Phan Châu Trinh (ảnh) là một nhà nho, nhiều người nghĩ, nhà nho thì thường “vóc hạc xương mai”, “trói gà không chặt”. Nhưng thực ra cụ là người cao lớn vạm vỡ, có giọng nói “vang như chuông đồng”, tiếng cười “làm rung đổ gạch ngói”.
Con người giàu sức sống đó sau hai lần bị tù, 14 năm lưu lạc xứ người và bao lần bôn ba khắp chốn để đấu tranh cho độc lập và sự tiến bộ của dân tộc đã trở thành một ông già gầy gò, bệnh tật và đã phải trút hơi thở cuối cùng vào một ngày tháng 3 cách đây 90 năm khi mới ở độ tuổi 54!
(Ảnh: Internet) |
Phan Châu Trinh là người có tầm vóc đặc biệt cả về ngoại hình cũng như vai trò trong lịch sử dân tộc. Tầm vóc lịch sử của ông thì đã được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định và toàn dân biết đến nhưng tầm vóc về ngoại hình thì ít người biết.
Những mô tả đầu tiên về chân dung và tính cách của Phan Châu Trinh, khi cụ giả làm bồi bếp, tìm cách trốn sang Nhật để tìm hiểu tình hình và bàn đại cục với Phan Bội Châu, được Phan Bội Châu đăng trên báo Tiếng Dân ngày 3-4-1937 như sau:
“Nguyên tháng Giêng năm Bính Ngọ đời vua Thành Thái (1906), sau khi đã xuất dương, tôi có bản thảo chương trình “Duy tân hội” vừa xong, lại in bài “Khuyến quốc nhân tư trợ du học” mới từ Nhật Bản mang về Quảng Đông, vào nhà ông Lưu Vĩnh Phúc yết kiến cụ Tán Thuật nhờ cụ đính chính hai văn cảo ấy. Cụ Tán vừa cầm bản cảo vừa đọc vừa nói chuyện. Tôi trông ra ngoài sân bỗng thấy có một người cao lớn ở ngoài vào, vừa bước tới thềm thì cười khà khà, tiếng cười thiệt lớn, gian nhà thờ ông Lưu có cơ hồ đổ gạch. Tôi gấp ngước mặt, chú mắt vào người ấy, thì thấy mắt đen như mực, tóc vắn bờm xờm, áo quần từ trên đến dưới đầy những vết than nghẹ, chân không giày dép, đầu không đội mũ, trừ cặp mắt sáng như tia chớp ra cơ hồ phải nhận là một tên bếp tồi… Tôi chạy ra bắt tay cụ, cụ càng cười ngất, dắt tay vào ngồi”.
Còn đây là chân dung Phan Châu Trinh do chính cụ mô tả: Đủ cả mày râu, mắt mũi, tai/ Da vàng, gan trắng, máu không phai/ Họa chăng ông Ru (Roux) (*) còn trông thấy/ Thử ngoại nào ai thấy đặng ai!
Trong Quảng Nam xưa và nay (bản đánh máy), tác giả Hồ Ngận (1896-1982) cho biết bài thơ “tự vịnh” hiếm hoi này được Phan Châu Trinh ghi bằng quốc ngữ phía sau một trong hai tấm ảnh và bức vẽ bằng than do thiếu tá Le Roux - một người Pháp tiến bộ, bạn của Phan Châu Trinh - thực hiện khi cụ hoạt động ở Pháp. Sau này con trai của thiếu tá Roux là Fernand Roux sống tại Tunisie (Pháp) tặng Viện Khảo cổ (Việt Nam Cộng hòa) vào thập niên 60 thế kỷ trước.
Chân dung Phan Châu Trinh được nhiều người biết đến có lẽ là bức tượng bán thân của cụ được điêu khắc gia Đỗ Toàn thực hiện dựng ở sân trường Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nhân kỷ niệm lần thứ 40 ngày mất của cụ (24-3-1926 – 24-3-1966).
Lúc sinh thời nhà điêu khắc Đỗ Toàn cho biết khi đúc tượng cụ, ông đã cách điệu bộ râu của cụ “cho nó cong vểnh lên giống như giới quý tộc của phương Tây ngày trước”. Chính nhờ sự cách điệu này mà bức tượng trở nên hết sức có thần và đã ghi dấu ấn sâu đậm cho các thế hệ học sinh Trường Trung học Phan Châu Trinh cũng như người dân suốt 5 thập kỷ qua.
Bà Lê Thị Kinh, người cháu ngoại yêu quý của cụ Phan khi sưu tầm tư liệu để viết bộ sách về người ông ngoại của mình đã phát hiện tại Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Pháp (Centre des Archives d’Outre Mer - gọi tắt là CAOM) ở Aix en Provence một tờ ghi của Sở căn cước có nội dung mô tả khá rõ về “tầm vóc” của Phan Châu Trinh như sau:
Tên: Phan Châu Trinh/ Sinh năm 1872/ Tại: Làng Tây Lộc, tổng Vinh Quý, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam/ Cha: Phan Văn Bằng/ Mẹ: Nguyễn Thị Chung/ Hình dạng: Đầu dài 0,154m - rộng 0,155m/ Dài bàn chân trái: 0,263m/ Dài cùi chỏ trái: 0,474m/ Dài ngón út: 0,095m/ Chiều cao 1,68m; sải tay: 1,76m/ Có một nốt ruồi có lông cách 2cm dưới và sau dái tai phải.
Với chiều cao 1,68 mét và sải tay dài 1,76 mét chứng tỏ vào thời đó Phan Châu Trinh là người cao lớn. Nên nhớ vào thời cụ chiều cao trung bình của một người Việt Nam chỉ vào khoảng 1,54 mét (nam chỉ khoảng 1,57 mét). Năm 2012 sau hơn mấy chục năm chế độ dinh dưỡng, điều kiện sống được cải thiện thì chiều cao trung bình của người Việt Nam cũng chỉ mới đạt 1,59 mét (nam 1,637m, nữ 1,53 m). Nếu đem chiều cao của Phan Châu Trinh ngày đó so với chiều cao một thanh niên trung bình ngày nay thì cụ vẫn cao hơn… 5cm, một con số mà muốn đạt được phải mất hàng chục năm.
Qua những gì đã biết chúng ta có thể hình dung Phan Châu Trinh ngày ấy là một người cao lớn, với đôi tay dài, hai bàn chân lớn. Cụ sở hữu một đôi mắt “đen như mực và sáng như tia chớp”, một giọng nói “sang sảng như chuông ngân” và đặc biệt một nụ cười “lớn, sảng khoái có thể làm rung cả gạch ngói”. Với một ngoại hình như vậy lại thêm tài hùng biện, Phan Châu Trinh có sức thuyết phục rất lớn đối với các đối tượng mà cụ tiếp xúc kể cả các đối thủ.
Đó là tầm vóc về thể hình cần được hình dung mỗi khi nói về tầm vóc khác, tầm vóc lịch sử của cụ:
“Phan Châu Trinh là một con người hoạt động, một chí sĩ yêu nước nồng nhiệt, dũng cảm, bất khuất, có đầu óc tổ chức và đầy sáng kiến, có những chủ trương dứt khoát và mạnh bạo…” (GS Huỳnh Lý).
“Khuôn mặt vĩ đại của Phan Châu Trinh theo tôi là khuôn mặt đáng chú ý nhất trong lịch sử văn hóa và chính trị Việt Nam ở thế kỷ XX, bởi chính ông đã xác định một cách rành mạch, sáng rõ nhất những nan đề (les problematimaques) đặt ra lâu dài mà các thế hệ người Việt Nam sẽ phải và mãi mãi còn phải đảm nhận” (nhà sử học Pháp Daniel Héméry).
Tầm vóc to lớn của Phan Châu Trinh là ở chỗ đã “tiên giác” được những “nan đề” của lịch sử mà hơn 100 năm sau dân tộc ta đang phải giải quyết!
LÊ THÍ
(*) Cụ Phan Châu Trinh cũng như các nhà nho ngày trước rất trọng âm luật khi làm thơ. Vì thế, theo chúng tôi, chữ Roux ở đây phải đọc thành Rú mới đúng theo luật bằng trắc của thơ tứ tuyệt (ĐNCT)