ĐNĐT - Mỗi năm, cứ vào dịp 23 tháng Chạp, hầu như nhà nào cũng chuẩn bị mâm cỗ cúng tiễn ông Công, ông Táo về trời.
Mâm cỗ cúng đơn giản chỉ có xôi chè, bánh trái, và đặc biệt ở các tỉnh, thành miền Trung như Đà Nẵng thì còn kèm theo 3 cục đường, 3 chiếc bánh tráng… Khác với phía bắc, người dân Đà Nẵng thường không có tục thả cá chép nhưng việc hóa vàng mã thì vẫn duy trì thường xuyên.
Vào dịp này, các chợ trên địa bàn thành phố lại nhộn nhịp người mua sắm lễ cúng ông Công, ông Táo, không khí rộn ràng, ồn ã cộng với những sắc màu của lễ vật dâng lên trời đất được bày bán càng khiến cho nhiều người cảm nhận Tết như đang đến rất gần.
Thông thường người dân cúng tiễn ông Công, ông Táo từ đêm 22 tháng Chạp với mong muốn Táo công chuyển những lời tốt đẹp về trời và phù hộ cho gia thất bình an, vô sự.
|
Đồ lễ cúng ông Công, ông Táo được bán ở hầu khắp các chợ ở Đà Nẵng. |
|
Tượng ông Công, ông Táo bằng đất sẽ được thay mỗi năm một lần vào dịp cúng tiễn Táo công về trời. Từ xa xưa, người dân Việt đã ngưỡng mộ lòng chung thủy của ông Táo và thờ cúng ông Táo với hi vọng Táo quân sẽ giúp họ giữ "bếp lửa" trong gia đình luôn nồng ấm và hạnh phúc. |
|
Mặc dù việc đốt vàng mã không được khuyến khích nhưng theo tập tục dân gian, nhiều gia đình vẫn hóa vàng mã mỗi dịp cúng tiễn Táo công. Loại hàng này vì thế rất đắt hàng vào dịp cuối năm. |
|
Hàng trầu cau để cúng lễ bày bán tại chợ Hàn |
|
Đồ cúng làm sẵn dành ch những người bận rộn, không có thời gian để tự tay nấu mâm cỗ cúng Táo quân |
|
Người Việt Nam quan niệm Táo quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. |
|
Vì thế, người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công, ông Táo với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi, việc làm này có thể là do văn hóa và thói quen từ xa xưa truyền lại. |
MINH TRÍ