.

Hai ông Hương Chánh ở huyện Lễ Dương

.

Sau cuộc cự sưu kháng thuế “long trời lở đất” năm 1908, thân sĩ Quảng Nam người bị giết, người bị giam, người bị đày đi Côn Đảo, Lao Bảo. Trong số những người bị đày Côn Đảo có hai nhân vật đặc biệt, đó là hai hương chức của làng Đồng Thái và Hà Lam thuộc huyện Lễ Dương (Thăng Bình).

Tiền hiền làng Đồng Thái (ảnh trái) và bàu sen Hà Kiều ở làng Hà Lam.
Tiền hiền làng Đồng Thái (ảnh trái) và bàu sen Hà Kiều ở làng Hà Lam.

Dưới thời phong kiến, làng xã theo chế độ tự quản, nghĩa là tự đứng ra điều hành công việc nội bộ của mình, bao gồm những nhiệm vụ riêng của làng và những quy định của triều đình. Thời đó, làng xã thường có ba bộ phận: kỳ mục, kỳ lão, và  kỳ dịch.

Hội đồng Kỳ mục do toàn thể quan viên cử ra, được xem là cơ quan quyết nghị của xã, đứng đầu là Tiên chỉ. Hội đồng Kỳ lão do toàn thể bô lão trong làng bầu lên là cơ quan cố vấn cho làng. Thực hiện các quyết nghị của Hội đồng Kỳ mục nhằm giữ “lệ làng, phép nước” có các kỳ dịch gồm ba người là Xã trưởng, Phó lý và Trương tuần. Trong ba chức vụ này xã trưởng có vai trò quan trọng nhất được gọi là Hương chánh. Hương chánh, vì thế được coi là người trong đội ngũ “cai trị”.

Hà Lam và Đồng Thái là hai làng nằm gần nhau thuộc huyện Lễ Dương (nay thuộc thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình). Hà Lam là làng văn vật nhưng Đồng Thái là làng nghèo. Vào thời điểm xảy ra cuộc cự sưu kháng thuế năm 1908, Hương chánh làng Hà Lam là Nguyễn Cảnh còn gọi là Hoàng Cảnh hay Xã Nhẫn; còn làng Đồng Thái là Nguyễn Quần, còn gọi là Nguyễn Cò. Hai ông hương này đã ghi một chấm son trong lịch sử đấu tranh cách mạng nước ta.

Nguyễn Cảnh và Nguyễn Quần sinh trong khoảng 1860 - 1865. Không có nhiều thông tin về Nguyễn Cảnh, chỉ biết ông là người có học tuy chẳng đỗ đạt gì, mê hát bội, gia đình thuộc loại khá giả trong làng và nhất là rất có uy tín với dân làng.

Còn Nguyễn Quần vốn là cựu binh của Nghĩa hội thời Cần Vương, đã từng chiến đấu dưới trướng của Tán tương quân vụ Nguyễn Uýnh. Khi Nguyễn Uýnh hy sinh ở Bình Sơn (Quảng Ngãi), Nguyễn Quần đã liều chết cướp xác chủ tướng đưa về an táng ở quê nhà.

Sau khi Nghĩa hội tan rã vào năm 1887, Nguyễn Quần phải đầu quân dưới trướng Nguyễn Thân để ẩn thân nhưng sau đó bị phát hiện nên bị thải hồi về nguyên quán. Khoảng năm 1905, Nguyễn Quần được Hội đồng Kỳ mục của làng bầu làm Hương chánh để thực hiện công cuộc Duy tân tại địa phương.

Tháng 3-1908, phong trào kháng thuế nổ ra ở Đại Lộc. Ngày 11-3, dân bắt đầu vây Tòa sứ Hội An với số lượng ngày một đông. Nguyễn Quần và Nguyễn Cảnh đưa dân làng mình đi biểu tình vây Tòa sứ rồi dinh Tổng đốc ở thành tỉnh La Qua, đề nghị Tổng đốc Hồ Đắc Trung can thiệp với Công sứ Pháp giảm sưu thuế cho dân và không được đánh đập người biểu tình.

Ngày 22-3, hai ông lại dẫn dân làng vây phủ Điện Bàn bắt Tri phủ Trần Văn Thống cùng đi xuống Hội An xin xâu. Lần này, một người dân của làng Đồng Thái tên Túy đã kéo xe đưa Tri phủ Thống đi. Khi có chủ trương phủ, huyện nào về vây phủ, huyện nấy, hai ông mới dẫn dân về lại Hà Lam để vây phủ Thăng Bình.

Ngày 26-3 dưới sự chỉ huy của Nguyễn Quần, Nguyễn Cảnh, Trương Bá Huy,  Trương Địch, Nguyễn Ngọc (em Nguyễn Quần), Lê Triêm, Phan Tấn… dân Thăng Bình vây phủ đường đòi Tri phủ Lê Bá Đằng cùng đi xin xâu với dân khiến y phải bỏ trốn.

Lính nổ súng làm chết một số người tại chỗ, một số người bị thương. Nguyễn Quần bị bắt, bị triều đình kết án: “Nguyễn Cò (tức Quần, người xã Đồng Thái, nguyên lệ binh thải hồi) can tội tụ tập dân chúng bạo động, xử chém, nhưng xét y say rượu làm càng… xin nên tạm hoãn tử, đày ra Lao Bảo cho làm lao dịch”.

Còn Nguyễn Cảnh cũng bị kết án tương tự: “Xử giảo giam hậu, phát giao Lao Bảo phối dịch…”. Nhưng  không hiểu vì sao thực dân Pháp lại đổi ý  đày hai ông ra Côn Đảo: “Lúc ấy bị đày Côn Lôn tôi cùng với Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Dương Thạc, Trương Bá Huy, Nguyễn Cảnh, Nguyễn Quần, cọng cả thảy 8 người”  (Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, Sài Gòn 1951).

Năm 1909 Nguyễn Quần mất ở Côn Đảo vì bệnh dịch: “Sau khi chúng tôi ra đảo được một năm thì trong tù có phát bệnh dịch (1909). Lúc dịch mới phát, trong khám nhiều người chết, có kẻ buổi sáng còn đi làm xâu mà buổi chiều đã ra mộ địa, có kẻ khiêng vào nhà thương đôi ngày mà không sống được. Trong bọn chúng tôi có Lý trưởng làng Hạ Lôi (Hà Tĩnh, quên tên) và Hương chánh Đồng Thái Nguyễn Quần đều chết vì bệnh ấy”. (Huỳnh Thúc Kháng sđd, trang 62)

Còn Nguyễn Cảnh sau đó cũng bị chết nhưng không rõ năm nào và vì lý do gì: “Tù quốc sự đày ra Côn Lôn kể trong khoảng 13 năm mà ký giả được rõ (1908 - 1921) cả thân sĩ và dân, chôn xương ngoài hoang đảo ấy có trên 10 người (Hương Cảnh, Hương Cò, Lý Hạ Lôi, Nho San, Ký Long, Nho Hai, Tiểu La, Trường Đình, Yên Son, Nhu Xuyên, Phong Nhiên, Xuân Phổ, Tùng Nham,… đều thân sĩ và dân Thanh Nghệ, Nam Ngãi…” (Huỳnh Thúc Kháng, sđd, trang 81, 82).

Sự góp mặt của hai Hương chức Quảng Nam tại Côn Đảo đã gây xúc động mạnh cho giới sĩ phu bấy giờ vì thân sĩ  Quảng Nam dám hy sinh cho đại nghĩa có đầy đủ thành phần không biệt đẳng cấp, địa vị. Trong ngục, Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn (người Nghệ An, cũng đang bị tù ở Côn Đảo vì vụ kháng thuế) đã viết tặng hai câu đối (sau cái chết của Hương Quần) được Huỳnh Thúc Kháng dịch lại:

Nhân vật xứ Ngũ Hành nay ra Côn Lôn, này nghĩa đảng, này thân sĩ, này hương chức xen vào trong; đều nghĩa đồng bào, há lấy tôn ty phân đẳng cấp,

Tân triều kỷ hai mươi, thẳng xông đất Á, hoặc đánh lưỡi, hoặc đánh bút, hoặc vì lợi quyền tranh ở dưới; cảm người máu nóng, vì ai lưu lạc đến ven trời..

(Huỳnh Thúc Kháng, sđd, trang 63,64)

Mộ Hương Quần và Hương Cảnh  ở Côn Đảo lâu ngày bị gió cát vùi lấp mất dấu nhưng có lẽ linh hồn hai ông vẫn đang rì rào cùng sóng biển trong “giấc hương quan” ngàn đời!

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.