Từ ngày 21 đến 26-6-2014, Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp với Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng, Đại học Đà Nẵng và trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”.
Triển lãm đã giới thiệu một số văn bản Hán Nôm do các nhà nước phong kiến Việt Nam ban hành vào thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX, khẳng định các Nhà nước Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay như: các Châu bản triều Nguyễn có niên đại từ thời Minh Mạng (1820 - 1841) đến thời Bảo Đại (1925 - 1945), viết về các đội Hoàng Sa được triều đình phong kiến Việt Nam cử đi khai thác quản lý Hoàng Sa, Trường Sa…
Ngoài ra, triển lãm cũng giới thiệu nhiều cuốn sách cổ viết về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa như: Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686); Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn biên soạn năm 1776; Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú (1821); Hoàng Việt địa dư chí (1833); Đại Nam thực lục tiền biên (1844-1848); Đại Nam thực lục chính biên (1844-1848); Việt sử cương giám khảo lược (1876); Đại Nam nhất thống chí (1882); Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (1910); Quốc triều chính biên toát yếu (1910)…
Triển lãm cũng giới thiệu phiên bản Hải ngoại ký sự của nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán (1696), An Nam đại quốc họa đồ của giám mục người Pháp Louis Taberd (1838)... Đặc biệt, có Bộ Atlas thế giới của Phillipe Vandemaelen xuất bản năm 1827 tại Bỉ lần đầu tiên được công bố, trong đó vẽ và miêu tả rõ quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ của Vương quốc An Nam.
Với những hình ảnh xác thực được tận mắt nhìn thấy tại cuộc Triển lãm, các học giả, nhà nghiên cứu càng hiểu rõ thêm về chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
|
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng phát biểu khai mạc triển lãm, khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là phần lãnh thổ mãi mãi không thể tách rời của Việt Nam. |
|
GS. Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam và Đông Nam Á (ngoài cùng bên trái); GS. Đại học Tự do Brussel, Thành viên Toà trọng tài thường trực Erik Franckx (thứ 4 bên phải) cùng đại diện Ban Tổ chức cắt băng khai mạc triển lãm. |
|
Một giáo sư quốc tế ký tên vào tấm bản đồ Việt Nam đang được trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng để ủng hộ Việt Nam. |
|
Nhà nghiên cứu độc lập Andre Menras trả lời phỏng vấn báo chí bên lề triển lãm. |
|
GS Erik Franckx (Bỉ), ĐH Tự do Brussel-Bỉ, Thành viên Tòa trọng tài thường trực (ngoài cùng bên trái) trao đổi với các đồng sự của mình ở bên lề cuộc triển lãm. |
|
Không chỉ khách trong nước mà các quan khách quốc tế cũng quan tâm đến các văn bản, thư tịch cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. |
|
Đông đảo người dân và du khách đến tham quan. |
|
Nhiều người dân thành phố đến thăm quan triển lãm. |
|
Một phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại triển lãm. |
|
Bản đồ Carte de L’Asie, do Van Lochem thực hiện năm 1640. |
|
Bản đồ Asia noviter delineata do Willem Janszoon Blaeu vẽ năm 1630. Trên bản đồ này, hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số hòn đảo ở vùng biển miền Trung Việt Nam đã được vẽ tách biệt và có tên riêng. |
|
Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng Trần Đức Anh Sơn giới thiệu về các tấm bản đồ, thư tịch cổ. |
|
PGS, TS Phạm Đăng Phước, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) xem các tư liệu pháp lý lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền một cách hoà bình, liên tục đối với Hoàng Sa, Trường Sa. |
|
Nhiều sách khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng được trưng bày tại triển lãm lần này. |
|
Người dân thành phố ký tên vào tấm bản đồ Việt Nam được trưng bày tại triển lãm. |
Đoàn Lương