Chuyện xưa xứ Quảng

Chuyện Tổ nghề pháo Nam Ô

07:02, 09/02/2014 (GMT+7)

Nghề pháo ở Nam Ô là nghề cổ truyền thủ công truyền thống sản xuất ra hai loại pháo: pháo nổ và pháo hoa. Có người cho rằng nghề này khởi sinh từ thời nhà Trạm Nam Ô còn hoạt động náo nhiệt, rộn rịp, nhất là khi Pháp đánh vào Đà Nẵng năm Mậu Ngọ (1858).

Thời ấy, trước cơn quốc biến, quân binh nhà Trạm dùng pháo làm hiệu hỏa tốc thay cho ngựa trạm. Nhu cầu thì nhiều mà pháo hiệu ở kinh đưa về không kịp nên vị thừa dịch chỉ huy nhà Trạm đã chủ động sai phái người trong làng sáng dạ khéo tay dùng thuốc súng sẵn có trong thành làm những viên pháo tre thay thế. Qua cơn binh biến, những người ấy lại tiếp tục mày mò làm những viên pháo kết lại thành dây đốt cho vui tai trong các ngày hội làng, ngày Tết. Thế là hình thành nghề pháo (?).

Một “hậu duệ” nghề pháo Nam Ô diễn lại cách xe viên pháo bằng chiếc bàn xe được cho là có từ thời cụ Cửu Mai. Ảnh: V.T.L
Một “hậu duệ” nghề pháo Nam Ô diễn lại cách xe viên pháo bằng chiếc bàn xe được cho là có từ thời cụ Cửu Mai. Ảnh: V.T.L

Nhưng, một xuất xứ gần hơn cho ta độ tin cậy cao từ Ban Quản trị HTX Nghề pháo Nam Ô nhiệm kỳ 1990-1994 cung cấp, có chứng cứ được xác nhận bởi các bô lão sống cùng thời. Tất cả đều tôn vinh cụ Cửu Mai là tổ nghề pháo Nam Ô và tổ chức lễ giỗ tổ hoành tráng vào năm Canh Ngọ 1990 khi nghề pháo đang phát triển cực thịnh, thể hiện đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”.

Cụ Cửu Mai tên thật là Ngô Mai (18??-1957) quê gốc tỉnh Quảng Ngãi, là người có rất nhiều tài. Trên đường “hành hóa” qua làng Nam Ô, nhìn thấy phong thủy nơi đây đầy vượng khí, phong cảnh, sản vật cùng đời sống sung túc, cụ quyết định ở lại. Cụ trổ tài chữa bệnh bằng cây thuốc và nước khoáng, biết gọi “âm binh, thiên tướng” biết dùng các khoáng chất thiên nhiên làm pháo nổ, pháo hoa. Thời ấy, những cây pháo hoa của cụ có màu sắc ánh sáng ma mị và huyền ảo. Dân làng Nam Ô xem cụ như một vị phù thủy, gọi cụ một cách tôn kính là Thầy Ngài.

Năm Bảo Đại thứ mười (1934) hoàng đế Bảo Đại hồi loan, làm đại lễ cưới Nam Phương Hoàng hậu. Vua nghe tài năng ưu vật của cụ bèn triệu cụ về kinh đô Huế để dựng giàn pháo hoa kịp trình diễn trong ngày khánh lễ ấy. Giàn pháo đã gây cảm xúc phấn khích từ vua, quan cho đến dân chúng đất thần kinh. Thành quả ấy đã mang về cho cụ hàm Chánh Cửu phẩm. Từ đấy dân làng gọi cụ là Cửu Mai.

Xong việc cụ trở về làng, đúng lúc vạn mành trùng tu lăng Ông Ngư đến hồi hoàn thiện. Cụ phát tâm hiến cúng một giàn pháo hoa và những tràng pháo cho lễ lạc thành để thể hiện tấm lòng đối với nơi đã dành tình cảm đặc biệt cho cụ tá túc. Theo các bậc cao niên thì làng sắp xếp cho cụ ở nhà một người họ Trần, con cháu sáng dạ khéo tay trong họ và các thanh niên các họ Phạm, Lê… khác được cụ chọn làm người phụ giúp. Sau hai tháng ròng, dưới sự chỉ dẫn bày biểu của cụ, một giàn pháo hoa đã kịp trình làng cho lễ lạc thành ngày 21-5 năm Giáp Tuất, ngày này còn lưu khắc trên đòn tay của lăng Ông Ngư.

Sự kiện đặc biệt này đã thu hút cả dân chúng trong làng và các làng phụ cận. Giàn pháo có nhiều tầng hình tháp cụt, cao chừng 5-6 mét, đặt giữa bãi làng trước lăng, cách mép biển chừng ba bốn chục mét. Đêm 21, “trăng giấc tốt”, khán giả đứng đầy cả bãi, chờ giờ khai hỏa. Khởi đầu là pháo chuột mang lửa từ trong lăng phóng ra theo hình chữ chi như báo hiệu chào mừng, mọi người reo hò tở mở. Pháo chuột khác lại xòe lửa tiếp sức, phóng thẳng vào trung tâm giàn pháo và tóe lửa. Cả hệ thống dây dẫn bắt đầu dẫn lửa theo sự tính toán sẵn của cụ Cửu Mai...

Rất nhiều loại pháo khoe màu khoe sắc đẹp chẳng thua gì lần cụ Cửu Mai phô diễn trước đó ở kinh đô Huế. Tất cả mọi người có mặt đang xuýt xoa ngỡ ngàng trước một cảnh kỳ vĩ lung linh mà trong đời lần đầu tiên được thấy thì một cảnh kỳ vĩ gấp bội hiện lên trên bầu trời. Cả hàng chục rồi hàng trăm pháo Thăng thiên mang Tam tinh, Ngũ tinh phóng lên trời cao sáng rực; những cánh hoa cúc, nhỏ thôi nhưng đủ màu sắc rực rỡ; pháo Quang vũ buông rèm mưa phủ từ bầu trời đến mặt đất. Cuối cùng, một tràng pháo nổ giòn kết thúc. Một cao trào thể hiện tài năng của người thầy Cả. Tất cả no lòng, mãn nhãn.  Đêm pháo hoa đó đã đặt nền móng khởi sinh cho làng Nam Ô một nghề mới: nghề pháo Nam Ô.

Sau sự kiện này, cụ tiếp tục tận tâm truyền dạy. Những “bài thuốc” pháo nổ, pháo hoa, thuốc tim, thuốc dẫn, và cơ cấu vận hành một giàn pháo hoa, một số thao tác kỹ thuật được học trò là các cụ trong họ Trần mà sau này gọi là Xã Lương, Phó Viên, Hương Tựu, Chức Thiện và các cụ khác có họ Phạm, Nguyễn, Lê đã chuyên cần luyện tập thuần thục. Hồi đó có một bài vè, các cụ chỉ còn nhớ được mấy câu: Học trò của cụ Cửu Mai/ Pháo hoa, pháo nổ trổ tài thấp cao/ Trần Vinh, Trần Thiện, Trần Hào/ Trần Lương làm pháo, pháo người nào cũng giòn tan/ Pháo từ Hóa Ổ nổ om/ Xuân Thiều nổ trả, Quan Nam nổ nồi…

Nghề làm pháo là một nghề có thể làm trong những ngày ngư nhàn biển động, có thể thay thế những nghề vất vả hơn khi trời chuyển thu đông sóng nổi ba đào, mưa gió sập cửa và từ đó, năm nào vào ngày Tết hay hội làng đều có tổ chức đốt pháo. Sau khi có Chỉ thị 406/TTg ngày 8-8-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, tuy nghề pháo Nam Ô đã “khóa sổ”, nhưng người dân nơi này vẫn không quên người đã truyền nghề cho mình để sản xuất những dây pháo thương phẩm có chất lượng, cùng với nước mắm Nam Ô đưa địa danh Nam Ô đi khắp nước.

ĐẶNG DÙNG

.