Làng Phiếm Ái thuộc tổng Đức Hòa Thượng, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam (nay thuộc xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) là một trong những làng được thành lập khá sớm ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Mộ ông Phan Văn Nguyên đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh. |
Năm 1553, Tiến sĩ Dương Văn An đã nhắc đến tên làng Phiếm Ái trong tác phẩm Ô Châu cận lục. Chính tại làng quê cổ kính này, năm Ất Hợi (1775), ông Phan Văn Nguyên đã được sinh ra trong một gia đình gia giáo, có truyền thống hiếu học. Ông thuộc phái Nhất, đời thứ 5 của họ Phan (có gốc từ tỉnh Ninh Bình).
Người được hậu thế vinh danh, lập bia đá
Lúc thiếu thời, Phan Văn Nguyên rất chú tâm đèn sách, ngày đêm miệt mài kinh sử. Ông cũng là người sớm bộc lộ khả năng tổ chức, quản lý việc nhà, việc thôn xóm. Những khả năng đó đã giúp ông sớm bước vào hàng ngũ quan lại của triều đình Nguyễn và xác lập được vị thế trong chốn quan trường khi tuổi đời còn khá trẻ.
Trong suốt thời gian 35 năm làm quan, từ năm Gia Long thứ 2 (1803) đến Minh Mạng thứ 18 (1838), Phan Văn Nguyên được nhà vua và triều đình tín cẩn giao nhiều chức vụ quan trọng và có đến 12 lần được ban chiếu, chỉ.
Tháng 12 năm Gia Long thứ 17 (1817), vua Gia Long có chỉ khen ngợi ông: “Thông việc giấy tờ, tính toán, lại sớm có công lao” và đặc chuẩn cho ông làm chức Cai án, tước Kế Thiện Bá trong Nghiêm Vũ Vệ, cùng với quan Chính, Phó của Vệ (một đơn vị quân đội nhà Nguyễn) phụng giữ bạ tịch (giấy tờ) trong Vệ.
Năm Minh Mạng nguyên niên (1820), ông được phong làm Thiêm sự Công Bộ, tham biên công việc Vũ Khố và được nhà vua đặc chuẩn cho theo Tham tri Bộ Binh Phương Chính kiểm tra lưu trữ trong các kho: Kim ngân (vàng bạc), Đoạn thất, Bố bạch (gấm lụa, vải vóc), Khí vật (kho vật dụng) - “đây là những tài sản quan trọng của quốc gia” như lời căn dặn của vua khi giao việc cho ông.
Năm Minh Mạng thứ hai (1821), ông được phong tước Kế Thiện Hầu. Theo hệ thống tước hiệu phong kiến, tước Hầu chỉ dưới các tước: Vương, Công và xếp trên các tước: Bá, Tử, Nam. Dưới triều Nguyễn, rất ít người Quảng Nam được phong tước Hầu (công lao như các danh thần: Nguyễn Văn Thoại, Nguyễn Tường Vân cũng chỉ được phong tước Hầu: Thoại Ngọc Hầu, Nhuận Trạch Hầu). Điều này cho thấy công lao và đóng góp của Phan Văn Nguyên đối với triều Nguyễn và đất nước không hề nhỏ và triều đình cũng đã ghi nhận xứng đáng công lao của ông.
Cũng trong năm 1821, khi nước ta “có việc bang giao lớn”: vua Vạn Tượng cho người đem nhiều vật phẩm sang tặng triều đình Huế; vua Chân Lạp dâng biểu xin nhà Nguyễn sai quan sang bảo hộ nước mình…, Phan Văn Nguyên được Công đồng (Hội đồng Đình thần) sung làm Hữu ngoại Tán sự. Đây có lẽ là một trong số ít người Quảng đầu tiên làm công tác ngoại giao dưới triều Nguyễn.
Đáng chú ý là ngày 18 tháng Giêng năm Minh Mạng thứ sáu (1825), Phan Văn Nguyên được Binh Bộ cử ra Bắc “nhận việc tạo tác Bắc Thành” (“lĩnh tạo tác cục Bắc Thành”), tức quản lý việc xây dựng Bắc Thành (sau này là thành Hà Nội) - một công việc quan trọng của triều đình bấy giờ. Sách Đại Nam thực lục (Quốc sử quán triều Nguyễn), tập II - Đệ nhị kỷ - quyển XXXI, trang 377 (NXB Giáo dục) có chép việc này: “… Lấy Thiêm sự Công bộ là Phan Văn Nguyên làm Thiêm sự Vũ Khố lĩnh Tạo tác cục Bắc Thành”. Đến ngày 12 tháng 8 năm Minh Mạng thứ tám (1827), công việc xây dựng Bắc Thành được hoàn tất, ông được triệu về kinh làm Viên ngoại lang thự Lang trung, thuộc Nội vụ phủ.
Bằng ngày 18 tháng Giêng năm Minh Mạng thứ sáu (1825) của Binh Bộ giao Phan Văn Nguyên công việc “tạo tác Bắc Thành”. |
Năm Minh Mạng thứ 18 (1838), Phan Văn Nguyên được triều đình cho nghỉ hưu tại quê nhà. Ông từ trần vào ngày 19 tháng 5 năm Nhâm Tý (1852), hưởng thọ 78 tuổi. Thi hài được gia tộc an táng tại làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc. Sau ngày đất nước thống nhất (1975), mộ ông được gia tộc di dời lên triền đồi Núi Lở, thôn Đức Hòa, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc.
Năm 1995, Phan Văn Nguyên là một trong các bậc tiền bối hữu công được huyện Đại Lộc vinh danh, lập riêng một bia đá tại Đền Tưởng niệm Trường An. Mới đây, ngày 10-6-2019, UBND tỉnh Quảng Nam có Quyết định số 1693/QĐ-UBND xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với mộ Phan Văn Nguyên.
“Hổ phụ sinh hổ tử”
Sinh thời, Phan Văn Nguyên không chỉ là một vị quan có chức tước cao dưới triều Nguyễn (1802-1945) mà còn là người mô phạm về đức độ. Ông có 3 người vợ, sinh hạ được 14 người con, trong đó có 10 con trai, 4 con gái. Tuy làm quan ở xa nhà nhưng mỗi lần có dịp tiếp xúc với con cái, ông đều hết lòng dạy dỗ, truyền đạt kiến thức. Nhờ đó, phần lớn các con, cháu của ông đều hay chữ và tham gia việc xã hội.
Đáng chú ý là người con trai thứ sáu tên là Phan Trí Hòa học rất giỏi, đỗ Cử nhân khoa Giáp Ngọ (1834), trở thành người đầu tiên của huyện Đại Lộc đỗ Cử nhân (Cử nhân khai khoa), làm quan đến chức Lang trung. Một người cháu nội của ông có tên Phan Thường Chuyết đỗ Cử nhân khoa Kỷ Mão (1879), làm Huấn đạo.
Một người con gái của ông tên là Phan Thị Thục (Phan Thị Tài), là Tài nhân (Cửu giai tài nhân) của vua Thiệu Trị (1841-1847) và là thân mẫu của Hoàng tử Nguyễn Phúc Hồng Sâm (con thứ 14 của vua Thiệu Trị, mất sớm). Năm Quý Mão (1843), khi về thăm quê hương, bà Phan Thị Thục có tặng cho làng Phiếm Ái một thanh bảo kiếm (đã bị thất lạc) và một bàn án (bàn thờ chính tẩm) - di vật này hiện còn lưu giữ tại Đình làng Phiếm Ái, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc.
Phan Văn Nguyên còn có người cháu nội rể là Cử nhân Nguyễn Hữu Quân, chồng bà Phan Thị Tú (con gái ông Phan Văn Thi, anh Cử nhân Phan Trí Hòa). Ông Nguyễn Hữu Quân người làng Phước Yên, xã Đại An, huyện Đại Lộc. Năm 1872, khi đang giữ chức Giáo thụ kiêm Nhiếp biện công vụ phủ Nam Sách, tỉnh Hải Dương, tuy là quan văn song ông vẫn đích thân chỉ huy binh lính giữ thành, đánh trả quyết liệt giặc Tàu Ô để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc và đã anh dũng hy sinh.
Vân Trình