Chào mừng Đại hội Đảng

Bố trí sử dụng cán bộ phải gắn liền với công tác quản lý, giám sát

10:15, 13/09/2010 (GMT+7)

* Ông Lê Thọ Truyền, Bí thư Chi bộ 5D, Đảng bộ phường An Hải Đông (Sơn Trà): Bố trí sử dụng cán bộ phải gắn liền với công tác quản lý, giám sát

Mô tả ảnh.

Tôi rất đồng tình với đánh giá trong dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố về những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong nhiệm kỳ 2005-2010. Nguyên nhân góp phần vào thành công to lớn của thành phố là sự đồng thuận của nhân dân và yếu tố quan trọng là vai trò của cán bộ, đặc biệt là cán bộ đứng đầu mỗi địa phương, mỗi tổ chức.

Thành phố đã có những chính sách đột phá mạnh dạn đi đầu trong cả nước về công tác cán bộ như tổ chức thi tuyển chức danh lãnh đạo, mở lớp đào tạo nguồn chức danh Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường, xã; chính sách đào tạo và thu hút nhân tài... Những giải pháp về công tác cán bộ góp phần quan trọng vào sự thành công của Đảng bộ thành phố trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Tuy nhiên, cần phải nhìn nhận, đánh giá mặt hạn chế trong công tác cán bộ là có lúc, có nơi thành phố bố trí “nhầm” cán bộ chủ chốt. Họ không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của Đảng giao. Một số cán bộ thiếu rèn luyện phẩm chất chính trị, có lối sống xa dân, năng lực yếu kém dẫn đến nội bộ thiếu đoàn kết, làm cho phong trào của địa phương chậm phát triển, nhân dân thiếu lòng tin vào cán bộ, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Phải thẳng thắn nhìn nhận rằng: Công tác quản lý cán bộ hiện nay có điều kiện hơn trước nhiều nhưng hiệu quả quản lý lại kém hơn. Cán bộ ngày nay được đào tạo bài bản, có đủ điều kiện để phấn đấu nhưng chất lượng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải bàn. Trong cơ chế thị trường, hiệu quả quản lý cán bộ sẽ tỷ lệ thuận với việc mất cán bộ.

Tôi đề nghị cùng với những chủ trương đột phá trong công tác cán bộ, Đảng bộ thành phố cần phải có giải pháp tăng cường hiệu quả công tác quản lý cán bộ. Phải đánh giá đúng, khoa học để bố trí cán bộ, nhất là với cán bộ chủ chốt, người đứng đầu của từng địa phương, từng ngành. Bởi với vai trò là người đứng đầu có tính quyết định trong việc nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, đồng thời là đầu tàu thúc đẩy phong trào của địa phương, của ngành.

Nếu bố trí “nhầm” cán bộ phải phát hiện sớm ngay từ khi có dư luận và xử lý, điều chỉnh kịp thời. Cần xây dựng nhận thức rằng: Nếu bố trí cán bộ vào vị trí chủ chốt mà không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thì chuyển xuống một vị trí khác phù hợp là chuyện bình thường. Không nên rút cán bộ “đi ngang”. Làm như thế khó tạo động lực phấn đấu cho cán bộ, khó có người tài. Cần phải xóa bỏ triệt để tư tưởng cục bộ địa phương trong công tác cán bộ, đồng thời đề nghị với Trung ương đưa thành quy định bố trí cán bộ chủ chốt phải là người ngoài địa phương. Đoàn Sơn (ghi)

* Ông Phan Công Đây, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang: Quy hoạch ổn định lâu dài vùng sản xuất nông nghiệp

Mô tả ảnh.

Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố nêu rõ: “Phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại, giá trị gia tăng lớn, đạt yêu cầu và hiệu quả-chất lượng-sạch theo hướng phục vụ cho đô thị, du lịch, khu công nghiệp và gắn các ngành nghề khác, góp phần bảo vệ môi trường… Quy hoạch xác định vành đai xanh, xây dựng các vùng rau an toàn, rau cao cấp, vùng hoa cây cảnh, cây ăn quả; xây dựng mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ với các địa phương trong vùng”.

Điều này chứng tỏ, trước xu thế đô thị hóa đang tiến nhanh về khu vực nông thôn, nông nghiệp vẫn có cơ hội tồn tại và phát triển. Vậy nhưng nông dân rất muốn biết rõ khu vực nào được quy hoạch để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, xây dựng vành đai xanh? Theo tôi, ngay từ bây giờ, thành phố cần quy hoạch ổn định và bền vững vùng sản xuất nông nghiệp để địa phương và nông dân yên tâm mạnh dạn đầu tư.

Đô thị hóa về nông thôn là xu thế tất yếu để phát triển thành phố Đà Nẵng xứng tầm với đô thị văn minh, hiện đại của cả nước. Đồng hành cùng quá trình đó là nhiều khu vực ở nông thôn sẽ thành đô thị và nông dân sẽ trở thành thị dân. Vấn đề đặt ra là giải quyết việc làm cho nông dân bị thu hồi đất canh tác. Dự thảo văn kiện Đại hội đề cập: “Thực hiện hiệu quả chương trình “tam nông”, bố trí lại lao động ở nông thôn, tăng tỷ trọng lao động công nghiệp - TTCN và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế nông thôn”. Theo tôi, cần phải cụ thể hơn trong lĩnh vực này, hay nói đúng hơn cần có chính sách hợp lý về giải quyết việc làm cho lao động nông thôn khi họ sinh sống tại các khu đô thị nhưng chưa hội nhập với nhịp sống đô thị. N.C (ghi)

.