Trúc thượng Càn sơn tàng hổ bái/ Bào trung Tốn hướng phục long triều. Câu đối xưa nói đến vị thế của một ngôi đình có tên là Trước Bàu, hiện tọa lạc ở thôn Trước Đông, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Có lẽ chỉ có những vị cao niên của làng Trước Bàu mới cắt nghĩa rành rẽ câu đối chữ Hán phảng phất dấu ấn của thuật phong thủy này.
Đình Trước Bàu tọa lạc trên một gò đất khang trang, cao ráo. Ảnh: V.T.L |
Từ tam quan đi lên dốc dài chừng 30m, thoai thoải cao, lên 9 bậc cấp là tới bình phong rồi qua sân đình. Từ đây nhìn xuống cánh đồng lúa chín vàng phía dưới, cụ Nguyễn Nguyện, một vị cao niên thôn Trước Đông, nói làng quê mình có một thế đất rất kỳ lạ. Ba mặt giáp núi, ngọn núi phía Tây Bắc giăng đầy các loại tre, trúc. Riêng phía Đông Nam giáp một bàu nước dài khoảng 20 sải tay được che chắn vững chãi bởi hai lũy tre kín mít. Ngày trước có hai vị họ Lưu và họ Ngô đến nơi này, thấy thế bèn quyết định dừng chân khai sơn mở đất, dựng ấp lập làng, đặt tên đất là “Bàu Tre”. Về sau, khi thành lập xã hiệu, tên gọi dân gian đã được thay bằng một danh xưng hành chính văn vẻ hơn theo chữ Hán là “Trúc Bào”, được đọc trại thành Trước Bàu.
Về sau, một chàng trai trong làng tên là Mạc Lự cất công đi các nơi học nghề địa lý, lúc quay về đã tán tụng cảnh sắc quê nhà bằng câu đối: Trúc thượng Càn sơn tàng hổ bái/ Bào trung Tốn hướng phục long triều. Tạm dịch: Rừng trúc núi Càn che hổ vái/ Nước bàu hướng Tốn ẩn rồng chầu. Cụ Nguyện cho biết, chữ đầu của hai vế đối ghép lại thành tên làng. Đất quê cụ được cho là hợp phong thủy, “tả thanh long, hữu bạch hổ”. Bên trái hướng Đông Nam (Tốn) có rồng chầu. Bên phải hướng Tây Bắc (Càn) có hổ vái.
Cụ Nguyện nhỏ hơn người anh ruột của mình là cụ Nhứt đúng 3 tuổi, cả hai là những người cao tuổi nhất ở thôn Trước Đông. Tuổi thơ hai anh em cụ buộc chặt vào những chuỗi ngày cơ cực của một giai đoạn lịch sử dân tộc. Ngày đó, người dân cả vùng đất nằm phía Tây núi Phước Tường phần lớn một nắng hai sương trên đồng ruộng, nhiều người suốt đời cũng chỉ hai tay vun lỗ miệng, một số ít có của nả thì đi buôn, một số xuống Đà Nẵng làm công nhân (ngày đó gọi là cu-li) hoặc lên Bà Nà làm thuê cho Pháp, khi họ mở khu nghỉ dưỡng cho công chức Pháp trên đỉnh núi cao nhất Đà Nẵng.
Không ít người vì kế sinh nhai đã dấn thân vào chốn rừng thiêng nước độc, có ngày đi mà không có ngày về. Cơ cực là thế, nhưng mảnh đất khắc nghiệt này lại sản sinh, nuôi dưỡng nhiều tài năng góp phần làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Ở buổi giao thời giữa chữ Nho và chữ Quốc ngữ, nhiều người trong vùng học luôn một lúc cả hai thứ chữ với suy nghĩ “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc, chữ chi rồi cũng giúp ích cho đời được hết”. Ở làng Trúc Bàu, cùng thời với anh em cụ Nguyện, nhiều người giỏi cả Hán văn lẫn tân học.
Hơn thế kỷ trước, làng thấy thế đất nơi này quá “đẹp” nên chuyển đình về vị trí hiện nay. Ông Tú Huýnh - một sĩ phu Bắc Hà giỏi thuật phong thủy - nói rằng cuộc đất này sẽ làm cho con cháu trong làng hanh thông hơn. Cụ Nguyện nói, chuyện đó hư thực như thế nào cũng chỉ là truyền khẩu. Có điều, từ đấy, trong làng xuất hiện nhiều gia đình, nhiều người con hiếu học.
Gia phả tộc Nguyễn Phước làng Trước Bàu do PGS. TS Nguyễn Bảo Hoàng Thanh, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng, chủ công biên soạn vào năm 2022, ghi chép nhiều nhân vật nổi tiếng của dòng họ.
Ông Nguyễn Văn Hoành (sinh năm 1912) thông thạo Hán văn, về sau theo tân học, nói thông viết thạo cả tiếng Pháp, một thời là giáo học Trường Tiểu học An Phước huyện Hòa Vang (thành lập năm 1908). Tháng 8-1945, ông làm Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến xã Hòa Phú. Trong giai đoạn lịch sử khó khăn, để để tránh sự chết chóc oan uổng của đồng bào dưới sự hà khắc của thực dân Pháp, ông phải ra làm Chánh tổng tổng Phước Tường.
Ông Nguyễn Hoáng (sinh năm 1914) học Hán văn, rồi tân học ở Trung học Pellerin (Bình Linh) tại Huế, đỗ bằng Thành chung (D.E.P.S.I – Diplôme d’Etude Primaire Supérieur Indigène, Cao đẳng Tiểu học). Thời trai trẻ trong cùng một năm ông đỗ cả 3 kỳ thi ra ngành chuyên môn Lục sự, Thừa phái và Tư học. Cuối cùng ông chọn ngành Lục sự tòa án. Thời Nam triều, ông đỗ Thư ký Lục sự Tòa án (Secrétaire Greffier). Ông từng làm thư ký Lục sự ở huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.
Cụ Nguyễn Nguyện (trái) lúc sinh thời luôn mơ ước con cháu Trước Bàu sẽ làm được những điều mà cha ông ngày trước kỳ vọng. Ảnh: V.T.L |
Ông Nguyễn Văn Huy (sinh năm 1916) học Hán văn với ông Hương Ba người làng Cẩm Toại, nổi tiếng viết chữ Hán đẹp nhất trường, sau chuyển qua tân học, đỗ bằng Thành chung. Ông vừa đi làm, vừa tiếp tục học lên. Sau khi đỗ Tú tài toàn phần, ông làm câu đối mừng cảnh sắc quê nhà, trong đó hai chữ đầu mỗi vế đối vẫn là tên làng: Bào thủy nguyên trường xuân thọ tú/ Trúc sơn địa thắng phước tinh huy.
Ông Nguyễn Công Trợ (sinh năm 1928), lúc nhỏ học Trường Tiểu học An Phước, sau thi đậu vào Trường Quốc học Huế. Sau khi đỗ cử nhân văn khoa, ông tham gia công tác ngành giáo dục, nhiều lần được cử làm Phó Chủ khảo các kỳ thi Tú tài bán phần, toàn phần. Ông sáng tác nhiều bài thơ hay, trong đó có bài “Viếng cảnh Ngũ Hành Sơn” sáng tác từ năm 1956, đến nay còn được truyền tụng.
Riêng ông Nguyễn Văn Hoành có hai người con trai nối nghiệp nhà. Ông Nguyễn Đăng Trừng, tốt nghiệp Cử nhân Luật khoa. Khi ông làm Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, sinh viên tặng ông biệt hiệu “Con người thép”, bởi ông dáng người tuy gầy ốm, nhưng cương quyết, dũng cảm; từng bị chính quyền Sài Gòn kết án 10 năm khiếm diện (vắng mặt) vì đấu tranh chống Mỹ-Thiệu, đòi hòa bình. Năm 1995 ông là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh. Em kế ông Trừng là Phó tiến sĩ kinh tế tổng hợp Nguyễn Đăng Liêm, từng là nhà báo với bút danh Nguyễn Trương, được mời dạy ở Đại học Tổng hợp và Đại học Mở tại Thành phố Hồ Chí Minh.
“Con hơn cha, nhà có phúc”, cụ Nguyện tin rằng, trên vùng đất có thế “đẹp” từng mang tên Bàu Tre này, con cháu đời sau sẽ làm được những điều mà cha ông ngày trước kỳ vọng...
VĂN THÀNH LÊ