.

Chuyện Thủ Xân

Thủ Xân tên thiệt là Nguyễn Phú Pháo, người làng Yến Nê, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nếu còn sống cũng trên 100 tuổi. Bà con gọi thế bởi ông từng làm thủ sắc trong làng và có con đầu tên Xân. Những mẩu chuyện dưới đây ghi lại theo lời kể của ông Nguyễn Phú Chính (Năm Chén), 81 tuổi, cháu gọi Thủ Xân bằng chú thúc bá.

Dốt đặc hơn hay chữ lỏng

Đầu thế kỷ XX, Pháp mở khu nghỉ dưỡng trên Bà Nà - Núi Chúa để phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi của người Pháp tại miền Trung. Chẳng mấy chốc, Bà Nà trở thành một trong những nơi nghỉ mát lớn nhất Đông Dương lúc bấy giờ.

Bà Nà phát triển, quanh vùng phát sinh một nghề mới là làm phu gánh hàng, đôi lúc khiêng kiệu phục vụ khách lên Bà Nà. Từ đó, dưới chân núi mọc lên một quán nước để phục vụ cho đám phu phen này. Con rể chủ quán là người thông minh, có học, ai mua gì là lật sổ ghi cụ thể ngày giờ, từng loại đồ ăn thức uống với đơn giá rồi thành tiền tổng cộng bao nhiêu. Con trai chủ quán hồi nhỏ chỉ lõm bõm học mấy chữ nên chỉ ghi chung chung một con số chứ không ghi chi tiết những thứ hàng khách mua.

Đến kỳ Pháp trả lương, mấy anh phu đến thanh toán nhà quán. Con trai chủ quán giở sổ ra hô gọn lỏn một tiếng là 60 đồng. Anh phu thiếu chịu đập bàn cái rầm, la toáng lên: “Tui làm chi mà ăn tới 60 đồng, đừng có bán ít ghi nhiều nghe. Tui nhớ chỉ nợ tối đa khoảng 40 đồng thôi. Tui ăn chi, chú kê ra cho tui coi thử”. Anh con trai chủ quán không thể kê chi tiết được, đuối lý, đành bóp bụng lấy nợ chỉ 40 đồng!
Con rể chủ quán thì sổ sách chắc khừ đâu vào đó, phu thiếu chịu lướt qua bảng kê là móc tiền ra trả, không dám hó hé một tiếng.

Thủ Xân kể đến đây, bình luận: Cái thằng con trai chủ quán nó biết chữ, nhưng chữ quá lỏng nên chịu mất tiền mà chẳng dám kêu ca. Thà dốt đặc như cái đứa ở làng Yến Nê mình mà lại được việc.

Ông kể, hai làng lân cận Thạch Bồ và Yến Nê có lần kiện nhau giành đất. Vụ kiện đưa lên phủ, quan xem xét kỹ lưỡng đơn từ hai bên, cuối cùng xử Thạch Bồ thắng vì làng này có đầy đủ hồ sơ trích lục chứng minh quyền sở hữu miếng đất đang tranh chấp. Xem đơn làng Yến Nê, quan thấy có hơn chục chữ ký và độc nhất một người điểm chỉ, bèn gọi anh này vào. Anh ta mặt xanh như đít nhái, rón rén vào cửa quan, chưa khảo đã khai:

- Bẩm quan, con có biết chi mô, tại mấy ảnh biểu con đứng tên trong đơn cho đông. Mà con không biết chữ nên mấy ảnh bắt con ịn ngón tay lên mực rồi lăn vào chỗ tên con trong đơn.

Quan trợn mắt:

- Cái thằng dốt đặc, không biết chữ thì thôi, còn bày đặt đi kiện đi tụng. Tau thương tình mi thiệt thà, tha cho lần này đó. Liệu hồn…

Anh “điểm chỉ” cả mừng, cúi đầu tạ quan rồi hí hửng ra về. Còn mấy anh “biết ký tên” phải ở lại để nghe quan tuyên phạt.

Thủ Xân kết luận: Thà dốt đặc như cái anh làng mình đi kiện còn được quan tha, chứ hay chữ lỏng như anh con trai chủ quán trên Bà Nà thì chỉ có chuốc lấy thua thiệt vào người mà thôi.

Thua con dâu

Có lần Thủ Xân đau một trận thừa sống thiếu chết, nhờ con dâu tận tình thuốc thang chăm sóc nên qua được bệnh tình. Bà con trong làng tới hỏi thăm, mừng ông tai qua nạn khỏi. Ông nói, tui khỏe ri là nhờ trời nuôi. Con dâu ông bưng nước ra mời khách, nghe thế, lẳng lặng bỏ ra sau nhà.

Không bao lâu sau, ông lại ngã bệnh, lần này có vẻ dữ dội hơn lần trước, luôn miệng kêu than răng tui mệt ghê ri hè. Người con dâu thấy thế, nhẹ nhàng thưa: Không răng mô cha, trời đất nuôi cha, trước sau chi cũng sẽ khỏe lại thôi mà.

Nghe thế, ông giật mình. Mỗi lần ông ngã bệnh liệt giường là con dâu chăm sóc từng muỗng cháo, từng thang thuốc. Lẽ ra ông phải nói là tui khỏe được là nhờ con dâu mới đúng đạo nghĩa. Ông đem sự ân hận này nói với ông Năm Chén: Tau sống chừng ni tuổi rồi mà chưa thua ai, lại đi thua đứa con dâu, nghĩ cũng tức. Nhưng cũng tại tau, tau nói sai nên tau chịu, chứ chừ biết trách ai nữa.

Hàng thiệt đây mà

Bấy giờ đàn bà Tây, dân gian gọi là đầm Tây, thường hay mặc ruýp (tiếng Pháp: jupe – loại váy ngắn), phụ nữ làng Yến Nê, nhất là con của các nhà khá giả, có ăn học, cũng bắt chước mặc theo.

Bữa nọ Thủ Xân cùng đám bạn đi úp cá về đến đầu làng thì thấy một phụ nữ mặc ruýp ngồi uống nước trong quán. Nông thôn thời đó con gái mặc ruýp còn quá hiếm hoi nên anh nào anh nấy cứ nhìn ngang liếc dọc miết. Biết Thủ Xân lâu nay khét tiếng tài vặt nên cả bọn thách đố: Mi thì quá giỏi rồi, nhưng chừ thì đố mi giở được cái ruýp của con nhỏ nớ lên. Tau làm được thì tụi bây thưởng tau cái chi? - Thủ Xân hỏi. Thì tụi tau đổ hết cá trong giỏ tụi tau cho mi.

Thủ Xân nhận lời, đi thẳng một mạch vô quán, nhìn qua cô gái một lượt rồi bất ngờ vừa kéo nhẹ chéo ruýp vừa nói như phân bua chính mình: “Ui chu choa, hàng thứ thiệt mượt mà của người ta như ri đây mà cái đám nhà quê ngoài nớ (ông đưa tay chỉ về phía đám bạn đang há hốc mồm nhìn vào) tụi hắn nói chỉ là thứ vải rẻ tiền”. Ông tiếp tục vuốt vuốt lên chéo ruýp rồi ởm ờ tán: Ôi, đẹp quá, mát mẻ quá, mềm mại quá… Tui mà không vô tận nơi sờ thử thì làm răng biết được hàng cô là thứ thiệt…

Cô gái sướng râm ran vì được tán lên tận mây xanh, không hề biết là cả đám ngoài kia đã thấy rõ cái “bí mật” giấu bên dưới ruýp của mình.

Hôm đó cả bọn phải trắng tay ra về còn Thủ Xân thì ăn cả tuần chưa hết cá. Để bụng ấm ức, cả bọn cứ gặng hỏi mãi nhưng Thủ Xân vẫn không chịu tiết lộ làm cách gì mà ông “thôi miên” được cô gái khiến cô chịu để ông vén tung ruýp mình lên hồi lâu. Cho tới bữa nọ, nóng ruột quá, họ chịu đãi ông một chầu nhậu cá rô đồng chiên với rượu gạo ông “bật mí” mọi chuyện.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.