường này cùng với những tuyến đường vận tải khác đã góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Mỗi chuyến tàu ra đi dù là cập bến an toàn hay vĩnh viễn nằm lại giữa lòng biển khơi đều là một kỳ tích, là thiên anh hùng ca bất tử về tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm, gan dạ, mưu trí, sáng tạo, sẵn sàng hy sinh thân mình để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi chuyến tàu khi rời bến là đối mặt với bao hiểm nguy, thử thách. Đó không chỉ là bão tố, sóng tung, gió giật mà còn là kẻ thù với vũ khí hiện đại hơn ta gấp nhiều lần. Nhưng hết chuyến tàu này đến chuyến tàu khác vẫn nối nhau chuyển hàng vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Miền Nam vẫy gọi, hòa bình vẫy gọi…

Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình, độc lập. Càng kính phục lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc của các thế hệ đi trước bao nhiêu thì tôi càng mong muốn tinh thần ấy phát huy trong thế hệ trẻ nói riêng và mọi người dân Việt Nam nói chung. Trong xã hội hiện nay, bên cạnh những bạn trẻ đang dâng hiến sức lực, trí tuệ của mình phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì cũng có nhiều bạn chạy theo lối sống thực dụng, ăn chơi, đua đòi..., thậm chí làm trái pháp luật.

Điều cốt yếu là tôi và các bạn hãy tự đánh thức lòng yêu nước của mình. Không chỉ là tinh thần xung phong ra trận khi đất nước lâm nguy mà lòng yêu nước hiện hữu ngay trong đời sống xung quanh chúng ta. Sống có lý tưởng, sống có ích, biết lo cho bản thân và giúp đỡ người khác, không ngừng rèn luyện cả đức lẫn tài để trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội, đó chính là yêu nước.

* Trung úy Nguyễn Thế Phong, Đồn Biên phòng 244

Tôi lớn lên khi đất nước đã hòa bình. Tuổi thơ của tôi tuy ở một vùng quê nghèo khó trên dải đất miền Trung nắng gió, mưa bão, nhưng được hưởng sự êm ả của hòa bình, không phải chứng kiến cảnh khói lửa chiến tranh, cũng không trải qua sự gian khổ của những ngày đất nước chưa thống nhất. Cha tôi đã vào chiến trường miền Nam, chiến đấu ở Cà Mau và hy sinh vào thời gian sau đó. Cha và biết bao người đã ngã xuống để “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”. Tôi hiểu nỗi đau mà chiến tranh để lại, nỗi đau của những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những người con mất cha… Nỗi đau ấy cứ như vết cứa nhưng niềm tự hào vẫn trào dâng.

Vì vậy, tham dự cuộc thi “Huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển”, tôi có dịp tìm hiểu về lịch sử và truyền thống. Càng đọc, càng hiểu thì càng cảm phục thế hệ cha anh. 50 năm đã trôi qua kể từ khi con đường huyền thoại trên biển được hình thành và 37 năm kể từ khi đất nước thống nhất đến nay, lịch sử vẫn in đậm hành trình của những chuyến tàu không số, trong lòng của rất nhiều người dân Việt vẫn khắc ghi quá khứ hào hùng, để làm nền tảng và động lực cho tương lai tiếp nối.

Tuy không trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng tôi luôn ý thức về việc giữ gìn chủ quyền biển đảo, về trách nhiệm của mình khi mang trên mình quân phục Bộ đội Biên phòng. Xin gửi đến sóng nước Hoàng Sa, Trường Sa những sẻ chia về sự gian khó, về sứ mệnh cao cả và thiêng liêng. Hàng triệu người dân Việt Nam cũng đang hướng ra biển đảo với tất cả yêu thương.

“Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước, con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt nghìn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi”
        (Tổ quốc nhìn từ biển, Nguyễn Việt Chiến)

TÚ PHƯƠNG (thực hiện)
 

;
.
.
.
.
.