Dân gian có câu “Trên đời có bốn thứ ngu/ Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu!”. Ở vùng Tây Thăng Bình, từ thời xa xưa, một trong những thú vui nhàn nhã khi mùa màng rảnh rỗi của người dân vùng quê là gác cu.
Xưa, nhiều người ngay từ lúc tóc còn để chỏm, khoảng mười hai, mười ba tuổi đầu đã cầm lồng theo cha, theo ông đi gác cu. Đã gác rồi mê, không bỏ được. Thế cho nên, không hiếm những cụ già tuổi bảy mươi, tám mươi nhưng rảnh là đi. Ông Nguyễn Thành, thôn Bình Phụng, xã Bình Quế, đến ông là 4 đời làm “nghề” gác cu. Ông đã có thâm niên gần bảy mươi năm xách lồng đi làm cái “nghề” rất lý thú này.
Muốn gác cu, trước hết, phải có đầy đủ dụng cụ. Ấy là một cái lồng để bỏ chim mồi. Có loại lồng được thiết kế “cắt đôi”, nghĩa là một nửa dùng làm nơi để chim mồi và nửa kia là bẫy, chỉ cần chim đậu vào thì ngay lập tức bẫy sẽ bật lên, chim đã nằm gọn trong lưới, không thể thoát ra được. Thứ hai, phải có cây sào để đưa lồng lên cành cây. Cây sào khá dài, chí ít cũng hơn hai mét. Thứ ba, phải có chim làm “chim mồi”, tức chim đã được huấn luyện kỹ, có nhiệm vụ “dụ” chim ngoài vào bẫy.
Chim mồi thường là chim đực. Loại chim này không những “dụ” được chim cái mà còn “khích” cả chim đực. Đặc biệt, chim cũng như gà đều… “tức nhau tiếng gáy”. Chim mồi có con rất hay, đã “dụ” con nào là dính con đó. Chim hay, theo thời giá lên đến cả triệu đồng. Chim mồi sống “thọ” mười bảy, mười tám năm là chuyện thường. Như ông Nguyễn Thành, sau năm 1975, có con chim dùng làm chim mồi gần… hai mươi năm.
Có đầy đủ dụng cụ rồi, phải nắm rõ địa hình, địa vật, chỗ nào nhiều, chỗ nào ít chim để đi gác. Rồi, cần phải có tính kiên nhẫn nữa. Theo ông Thành, gác chim mà tính nóng nảy thì… hỏng. Bởi mình phải kiên trì, ngồi trong bụi rậm hàng tiếng đồng hồ. Có khi ngồi cả buổi để theo dõi, quan sát. Hồi hộp nhất là khi chú chim cu tự do ở ngoài nghe tiếng chim mồi gáy, bay đến. Nhưng, cu ngói cũng rất khôn, hiếm khi đậu ngay trên bẫy mà đậu trên nhánh cây gần đó. Rồi, nó cứ bay qua, bay lại, như thể quan sát, xem động tĩnh thế nào. Cuối cùng, mới đậu lên bẫy và… dính đòn. Một số chim mồi hay còn giở trò “sa cầu”, tức bước xuống cây gỗ dùng làm “cầu” trong lồng, hai cánh nhịp nhịp, đầu hơi cúi xuống, vừa gù vừa làm động tác như gà sắp đập mái.
Khi dùng mọi cách vẫn không “dụ” được chim, cuối cùng người ta phải dùng bẫy sập. Bẫy hình tròn, bằng sắt, đường kính khoảng 0,8 mét, có lưới bên trong. Người đặt bẫy để chim mồi dưới đất, núp ở gần, quan sát, khi thấy chim ngoài vừa đậu xuống, đúng ngay vị trí đặt bẫy là rút dây đã thiết kế để bẫy sập lại, chim ở trong lưới, không thể thoát ra được.
Theo ông Nguyễn Thành, vài chục năm trở về trước, cu ngói rất nhiều, ngày nào trúng, ông có thể bẫy được ba, bốn con. Càng về sau, chim hiếm dần. Cho nên, gác cu chủ yếu mua vui là chính, hoàn toàn không có chuyện cơm áo gạo tiền. Xưa, bẫy được con nào, thường người ta bỏ lồng, để nó gù cho vui cửa vui nhà. Còn lại thì cho bạn bè hoặc ăn thịt. Mươi năm nay, mới có chuyện bán chim.
Ở Quảng Nam và nhiều tỉnh, thành khác nói chung, ngày xưa, gác cu là thú vui nhàn nhã của không ít bậc nho sĩ. Cho nên, mới có giai thoại khá thú vị rằng lúc sinh thời, cụ Tú Quỳ, danh sĩ Quảng Nam, là một trong những người mê thú… gác cu. Lần nọ, cụ lên Phường Rạnh, mảnh đất nay thuộc huyện Quế Sơn, để bẫy chim nhưng nhử hoài vẫn không được con nào. Sẵn ở đó có Dinh Bà nổi tiếng linh thiêng, cụ vào khấn vái, xin Bà cho bắt con chim nào có giọng hát hay nhất; nếu được, cụ tạ ơn bằng hai bò và một chầu hát. Không hiểu Bà linh nghiệm ra sao nhưng liền sau đó, cụ Tú đã thấy một con cu ngói rất đẹp đang hót líu lo trong lồng. Giữ lời, cụ… bò quanh Dinh Bà hai vòng, vừa bò vừa hát bộ.
Chuyện xưa thực hư thế nào khó mà xác định nổi. Thế nhưng, điều chắc chắn là gác cu xưa nay vẫn là thú vui của không ít người. Chỉ có điều, gác cu ít nhiều cũng gây tác động không nhỏ đến đời sống của một loài chim hoang dã, một vấn đề đã đến lúc phải gióng lên hồi chuông cảnh báo!
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT