Chính trị - Xã hội

Góp ý Văn kiện Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng

07:35, 06/09/2010 (GMT+7)

LTS: Trước thềm Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã có nhiều ý kiến của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ các lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIX trình Đại hội. Báo Đà Nẵng xin đăng tải những ý kiến đóng góp đó.

* Ông Nguyễn Thuấn, 82 tuổi ở tổ 15, phường Thanh Khê Tây: Phát triển thành phố phải đi đôi với xây dựng nếp sống văn minh đô thị

Mô tả ảnh.

Tôi đồng tình với đánh giá của Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng khóa XIX trình Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố về những thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của thành phố đạt được trong 5 năm qua. Thành phố đã duy trì được tăng trưởng về kinh tế, tăng thu ngân sách, đồng thời có nhiều chính sách tốt để bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố đã hai lần nâng chuẩn nghèo mới cao hơn chuẩn nghèo quốc gia nhằm mục đích cải thiện đời sống người nghèo. Các chính sách hỗ trợ của thành phố dành cho đối tượng không có khả năng lao động bảo đảm cho mạng lưới an sinh xã hội phủ khắp đến mọi đối tượng.

Tôi tán thành với mục tiêu, giải pháp phát triển thành phố trong 5 tới. Tuy nhiên cần chú ý một số điểm: Thành phố đẩy mạnh quy hoạch phát triển đô thị sẽ tạo ra một bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại. Đồng thời thành phố phải có giải pháp tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân là đối tượng chịu ảnh hưởng của việc quy hoạch giải tỏa, không còn đất sản xuất. Tạo công ăn việc làm cho đối tượng này phải cơ bản và bền vững, không nên tạo ra một bộ phận buôn bán nhỏ lấn chiếm vỉa hè rồi lại phải giải quyết vấn đề trật tự đô thị.

Phát triển kinh tế cần lựa chọn những ngành, lĩnh vực công nghệ cao ít gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thành phố cũng phải giải quyết dứt điểm các điểm nóng về môi trường trong khu dân cư, xử lý mùi hôi ở các cửa cống đổ ra biển làm ảnh hưởng đến mỹ quan và môi trường du lịch của thành phố. Đồng thời có biện pháp giải quyết tốt ô nhiễm môi trường trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng cơ sở. Thực hiện công tác giảm nghèo theo tiêu chí của thành phố và các chính sách bảo đảm an sinh xã hội cần phải bảo đảm mục tiêu thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa khu vực nội thị và ngoại ô.

Cuối cùng để xây dựng thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại hướng tới là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của miền Trung thì người dân Đà Nẵng phải có một nếp sống văn minh đô thị tương ứng. Điều này đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố cần tiếp tục nâng cao chất lượng một cách có hiệu quả chương trình “Có nếp sống văn hóa, văn minh đô thị” trong những năm tới. Do đó cần phải có những giải pháp hiệu quả khuyến khích xây dựng và hình thành thói quen thực hiện lối sống, ứng xử văn hóa, văn minh đô thị, đồng thời cũng phải có chế tài mạnh với những lối sống, hành vi phản văn hóa, thói quen xấu, tập tục lạc hậu. Đoàn Sơn (ghi)

* Thạc sĩ Tô Văn Hùng - Bí thư Đoàn Đại học Đà Nẵng: Khuyến khích, đãi ngộ cán bộ Đoàn

Mô tả ảnh.

Tôi cũng như rất nhiều người làm công tác Đoàn và phong trào thanh niên băn khoăn, trăn trở trước sự thiếu vắng cán bộ cống hiến thực thụ cho phong trào Đoàn hiện nay. Thực tế, công tác Đoàn góp phần rất lớn vào việc giáo dục tư tưởng, nhận thức, nhân cách cho thanh, thiếu niên, nhất là khi cuộc sống hiện có quá nhiều thực trạng tác động mạnh mẽ đến lực lượng này như game online, bạo lực học đường… Vì thế, văn kiện Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố Đà Nẵng cần đề cập đến những chính sách khuyến khích, đãi ngộ cán bộ Đoàn-Hội. Đại hội cũng cần xem xét vấn đề này để có thể tuyển chọn được những người có năng lực, tâm huyết cho công tác Đoàn, đồng thời giúp họ an tâm công tác và phấn đấu.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cần bổ sung sân chơi và quan tâm hơn nữa đến công tác chăm sóc thanh, thiếu niên. Chẳng hạn như, đầu tư hệ thống các công trình phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, rèn luyện thân thể cho mọi lứa tuổi, từ cấp phường, quận đến thành phố, nhất là tổ chức các không gian sinh hoạt cộng đồng, các khuôn viên cây xanh tại khu ở; đầu tư xây dựng Công viên Thanh niên trở thành tổ hợp công trình vui chơi giải trí trung tâm phục vụ thanh, thiếu niên toàn thành phố; dành một phần đất ven biển tổ chức khu cắm trại, dã ngoại để thanh, thiếu niên có thêm sân chơi…

Trong nhiều diễn đàn, đoàn viên thanh niên (ĐVTN) của Đại học Đà Nẵng rất quan tâm đến việc xây dựng Đà Nẵng trở thành “Thành phố Xanh”. Rất nhiều giải pháp đã được ĐVTN đề xuất: Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân; đưa ra chế tài đủ mạnh để xử phạt các hành vi vi phạm; cải tiến hình thức thùng rác công cộng tại khu trung tâm theo hướng mỹ quan, hình thức phong phú, đa dạng; gắn trách nhiệm của các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, khách sạn… trong việc gìn giữ môi trường (xây dựng quỹ môi trường “Vì thành phố Xanh” dựa trên lợi nhuận mà các cơ sở này có được, mỗi cơ sở phải có những đóng góp thiết thực cho các hoạt động bảo vệ môi trường do ĐVTN phát động và tổ chức định kỳ…).

Ngoài ra cần tăng cường hệ thống bảng chỉ dẫn trong thành phố, nhất là chỉ dẫn giao thông phải rõ ràng, dễ nhận biết và dễ hiểu; nghiên cứu giải pháp tổ chức khu vệ sinh công cộng tại các khu trung tâm, khu đi dạo, mua sắm. Đà Nẵng cũng cần tính đến giải pháp bố trí nơi đỗ ô-tô trong trung tâm thành phố, đồng thời chọn một số trục phố chính, nâng cấp cải tạo trở thành phố đi bộ, mua sắm... Vĩnh An (Thực hiện)

.