.

Một "cuộc thi" độc đáo

.

Ở Quảng Nam, nhắc đến nghề mộc, không ai không biết làng mộc Kim Bồng, nay thuộc phường Thanh Hà, thành phố Hội An. Chính bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ ở làng mộc danh tiếng này đã góp phần công sức không nhỏ tạo ra những ngôi nhà gỗ với những đường nét chạm trổ tinh vi, độc đáo của đô thị cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới. Và, trong dòng văn học dân gian xứ Quảng còn lưu truyền nhưng câu hát mộc mạc, trữ tình “Dang tay hốt nhúm dăm bào/ Hỏi thăm chú thợ lúc nào hồi công/ Không mai thì mốt anh hồi công/ Đất Hàn em ở, chốn Kim Bồng anh lưu chân”.

Ngôi nhà cổ ở huyện Tiên Phước do thợ mộc Vân Hà xây dựng, từng được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm trả giá cao nhưng gia chủ giữ lại, không bán. Ảnh: V.T.L
Ngôi nhà cổ ở huyện Tiên Phước do thợ mộc Vân Hà xây dựng, từng được Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm trả giá cao nhưng gia chủ giữ lại, không bán. Ảnh: V.T.L

Nếu mộc Kim Bồng “tung hoành ngang dọc” ở cánh Bắc thì ở cánh Nam là địa bàn hoạt động của mộc Vân Hà, nay thuộc xã Tam Thành, huyện Phú Ninh. Có thể nói, tuy không tiếng tăm bằng, nhưng người thợ làng mộc Vân Hà cũng rất tài hoa, khéo léo, để lại nhiều công trình kiến trúc độc đáo của Quảng Nam, nhất là một ngôi nhà cổ ở Tiên Phước từng được Ngô Đình Diệm, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trả giá cao nhưng gia chủ giữ lại, không bán.

Làng Vân Hà hồi đầu thế kỷ XX trở về trước là miền quê xa xôi, hẻo lánh, nằm tương đối tách biệt với những vùng dân cư đông đúc. Thế nhưng, ngay ở cái làng xa xôi, hẻo lánh này lại có nghề mộc nổi tiếng. Về nguồn gốc của nghề, các cụ già làng kể rằng, nghề này vốn gốc từ đất Bắc, theo chân tiền nhân vào định cư ở Vân Hà. Đó là lý do ngay buổi đầu khi vào lập nghiệp, tuy có khai phá đất ruộng nhưng cánh đàn ông Vân Hà không chú trọng nghề nông, chẳng thiết tha với cây lúa, củ khoai mà chỉ gắn bó với nghề mộc truyền thống. Họ cho nông là nghề của... đàn bà và phó mặc vợ con gánh vác. Quanh năm suốt tháng, cánh thợ mộc Vân Hà ai ai cũng… xách một chiếc rương gỗ đựng nào cưa, đục, chàng, khoan... lặng lẽ đi các nơi hành nghề. Có thể nói, bấy giờ, nghề mộc là nghề sinh sống chính của cư dân Vân Hà, nông là nghề phụ, có tác dụng cải thiện đời sống gia đình là chủ yếu.

Vậy là xứ Quảng có đến… 2 làng mộc. Đặc biệt, Kim Bồng và Vân Hà đều sản sinh ra nhiều thế hệ thợ tài danh. Cho nên, thật khó khẳng định tay nghề thợ làng nào giỏi hơn làng nào. Và, xung quanh nghề mộc, có câu chuyện kể dân gian khá lý thú. Chuyện rằng thời Pháp thuộc, triều đình Huế có nhu cầu làm trụ đèn bằng gỗ. Biết tiếng ở xứ Quảng có hai làng nghề mộc nổi tiếng, nhà vua nảy ra ý kiến khá hay là giao mỗi nơi làm một cái xem thử ai làm đẹp hơn. Theo các bô lão làng mộc Vân Hà, đó thực sự là một cuộc thi. Cuộc thi này xảy ra dưới thời ông Phủ Lê, tên thật là ông Lê Trung Khuẩn, tri phủ Hà Đông, tức Tam Kỳ ngày nay.

Hồi ấy, ông Phủ Lê đích thân triệu tập cả làng, đưa kiểu trụ đèn ra và bảo với những người thợ mộc giỏi nhất nghiên cứu, làm thế nào để trụ đèn khi thành hình phải đẹp hơn, độc đáo hơn trụ đèn của thợ Kim Bồng. Có như vậy, người dân làng mới ngẩng cao đầu, mới ăn nói với thiên hạ được... Kết quả cuộc thi thành công ngoài sự mong đợi. Trụ đèn thợ Vân Hà làm ăn đứt trụ đèn thợ Kim Bồng. Dân làng Vân Hà làm trụ đèn bằng một khúc gỗ liền, đục rỗng ở giữa cả khúc cây. Còn thợ Kim Bồng làm trụ ở giữa riêng, rồi làm vỏ trụ riêng. Làm như vậy rõ ràng dễ hơn làm chung. Tương truyền, người thợ có công chính hồi ấy là ông Đinh Khúa.

Không thi thì thôi. Nhưng đã thi, dù thế nào, cũng phải có phần thưởng. Phần thưởng là một con ngựa bằng gỗ, một bằng khen có đóng triện đỏ chói của vua.

Câu chuyện thực hư khó mà xác định. Bởi, không có cái gì làm bằng chứng. Con ngựa gỗ hay bằng khen, theo lý giải của bà con, trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ đều bị thất lạc. Không ai biết hai hiện vật ấy còn hay mất. Tuy nhiên, câu chuyện dù sao cũng trở thành niềm tự hào của thợ mộc Vân Hà. Đặc biệt, sự tài hoa, khéo léo của họ không chỉ thể hiện trong cuộc thi để đời ấy mà còn bộc lộ rõ nét thông qua những công trình cổ được chạm khắc công phu, đẹp mắt, có giá trị nghệ thuật và lịch sử khắp nhiều nơi trong và ngoài huyện như Khổng Miếu, đình Chiên Đàn, đình Phương Hoà, đình Mỹ Thạch ở thị xã Tam Kỳ... cũng như hàng loạt công trình khác.

Cuộc thi độc đáo, có một không hai thời xa xưa ấy vẫn còn in khá đậm nét trong ký ức lớp người cao tuổi ở Vân Hà. Với họ, đó là cuộc thi để đời, chứng tỏ tài năng, sự khéo léo, đầu óc sáng tạo của người thợ làng nghề hồi đầu thế kỷ XX, cách nay gần trăm năm trong lịch sử. Cũng hoàn toàn không phải ngẫu nhiên, khi nhắc đến nghề mộc, người dân địa phương vẫn tự hào, rằng “Nhất thợ mộc Vân Hà/ Nhì đàn bà Phước Lâm”. Với họ, thợ mộc Vân Hà, qua cuộc thi ấy, không thể không “nhất” được.

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT


(*) (Tác giả đã mất)

;
.
.
.
.
.