.

Thế giới ở phía trước

.

Bao giờ cũng vậy, khi tiễn năm cũ đi, đón chào một năm mới đến, trong sức sống mạnh mẽ của mùa xuân làm trào dâng những cảm xúc, thì sự linh cảm về quá khứ, nhìn nhận hiện tại và tương lai sẽ cho con người đưa ra những dự báo nào đó để có thể nhận biết về thế giới xung quanh mình, ước vọng tìm ra những căn nguyên, nhưng biện pháp nào đó nhằm ngăn ngừa hay khắc phục, để mà tồn tại và phát triển tốt hơn trong một thế giới đầy những biến thiên.

Thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản sẽ để lại những dư âm trong năm 2012 này. Trong ảnh: Chia sẻ thức ăn tại trung tâm sơ tán ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate. 					      Ảnh: EPA
Thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản sẽ để lại những dư âm trong năm 2012 này. Trong ảnh: Chia sẻ thức ăn tại trung tâm sơ tán ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate. Ảnh: EPA

Ví như các nhà khoa học đã đưa ra dự báo là trái đất của chúng ta sẽ nóng lên tới vài ba độ C trong những thập niên tới, làm tan rất nhiều tảng băng ở vùng Bắc Cực, dẫn đến tình trạng nước biển dâng cao từ nửa mét đến một mét, đẩy nhiều khu vực của các quốc gia ven biển Thái Bình Dương phải ngập chìm trong nước, hàng triệu người dân ở đó phải mất nơi cư trú, mất đất canh tác, mất điều kiện để nuôi trồng, khai thác hải sản… Đó là thảm họa mà con người không thể làm ngơ một cách vô trách nhiệm. Con người phải hành động, cộng đồng phải chung tay góp sức, phải tìm ra những phương cách hữu hiệu nhất để ngăn chặn nạn phá rừng tràn lan, phải giảm tối đa các loại chất thải gây hiệu ứng nhà kính, tác nhân chính làm cho trái đất nóng lên; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện có thể được để đối phó khi nhiều vùng đất ven biển, trong đó có Việt Nam, bị  ngập sâu trong nước biển…

Đó là chuyện của đất trời, còn những chuyện như: chiến tranh xâm lược, chiến tranh biên giới, xung đột sắc tộc, tôn giáo, đảng phái, khủng hoảng kinh tế-tài chính… thì sao?

Sẽ có những dự báo gì cho năm 2012 - mà theo người Việt Nam được gọi là Rồng này chăng?

Nhìn lại năm đầu tiên của thập niên thứ hai - thế kỷ XXI - nhân loại từ Đông sang Tây, từ Nam sang Bắc, đều chứng kiến biết bao nhiêu chông gai thử thách, đã làm cho hàng triệu triệu người phải lao đao điêu đứng, thậm chí phải rời bỏ cõi đời này trong nỗi đau oan ức do đạn bom, đói rét, bệnh tật gây nên mà không sao cứu vãn nổi. Hàng chục vạn người ở khu vực Sừng châu Phi đã nằm chết la liệt trên đường chạy trốn khỏi nơi cư trú do chiến tranh, do xung đột sắc tộc gây ra… Hay những người dân ở Libya phải chết thảm khốc dưới làn mưa bom bão đạn của NATO trong sứ mạng được mệnh danh “bảo vệ dân thường”?! Rồi hàng ngàn người dân Tunisia, Ai Cập, Algeria, Yemen, Syria… đã thiệt mạng trên đường phố ở thủ đô nước mình do hàng loạt các cuộc cách mạng mang tên các loài hoa. Rồi Iraq, Afghanistan, Pakistan… các cuộc tấn công khủng bố cứ diễn ra triền miên, ngày này sang ngày khác, đe dọa nghiêm trọng nền an ninh và cướp đi mạng sống hàng vạn dân thường vô tội.

Thậm chí, ngay như Hy Lạp, một quốc gia giàu có và được cho là bình yên nhất của châu Âu, cũng hứng chịu các cuộc bạo động đường phố làm chết và bị thương nhiều người bởi nền kinh tế của nước này lâm vào tình trạng khủng hoảng nợ công khổng lồ. Cũng từ Hy Lạp, chuyện nợ công đã lan sang Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Italia… và đang đẩy cả lục địa già nua này vào cơn khủng nợ chưa từng có. Các nhà lãnh đạo châu Âu đang loay hoay đi tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, nhưng đến nay vẫn chưa có phương thuốc đặc trị hữu hiệu nào để giải cứu căn bệnh. Cùng với tình trạng đó là khoảng cách giàu nghèo nới rộng tại nhiều quốc gia; sự phân phối các nguồn tài trợ của chính phủ nhiều nước, trong đó chủ yếu là  Mỹ, cho các ông chủ tư bản, nhất là các tập đoàn tài chính-ngân hàng trong vụ khủng hoảng tài chính 2008, đã dấy lên Phong trào chiếm lấy Phố Wall tại New York  thu hút hàng chục vạn người tham gia và lan rộng trên thế giới.

Những hiểm họa đó dường như chưa có chiều hướng giảm nhiệt trong đời sống chính trị-kinh tế-quốc phòng, an ninh-xã hội của nhiều quốc gia, mà trên một phương diện nào đó có khi lại tăng về cấp độ, đẩy một số nước đứng bên bờ vực của sự sụp đổ về tài chính, một cuộc xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo, hoặc một cuộc chiến tranh xâm lược từ bên ngoài...

Thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản sẽ để lại những dư âm trong năm 2012 này. Trong ảnh: Chia sẻ thức ăn tại trung tâm sơ tán ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate. 					      Ảnh: EPA Thảm họa động đất, sóng thần và khủng hoảng hạt nhân ở Nhật Bản sẽ để lại những dư âm trong năm 2012 này. Trong ảnh: Chia sẻ thức ăn tại trung tâm sơ tán ở thành phố Rikuzentakata, tỉnh Iwate. 					      Ảnh: EPA
Năm 2011 đánh dấu sự chuyển giao quyền lực ở CHDCND Triều Tiên, thời “triều đại” Kim Jong-il sang Kim Jong-un. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Kim Jong-il (bìa trái) và con trai, Đại tướng Kim Jong-un. Ảnh: AP
Thái Lan đã có nữ Thủ tướng đầu tiên, bà Yingluck Shinawatra (ảnh phải). Ảnh: Reuters

Trung Đông và Bắc Phi đang trong vòng xoáy của những cuộc cách mạng màu và chưa có một lối thoát nào căn bản.  Hòa bình và sự ổn định ở hai khu vực này tiếp tục vẫn là món hàng xa xỉ. Ngay như Ai Cập, dù cho có bầu cử Quốc hội diễn ra, nhưng khi quân đội vẫn nắm quyền và các đảng Hồi giáo đang ở thế thượng phong, thì chưa thể nói tâm điểm của Trung Đông này sẽ ra sao. Israel, đồng minh chiến lược số 1 của Mỹ tại khu vực này, một nhân tố quyết định cho cuộc xung đột giữa Nhà nước Do Thái với thế giới Arab, đã tỏ ra lo ngại khi các đảng Hồi giáo ở Tunisia và Ai Cập có thể nắm quyền lãnh đạo đất nước. Hay như Iran, Syria, vấn đề hạt nhân, sự bất ổn về chính trị làm cho nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào, khi mà các thế lực bên ngoài đã và đang chuẩn bị mọi điều kiện để khi thời cơ chín muồi là ra tay hành động.

Nhưng có một dự cảm khác mà cộng đồng thế giới hết sức quan tâm là nguy cơ về những cuộc chiến tranh trên mặt nước vào những năm tới  đang ngày càng hiện hữu. Nếu Vịnh Aden đang đe dọa tới tuyến vận tải hàng hải của thế giới là do cướp biển Somalia gây ra, thì việc Trung Quốc công bố bản đồ hình lưỡi bò phi lý để đòi hỏi chủ quyền phi lý ở Biển Đông, rồi có những hành động gây hấn với các quốc gia có liên quan ở khu vực này, tạo ra những nhân tố cho sự bất ổn trong tương lai.  

Vì sao ta có thể nói như vậy? Có một thực tế không ai phủ nhận rằng thế kỷ XXI được các nhà quan sát cho là thế kỷ của châu Á-Thái Bình Dương, bởi đây là khu vực có các nền kinh tế phát triển năng động và tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới. Nhưng đi cùng với nó là vấn đề năng lượng để đáp ứng cho nhu cầu kinh tế. Hai nhân tố đó đã và đang thôi thúc Trung Quốc, quốc gia vừa vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới sau Mỹ, tìm mọi cách vươn ra Biển Đông để nắm chủ quyền và chiếm đoạt nguồn tài nguyên giàu có trong lòng Biển Đông; đồng thời kiểm soát tuyến vận tải hàng hải quan trọng bậc nhất của thế giới đi qua khu vực này. Những động thái mà Trung Quốc chuẩn bị từ tuyên bố chủ quyền, xây dựng lực lượng hải quân, tàu sân bay, lực lượng hải giám, giàn thăm dò dầu khí khổng lồ…, thậm chí một số tướng lĩnh nước này kêu gọi chiến tranh thì đấy không phải là chuyện mơ hồ mà nguy cơ một cuộc chiến tranh trên biển đang hiện hữu.

Rồi một động thái không kém phần quan trọng là Mỹ tuyên bố chuyển trọng tâm chiến lược từ châu Âu-Trung Đông sang châu Á-Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đã công khai tuyên bố Mỹ sẽ quay trở lại châu Á nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia của mình tại khu vực này. Về chiến lược quân sự, Mỹ bắt đầu chuyển dịch từng bước 2/3 binh lực và trang bị vũ khí đến các khu vực yếu điểm địa chiến lược tại châu Á, trong đó lấy Hawaii và đảo Guam làm trung tâm. Về chính trị, ngoại giao, kinh tế và thương mại, Mỹ cũng phối hợp toàn diện, chặt chẽ các lĩnh vực này nhằm thực hiện kế hoạch chiến lược toàn cầu mới của mình.

Thế thì sự chạm trán giữa hai cường quốc - Mỹ và Trung Quốc - ở khu vực này sẽ ra sao và ở đâu? Tất yếu, ngoài các tuyên bố chính trị, sự phát triển kinh tế của mỗi nước để chiếm vị trí nhất nhì trên thế giới, thì vấn đề quân sự hiển nhiên Biển Đông là tâm điểm cho hai cường quốc này khẳng định uy thế và quyền lực của mình. Một khi hai siêu cường so kè nhau thì sẽ tác động không nhỏ đến các nước có liên quan ở khu vực này.

Thế giới ở thì tương lai gần là vậy đó. “Hỡi loài người mà tôi yêu quý, hãy cảnh giác!” của Julius Fucik (Tiệp Khắc) trong tác phẩm “Viết dưới giá treo cổ” đến nay vẫn còn nguyên giá trị cho mỗi người, cho mỗi quốc gia trong một thế giới luôn đan xen những biến cố khó lường; và hòa bình, ổn định để phát triển bền vững vẫn là khát vọng lớn lao mà con người tiếp tục tìm kiếm và đấu tranh để giành lấy nó.

Lê Minh Hùng


 

;
.
.
.
.
.