.

Lật ngược thế cờ

.

Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở làng Cổ Mân, tổng An Lưu, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) có xảy ra vụ kiện về đất đai khá hy hữu. Nguyên hai làng Cổ Mân và Tùng Lâm (nay thuộc phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) cách nhau con sông Cái. Do lũ lụt, đất bên làng Tùng Lâm bị xói lở mỗi năm một ít, còn làng Cổ Mân thì đất cứ bồi thêm. Vì thế, mới sinh chuyện.

Đất đai là nguyên nhân của nhiều vụ kiện tụng ngày xưa. (Ảnh tư liệu)
Đất đai là nguyên nhân của nhiều vụ kiện tụng ngày xưa. (Ảnh tư liệu)

Dân làng Tùng Lâm thấy đất làng mình bị xói lở, lại bồi phía làng Cổ Mân, cho rằng đất bồi bên kia sông đích thị là đất của làng mình. Đó là lý lẽ của dân làng Tùng Lâm khi đâm đơn đi kiện làng Cổ Mân. Nguyên Tùng Lâm bấy giờ có mấy người có thế lực như ông Thông Chương, ông Phó Liễn... làm cho Pháp. Còn làng Cổ Mân thì thân cô thế cô, người trong làng chẳng có ai làm quan cho Nam triều hay cho Pháp cả. Vậy nên, kiện đến đâu, dù là tổng, huyện hay tỉnh, thậm chí lên tới... trời thì Cổ Mân cũng cầm chắc cái thua.

“Cắn răng” chịu thua, Cổ Mân phải giao đất lại cho Tùng Lâm. Nhưng, dân làng Cổ Mân không ai chịu, tìm mọi cách “phá đám”. Cứ đến ngày quan trên cử người về đo đất, thể nào cũng sinh chuyện. Làng cứ để đo... cả ngày. Rồi chờ đến xế chiều, thừa lúc người ghi chép sơ hở, dân làng Cổ Mân mới chạy ra, giựt lấy cuốn sổ, vọt chạy.

Xung quanh chuyện giựt sổ đo đạc, lại có câu chuyện kể khá lý thú. Bấy giờ, có ông Kiều Bạn người làng Cổ Mân, làm rể ông Tri bộ làng Tùng Lâm bên kia sông. Chính ông Tri bộ có nhiệm vụ giữ sổ bộ làng và cũng là người đi ghi chép vào cuốn sổ nói trên. Năm ấy, sau khi được phân công “giựt sổ”, ông Kiều Bạn chờ cho cha vợ đo đạc xong, mới lại gần, bảo “Cha hút thuốc, để con mồi lửa cho!”. Ông Tri bộ Tùng Lâm tưởng con rể mồi lửa như mọi khi, chẳng nghi ngờ chi. Thế là ông con rể vừa mồi lửa cho cha vợ xong, liền giựt lấy cuốn sổ. Ông Tri bộ la lên “Giảng, răng mi giựt sổ tao? Giảng? Mi làm chi lạ rứa? Đưa sổ đây!”. Ông con rể vừa kính cẩn thưa trình, vừa bỏ chạy: “Phần cha là phần cha, phần con là phần con. Con là người Cổ Mân, con phải giành quyền lợi lại cho Cổ Mân!”. Ông gia kêu trời, nhưng cũng đành chịu.

Dĩ nhiên, chuyện phân công chính con rể đi giựt sổ cha vợ cũng chỉ diễn ra được một lần. Lần thứ hai, không thể “giữ y bổn cũ” vì ông gia đã cảnh giác. Cho nên, Cổ Mân phải bố trí những người khác, công phu và tỉ mỉ hơn. Thường thường, khi tiến hành đo đạc, chính quyền đương thời có cử mấy người lính đi bảo vệ. Nhưng, bảo vệ làm sao được khi dân làng Cổ Mân quyết phá. Ngay trước khi chính quyền tổ chức đo đạc, lý trưởng Cổ Mân đã huy động đàn bà chuẩn bị cây găng, một loại cây có mắc, cất giấu ngay bờ sông, phòng khi hữu sự. Theo hiệu lệnh đã thông báo trước, ngay sau khi người được phân công đã giựt xong cuốn sổ đo đạc, làng đánh trống. Tức thì, đàn bà núp sẵn ở đâu đó tất cả đều chạy ùa ra, đến ngay chỗ cất giấu cây, gậy, thủ trong tay, rồi chạy xuống đuổi viên tri bộ Tùng Lâm. Trong đó, người hăng nhất là bà Giáo Thận. Thấy khí thế bừng bừng của dân làng, tri bộ, rồi cả quan lẫn lính Tây cũng hoảng sợ, vội vàng xuống tàu đã đậu sẵn mà chạy.

Và, năm nào cũng như năm nào, sự việc cứ lặp đi lặp lại, qua hai đời lý trưởng làng Cổ Mân là ông Cửu Toản và ông Kiều Đạo. Thấy chuyện đo đạc vừa phức tạp, tốn nhiều công sức nhưng lần nào cũng biến thành công cốc, làng Tùng Lâm mới thôi, không tiến hành đo đạc nữa mà chuyển qua cắm mốc cho... chắc ăn. Gì thì gì chứ nếu Tùng Lâm mà cắm mốc thì Cổ Mân thua chắc.

Nghe tin, làng Cổ Mân tổ chức họp bàn cách đối phó. Trong lúc mọi người bóp trán suy nghĩ, bỗng có ai đó nhắc đến bà Hoài, người tộc Phạm làng Cổ Mân, là thứ phi của vua Khải Định - cha vua Bảo Đại. Tương truyền, thuở hàn vi, do gia cảnh khó khăn, bà lặn lội ra Huế mở quán bán chè. Một lần, vua Khải Định ngang qua, thấy bà đẹp quá, bèn lấy làm thiếp, nhưng không có con. Ông Kiều Ký, sinh năm 1922, người kể lại chuyện này, nói rằng sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, bà Hoài có về sống ở Nam Ô, nay thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng.

Nhớ đến bà Hoài, làng Cổ Mân cử người đâm đơn ra tận Huế, tìm mọi cách gặp cho bằng được bà, trình bày đầu đuôi vụ kiện, nhờ giúp đỡ. Bà Hoài vui vẻ nhận lời. Thông qua bà, vua Bảo Đại bèn phê ngay vào lá đơn. Có lời phê của vua, con dấu đỏ chót, vụ kiện coi như chấm dứt. Làng Cổ Mân đã lật ngược thế cờ, từ thua mười mươi đã thành chiến thắng vang dội!

PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT

;
.
.
.
.
.