Chuyện 160 năm trước ở Đà Nẵng

.

Mặc dù bị mang tiếng là ông vua nhu nhược, thiếu quyết đoán nhưng những ngày đầu trong trận chiến Đà Nẵng năm 1858, vua Tự Đức đã tỏ ra rất cương quyết, biểu hiện trong những chỉ đạo cụ thể và sự thưởng phạt kịp thời.

Những ngày đầu trong trận chiến Đà Nẵng năm 1858, vua Tự Đức đã tỏ ra rất cương quyết trong những chỉ đạo cụ thể, sự thưởng phạt kịp thời. Ảnh: Internet
Những ngày đầu trong trận chiến Đà Nẵng năm 1858, vua Tự Đức đã tỏ ra rất cương quyết trong những chỉ đạo cụ thể, sự thưởng phạt kịp thời. Ảnh: Internet

Kỷ luật quan quân

Khi biết tin chỉ trong 2 ngày 1 và 2-9-1858 gần như toàn bộ Đà Nẵng đã rơi vào tay Pháp, vua Tự Đức vừa bối rối vừa tức giận liền ra lệnh cách chức ngay Tổng đốc Nam Ngãi là Trần Hoằng và Lãnh binh Nguyễn Tài, bắt hai ông phải đi theo quân để phục vụ nhằm chuộc tội. Như vậy hai vị này từ chỗ quyền uy hét ra lửa, bổng lộc đầy mình nay chỉ được “cấp cho tiền 1 quan, gạo 1 phương mỗi tháng”. Hai viên Bố chính, Án sát Quảng Nam là Thân Văn Nhiếp và Lê Văn Phổ bị hạ bốn bậc nhưng tạm thời cho lưu dụng.

Nhà vua cũng sai Hữu quân Đô thống Lê Đình Lý làm thống chế chỉ huy mặt trận Đà Nẵng. Phụ tá cho Lê Đình Lý với chức vụ Tham tán quân cơ (Tham mưu trưởng) là viên Hữu Tham tri Bộ Binh Phạm Khắc Thận.

Sách Đại Nam thực lục (Quyển 7, trang 567) ghi lại việc này: “...Trần Hoằng, Nguyễn Tài (thự Lãnh binh) không biết phòng bị trước khi có việc, sau lại không biết đốc sức đánh giặc, chuẩn đều cách chức bắt đi trước quân gắng sức làm việc. Bọn Văn Nhiếp, Văn Phổ đều giáng 4 cấp lưu dụng”.

Ngày 6-10-1858, Thiếu tá Jauréguiberry dẫn một đoàn tàu ngược sông Hàn tấn công đồn Mỹ Thị. Lê Đình Lý đem quân tiếp viện đánh nhau với Pháp tại Cẩm Lệ. Dù thành không bị mất và ông bị thương nặng nhưng vẫn bị vua Tự Đức khiển trách.

Thực lục viết: “Lê Đình Lý giáng 4 cấp. Phan Khắc Thuận không biết bàn tính trước khi có việc giáng 3 cấp; cùng Vệ úy là Nguyễn Biểu, Nguyễn Ân 12 viên đều cách chức cho được lưu dụng; suất đội là bọn Trần Văn Đông 10 viên phải phạt đánh trượng ngay ở trước quân” (trang 585).

Cũng trong lần này, Hồ Đắc Tú, người chỉ huy đồn Hóa Khuê (gần đồn Mỹ Thị) sợ không đem quân cứu viện nên bị nhà vua xử nặng: “Lập tức Tham tri Lưu Lãng (Lượng?) được lệnh đem cờ biển vào Đà Nẵng cách chức Phòng triệt đồn Hóa Khuê là Hồ Đắc Tú, xiềng tay chân, tống giam để điều tra, Mặt khác, thống chế Tống Phước Minh được lệnh thay Thống chế Lý, làm tư lệnh mặt trận”. (Võ Văn Dật, Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975), NXB Nam Việt, trang 221).

Chỉ đạo và khen thưởng

Không chỉ có những kỷ luật nghiêm khắc, nhà vua luôn tham gia những ý kiến chỉ đạo cụ thể thể hiện không những kiến thức về quân sự mà còn cả những hiểu biết khá cụ thể về địa hình địa vật vùng chiến trận. Chỉ xin nêu hai điều:

Khi tiễn Thống chế Lê Đình Lý vào chiến trường Đà Nẵng, nhà vua căn dặn: “Cửa biển ấy từ Hải Vân đến Cu Đê một dải đều là đường quan báo, phải phòng thủ nghiêm ngặt để tiện thông hành. Người quản lính đạo trước đạo sau đến ngay đất ấy, tùy nghi đóng đồn, liệu đất đặt chỗ canh phòng chớ để cho quân Tây dương lên bờ” (trang 567).

Khi bản sớ của Nguyễn Tri Phương tấu về xin áp dụng chiến thuật “thủ” thay vì “công” ở Đà Nẵng để chống Pháp, nhà vua đã phân tích để vạch ra 6 điều hại. Trên cơ sở 6 điều này vua đề nghị chuyển từ phòng thủ sang tấn công khi có điều kiện thuận lợi.

Sách viết: “Trước đây Nguyễn Tri Phương mới đến quân thứ mật xét tình hình, mật bày mưu kế đánh và giữ. Vua dụ cho Tri Phương về phương lược dâng lên và nói: Giặc lấy chiến làm lợi, ta lấy thủ làm lợi. Xin lấy thủ làm chiến, đắp thêm đồn lũy, để dần dần tiến đến gần giặc.

Vua nói rằng: Việc đánh không có hình ảnh gì, để hành động mà khó đoán trước được; việc giữ thì có hình ảnh như đồn lũy dễ trông thấy, mà khó làm cho chu đáo. Nay ta giữ thế thủ thì có 6 điều hại…” (…) “Vùng Trà Sơn, thế đất rộng xa, nếu đi đường thủy thì chỉ có một đường sông Hàn Giang; nếu đi đường bộ thì địa phận các xã: Thanh Khê, Hà Khê, Thạc Giản, Nại Hiên, Hóa Khuê một dải bờ sông, chỗ nào cũng đi thông được; hơn nữa đường sau là cửa biển Đại Chiêm, cũng có thể đến được tỉnh thành” (trang 583).

Bên cạnh những chỉ đạo cụ thể nhà vua cũng không quên nhiều lần khen thưởng. Xin nêu vài lần tiêu biểu:

Sau những thất bại của Pháp khi tấn công vào chiến lũy của Nguyễn Tri Phương chạy dài từ bãi biển đến các xã Phước Ninh, Thạc Giản, nhà vua đã: “Thưởng chung cho cả quân thứ 100 quan tiền. Lại sai quan tỉnh Quảng Nam sắm trâu rượu khao quân…” (trang 589).

Hay trong một đợt khen thưởng có quy mô lớn vào năm 1859: “Sai các quan ở quân thứ xét kỹ những tỳ tướng quân lính có người nào ốm đau, thì cấp cho thuốc thang…người nào áo quần rách rưới, thì đều phát cho áo quần mới cho. Sai thị vệ đem bạc lạng (100 đĩnh, mỗi đĩnh 10 lạng, 2.000 đĩnh mỗi đĩnh 1 lạng), ngân tiền (ngân tiền Phi long hạng lớn 300 đồng, hạng nhỏ 400 đồng, ngân tiền Tam đa 500 đồng), đưa đến quân thứ để dự bị thưởng cấp. Quân thứ Quảng Nam từ tổng thống, tham tán đại thần cho đến văn thân lục phẩm, võ biền ngũ phẩm trở lên, chuẩn đều thưởng, cho có thứ bậc khác nhau.

Còn văn thất phẩm, võ lục phẩm trở xuống, cùng bọn biền binh lại dịch các hạng ở Kinh phái đi, chuẩn đều thưởng cho tiền và gạo lương một tháng. Những viên biền, binh đinh, lại dịch quê ở Quảng Nam dự theo đi quân thứ phòng thủ đánh giặc, đều thưởng cho tiền lương nửa tháng” (trang 586).

Đó là chưa kể nhiều lần thăng chức, thưởng tiền bạc, sâm, quế thanh, yến sào, áo ấm… cho các tướng lãnh như Nguyễn Tri Phương, Phạm Thế Hiển… và cả cho binh lính!

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.
.