Từ Côn Đảo đến Lao Bảo

.

Khi tổng kết phong trào Duy tân (1904-1908), nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân kết luận: “Và Định mệnh của Thượng đế, Pháp muốn rằng cả hai phong trào Duy tân và Quang Phục vốn căn bản ngày càng tách rời nhau thì họ càng xích lại gần nhau: Người chết dưới chung lưỡi dao và người sống sẽ đoàn viên nếu không ở sóng nước Côn Lôn thì cũng rừng sâu Lao Bảo”. Thực tế, có người đã chấp nhận vừa Côn Đảo vừa Lao Bảo. Tú tài Trương Bá Huy là một trong số những người đó.

Tú tài Trương Bá Huy được khắc tên trên Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí, tấm số 8 đặt tại tiền hiền làng Hà Lam, thị trấn Hà Lam (ảnh trái) và mộ của ông ở Bình Triều, Thăng Bình.  Ảnh: Lê Thí và Trương Duy Diệm
Tú tài Trương Bá Huy được khắc tên trên Lễ Dương huyện khoa hoạn bi chí, tấm số 8 đặt tại tiền hiền làng Hà Lam, thị trấn Hà Lam (ảnh trái) và mộ của ông ở Bình Triều, Thăng Bình. Ảnh: Lê Thí và Trương Duy Diệm

Ông Tú làng Phước Ấm và khoa thi Hương năm 1906

Trương Bá Huy người làng Phước Ấm, tổng Phú Mỹ Trung, huyện Lễ Dương (nay là xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, Quảng Nam). Ông “là người có khí tiết, văn chương học vấn sâu rộng, trong triều ngoài nội thảy đều trọng vọng” (Lời khắc trên bia Văn thánh huyện Lễ Dương), bị triều Tây Sơn gọi là “Túy cuồng” và là Đốc học đầu tiên của Quảng Nam dưới triều Gia Long (1802-1820).

Lúc nhỏ Trương Bá Huy học rất giỏi, là niềm hy vọng cho giới khoa hoạn (*) của địa phương. Năm Bính Ngọ 1906, ông lều chõng đi thi Hương. Khoa này Tạ Tương, Tả thị lang Bộ Hình làm Chánh chủ khảo; Từ Thiệp, Án sát Quảng Nam làm Phó chủ khảo, chủ trương hối lộ. Ai đút lót tiền bạc thì cho đỗ cao, ai không “chung chi” thì đánh hỏng, bài vở xuất sắc cũng chỉ cho đỗ tú tài mà thôi.

Nhiều người học giỏi nổi tiếng như Phan Khôi (người làng Bảo An, Điện Bàn), Dương Thưởng (Trường An, Hà Đông)… vì không đút lót nên chỉ đỗ tú tài. Trương Bá Huy bị đánh hỏng. Tức giận, ông đã cùng Dương Thưởng, Dương Thạc, Phan Khôi viết đơn tố cáo gửi Viện Cơ mật và Tòa Khâm sứ.

Về khoa thi này, Cao Xuân Dục trong sách Quốc triều Hương khoa lục cho biết: “Trường Thừa Thiên lấy đậu 35 người. Nguyên trúng 42 người. Sau khi ra bảng, sĩ tử đưa đơn đến Tòa Khâm sứ và Cơ mật viện khiếu nại về 11 cử nhân học kém mà lại trúng. Vì vậy quý Tòa bàn bạc lập Hội đồng, cử quan người Pháp, người Nam tiến hành duyệt lại”.

Kết quả 3 người “có văn lý hơi trội vẫn cho đậu”, còn 8 người “có văn lý bình thường đều bị giáng xuống hạng tú tài”. Tám người này sau đó cho dự phúc hạch. Kết quả có 7 người rớt, còn 1 người được xét cho đậu mạt hạng cử nhân” (NXB Lao Động, 2011, trang 599).
Đó chỉ là kết quả của khoa thi theo thông tin “chính thống”. Còn dân gian thì xem đây là khoa thi sặc mùi tiêu cực:

… Con nên khoa giáp cha mòn trán

Em được công danh chị nát trôn… (thơ Dương Thưởng)

Còn “chức sắc của trường thi, tham nhũng nhận hối lộ cả “tiền” lẫn “tình” thì sao? Sách Đại Nam thực lục của Quốc sử quán triều Nguyễn cho biết: “Chủ khảo Tạ Tương, Phó chủ khảo Từ Thiệp vì không tròn chức trách đều bị đánh 80 trượng, giáng 2 cấp, Giám sát trường vụ Nguyễn Văn Quý có con trai và rể dự thi giáng 3 cấp rời chức, trở đi không được bổ dụng, Hậu bổ Phạm Đôn, Tạ Hàm dụ dỗ sĩ tử lấy tiền…

Đôn phạt 100 trượng cách chức cho về nguyên tịch, Hàm giáng ba cấp lưu, triệt hồi hậu bổ… Tham tri Bộ Lễ Nguyễn Gia Thụy vì ăn nói sơ suất về đơn kiện của sĩ tử, chuẩn truyền chỉ thân sức một lần”. (NXB Văn hóa - Văn nghệ, 2011).

Sau khi phúc khảo, Trương Bá Huy được xét đỗ tú tài. Vì thế dân gian thường gọi ông là cụ Tú làng Phước Ấm.

Trùng khơi đã trải, rừng thiêng sá gì!

Chán ngán khoa cử lỗi thời lại thêm tình trạng hối lộ ở trường thi, Trương Bá Huy quyết định không theo con đường khoa cử mà tham gia vào phong trào Duy tân – chuyện bấy giờ đang là vấn đề “thời sự”. Ông sớm trở thành cánh tay đắc lực cho lãnh tụ Trần Quý Cáp, người vừa được bổ về làm giáo thọ Thăng Bình. Sau khi Trần Quý Cáp đổi vào Ninh Hòa, Trương Bá Huy trở thành người lãnh đạo phong trào ở Thăng Bình. Ngoài ra, ông còn tham gia thành lập nghĩa thục Diên Phong ở Phong Thử, Điện Bàn.

Trong cuộc kháng thuế “long trời lở đất” ở Quảng Nam đầu năm 1908. Ngày 26-3 năm đó Trương Bá Huy cùng Hương chánh hai làng Hà Lam (Nguyễn Cảnh) và Đồng Thới (Nguyễn Quần) chỉ huy nhân dân vây phủ đường Thăng Bình, yêu cầu tri phủ cùng dân đi xin xâu.

Sợ quá, tri phủ Lê Bá Đằng bỏ trốn. Trong bài viết Vụ kháng thuế ở Trung Kỳ năm 1908, Huỳnh Thúc Kháng cho biết: “Ở phủ Thăng Bình, tri phủ là Lê Bá Đằng khi ở Điện Bàn bị dân dọa khiêng trả, mới đổi vào. Dân họp đông và yêu cầu quan đi xin sưu. Lính gác phủ bắn dọa, vài người dân bị thương. Lãnh tụ đám dân là Hương Quản, Hương Quần, Trương Bá Huy bị bắt” (Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, NXB Đà Nẵng, 2010, trang 1386) .

Ông bị luận tội: “Trương Bá Huy, Lê Dư càn quấy diễn thuyết, phỉ bang quan lại…”, và bị kết án: “… Nhưng xét Phan Châu Trinh đã vâng án nghị xử tử, phát đi Côn Lôn; Huỳnh Thúc Kháng , Phan Thúc Duyện xin cùng Phan Châu Trinh đồng định tội xử tử, phát phối Côn Lôn; vi tùng là Lê Bá Trinh, Nguyễn Đình Tán, Nguyễn Thành, Trương Bá Huy xin đều xử trượng 100 đày 3.000 dặm, phát giao biệt xứ phối dịch…” (Nguyễn Thế Anh,  Phong trào kháng thuế miền Trung qua các châu bản triều Duy Tân, NXB  Văn Học, 2008, trang 49).

Ngày rằm tháng Tám năm 1908, Trương Bá Huy cùng 7 người khác lên tàu ra Côn Đảo: “Lúc ấy bị đày đi Côn Lôn, tôi cùng mấy ông Cử nhân Phan Thúc Duyện, Ấm sanh Nguyễn Thành, Cử nhân Lê Bá Trinh, Tú tài Trương Bá Huy, Dương Phụ Thạch cùng Hương Cảnh và Hương Quần là 7 người…” (Huỳnh Thúc Kháng, Thi tù tùng thoại, NXB Nam Cường, Sài Gòn, 1951, trang 32).

Tháng 1-1914, sau 6 năm thọ án, Trương Bá Huy được thả về (cùng một lượt với Trần Cao Vân, Lê Bá Trinh, Lê Ngung, Nguyễn Hổ Khê…). Từ Côn Đảo về chưa bao lâu, ông nhận lời mời của Thái Phiên tham gia Việt Nam Quang Phục Hội.

Trong cuộc khởi nghĩa vào ngày 3-5-1916, Trương Bá Huy được phân công chỉ huy đánh phá tỉnh thành Quảng Nam cùng Phan Thành Tài. “Về kế hoạch khởi nghĩa… Quảng Nam: Đỗ Tự, Trương Bá Huy, Phan Thanh Tài… nắm nghĩa quân chiếm đóng tỉnh thành…” (Lâm Quang Thự - Người con Đất Quảng, NXB Đà Nẵng, 2012, trang 751).

Cuộc khởi nghĩa thất bại, nhiều người bị chém, nhiều người bị bắt giam trong các nhà lao, người bị đày ra Côn Đảo. Riêng Lê Cơ, Trương Bá Huy, Lê Bá Trinh… bị đày lên Lao Bảo. “Trong những người bị đày có y sĩ Lê Đình Dương, lý trưởng Lê Cơ, Tú tài Đỗ Tự, Trương Bá Huy, Lâm Nhĩ…” (Lâm Quang Thự sđd, trang 757).

Theo tác giả Nguyễn Quang Thắng (Quảng Nam trong hành trình mở cõi và giữ nước, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2005, trang 471), năm 1918, nhân vụ phản kháng cai ngục đối xử dã man với các tù nhân, Trương Bá Huy bị thảm sát cùng một lần với Lê Cơ, Dương Thưởng, Lê Trọng Đoàn và nhiều tù nhân khác.
Trên bia mộ của ông hiện ở thôn Hương Mỹ (thôn 1), xã Bình Triều, huyện Thăng Bình ghi ông mất ngày 19-10 năm Mậu Ngọ (22-11-1918).

LÊ THÍ
(*) Khoa hoạn: Thi đỗ và làm quan.

;
.
.
.
.
.
.