.

Những người Quảng lên Yên Thế

.

Ít ai biết rằng ngày ấy có những chí sĩ người Quảng Nam ngược ra Bắc lên gặp “Hùm xám Yên Thế” Hoàng Hoa Thám để cùng mưu việc chống Pháp.

Tượng Hoàng Hoa Thám tại ngôi trường THPT mang tên ông ở thành phố Đà Nẵng. Ảnh: N.Đ.S
Tượng Hoàng Hoa Thám tại ngôi trường THPT mang tên ông ở thành phố Đà Nẵng. Ảnh: N.Đ.S

Đứa con của vị quan “thừa văn quá võ”

Ông Ích Khiêm người làng Phong Lệ, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng). 15 tuổi, đỗ cử nhân, vì nhỏ tuổi nên chưa được bổ dụng. Có người cho rằng, trong thời gian chờ bổ dụng ông đã học võ và sau đó đỗ luôn cử nhân võ. Thực hư không biết thế nào.

Sau đó không lâu, ông được bổ làm tri huyện Kim Thành, Hải Dương. Chỉ một thời gian ngắn về dưỡng bệnh ở quê nhà, còn phần lớn ông sống ở đất Bắc. Mãi cho đến năm 1882 mới về làm quan ở Huế. Suốt 22 năm chinh chiến trên đất Bắc, Ông Ích Khiêm đã lập nhiều chiến công lẫy lừng: đánh tan quân nổi loạn của Tạ Văn Phụng ở Quảng Yên và Hải Ninh (1865), giải vây thành Lạc Dương, lấy lại tỉnh Cao Bằng từ tay giặc phỉ, bắn chết tướng giặc Cờ vàng Ngô Côn, cứu nguy cho quân triều đình ở Bắc Ninh (1869), bắt tiếp thuộc hạ của Ngô Côn là Hoàng Sùng Anh ở Vĩnh Tường (1875), giết chết tướng Giáp Văn Trận ở Cổ Loa (1876), lại đánh tan quân của Vi Tái Thọ ở Bắc Ninh, Thái Nguyên (1877), bắt sống tướng Lý Dương Tài ở hồ Ba Bể (1878).

Khi tung hoành trên đất Bắc, vị quan “thừa văn quá võ” người Quảng này đã phải lòng một cô gái người Hà Đông. Kết quả của mối tình “trai nam gái bắc” này là sự ra đời của cậu bé Ông Ích Thọ. Thừa hưởng dòng máu quật cường của cha, truyền thống cách mạng của quê nội Quảng Nam và quê ngoại Hà Đông, sau này Ông Ích Thọ đã tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Theo gia phả tộc Ông thì một lần về thăm quê ngoại, Ông Ích Thọ đã đi thẳng lên chiến khu Yên Thế, chiến đấu bên cạnh chủ tướng Hoàng Hoa Thám và lập được nhiều chiến công, được Hoàng Hoa Thám tin cẩn.

Khúc ngoặt bi tráng của lịch sử

Tháng Chạp năm 1905, sau cuộc Nam du thắng lợi, khi về lại Quảng Nam, nghe tin Phan Bội Châu từ Nhật về, Phan Châu Trinh tìm gặp Tiểu La Nguyễn Thành và Trần Quý Cáp để bàn chuyện ra Bắc. Lần này, “hiệp sĩ” Ông Ích Đường (cháu nội Ông Ích Khiêm) tháp tùng theo ông. Hai thầy trò ra Hà Nội gặp Đào Nguyên Phổ, Lương Văn Can, Võ Hoành... vào Nghệ Tĩnh gặp Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân rồi lên Yên Thế gặp Hoàng Hoa Thám.

Khi khởi hành từ Quảng Nam, Ông Ích Đường lận theo một bản gia phả của dòng họ Ông làng Phong Lệ. Nhờ bản gia phả và sự giới thiệu của Ông Ích Thọ, thầy trò Phan Châu Trinh  được Hoàng Hoa Thám ân cần đón tiếp như những thượng khách. Hoàng Hoa Thám đã trao việc quân lại cho các phó tướng và dành hẳn ba ngày để tiếp đón thầy trò Phan Châu Trinh.

Nghe Phan Châu Trinh kể về phong trào Nghĩa hội Quảng Nam, nhất là những thành công, những thất bại và cách giải quyết hậu quả của những người lãnh đạo để không ảnh hưởng đến những người tích cực tham gia Nghĩa hội, Hoàng Hoa Thám rất thích. Họ Hoàng cũng rất xúc động khi nhận những lời khuyên thẳng thắn của Phan Châu Trinh về tương lai của phong trào nếu không có những thay đổi căn bản. Ông cũng nhận ra những hạn chế của phong trào nhưng “lực bất tòng tâm”, đành chấp nhận “không thành công thì cũng thành nhân”. Hoàng Hoa Thám đã mấy lần khẩn khoản mời Phan Châu Trinh ở lại làm tham mưu cho mình nhưng không được. Phương thức đấu tranh để giải phóng dân tộc của họ có quá nhiều điểm khác biệt.

Bước ra khỏi căn cứ Yên Thế, Phan Châu Trinh nghĩ chắc chắn Hoàng Hoa Thám sẽ đi vào vết xe của Phan Đình Phùng, Trương Định, Nguyễn Duy Hiệu... Tài và lực của họ Hoàng chưa bằng Nghĩa hội Quảng Nam ngày nào. Núi rừng Yên Thế cũng không hiểm trở bằng dãy Trường Sơn trùng trùng điệp điệp chạy qua xứ Quảng quê ông. Các đồn của Hoàng Hoa Thám cũng chưa thể sánh với những sơn phòng của Nghĩa hội… Những yếu tố ấy chỉ cho Phan Châu Trinh thấy trước sự thất bại không thể tránh khỏi của Hoàng Hoa Thám. Với Phan Châu Trinh, họ Hoàng là tướng võ có tài. Việc làm của vị võ tướng này quả thật đáng trọng, đáng quý, quốc dân mãi mãi sẽ nhớ ơn ông, và chắc chắn ông sẽ đi vào lịch sử như một liệt sĩ “vị quốc vong thân”.

Nghĩ đến hậu vận của nghĩa quân Yên Thế lòng Phan Châu Trinh quặn thắt. Tiễn Phan Châu Trinh ra khỏi chiến khu, Hoàng Hoa Thám thấy tiếc nuối. Hai chú cháu Ông Ích Thọ và Ông Ích Đường chia tay trong bịn rịn, hẹn một ngày hội ngộ rất mong manh nơi quê nhà.

Đầu năm 1906, Phan Châu Trinh đi Nhật gặp Phan Bội Châu rồi về nước. Năm 1908, sau vụ biểu tình chống thuế ở Quảng Nam, Phan Châu Trinh bị bắt, bị kêu án “Trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (Giam lại chém sau, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về - ĐNCT). Ông Ích Đường bị xử chém. Ở chiến khu Yên Thế, Hoàng Hoa Thám lấy làm ân hận vì ngày đó đã không hết mình giữ thầy trò Phan Châu Trinh ở lại.

Năm 1913, đang tranh đấu bất bạo động ở Paris, nghe tin khởi nghĩa Yên Thế thất bại, Hoàng Hoa Thám hy sinh, Phan Châu Trinh đã rơi nước mắt, khóc thương người anh hùng.

Lịch sử luôn có những khúc ngoặt cảm động, bi tráng!

NGUYỄN ĐÌNH SẮT

;
.
.
.
.
.