Chuyện xưa xứ Quảng
Truyền thuyết làng Bích Trâm
Làng Bích Trâm xưa thuộc huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, dinh Quảng Nam (nay thuộc thôn Bích Bắc, xã Điện Thọ, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Chiếc chuông cổ gắn với truyền thuyết và một góc làng quê Bích Trâm. |
Ngược dòng lịch sử, theo tiếng gọi Nam tiến khai phá vùng đất phên dậu Quảng Nam của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và của các bậc tiền nhân, vào khoảng đầu thế kỷ XVI, một số người từ vùng đất Nghệ An - Thanh Hóa đã tìm đến vùng đất mới Quảng Nam khẩn hoang, khai cơ lập nghiệp.
Khi đến vùng đất làng Bích Trâm, nhận thấy vị thế vùng đất này trù phú, đất đai màu mỡ, địa thế hữu tình và có nhiều tiềm năng phát triển nên họ đã quyết định dừng chân tại đây. Lúc bấy giờ, vùng đất Bích Trâm vẫn còn là chốn rừng thiêng, nước độc, hoang vu, thưa vắng người, cây cối um tùm, sông lạch chằng chịt, lại có nhiều thú dữ...
Để tồn tại, những bậc tiền nhân của làng Bích Trâm đã phải thường xuyên đối mặt với bao khắc nghiệt của thiên nhiên, thú dữ, loạn lạc và không ngừng đấu tranh để sống còn. Tuy nhiên, do được thừa hưởng huyết thống kiên cường và tài năng trí tuệ của các thế hệ cha ông, đoàn người di dân đã tích cực khai hoang, mở rộng điền thổ, xây dựng xóm làng.
Tương truyền rằng, trong nhóm chỉ huy đoàn người từ Thanh - Nghệ vào khai phá vùng đất mới có một người đàn bà tài giỏi, đảm đang tên là Phạm Thị Bích. Bà có một người con gái rất xinh đẹp và nết na. Một hôm, sau một ngày làm việc mệt nhọc, cô gái ra bàu để tắm. Mẹ cô gái và đoàn người tùy tùng chờ mãi đến khuya mà không thấy cô gái trở về, đoàn người liền chia thành nhiều nhóm đổ xô đi tìm.
Khi đến gần bàu nước nơi cô gái thường hay tắm, một nhóm người phát hiện ra áo quần và tư trang của cô gái. Họ bèn cho người ngụp lặn ở bàu nước tìm cô nhưng vô vọng. Ở trên bờ bàu, ngoài áo quần, nhóm người còn tìm thấy một chiếc trâm và búi tóc còn sót lại dưới lũy tre. Đoán được việc cô gái đã bị cá sấu ăn thịt mất xác, người mẹ bèn tổ chức cho đoàn người ngày đêm cật lực ngăn bàu tát cạn nước để tìm giết con cá sấu nhằm tìm xác để đem đi chôn cất và trả thù cho cô gái xinh đẹp, nết na nhưng vắn số. Đoàn người vội vã mổ bụng cá sấu nhưng họ không tìm bất cứ thứ gì còn lại của thể xác cô gái…
Tiếc thương cho người con gái bất hạnh, để tưởng nhớ đến cô – người đã không quản ngại gian khổ, tuổi xuân chung tay cùng đoàn người khai phá, khẩn hoang vùng đất mới ngay từ những ngày đầu đến đây, người mẹ tên Bích và các bậc tiền bối đã đem chiếc trâm cùng búi tóc của cô đem chôn để có nơi thờ tự, hương khói. Và để những bậc hậu bối, con cháu sau này luôn luôn nhớ về công đức và sự đóng góp của hai mẹ con cô gái, các vị tiền bối lúc bấy giờ đã lấy tên người mẹ là Bích ghép với chiếc Trâm còn sót lại của cô gái để đặt tên cho vùng đất này là làng Bích Trâm và con sông nơi cô gái bị cá sấu ăn thịt mất xác là sông Bàu Sấu.
Với quyết tâm xây dựng vùng đất mới, những bậc tiền nhân của làng Bích Trâm đã dần dần biến nơi đây thành một vùng đất đai trù phú, phì nhiêu xanh tốt. Về sau các đoàn người di dân từ Thanh - Nghệ -
Tĩnh thấy vùng đất này trù phú, dễ bề canh tác, làm ăn sinh sống nên đã kéo đến đây sinh sống, định cư, lập nên xóm làng, ngày một đông đúc.
Làng Bích Trâm ngày càng phồn thịnh, ấm no, nhân dân có của ăn của để… nên bàn nhau chung tay, góp của để xây dựng một ngôi chùa gọi là chùa làng Bích Trâm. Để phục vụ cho các lễ tế, cầu kinh, sinh hoạt tâm linh của chùa, nhân dân làng Bích Trâm đồng lòng đóng góp để đúc một chiếc đại hồng chung tặng cho chùa. Tương truyền rằng, khi chuông đúc xong, mỗi lần gióng chuông để hành lễ, tiếng chuông ngân rền đến tận kinh thành Huế, gây ít nhiều phiền nhiễu cho triều đình. Vua nhà Nguyễn bèn truyền lệnh cho dân làng phải đục một lỗ nhỏ trên thân chuông để giảm bớt tiếng vang.
Cho đến hôm nay, trải qua bao thiên tai, địch họa, chiến tranh, những cảnh cũ, người xưa đã đi vào dĩ vãng nhưng những tên đất, tên làng, tên sông do các bậc tiền nhân đặt ngày nào vẫn còn đó như Bích Trâm, Bàu Sấu… Chùa làng Bích Trâm đã bị tàn phá nhưng may mắn thay chiếc chuông đồng một thời gắn với sự hình thành, hưng thịnh của làng Bích Trâm vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay và được người dân làng Bích Trâm xem như một vật chứng lịch sử, một báu vật của làng.
MAI HỒNG LÂM