.

Sông Vĩnh Điện và phong thủy xứ Quảng

.

Sông Vĩnh Điện, nằm phía bắc huyện Điện Bàn (Quảng Nam), thượng lưu tiếp hai nguồn Ô Da (Vu Gia) và Thu Bồn, chảy về phía Bắc đến xã Hóa Khuê Đông, hợp với sông Cẩm Lệ chảy ra cửa biển Đà Nẵng. Sông này nguyên trước là đường thủy đạo, khuất khúc quanh quẹo, lâu năm bị bồi lấp.

Sông Vĩnh Điện. Ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG
Sông Vĩnh Điện. Ảnh: TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

Dưới triều Nguyễn, con sông này được đào để thông lộ đường thủy, tuy nhiên câu chuyện này có liên quan mật thiết đến phong thủy xứ Quảng.

Đào để thông lộ…

Theo Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn, năm Minh Mạng thứ ba (1822), vua sai Cai bộ Lê Đại Cương nhân theo đường cũ đào vét đường thủy từ xã Câu Nghê đến xã Cẩm Sa dài hơn 850 trượng làm sông Vĩnh Điện (có ý nghĩa là mãi mãi vững bền), tuy nhiên khi hoàn thành thì thế sông cũng chỉ đi lọt chiếc thuyền. Năm Minh Mạng thứ năm, vua lại ra lệnh đào con sông này, dài 1.647 trượng, 7 thước, 5 tấc, hạn rộng 5 trượng, sâu 8 thước; sai Cai bộ Lê Đại Cương huy động 3.000 dân trong hạt để đào; người làm việc được cấp hậu tiền gạo, mỗi người mỗi tháng cấp tiền 3 quan, gạo 1 phương; đào hơn 2 tháng thì xong.

Năm Minh Mạng thứ sáu (1825), vua đi tuần du Quảng Nam, qua sông ấy, thấy đường sông nông hẹp, bảo bầy tôi rằng: “Trước kia đào khai sông ấy, hạn bề ngang trên bờ là 5 trượng, dòng nước rộng 3 trượng 4 thước, nay mới hơn một năm mà đã sụt lở, chỗ rộng chẳng quá 2 trượng, chỗ hẹp chỉ hơn 10 thước; lại hai bờ cao quá, đứng dựng như vách thì thế nước chảy mau sụt lở càng nhiều, của nhà nước và công của dân, cả hai đều uổng phí, cái tội của Đổng lý Lê Đại Cương nói sao cho xiết. Bọn giám tu và chuyên biện đều giao xuống hai bộ Lại, Binh bàn xử”.

Vua dụ Phó đô thống chế Trương Văn Minh, người được vua tin cậy giao phó chỉ huy việc đào sông rằng: “Đây là việc trọng yếu về vận tải đường sông ở phía nam kinh kỳ, trước kia người thừa biện không biết làm cho nên nay bất đắc dĩ phải đào vét thêm, mong lợi cho dân, chẳng phải muốn nhọc dân đâu. Ngươi đến Quảng Nam nên triệu các phụ lão lấy ý ấy bảo cho họ biết, khiến họ báo lại cho con em vui vẻ đến làm”.

Ngay sau đó, vua cho đào lại, Trương Văn Minh huy động 8.000 người dân Quảng Nam, chia làm hai ban tiến hành đào sông, tùy thế mở rộng, lấy mặt nước rộng 6 trượng làm chừng. Những người làm việc hàng tháng cấp cho tiền gạo; mỗi ngày hạn giờ làm giờ nghỉ, cho đồ ăn, cấp thuốc thang. Trong năm này, đào cửa sông mới ở phía dưới cửa sông cũ hơn 40 trượng, tiếp ngay sông cái khiến cho thế nước chảy rót vào, giữ khỏi cái lo bồi lấp; rút ngắn con đường đến Giao Thủy gần 300 trượng (từ cửa cũ đến Giao Thủy dài hơn 850 trượng, từ cửa mới đến Giao Thủy dài chỉ có 560 trượng).

Việc phải qua hai tháng mới xong. Vua sai đem bò rượu khao thưởng. Thưởng cho Trương Văn Minh 2 thứ kỷ lục, 50 lạng bạc, 2 tấm sa, 1 tấm đoạn. Cho các quan văn võ theo làm mỗi người 1 thứ kỷ lục. Đến năm Minh Mạng thứ bảy (1826), vua lại sai khiến Thống chế Trương Văn Minh sửa sang đường sông, dời xuống hơn 40 trượng, mở rộng miệng sông để đón tiếp nước trên sông lớn, lấy dây giăng thẳng đem dân đào lại vài tháng mới xong. Năm Minh Mạng thứ mười bảy (1836), sông Vĩnh Điện được khắc trên Dụ đỉnh.

… và lấp vì không hợp phong thủy

Theo Đại Nam thực lục, khi quân Pháp tấn công Đà Nẵng, tháng 8 năm Mậu Ngọ, Tự Đức thứ mười một (1858), vua phê chuẩn cho quan tỉnh Quảng Nam thuê bắt dân phu làm sọt tre, vật liệu gỗ, đổ đất lấp sông Vĩnh Điện, khiến cho thế nước dồn chảy về cửa biển Đại Chiêm, khiến mạn hạ lưu nông cạn, thuyền sam bản (tức thuyền tam bản, còn gọi là xuồng ba lá, một loại thuyền gỗ có xuất xứ từ Trung Quốc, có đáy tương đối bằng phẳng - ĐNCT) của Tây dương không tiến vào được để quan quân có thể chuyển sức phòng bị một mặt trên bộ.

Tuy nhiên, dưới thời Tự Đức sông Vĩnh Điện không còn giữ được vai trò quan trọng trong thủy lợi và giao thông vận tải nữa, nước sông chảy về phía bắc, đường sông ngày càng nông, làm ruộng, đi buôn, đánh cá đều không lợi. Đặc biệt, Phạm Phú Thứ, một quan thần người Quảng Nam, nói hạt ấy xây tỉnh thành (năm 1833 dời tỉnh thành Quảng Nam đến La Qua thuộc huyện Diên Phước) và đào sông Vĩnh Điện không hợp phép địa lý, gây rối loạn phong thủy nên người và vật không yên, trong nhiều năm liền tỉnh Quảng Nam hạn hán và lũ lụt liên miên, dân tình đói khổ.

Từ thực tế đó, Sơn phòng sứ Quảng Nam là Nguyễn Tạo dâng sớ xin dời tỉnh thành về địa phận huyện Quế Sơn hoặc huyện Duy Xuyên, lấp sông Vĩnh Điện và khai sông Ái Nghĩa để hợp với phong thủy, dân tình mới yên ổn.

Theo Quốc triều chánh biên toát yếu, sau lời đề nghị của Nguyễn Tạo, tháng 4-1875, vua Tự Đức sai Lang trung Cao Hữu Sung đem 2 người thợ vẽ giám thành cùng với Linh đài lang Mã Trinh vào Quảng Nam hội khám tỉnh thành La Qua và đàng sông Vĩnh Điện. Tháng 12-1876, vua Tự Đức cho lấp sông Vĩnh Điện và đào các sông ở làng Ái Nghĩa, Cẩm Lậu, Thi Lai (Quảng Nam) với ý nghĩ: Nguyên vị ưu nông sự/ Lượng giai thức ngã tình (Toàn tâm trí của ta là lo nghĩ về việc làm ruộng/ Mong tất cả hãy hiểu cho lòng chân thành của ta).

Sông Vĩnh Điện có số phận thăng trầm của nó, nhưng việc được khắc trên Dụ đỉnh đã nói lên sự quan trọng của con sông này. Ngày 11-3-2015, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua Đề án đưa huyện Điện Bàn từ huyện lên thành thị xã thì sông Vĩnh Điện lại có một sức sống mới, phá vỡ thế phong thủy một thời.

VÕ HÀ

;
.
.
.
.
.