Nghệ nhân làm lọng cuối cùng ở Duy Xuyên

.

“Duy Xuyên tơ lụa mỹ miều/ Buổi mai mắc cửi chiều chiều tơ giăng”, nhưng ít ai biết nơi này còn có một nghề khá độc đáo, đó là nghề làm lọng.

Cố nghệ nhân Nguyễn Quang Thiện bên chiếc lọng vừa mới tạo hình (ảnh trên) và chiếc lọng đã hoàn thành. Ảnh: N.T.T
Cố nghệ nhân Nguyễn Quang Thiện bên chiếc lọng vừa mới tạo hình. Ảnh: N.T.T

Nghề làm lọng ở Duy Xuyên ngày nay hầu như đã thất truyền. Nhu cầu xã hội về lọng ngày càng ít, còn chăng người ta chỉ dùng lọng để trang trí bàn thờ ở các đình chùa, nhà thờ... Nghệ nhân cuối cùng làm lọng của đất Duy Xuyên là ông Nguyễn Quang Thiện (1933-2017), người làng Mỹ Xuyên, thị trấn Nam Phước.

Gia đình ông Thiện có truyền thống làm nghề thủ công từ lâu đời. Lúc tôi gặp ông cách đây nhiều năm, trong căn nhà ngói ba gian, ngoài gian giữa thờ ông bà tổ tiên, không gian còn lại ông bày nào lọng, nào trống, nào lốp xe cũ, gỗ, da thú… Thấy tôi có vẻ tò mò muốn biết ông học ở đâu mà làm được nghề này, ông cười: “Không thầy đố mày làm nên, tôi học từ ông nội và cha tôi hết đó!”.

Gia đình ông Thiện nhiều đời làm lọng, cha truyền con nối, đến ông là đời thứ năm. Học nghề làm lọng với cha từ năm 10 tuổi, vừa học chữ vừa học nghề, nhờ đầu óc sáng suốt cộng với lòng đam mê và chút khéo tay, ông nhanh chóng tiếp thu được kỹ thuật của nghề, tuy vậy cũng phải trải qua nhiều vất vả, sai sót. Khi hơn 20 tuổi ông có tay nghề vững vàng.

Để hoàn chỉnh một cái lọng phải mất từ 12 đến 15 ngày miệt mài làm việc với nhiều công đoạn tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên nhẫn, lòng đam mê. Đầu tiên, phải tìm chọn những cây tre đực thẳng, phơi khô đánh bóng, làm thân lọng. Tiếp đến chọn lấy một khúc gỗ mít tiện thành hình khối có đường kính 10cm, rỗng ruột, trên đầu xẻ ra 46 hoặc 48 đường sâu, không được số lẻ. Tiếp theo là cây chống được làm từ những nan tre, xếp xen kẽ dài ngắn vào khối gỗ mít ở trên, khối gỗ này di động một khoảng nhất định trên thân lọng, có tác dụng làm cho lọng giương lên hay xếp lại dễ dàng.

Khoan lỗ trên những nan tre là công đoạn cũng rất khó khăn, đòi hỏi kỹ thuật cao. Để lỗ khoan đều đặn, người thợ phải có sức khỏe tốt để điều khiển đôi tay - vì lúc bấy giờ chưa có dụng cụ khoan điện như ngày nay. Sau một ngày khoan như vậy, tối đến ông Thiện phải cầm trên tay một vắt cơm nóng, để cái nóng của cơm làm dịu đi những cơ gân căng nhức.

Sau nữa là cây sườn, cũng giống như cây chống nhưng dài hơn và được uốn cong một đầu, có 8 lỗ mạng và 1 lỗ cuối để kết nối với cây chống. Sau khi lắp ráp xong thành hình giống chiếc dù, bán kính của khung lồng là 1,05m để thuận lợi cho việc phủ áo lọng lên trên.

Chiếc lọng đã hoàn thành. Ảnh: N.T.T
Chiếc lọng đã hoàn thành. Ảnh: N.T.T

Công đoạn khó nhất và tạo nên giá trị thật sự cho cây lọng là phần thêu. Đến công đoạn này người thợ phải chọn được 7 màu len phù hợp để phối màu. Kỹ năng của người thợ làm lọng là ở đây, từ khi bắt đầu làm thì vận dụng sức lực, đến khi thêu lọng thì đòi hỏi đôi tay phải mềm mại, khéo léo để có đường kim mũi chỉ đều, nhuyễn, đẹp.

Lọng chia làm 5 tầng, đầu tiên là giăng kiên, đan lên xuống qua lại nhiều lần theo một quy luật để định hình. Tiếp theo là đan chéo hạt cườm với màu len nổi bật rực rỡ. Phần đan lát chả đòi hỏi sự khéo léo, người thợ phải có kỹ thuật điêu luyện. Lát chả đan thành hình chữ nhật rõ ràng và đều nhau, phải biết phối màu len hài hòa để tránh sự cầu kỳ và giữ sắc thái trang trọng. Ngoài ra, giao điểm của cây chống và cây sườn được đan thành hình mạng nhện một cách tỉ mỉ, không được sai sót. Mạng nhện phải kín, tránh để lộ những giao điểm giữa chống và sườn, đồng thời làm cho cây lọng khi giương lên căng cứng và thẳng góc với thân lọng.

Ngoài những công đoạn chính, còn có những công đoạn phụ như phủ áo, làm bóng, quét sơn cũng theo một trình tự chặt chẽ, đảm bảo có được cây lọng đẹp, đáp ứng yêu cầu đẹp, bền, chắc. Mỗi cây lọng hoàn chỉnh là một tác phẩm nghệ thuật của nghệ nhân làm lọng.

Tiếng tăm của nghề làm lọng ở làng Mỹ Xuyên ngày càng vang xa, đến tận kinh đô Huế. Từ đời ông nội ông Thiện trở về trước đã làm lọng theo đơn đặt hàng ngoài Huế. Đối với quê nhà, năm 2011, khi ngôi đình Tiền hiền của làng Mỹ Xuyên - nơi đang lưu giữ 32 đạo sắc phong quý hiếm được trùng tu, ông Thiện giương (*) tặng một cặp lọng mừng.

Hiện gia đình ông còn giữ cây lọng cuối cùng làm kỷ niệm cho một đời gắn bó với nghề. Cây lọng mang bóng dáng của một thuở tiền nhân đã mang sự khéo léo của mình thổi vào từng chi tiết, từng mũi chỉ đường kim để làm nên bóng mát.

Chúng tôi đến thăm ông vào một chiều cuối thu, khi ông đang tỉ mẩn làm khung một cặp lọng cho nghệ nhân Tư Châu - một người Đà Nẵng được phong tặng Nghệ nhân Dân gian ở tuổi 104 - để cung tiến cho đền thờ tổ nghề Nhạc, mới thấy được lòng đam mê công việc của người thợ làm lọng cuối cùng trên đất Duy Xuyên.

Năm tháng qua đi theo thời gian, tất cả trôi về quá khứ, cái lọng dần dần biến mất khỏi đời sống. Hơn tám mươi năm tuổi đời, bảy mươi năm nghề, bàn tay tài hoa của ông Thiện đã làm không biết bao nhiêu lọng, và không biết bao lần ông cố níu giữ giá trị truyền thống, một nét đẹp văn hóa của dân tộc đang bị lãng quên.

Cuối năm 2017, nghệ nhân làm lọng cuối cùng đất Duy Xuyên đã về với thế giới của những người hiền. Nhưng tác phẩm của ông vẫn còn lưu giữ đâu đó, chẳng hạn khi diễn ra Lệ Bà Thu Bồn 12-2 âm lịch hằng năm, chiếc lọng vàng uy nghiêm, sang trọng lại xuất hiện trong đoàn rước kiệu - một hình ảnh đã đi sâu vào đời sống tâm linh dân gian của người Việt…

Nguyễn Thị Tuyết

(*) Từ địa phương chỉ việc mở, căng lọng ra hết cỡ và đưa lên cao.
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.