.

Xung đột giữa triều Nguyễn với tàu chiến Pháp tại Đà Nẵng

.

Một châu bản rất giá trị được phát hiện gần đây nói đến cuộc xung đột vào năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) giữa quân triều Nguyễn và tàu chiến Pháp tại cửa biển Đà Nẵng.

Năm 1859, sau một năm chống lại cuộc tấn công quân Pháp, đứng trước thách thức lịch sử, vua Tự Đức đã triệu viện Cơ mật, yêu cầu truy xuất tàng thư của các triều vua trước, tập hợp thành báo cáo về những ứng xử của các triều trước đối với những yêu sách của người phương Tây.

Đó là lý do ra đời của tập châu bản dày tới 70 trang, được đệ trình chính thức ngày 18-8-1859. Châu bản lần đầu tiên được công bố này đã bổ sung thêm những thông tin về cuộc chiến tại Đà Nẵng năm 1847.

Mở đầu Châu bản, các đại thần Cơ mật trình báo: “Hôm trước thần đã nói rõ nguyên nhân thuyền chiến người Tây dương vào bến Đà Nẵng năm Thiệu Trị thứ bảy, làm phiếu tờ trình lên, vâng được Châu phê (lời phê duyệt của vua – NV): Những yêu cầu của bọn Dương di đã lần lượt phụng sắc chỉ hoặc xử trí ra sao phần nhiều chưa được rõ, nên cứ sự thực làm phiến tiếp tục tiến trình lên. Chúng thần đã tra cứu tường tận thêm, chọn lấy điểm chính đem nhập vào bản phúc trình trước dâng lên. Châu điểm” (chữ xác nhận của vua vào lời tâu của các quan - NV)(1).

Ở báo cáo này, Viện Cơ mật đã trình bày nhiều nội dung liên quan đến những ứng xử của vua Nguyễn đối với tàu thuyền phương Tây, chủ yếu là thuyền buôn đã nhiều lần đến xin đặt quan hệ buôn bán, thậm chí phạm lãnh thổ nhưng Nhà nước đã hết sức mềm mỏng. Báo cáo cũng cho biết chi tiết việc thuyền Pháp gây sự tại Đà Nẵng năm 1847.

Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Có hai chiếc thuyền quân của nước Phật Lan Tây đậu ở cửa biển Đà Nẵng, có 5-6 người đạo trưởng công nhiên đeo chữ “thập”, đi lại ở nơi cửa biển. Quan dinh tỉnh Quảng Nam xét ra, chúng đến đó có ý kiêu ngạo, đem việc phi tấu lên.

Vua sai tả Tham tri Bộ Lễ Lý Văn Phức đi đến ngay... khi Phức đã đến cửa biển, bọn Tây dương định ngày cùng hội với nhau, đến ngày, đầu mục Tây dương là Lạp Biệt Nhĩ đem vài mươi tên đồ đảng, đeo gươm, đeo súng, đến thẳng ngay công quán; ngăn lại không được.

Chúng đưa ra một thư của chúng bằng chữ Hán, lời lẽ phần nhiều ngông càn. Phức không chịu tiếp nhận, đầu mục Tây dương quát to để dọa nạt, đặt lá thư lên trên ghế rồi đi. Phức và Đình Tân bàn với nhau rằng: “nhận lấy thư là có tội, mà đốt thư đi cũng có tội, không gì bằng cho chạy trạm về đệ tâu lên”.

Phức cũng về Kinh để đợi tội... khi Phức đã đi (khỏi cửa biển), bọn Tây dương lại càng rông càn, ngày thường lên bờ, đi lại chỗ làng xóm. Những người nước ta vẫn theo tả đạo, phần nhiều đi lại nom dòm, thông tin tức kín.

Những thuyền quân đi tuần biển bị chúng bắt giữ lại ở cửa biển. Có 5 chiếc thuyền bọc đồng ở Kinh phái đi nam (Kim Ưng, Phấn Bằng, Linh Phượng, Thọ Hạc, Vân Bằng) chưa ra biển, còn đậu lại ở vũng Trà Sơn cùng đối diện với thuyền Tây dương cũng bị chúng sấn đến cướp lấy buồm thuyền và dây buộc thuyền. Những người trông coi các hiệu thuyền là Thự phó vệ úy Lê Văn Pháp, suất đội Nguyễn Tri, Nguyễn Quyến, Nguyễn Hy, Lê Tần đều bỏ neo giữ chặt, báo đến Kinh”(2).

Sự kiện trên trong báo cáo của viện Cơ mật cho biết trong cuộc trao đổi giữa đại diện triều đình Huế là Lý Văn Phức với người Pháp, ngày 6 tháng 2, Lý Văn Phức đã có những ứng đáp thể hiện rõ chính sách nhất quán đối với tàu thuyền phương Tây, trực tiếp là người Pháp.

Về việc người nước ngoài xin lui tới Kinh sư, Lý Văn Phức trả lời rằng: “Theo lệ định của bản quốc, trước tiên dâng thư lên quan địa phương, quan ở đó chuyển đạt thư lên cấp trên, nếu chưa được sự đồng thuận thì chưa cho lui tới”.

Người Pháp lại đặt vấn đề thiết lập phố xá ở tấn Đà Nẵng, việc đó giải quyết thế nào, Lý Văn Phức cho rằng: “Làng xóm ở đây vốn chuyên nghiệp nông tang, nếu lập phố xá buôn bán thì không phù hợp. Huống chi, thương thuyền quý quốc bất ngờ đến đây thương mại, bản quốc không cấm đoán, song không nhất thiết phải lập phố xá…”.

Lý Văn Phức và Nguyễn Đình Tân cho biết khá chi tiết sự kiện Pháp bắn phá tại Đà Nẵng năm 1847: “Bọn thuyền binh Phú Lãng Sa đã vào địa phận tấn vịnh Đà Nẵng vào ngày mồng 6 tháng trước, nay ta lãnh chỉ đến cửa tấn này, triệu quan Hội đồng cai tỉnh Quảng Nam là Nguyễn Đình Tân vào trù biện công việc.

Hoàng thượng phê rằng: quan ở tấn cùng ngoại quốc gặp nhau để trao đổi, đàm luận ứng đáp các việc. Nguyễn Đình Tân khai rằng: ngày 1 tháng 2 năm nay, có tiếp đón nguyên thự Quảng Nam Lãnh binh Nguyễn Đức Tập, được báo cáo là có đội binh thuyền của Phú Lãng Sa đã đến hải cảng Trà Sơn, bề tôi bèn tức tốc phái người đến hỏi chuyện.

Ngày mồng 4, tiếp Lang trung Hộ Bộ Phan Bá Sản cùng thông ngôn Nguyễn Hữu Quang đến cửa tấn hỏi chuyện và thông dịch. Ngày 7, có một chiếc thuyền lớn ngoại quốc vào, bèn tiếp tục được Tả tham tri Bộ Lễ là Lý Văn Phức cùng Thị vệ họp để trù tính các khoản. Đến tối mồng 7 về sau, các đầu mục ngoại quốc dùng thuyền Pháp dội vào Đà Nẵng ở khắc 4.

Thánh chỉ chuẩn cho Lý Văn Phức cùng bọn Phan Bá Sản và quân binh tiến hành các đối sách đối phó với quân địch. Hoàng thượng cho các quần thần tăng cường những đội quân tinh nhuệ, tức tốc đến cửa tấn hội cùng quan binh để tăng cường phòng thủ. Hoàng thượng chuẩn cho Khâm phái Đại thần Mai Công Ngôn thống quản quân, điều hành và thiết luật quân, điều động quân binh cùng chiến thuyền để tích cực phòng ngự”.

Chi tiết trên cho thấy phía Pháp đã chủ động ở lần gây sự này. Quân Pháp tỏ ra ngông càn còn quan quân Nhà Nguyễn thì lúng túng, thậm chí những thuyền bọc đồng hạng lớn nhất của Nhà Nguyễn đậu tại đây cũng bị cướp. Có tài liệu còn cho là bị bắn chìm “chỉ trong chưa đầy vài khắc”(3). Phía triều đình chỉ lo tổ chức phòng bị lại sau khi đã bị tấn công.

LÊ TIẾN CÔNG


(1) Châu bản triều Nguyễn, triều Tự Đức, Trung tâm lưu trữ Quốc gia I, HN tập 112. Tư liệu của Lê Tiến Công. Bản lược dịch của nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang.

(2) Nguyễn Hữu Châu Phan (2010), “Bối cảnh lịch sử Việt Nam khi người Pháp đến”, Nghiên cứu Huế, số 2, tr. 63.

(3) Quốc sử quán triều Nguyễn (2004), Đại Nam thực lục, tập 7, bản dịch của Viện Sử học, tái bản lần thứ nhất, NXB Giáo Dục, HN, tr. 715.

;
.
.
.
.
.