.

Niềm tin biển giã truyền đời

.

Lăng Ông làng Nam Ô là một công trình cổ, nằm sát bờ biển. Theo người xưa truyền lại, lăng được dựng trên đền thờ Hải thần của người Chăm. Sát bên lăng có một giếng cổ hình vuông bằng đá, gọi là giếng Lăng, là hiện vật Chăm còn sót lại, nước giếng đến bây giờ vẫn ngọt lành, trong mát.

Lăng Ông Nam Ô với 4 chữ Hán “Long Ngự Chánh Trung” (ảnh trái) và giếng Chăm cổ bên cạnh lăng. Ảnh: V.T.L
Lăng Ông Nam Ô với 4 chữ Hán “Long Ngự Chánh Trung” (ảnh trái) và giếng Chăm cổ bên cạnh lăng. Ảnh: V.T.L

Lăng Ông Nam Ô thờ Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần (hay còn gọi là thần Nam Hải - cá ông), được sắc phong vào thời Gia Long phục quốc đầu thế kỷ XIX, tương truyền đó là sự “đền ơn đáp nghĩa” của Gia Long khi nhà vua bôn tẩu đã được Ông Ngư (cách gọi trọng thị của người dân Nam Ô đối với cá Ông) cứu giúp. Chịu nhiều sự tàn phá của biển, lăng Ông được tôn tạo bề thế vào năm Tự Đức thứ tư (1851) như lưu khắc trong bức hoành phi có chữ “Trạch Tuyết Linh” hiện còn tôn trí ở gian giữa lăng.

Đến năm 1915 (Ất Mão), lăng Ông tiếp tục chịu sự tàn phá của “bão năm Mẹo” mà lịch sử từng ghi nhận, bị bung mái xói tường, bình phong bị cuốn trôi. Mãi đến năm Bảo Đại thứ mười (1934), theo dòng chữ khắc trên đòn đông, lăng Ông mới được tôn tạo sau nhiều năm vạn mành (những người làm lưới mành) được mùa. Lần tôn tạo này còn nguyên trạng đến ngày nay, dù qua 81 năm vẫn “hoành tráng” đầy đủ 3 gian rộng rãi, có hậu tẩm sáng rực chữ Thần, có hàng chục thạp sành chứa di cốt Ông Ngư đã trải qua hàng trăm năm. Chánh đường lồ lộ 4 chữ Hán “Hải Thần Trợ Thuận” thể hiện niềm tin của ngư dân bao đời. Trước mặt lăng có hình tượng tứ linh đắp nổi với 4 chữ Hán “Long Ngự Chánh Trung”, thể hiện sự kính ngưỡng với vị phúc thần trên biển cả. Dân gian có câu “Lồng ngồng như lăng Ông Hóa Ổ (tên cũ của làng Nam Ô)” để nói về sự bề thế của lăng.

Tại lăng, hằng năm ngư dân tổ chức hai cuộc lễ theo âm lịch. Ngày rằm tháng hai là Lễ Bến, Nghinh Ông, Cầu Ngư - đây là lễ rất quan trọng của làng biển, được tổ chức rất chu đáo cả hai phần lễ và hội. Theo niềm tin của ngư dân, lễ Nghinh Ông, Cầu Ngư càng long trọng thì niềm hy vọng biển được mùa càng lớn. Ngày rằm tháng tư là lễ Giỗ Ông Ngư (kỷ niệm ngày Ông “tử”), cũng có lễ sinh, xướng tế, chiêng trống nhưng chỉ diễn ra gọn trong đêm rằm.

Ông “tử” hay Ông “lụy” là hiện tượng cá ông trôi dạt vào bờ. Ngư dân tin Ông “lụy” là do Ông đẩy đuổi cá áp vào bờ tạo điều kiện cho ngư dân đánh bắt, vì quá đà nên Ông mắc cạn mà “lụy”. Cũng có thể vì Ông “chiến đấu” với “địch quân” ngoài biển khơi khi làm “nhiệm vụ” bảo vệ đàn cá cho ngư dân mà chịu “hy sinh” như niềm tin mơ hồ của ngư dân. Khi ngư dân phát hiện Ông Ngư “lụy” phải “chiêu” cờ cho bà con vạn mành biết. Bấy giờ tất cả ngưng ngay công việc, cùng xúm lại, tìm cách đưa Ông Ngư về lăng làm lễ khâm liệm và tống táng.

Nhiều ngư dân đã từng thấy, khi một cá thể Ông Ngư “lụy”, cả đàn Ông Ngư mạnh khỏe áp sát đưa “ngài lụy” vào bờ. Trên đường đi, từng vòi nước cứ phóng lên không trung như tung lời kêu cứu, khi có ngư dân đến bên Ông “lụy”, thì từng “ngài”, từng “ngài” vội tách ra về lại biển khơi xem như cuộc bàn giao hoàn thành. Từng cột nước lại phóng lên không trung kèm theo tiếng phì phò như tỏ lời gửi gắm và từ biệt.

Thời phong kiến, khi có Ông “lụy”, người trưởng vạn phải khăn áo chỉnh tề lên báo cho ông lý trưởng, ông này báo lên huyện/phủ để các cơ quan này gấp rút “tư” về cho địa phương, tống táng “ngài” theo lễ nghi thần thánh có kèm theo vật phẩm, tùy theo “ngài” to hay nhỏ mà cấp mấy chục thước vải điều và lễ vật trầm hương, nhang đèn, áo giấy. Bởi Ông Ngư đã được vua phong Thần nên Ông Ngư khi “lụy” được hưởng lễ hậu là tất nhiên. Lệ này còn giữ mãi tới năm 1975.

Theo tục, người đầu tiên phát hiện Ông Ngư “lụy” được vinh dự chít khăn điều để tang như trưởng nam khi cha mẹ qua đời. Lễ tang có chiêng trống, xướng tế, ban lễ nhạc uy nghi, có đội âm công nhịp nhàng trong điệu hò bả trạo tống tiễn. Nơi táng Ông Ngư là đụn cát ở phía nam cách làng non cây số, tục gọi Mả Ông. Người ta còn kể, ngày xưa khi trên bờ đưa Ông đến nơi an táng thì ngoài biển, cả đàn Ông Ngư cũng phì phò phun nước song hành như đưa tiễn! An táng Ông Ngư xong, ngư dân cũng có tâm trạng ngùi ngùi theo thế thường nhưng lại khấp khởi mừng thầm bởi trong những ngày tới Ông Ngư sẽ trả nghĩa bằng cách cho được mùa biển giã.

Chuyện Ông Ngư trả nghĩa không chỉ có vậy.

Ở Nam Ô, cách đây khoảng 50 năm, ông Lương Cải cầm lái mành cùng ông Trần Biên và một số các bạn mành khác ra biển, nửa đêm bị gió dữ làm lật ghe, nhiều người được các ghe khác vớt, riêng ông Lương Cải biền biệt tăm hơi. Dù đang cơn gió dữ mịt mùng nhưng mọi người vẫn cần mẫn tìm kiếm, đến sáng không thấy gì, cả vạn mành chắc mẩm là ông đã mạng vong. Sáng ra, mọi người về bến báo tin, thân nhân gia đình ông khóc lóc thảm thiết.

Trong lúc cả làng tiếc thương thì tầm đến trưa có tin ông đã được Ông Ngư đưa vào bờ biển làng Thạch Thang (nay thuộc quận Hải Châu), cách làng Nam Ô về phía nam khoảng 10km, được ngư dân nơi đây tiếp tục giúp đỡ, sưởi ấm, cho ăn. Chuyện Ông Ngư cứu ông đưa vào bờ từ miệng ông kể lại. Ngư dân trong làng nghe và tin như chuyện thần kỳ, bởi khi biển động mùa gió bấc, nước chảy xiết về hướng đông - bắc mà ông lại trôi ngược nước về bờ tây - nam thì không thần kỳ sao được. Người ta tin rằng chỉ có quyền phép của Ông Ngư mới làm được chuyện đó!

Niềm tin vào Ông Ngư cứ lớn dần lên theo những câu chuyện truyền kỳ bao đời, ngư dân cứ nghe và cứ tin. Niềm tín ngưỡng dẫu mơ hồ nhưng mãi ngự trị trong tâm thức ngư dân Nam Ô, hình thành nên niềm tin “gieo nhân nào gặt quả nấy”. Quan niệm sống rất đáng quý đó trở thành niềm tin biển giã truyền đời!

ĐẶNG DÙNG

;
.
.
.
.
.