Người Cơ tu đánh bắt cá

.

Tộc người Cơ tu là cư dân cư ngụ lâu đời trên vùng Trường Sơn hùng vĩ. Nơi họ sinh sống vốn có nhiều sông, suối nên việc khai thác nguồn lợi thủy sản là hoạt động thường xuyên và là một tri thức bản địa giúp người Cơ tu có nguồn thực phẩm dồi dào giúp họ cải thiện bữa ăn gia đình, phục vụ cưới hỏi và lễ hội cộng đồng.

Phụ nữ Cơ tu bắt cá bằng vợt ngoài đời thực (ảnh phải) và trên phù điêu do các nghệ nhân dân gian Cơ tu khắc trên ván thưng của nhà Gươl làng. Ảnh: N.V.S
Phụ nữ Cơ tu bắt cá bằng vợt ngoài đời thực (ảnh phải) và trên phù điêu do các nghệ nhân dân gian Cơ tu khắc trên ván thưng của nhà Gươl làng. Ảnh: N.V.S

Người Cơ tu có hai hình thức đánh bắt thủy sản là đánh bắt cá nhân và đánh bắt tập thể. Hình thức đánh bắt cá nhân khá đa dạng, phong phú với nhiều loại dụng cụ thủ công được người Cơ tu khai thác từ những dây rừng, sợi của cây đủng đỉnh rừng để chế tạo ra những chài, lưới vây, vợt, đến đơm cá được làm từ cây lồ ô, dụ được gắn thanh sắt có mũi nhọn để đâm, và cả dùng ná (pa’nanh) để bắn.

Ông Cơlâu Bh’Lao (73 tuổi), dân tộc Cơ-tu hiện đang sống tại thôn Voòng, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang (Quảng Nam), kể rằng, theo kinh nghiệm, người Cơ tu thường dùng hình thức đánh bắt cá nhân này vào mùa xuân, là lúc cá sinh sản, ban đêm chỉ cần đốt đuốc sáng thì có thể bắt được nhiều cá một cách dễ dàng.

Tương tự như vậy, bà con săn bắt ếch, nhái bằng cách thắp đuốc sáng vào ban đêm ở những thác suối sâu trong rừng. Thời điểm săn bắt là cuối mùa đông, đầu mùa xuân; lúc này ếch, nhái đang vào mùa sinh sản nên dễ bắt.

Trên cơ sở tìm hiểu địa hình, dòng chảy của sông, suối đánh bắt và đặc điểm sinh học của từng loài thủy sản mà người Cơ tu dùng các loại dụng cụ đó cho phù hợp. Ngoài ra, bà con còn đặt đơm (a’ruung) ngược dòng những con sông có nhiều thác, ghềnh, đến những con suối chảy siết để cá bơi theo dòng nước xuống mắc vào đơm.

Đối với hình thức đánh bắt tập thể, người Cơ tu tiến hành vào mùa khô khoảng tháng 3 đến tháng 6, lúc này sông, suối cạn nước. Vào những dịp cưới hỏi, lễ hội truyền thống của cộng đồng, thanh niên nam nữ cả làng rủ nhau đi đánh cá. Số lượng đông, cả khúc sông, suối bị khuấy động làm cho nước đục, cá trú trong các hốc, hang thấy động chạy ra, chỉ cần dùng vợt để sẵn là cá tự chui vào.

Một kỹ thuật đánh bắt khác của người Cơ tu cũng xuất phát từ kinh nghiệm mà có, song có thể coi là rất khoa học, bà con gọi là kỹ thuật ngăn dòng (vêêr/hooi). Để thực hiện kỹ thuật bắt này, người Cơ tu chọn những con suối có hai nhánh, họ dùng đá, thân gỗ to chặn ngang, lấy tre cắm xuống dòng và dùng lá cây rừng cùng với đất đắp kín theo thân gỗ để ngăn dòng chảy một nhánh, đến khi nước cạn họ bắt cá một cách dễ dàng. Sau khi bắt xong họ tháo nước cho chảy trở lại và tiếp tục ngăn đoạn suối bên kia để tiếp tục công việc của mình.

Theo kinh nghiệm của ông Cơlâu Bh’Lao, dù đánh bắt cá nhân hay đánh bắt cá tập thể và dụng cụ đánh bắt tuy đa dạng nhưng không phải người Cơ-tu nào cũng làm được. Nếu ở những con sông lớn và nước chảy xiết, bà con phải dùng đến chài. Còn ở các vùng dòng sông có mực nước sâu, dòng chảy chậm và có bề mặt rộng, và nhiều khe đá thì dùng lưới thả vây. Đối với khúc con suối có nước chảy xiết, lắm dốc thác thì phải dùng dụ gắn thanh sắt có mũi nhọn, đến ná (pa’nanh).

Vì vậy, muốn đánh được chài, lưới thả vây đến dùng dụ, hay ná, đặt đơm và cả ngăn dòng sông suối để bắt các loại thủy sản thì phải có sức khỏe tốt, bơi lội giỏi và có kinh nghiệm thì mới làm được. Người Cơ tu chỉ bắt những loại cá lớn, còn các loại cá nhỏ hơn thì họ thả lại nhằm tạo môi trường sống cho chúng nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản lần sau đánh bắt.

Ông Cơlâu Bh’Lao cho biết thêm, ngoài những phương pháp đánh bắt truyền thống ra, người Cơ tu vùng núi Quảng Nam còn sử dụng thân những cây cỏ hoang dại mọc trong rừng (achun, tơ băn/xiar), vỏ cây pachac đến các loại dây leo (điêng vít, đhô, tơ ging agóc), loại củ (adếch), loại có thân sống ở những vùng bùn (kni na),... để đánh bắt cá.

Khi muốn đánh bắt cá, bà con giã một trong những loại cây trên rồi đổ xuống một đoạn suối đã được giới hạn, lên đầu nguồn suối đập nát vỏ pachac hòa vào trong nước, nước chảy đến đâu thì chỉ trong thời gian ngắn, tất cả các loại cá, tôm thấm chất này sẽ say rồi dính vào lưới được giăng sẵn; ngay cả ếch, nhái, cua cũng nổi ngoi lên mặt nước để người dân bắt.

Tuy nhiên, khi sử dụng vỏ cây pachac cần canh đúng liều lượng vừa đủ thì các loài loại cá chép, cá bống, cá trèn, cá liên, cá trôi, cá trắng, tôm, v.v… bị say nổi lên, và họ dùng vợt là có thể bắt dễ dàng. Còn những loài cá leo, cá chình, cá tràu... sẽ chui dưới bùn để sống sót. Phương pháp khai thác này khá đơn giản nhưng đạt hiệu quả cao, lại không tận diệt nguồn lợi thủy sản.

Ngày nay, môi trường sống của người Cơ tu thay đổi. Nhưng tri thức địa phương trong đó có hoạt động đánh bắt thủy sản là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống của người Cơ tu, cần được gìn giữ, lưu truyền.

Nguyễn Văn Sơn


 

;
;
.
.
.
.
.