.

Để cuộc bầu cử bảo đảm đúng luật, an toàn, chính xác

.
“Sai sót trong công tác bầu cử thường là do chủ quan. Không có cái sai nào lặp lại nhưng đều được rút kinh nghiệm cho lần sau, đồng thời những sai sót có khả năng xảy ra đều được dự kiến để có biện pháp phòng ngừa”.
 
Mô tả ảnh.
Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ, Thư ký Ủy ban Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 của thành phố cho biết như vậy và khẳng định với Báo Đà Nẵng về công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử 22-5 sắp tới diễn ra bảo đảm đúng luật, an toàn, chính xác.

* P.V: Thưa ông, lần này bầu cử cùng lúc đại biểu QH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 có khó khăn gì cho các tổ chức phụ trách công tác bầu cử?

- Ông Đặng Công Ngữ: Điểm khác biệt so với trước là lần này bầu cử đại biểu QH và HĐND 3 cấp cùng một ngày. Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng là một trong 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường nên 7 quận, huyện chỉ bầu đại biểu dân cử 2 cấp, đại biểu QH và đại biểu HĐND thành phố. Riêng huyện Hòa Vang còn có thêm bầu đại biểu HĐND cấp xã. Do đó công việc tổ chức

Bầu cử ở Đà Nẵng ít áp lực hơn. Công tác triển khai, điều hành của Ủy ban bầu cử, các Ban bầu cử được trực tiếp, thông suốt và thống nhất.

* P.V: Những sai sót của công tác bầu cử đã từng xảy ra có được rút kinh nghiệm và những biện pháp nào để không xảy ra sai sót trong ngày bầu cử?

- Ông Đặng Công Ngữ: Sai sót trong bầu cử thường gặp ở việc thực hiện thủ tục như lập danh sách cử tri, lỗi đánh máy sai trong danh sách ứng cử viên, không đóng dấu của Tổ bầu cử vào phiếu bầu, để bầu thay… Sai sót là do chủ quan thường ít khi lặp lại lần sau. Để bảo đảm cho cuộc bầu cử diễn ra đúng pháp luật, an toàn, chính xác, Ủy ban Bầu cử đã thành lập 15 Đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị và tổ chức bầu cử. Nhằm tránh xảy ra sai sót trong việc tổ chức bầu cử, Sở Nội vụ đã tham mưu cho Ủy ban Bầu cử biên soạn tài liệu “Một số nội dung lưu ý về nghiệp vụ của Tổ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016” hướng dẫn kỹ thuật kiểm tra phiếu bầu bảo đảm chính xác, an toàn. Một phiếu bầu phải qua sự kiểm tra của 4 người theo quy trình: Người đọc phiếu-người kiểm tra phiếu-người ghi kết quả-người kiểm tra ghi. Trong tài liệu hướng dẫn Tổ bầu cử lần này đã lập sẵn một loạt danh sách các công việc của Tổ bầu cử. Theo trình tự hoàn thành việc nào thì đánh dấu vào ô ghi công việc đó. Do đó, khó để sót việc chưa làm. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ còn tổ chức tập huấn nghiệp vụ bầu cử cho thành viên các Tổ bầu cử. Trong quá trình tổ chức bầu cử, các Tổ bầu cử cũng chịu sự kiểm tra, giám sát của các Đoàn kiểm tra.

* P.V: Công tác thi đua-khen thưởng bầu cử lần này có gì mới, thưa ông ?

- Ông Đặng Công Ngữ: Sở Nội vụ đã tham mưu với UBND thành phố ra văn bản hướng dẫn về công tác thi đua-khen thưởng trong cuộc bầu cử lần này. Theo đó, không lấy bầu nhanh, xong sớm làm tiêu chí thi đua. Thời gian bỏ phiếu phải thực hiện đúng quy định pháp luật về bầu cử: Việc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 19 giờ cùng ngày. Khi đã hết giờ bỏ phiếu, nếu còn cử tri ở phòng bỏ phiếu mà chưa kịp bỏ phiếu thì chỉ sau khi số cử tri này bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử mới được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu nhưng không được quá 22 giờ đêm. Tiêu chí thi đua là việc triển khai công tác bầu cử đúng nội dung, tiến trình kế hoạch của Ủy ban Bầu cử. Việc thực hiện các thủ tục của công tác bầu cử phải đúng luật, đúng quy trình, không có sai sót. Việc tổ chức ngày bầu cử phải đúng quy định pháp luật về bầu cử, không để xảy ra tình trạng bầu thay, tỷ lệ phiếu bầu không hợp lệ thấp nhất, bầu đủ số lượng đại biểu ở mỗi đơn vị bầu cử; chấp hành chế độ thông tin, báo cáo; trang trí phòng bỏ phiếu đảm bảo tính thẩm mỹ và trang trọng; bảo đảm an ninh trật tự trước, trong và sau bầu cử.

* P.V: Cảm ơn ông!

Sơn Trung (Thực hiện)
;
.
.
.
.
.