.

Mộ chum Gò Ngoài

.

Năm 1995, một nhóm người dùng máy rà tìm kiếm sắt phế liệu còn sót lại sau chiến tranh, khi đào sâu xuống lòng đất chừng 60-70cm tại khu đất Gò Ngoài, khối 6, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam), thì phát hiện một chiếc chum nung bằng đất, có nắp đậy. Khi chiếc chum được trục lên thì  bên trong không có gì đặc biệt, chỉ có tro và một số dụng cụ lao động phổ thông bằng sắt, nghi là của người cổ xưa.

Bia di tích khảo cổ Mộ chum Gò Ngoài. Ảnh: T.M
Bia di tích khảo cổ Mộ chum Gò Ngoài. Ảnh: T.M

Tuy chiếc chum này không có của cải quý giá, nhưng tin “sốt dẻo” nhanh chóng lan truyền, người gần xa lũ lượt kéo về để xem thử người xưa chết được chôn cất ra sao. Các cơ quan chức năng của thị trấn, huyện tiếp cận, yêu cầu mọi người bảo vệ hiện trường để chờ ngành văn hóa tỉnh thẩm định.

Khi các cơ quan chuyên môn vào cuộc và tiếp tục khai quật thì phát hiện hàng loạt mộ chum nằm san sát với nhau trên một diện tích không rộng. Tất cả mộ chum bên trong đều có tro hỏa táng người chết, vật dụng lao động; một số chum có cả các vật trang sức. Một số chum có hình quả trứng, hình trụ, đường kính thân từ 70-90cm, được trang trí hoa văn bên ngoài.

Theo đánh giá của các nhà khảo cổ học thì di chỉ mộ chum Gò Ngoài thuộc hậu kỳ của nền văn hóa Sa Huỳnh.

Văn hóa Sa Huỳnh là nền văn hóa được xác định vào khoảng năm 1000 trước Công nguyên đến cuối thế kỷ thứ II. Văn hóa Sa Huỳnh cùng với nền văn hóa Đông Sơn, văn hóa Óc Eo là ba chiếc nôi cổ xưa về văn minh trên lãnh thổ Việt Nam, tạo thành tam giác văn hóa Việt trong thời kỳ đồ sắt.

Sách “Lịch sử Việt Nam” do GS,TS Sử học Phan Huy Lê làm chủ biên cho biết lúc bấy giờ trên địa bàn của văn hóa Sa Huỳnh có 2 bộ lạc sinh sống. Đó là bộ lạc Cau, cư trú vùng từ Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận ngày nay trở vào phía Nam; còn bộ lạc Dừa ở vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định bây giờ.

Bộ lạc Dừa từ thế kỷ đầu trước Công nguyên đã bị nhà Hán đô hộ nên những năm 190 - 193 nổi dậy đánh đuổi quân Hán xâm lược. Vào khoảng đầu Công Nguyên, bộ lạc Cau hình thành một tiểu vương quốc riêng, có tên là Danduranga, về sau gọi là Chăm-pa, có địa bàn từ Phan Rang, Phan Thiết, Bình Thuận.

Sự ra đời của dân tộc Chăm cho thấy ở Nam Trung Bộ thời ấy đã có 2 cộng đồng lớn, đó là cộng đồng người Chăm, thuộc nhóm ngôn ngữ Malay-polynesia, cư trú vùng sát ven biển và cộng đồng người với ngữ hệ Môn - Khơme như dân tộc Cơho, M’Nông, Mạ… cư trú ở các tỉnh Tây Nguyên.

Qua khảo cứu các mộ chum được khai quật tại các vùng có 2 bộ lạc trên cho thấy, người Sa Huỳnh đã làm chum bằng đất sét nung để mai táng. Cách mai táng của họ là người quá cố được dùng dây bó gối trong tư thế ngồi rồi cho vào chiếc chum, để đầu đội trời.

Trên sát phần đầu người chết được đậy chiếc nắp chum và đào đất đưa chiếc chum xuống theo chiều thẳng đứng rồi lấp đất lại. Tuy phần lớn chum dùng để chôn cất nguyên xác người mới chết nhưng người tiền sử vẫn dùng chum để mai táng bằng nhiều hình thức khác như: cải táng, hỏa táng và dùng làm cả mộ tượng trưng đối với những người biệt ly, mất tích.

Người tiền sử của nền văn hóa Sa Huỳnh sống rất “sòng phẳng và công bằng” đối với người thân trong gia đình của mình khi họ từ biệt dương gian. Tùy theo sự giàu, nghèo khác nhau của mỗi gia đình mà người chết cũng được chia phần tài sản để chôn chung trong mộ chum cùng người chết.

Với sự đánh giá, phân tích của các nhà sử học, khảo cổ học của nước nhà về sự phân bố dân cư, phong tục, tập quán vùng miền… của người xa xưa qua từng thời kỳ nhất định, có thể thấy khu mộ chum Gò Ngoài, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc là các chum mà người Sa Huỳnh dùng mai táng bằng hình thức hỏa táng, bởi bên trong chum, ngoài các đồ vật ra chỉ toàn có tro mà thôi. Các di vật của khu mộ chum Gò Ngoài đang được trưng bày ở Nhà lưu niệm huyện Đại Lộc tại thôn Tam Hòa, xã
Đại Quang.

Bây giờ, ngay tại khu đất Gò Ngoài, nơi phát hiện hàng loạt mộ chum đã được dựng tấm bia di tích văn hóa cấp tỉnh nho nhỏ nằm sát bên con kiệt nông thôn, cách không xa tỉnh lộ ĐT 609A. Nếu không có tấm bia này thì không ai có thể hình dung nổi đây chính là khu đất linh thiêng một thời vì đã được người xưa chọn làm nơi yên nghỉ cuối cùng!       

THÁI MỸ

;
.
.
.
.
.