.

Bài "Nhũ phú" của cụ Trần Cao Vân

.

Tác phẩm viết bằng chữ Nho của cụ Trần Cao Vân lưu lại không nhiều; trong đó, nổi bật nhất là Nhũ phú (bài phú về bầu sữa mẹ). Theo hồi ức của ông Phan Khôi, một trí thức nổi tiếng của Quảng Nam – người từng ở tù tại nhà lao Hội An cùng với cụ Trần Cao Vân sau thất bại của phong trào Kháng thuế năm 1908 – đây là bài phú do chính cụ Trần Cao Vân khởi thảo và được lưu hành rộng rãi ở Quảng Nam trong những năm đầu thế kỷ XX.

Trang đầu bản chữ Nho bài Nhũ phú.
Trang đầu bản chữ Nho bài Nhũ phú.

Nhũ phú là một bài phú gồm 112 câu biền ngẫu kết cấu hoàn chỉnh nói về một chủ đề muôn thuở của văn chương Trung Hoa và Việt Nam: Thông qua việc diễn tả sự kỳ diệu của nguồn sữa mẹ để nói lên sự kỳ diệu của Trời Đất, sự kỳ diệu của Con Người. Từ trước đến khi bài phú này ra đời, trong văn chương Việt Nam và Trung Hoa, chưa từng có một tác phẩm dài hơi tương tự nói đầy đủ về mọi mặt của “bầu sữa mẹ” một cách tỉ mỉ với rất nhiều thủ pháp miêu tả đến vậy!

Là một người thông thạo nho, y, lý, số và từng tu trong chùa Phật một thời gian, sau đó lại làm thầy phong thủy, thầy tướng số, thầy lang… với mục đích âm thầm liên kết đồng chí chống Pháp, tất cả các sở học của cụ Trần được rèn luyện trong hành trình nói trên đã bộc lộ qua bài Nhũ phú một cách khá đầy đủ – và tất nhiên là ở dạng rất giản dị để dễ đi vào lòng quần chúng.

Bên cạnh các khái niệm phong thủy về “thiên tinh”, về “địa mạch”, về sự an vị của các vì sao có liên hệ đến sự sinh hóa của nữ tính… bàng bạc trong toàn bài phú, cụ Trần đã vận dụng cái nhìn của một nhà tướng số để mô tả hình sắc bộ nhũ hoa của người phụ nữ trong hai giai đoạn quan trọng nhất của đời người: thuở bắt đầu phát dục, có kinh nguyệt (chánh thiên quý) và lúc bắt đầu triệu chứng có thai (dĩ triệu nhâm tường). Cũng với cách “xem tướng” ấy, cụ đã chỉ ra hình dạng bầu vú nào là chỉ dấu những bà mẹ có khả năng sinh ra những người con tài tuấn.

Cụ Trần đã vận dụng cái nhìn của một thầy thuốc ở nhiều chỗ trong bài phú nói lên tính chất trân quý của dòng sữa mẹ – mà tính chất “hơn cả nhân sâm” (giảo thắng ư nhân sâm thập bội) là một ví dụ. Đồng thời, cũng với cái nhìn của một thầy thuốc, cụ đã đưa lướt vào bài phú những phương pháp, phương thang Đông y để khuyến nghị các bà mẹ những khi sinh nở khó khăn hoặc có vấn đề khi cho con bú mớm.

Bài phú đã vận dụng các kiến thức Dịch lý và kinh điển Nho gia để cực tả sự huyền diệu của cơ thể người phụ nữ – mà cái tinh túy nhất là nguồn sữa nuôi con của họ. Cụ viết: “Nữ chi châu thân/ Lý vô bất bị” (Trời đã phú hễ làm con gái/ Cả châu thân mỗi cái đều hay!). Để diễn tả cái “hay”, cái “không gì là không hoàn mỹ” mà Trời Đất phú cho cơ thể nữ nhi từ lúc chưa dậy thì đến lúc sẵn sàng thiên chức làm Mẹ, cụ Trần đã vận dụng nội hàm các quẻ “Tốn, Ly, Khôn, Đoài” trong sự tương ứng với hành trình phương trưởng của người thiếu nữ – phụ nữ để giải thích. Cụ đã dùng nhiều cụm từ kinh điển thông dụng như “nhất dĩ quán chi” (chỉ một lẽ mà thông suốt cả), “ngưỡng chi di cao” (ngẩng lên càng thấy cao), “quang ư tiền, dụ ư hậu” (đời trước quang rạng, đời sau rực rỡ),… trong rất nhiều câu biền ngẫu mang nội dung diễn giải theo ý niệm Nho giáo để gợi mối liên hệ tiểu-đại vũ trụ giữa Con Người với Tạo Hóa thông qua các yếu tố bên ngoài (nhũ tượng, nhũ mạo, nhũ văn, nhũ hoa…) và bên trong (nhũ huệ, nhũ ân, nhũ công, nhũ đức…) của hình hài nhũ bộ.

Trong hơn một trăm câu biền ngẫu, cụ Trần đã dùng tất cả các thủ pháp để cực tả tính chất tối đại tối linh của bầu sữa mẹ, đã nâng bản thể của bầu sữa mẹ lên thành một thứ Đạo (nhũ đạo). Hiếm có một tác phẩm văn chương cổ nào mạnh dạn nói về các khía cạnh nhạy cảm này một cách rõ ràng mà đầy tính chất thẩm mỹ thuần khiết như bài Nhũ phú nói trên.

Để thuận lợi cho bạn đọc không biết chữ Nho, xin trích một vài đoạn rất sát tinh thần nguyên tác trong bản dịch của thầy giáo Trần Công Định (đã qua đời) từng dạy học tại Trường Trung học Trần Cao Vân Tam Kỳ, tỉnh Quảng Tín cũ.

Bài phú về “Dòng sữa mẹ”

Chẳng phải mai mà hoa trăng trắng,/ Chẳng phải sen mà nhụy hồng hồng./ Hoa đào trước gió rung rung, Lá xanh càng tốt, hoa hồng càng tươi./ Độ tuổi tác nhìn coi còn bé,/ Bóng dương Xuân chưa hé ghềnh âm. /Buồng Xuân ngày tháng âm thầm, Theo đòi nội tắc, tập tành khuê nghi…

Đã đến lúc nguyệt hoa hơi bén,/ Dải yếm đào giấu kín cho hay:/ Trơ như đá mạch khó lay,/ Ở trong mạch nước hằng ngày tuôn ra./ Nước đào thủy không pha bụi bẩn,/ Tựa hoa mai, tuyết trắng trong ngần./ Xinh xinh vẻ ngọc nét Xuân,/ Chẳng cần trau chuốt, chẳng cần điểm trang…

Ta trông vú bồi hồi cảm tưởng:/ Đủ mạo, nghi, dung, tượng, đức, hoa./ Nên chi mượn bút tả ra,/ Tỏ bày ân nhũ đâu là trò chơi./ Hai vú thật đời người rất quý,/ Đạo nghĩa cùng ý chỉ tinh thần,/ Tiện đây tả phú mấy vần,/ Tay cầm ngọn bút lệ rưng đôi hàng./ Nhớ lại lúc còn đang măng sữa, Nhờ huyết tinh mỗi bữa mẹ cho./ Làm con phận phải nên lo,/ Cù lao chín chữ, đền cho trọn nghì…

Lời cáo thị nên ghi để dạ,/ Ước mong cùng độc giả chớ quên./ Ba Xuân tấc cỏ báo đền,/ Cho tròn chữ hiếu mới nên con người…

PHÚ BÌNH

;
.
.
.
.
.