Trên đường từ huyện Phú Ninh lên huyện Tiên Phước, khách sẽ vượt qua một địa danh gọi là Suối Đá. Đặc biệt, tuy gọi là Suối Đá nhưng ở đây không có suối, đá cũng chẳng nhiều nhặn gì. Suối Đá chỉ là một dốc cao, như nhiều dốc khác ở Quảng Nam. Còn nguyên nhân vì sao người ta đặt tên cho nó là Suối Đá xuất phát từ câu chuyện có thật hồi cuối thế kỷ XIX, trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam.
Suối Đá (ảnh trái) và cụ Nguyễn Nghiêm, người kể lại chuyện xưa đánh Pháp ở Suối Đá. |
Nguyên đầu năm 1886, Nguyễn Duy Hiệu, lãnh tụ của phong trào Nghĩa hội Quảng Nam dời căn cứ lên làng Thanh Lâm, nay thuộc xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước, với ý định xây dựng nơi đây thành căn cứ kháng chiến lâu dài. Lúc bấy giờ, nhân dân địa phương hưởng ứng rất đông. Trong lúc bà con triệt để chấp hành chủ trương vườn không nhà trống thì đông đảo thanh niên, tráng niên hăng hái tham gia vào các đội nghĩa quân, nhất tề chống Pháp.
Lợi dụng địa hình nhô cao của một con dốc ở làng Ngọc Giáp, nhân dân khiêng đá để đầy ở đầu dốc, đợi giặc. Y như rằng, ngay sau đó, thực dân Pháp mở đợt tấn công hòng tiêu diệt nghĩa quân của Nghĩa hội. Khi chúng bắt đầu lên dốc, anh em phục sẵn ở trên, lăn đá xuống, rồi nổ súng ngăn địch. Do sợ bị đá đè, bọn lính hoảng sợ bỏ chạy. Nghĩa quân tiếp tục nã súng, lợi dụng khi chúng đang hoảng loạn, xông vào đánh giáp lá cà, tiêu diệt 150 tên địch và làm bị thương nhiều tên khác. Bị tổn thất nặng nề, chúng đành phải rút lui.
“Chuyện này lịch sử Đảng bộ Tiên Phước có ghi lại. Hồi nhỏ, tui cũng nghe cha tui kể nhiều lần, nghe riết thành nhập tâm. Chú biết răng gọi là Suối Đá không? Dễ hiểu thôi, vì khi lăn đá xuống, đá lăn mạnh, hết đợt này đến đợt khác, không khác chi như nước suối đang chảy. Danh xưng Suối Đá ra đời từ đó”, ông Nguyễn Nghiêm, sinh năm 1919, trú tại thôn Phước Lâm, xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước chậm rãi kể.
Cũng theo cụ Nguyễn Nghiêm, xưa dốc Suối Đá rất cao. Sau, người ta ban bớt, hạ độ dốc lại để làm đường. Được biết, dốc Suối Đá, làng Ngọc Giáp trước kia thuộc địa phận huyện Tiên Phước, còn các làng Thanh Lâm, Thanh An thuộc Tam Kỳ. Sau mới đổi, đưa Ngọc Giáp về Tam Kỳ, còn Thanh Lâm, Thanh An qua Tiên Phước. Hiện nay, Suối Đá nằm trên địa bàn huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Nhưng, dù ở đâu chăng nữa, địa danh Suối Đá đã trở thành địa danh lịch sử, gắn liền với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và là niềm tự hào của người dân xứ Quảng.
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT