Tại Nhà thờ chính của gia tộc họ Đống ở tổ 3, thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam hiện còn lưu hai bản sắc phong thời Tây Sơn. Sắc phong đầu được cấp vào ngày 21 tháng 12 âm lịch năm Quang Trung thứ hai (1789) có đóng ấn “Sắc mệnh chi bửu”, đã bị mối mọt làm hỏng phần đầu nên không còn nhận được tên, chức vụ và quê quán của người được ban sắc.
Tuy nhiên, nội dung sắc này tỏ rõ sự nhất quán với đạo sắc thứ hai ban cho võ tướng Tây Sơn Đống Công Trường vào ngày mùng 2 tháng 10 năm Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) cũng được đóng ấn Sắc mệnh chi bửu như bản sắc thứ nhất. Hai văn bản này đã được ông Đống Ngạc (một thành viên trong gia tộc) nhờ ông Ngô Phương Bá ở Viện Sử học (số 38 Hàng Chuối, Hà Nội) chuyển đến Tổ phiên dịch của Viện này nhờ dịch. Các bản dịch ấy còn lưu như sau:
Sắc phong năm Cảnh Thịnh nguyên niên cho ông Đống Công Trường (mất chữ Cảnh ở dòng cuối)- một trong hai sắc phong thời Tây Sơn hiện còn lưu ở Nhà thờ tộc Đống xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh. Ảnh: P.B |
1-Sắc phong thời Quang Trung: “… Hùng mạnh, oai phong,... Một lòng một dạ, gắng sức mạnh mẽ, như bờ ngăn đá chắn, là nanh vuốt của vua, công lao đã rõ! Sao chẳng hậu thưởng? Đáng thăng làm Cai cơ, tước Miên trường hầu, người đã đi đầu, quả cảm cương nghị, rong ruổi vất vả. Ô hô! Như tơ như chỉ (nguyên văn “như ty, như luân”, ý nói sự lớn lao của lời khen tặng này - NV), đã vinh hiển, lệnh cho được cùng hàng áo mão, cùng ở (nguyên văn “đồng trạch”, ý nói được hưởng ân huệ của nhà vua- NV). Ngươi phải gắng gỏi để tỏ lòng trung. Kính thay! Ban cho sắc này!”.
2- Sắc phong thời Cảnh Thịnh: “Sắc cho Đống Công Trường, quê ở thôn A Vó, xã Đức Hòa, thuộc Kim Hộ, phủ Thăng Ba là Cai cơ của Tiền cơ Trung Nghĩa thuộc đạo quân Trung Thành, đã từng chiến trận, có công lao cần mẫn, đáng thưởng (danh hiệu) Anh liệt tướng quân, Chỉ huy sứ (tước) Miên tài bá. (Người phải) đốc suất các bộ phận quân dưới quyền mình cho tốt. Nếu trễ lười, không tròn chức trách, thì có ngay khuôn phép triều đình. Kính thay! Ban cho sắc này!”
Một bản nghiên cứu trong Phụ lục của Gia phả tộc Đống- xã Chiên Đàn đã chứng minh các vua thời Tây Sơn đã cấp hai đạo sắc trên cho duy nhất một người là ông Đống Công Trường và cho biết thân phụ ông của Trường là ông Đống Công Chí đã rời xã Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn đến định tại thôn A Vó, xã Đức Hòa, thuộc (một đơn vị hành chính tương đương cấp tổng ngày trước) Kim Hộ, phủ Thăng Hoa (nay là thôn Thạch Kiều, xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) vào thời chúa Nguyễn. Việc di cư này phù hợp với thực tế được ghi trong nhiều gia phả tộc họ vùng xã Chiên Đàn xưa là nhiều dân làm vàng của xã này đã đến định cư ở các làng ven sông Bầu Bầu để gần với “trường vàng Bồng Miêu” vốn đã có từ trước.
Ngoài các tư liệu đã kể trên, gia tộc họ Đống đã không lưu truyền bất kỳ tư liệu thành văn hoặc bất thành văn nào nữa về võ tướng Tây Sơn Đống Công Trường.
Thế nhưng, khi kể về vị võ tướng họ Đống, tác giả cuốn “Quảng Nam - Đất nước & Nhân vật I.II” (NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, tháng 8-2001, tr.178,179) đã viết: “Đống Công Trường, danh tướng triều Tây Sơn, không rõ năm sinh năm mất. Chức Anh liệt tướng quân, quê làng Hiền Lộc, tổng Chiên Đàn trung, huyện Lệ Dương sau đổi là phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam”.
Chi tiết về quê quán này rất khác so với tư liệu gia tộc Đống. Làng Hiền Lộc (nay thuộc phạm vi xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) và làng/xã Chiên Đàn (nay thuộc xã Tam Đàn huyện Phú Ninh) là hai địa phương cách nhau khá xa. Theo ghi nhận của gia tộc Đống, không có thành viên nào trong gia tộc định cư ở làng Hiền Lộc.
Tác giả nói trên cũng kể về hoàn cảnh gia đình của ông Đống Công Trường như sau: “Lúc ở quê, ông tòng quân theo anh em nhà Tây Sơn, gia đình đơn chiếc chỉ còn mẹ già ở xã Hiền Lộc. Ông đem thân mẫu đến gởi người bạn tên Trần Toản (1731-1808) ông nội của tiến sĩ Trần Văn Dư (1859-1885), người thủ hội phong trào Nghĩa hội năm 1885 ở Quảng Nam).
Thân mẫu ông lúc còn sống được người bạn nuôi dưỡng chu đáo, đến lúc bà qua đời được chôn cất với đủ quan quách, nghi lễ trọng vọng…. Sau khi được (vua Quang Trung - NV) ân thưởng,về quê cũ xây lại mộ mẹ, rồi ông đem một cân vàng ra thành Tây mua hai áo quan lõi vàng để báo đền công ơn của người bạn từng nuôi dưỡng thân mẫu lúc ông theo nghĩa quân Tây Sơn”.
Nhân vật chính trong câu chuyện “gởi mẹ nhờ bạn chăm sóc” và câu chuyện “đền ân đáp nghĩa” này không được gia tộc họ Đống ghi nhận là ông Đống Công Trường- người của tộc mình. Câu chuyện này chỉ được kể trong tư liệu của gia tộc cụ tiến sĩ Trần Văn Dư ở làng An Mỹ Tây, tổng Chiên Đàn (nay thuộc xã Tam An, huyện Phú Ninh) với các chi tiết như ông Nguyễn Q. Thắng nêu trong sách của mình nhưng nhân vật chính ở đây lại là một ông quan văn, không ghi rõ tên, làm đến chức “Tả đồng nghị” (tước quan rất lớn; chỉ đứng sau thượng thư ở một bộ thời Tây Sơn).
Xin thêm một chi tiết mà chúng tôi tra cứu được: Ông quan có chức “Tả đồng nghị” thời Tây Sơn này cũng được Gia phả tộc Lê ở xóm Muồng, làng Tịch An Đông, thuộc Chu Tượng, phủ Thăng Hoa xưa (nay thuộc xã Tam Xuân 1, huyện Núi Thành) ghi nhận là người của tộc Lê làng Tịch An Đông- tộc này vốn gốc ở vùng Điện Bàn chuyển vào từ thời các chúa Nguyễn.
Dị bản trong các câu chuyện kể là điều thường thấy. Nhưng, về trường hợp của võ tướng Đống Công Trường, sự khác biệt trong tư liệu gia tộc và lời kể trong cuốn sách của ông Nguyễn Q. Thắng là khá lớn. Cần được lưu ý tìm hiểu cho tỏ tường.
PHÚ BÌNH