Một trong những thú vui của người dân Quảng xưa là trò chơi đá gà. Thú đến nỗi, trên địa bàn thôn Mỹ Nam, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, lại có xóm mang tên ngồ ngộ là xóm… Gà Đá.
Những người mê gà đá từ thời trai trẻ ở xóm Gà Đá. Ảnh: Đ.Đ |
Sở dĩ tên ngồ ngộ như thế vì đây là xóm ngày xưa có nhiều người ham mê nuôi và thích chơi trò đá gà. Đặc biệt, thú nuôi gà đá tại đây xuất hiện từ rất lâu. Lâu đến mức không ai nhớ nổi! Và, quanh vô số chuyện kể về các trận đá gà xưa, về những nhân vật có “gà chiến” nổi tiếng, có câu chuyện khá lý thú và hấp dẫn.
Cũng như nhiều nơi khác, mùa đá gà ở Mỹ Nam bắt đầu từ tháng Chạp kéo dài mãi đến tháng sáu âm lịch, khi gà bắt đầu ra lông thì… nghỉ. Xưa nay, người ta tổ chức đá gà ở các trường gà. Gọi trường gà cho… sang chứ thật ra nó chỉ là khoảnh đất trống, nơi dân mê đá gà hẹn nhau cứ thứ bảy, chủ nhật hằng tuần ai có gà hay mang đến để “thử chân cẳng”. Ngay như ở Mỹ Nam trước đây cũng có một trường gà là Trường gà ông Diêu. Xa hơn chút nữa có Trường gà Gia Cốc, Trường gà Phú Mỹ, Trường gà Quảng Huế… và một số trường gà khác. Có một điều khá trớ trêu là gà ai hay, đá giỏi, chỉ ăn vài độ đầu, còn sau đó thì hết đối thủ vì không ai dám đem gà đến chọi nữa, đành phải tìm các trường gà khác xa hơn, nơi người ta khó biết tiếng gà mình hơn.
Ở xóm Gà Đá, gà nổi tiếng thì nhiều, thời nào cũng có. Nhưng, nổi tiếng nhất, hay nhất, xưa nay ở xóm đá gà Mỹ Nam là con gà có biệt danh Tía Thia của ông Hương Cưu. Con này được dân chơi gà đá vùng Đại Lộc trước năm 1945 liệt vào danh sách những con “thiên hạ vô địch”. Theo những người sành chơi gà đá, thích chơi gà đá thì gà hay ngoài cơ duyên, còn phải biết chọn giống, phối giống. Mà phối giống là quan trọng nhất. Con Tía Thia là ví dụ điển hình.
Tương truyền, ngay chuyện phối giống con gà này, ông Hương Cưu làm rất công phu. Ông đem gà mái vào tận khu rừng ở Tây An, vùng cực tây huyện Đại Lộc, thả một chỗ mà ông điều tra kỹ thấy đàn gà rừng hay lảng vảng. Ý định của ông là để gà mình phối giống gà rừng. Chuyến đi ấy, ông đã thành công. Trong đàn gà mới của ông, có một con chọi cực giỏi. Ông “nâng nó như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Nghĩa là ngày đêm chăm sóc, huấn luyện nó. Không rảnh thì thôi, rảnh thì thế nào ông cũng lại chỗ nó.
Ông đặt tên cho nó là con Tía Thia, lấy tên một loại cá đẹp. Tía Thia không đi đá thì thôi, đã đá, không con nào chịu nổi. Bởi nó có nhiều thế đá. Đặc biệt, thường khi hai con gà đá với nhau, người ta nhắm cả hai đều đồng cân, đồng lạng. Riêng con Tía Thia thì không. Nó nhỏ, không lớn như gà nhà nhưng nhanh cực kỳ. Bởi nó có “gien” nhanh nhạy của loài gà rừng. Thoắt nhảy, thoắt qua phải, lạng trái, tài tình vô cùng. Cho nên, đối thủ lớn mấy nó cũng đá, chẳng ngán ngại gì cả.
Lại có câu chuyện kể khá lý thú rằng lúc bấy giờ, có một người gọi là ông Thập Vọng, người Mỹ Nam, đi lính tập ngoài Huế. Ông này máu mê cờ bạc. Năm đó, ông xui xẻo, đánh đâu thua đó. Thua đến mức sạch sành sanh. Không những thế, lại nợ như chúa chổm. Cuối cùng, ngay cả tiền về quê, ông cũng phải mượn mà về. Rất may khi về, ông hay tin ông Hương Cưu có con gà cực hay, gần như không có đối thủ, mừng quá, ông mới xách mặt đến năn nỉ: “Tui với ông là chỗ anh em, kỳ ni tui túng quá, người ta đòi nợ chết anh à. Nghe nói anh có con gà hay, chỗ thâm tình, tui đến mượn ít bữa mang ra Huế, gỡ gạc chút ít, không thì tui chẳng biết xoay xở ra răng”.
Nể lời, ông Hương Cưu cho mượn. Chuyến đi ấy ông Thập Vọng thành công ngoài mong đợi. Con Tía Thia đá ăn tất cả đối thủ ở các trường gà kinh đô Huế. Rồi, trên đường về, hễ đâu có đá gà là ông tìm cách tham gia cho bằng được, trận nào cũng thắng giòn giã như chẻ tre.
Sau, ông Xã Cưu người Mỹ Đông, đến mượn con Tía Thia phối giống. Buổi sáng hôm đó, con Tía Thia nhảy lên mái nhà. Lúc nhảy xuống, rủi bị va vào cây, đá không được nữa. Ông Hương Cưu tiếc đứt ruột, nhưng đành chịu. Số nó là đến đó là hết, biết làm sao bây giờ?
PHẠM HỮU ĐĂNG ĐẠT